Hiện trạng nghiên cứu biển Đông
Trong khi giới học thuật Trung Quốc đã chuẩn bị một chiến lược nghiên cứu cơ bản dài hơi về biển Đông bằng việc đào tạo các chuyên gia nghiên cứu biển vài ba chục năm trở lại đây, thì Việt Nam do nhiều điều kiện và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, dường như đến giờ mới “tự mở cửa” cho chính mình. Và mặc dù đã được khai phóng tự do trong nghiên cứu học thuật, đã được đầu tư ở nhiều chỗ, song từ góc độ quản lý khoa học, các học giả ở Việt Nam hiện vẫn đang phải tự xoay xở trong những điều kiện khác nhau. Bài viết này là một lược sử diễn giải tình hình nghiên cứu Biển Đông thuộc phạm vi của khoa học xã hội và nhân văn
Một góc huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh Ảnh: Lê Xuân Hùng
Diện tích nước ta bao gồm cả hai phần lãnh thổ và lãnh hải. Diện tích Biển Đông chiếm một tỷ lệ áp đảo so với đất liền. Nhưng các mối quan tâm của nhà nước và giới nghiên cứu tỏ ra tương đối rời rạc, nếu không muốn nói là nhiều khi bị lãng quên, hoặc cố tình quên lãng.
Để lược thuật được tình hình nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam, bài viết này khảo sát trên dưới 12002 công bố khoa học (chủ yếu bằng tiếng Việt), đã công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và các ấn phẩm (phần lớn là chuyên luận) được phát hành trong nước khoảng 40 năm trở lại đây (từ những năm 1970 đến 2014). Tiêu chí thống kê bao gồm: (1) đầu mục bài nghiên cứu, hoặc chuyên luận nghiên cứu; (2) Các lần xuất bản, công bố (tính cả trường hợp được tái bản).
Một ví dụ tiêu biểu như sau: “Phạm Hoàng Quân. 2008. Tây Sa và Nam Sa trong sử liệu Trung Quốc. Báo Tuổi trẻ, ngày 5/1/2008, tb. 2012. Tạp chí Nghiên cứu Phát triển – Viện NC Phát triển TP.HCM. số 1/2012. tb. 2014a. Trong “Hoàng Sa- Trường Sa: nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc”. Nxb. Văn hóa Văn nghệ. Tp.HCM. tr.7-15”. Đây là một đơn vị điển hình cho mẫu khảo sát. Bài nghiên cứu này được công bố 3 lần ở 3 năm khác nhau (2008, 2012, và 2014) với các mức độ chỉnh sửa, bổ sung khác nhau, được công bố ở 3 kênh xuất bản (báo chí, tạp chí, và chuyên luận). Như thế, bài nhiên cứu này sẽ đồng thời được thống kê ở cả ba năm. Mặt khác, nếu là chuyên luận của một tác giả (một người viết) thì sẽ tương đương với 1 đơn vị; nếu là một tuyển tập bài viết thì các bài viết khác nhau ấy cũng được coi là một đơn vị (như trường hợp các công bố của Phạm Hoàng Quân trong ví dụ trên). Thêm nữa, nếu một chuyên luận được cấu thành từ các chương do nhiều tác giả khác nhau viết, thì mỗi chương sẽ tương ứng với một đơn vị thống kê. Về thời gian khảo sát, chúng tôi chia làm bốn giai đoạn, gồm (1) từ 1970 đến 1975, (2) giai đoạn từ 1980 đến 1984, (3) giai đoạn 1992 đến 1994, (4) giai đoạn từ 2010 đến 2014). Kết quả cụ thể được biểu diễn như biểu chỉ số công bố dưới đây.
Biểu Đồ 1: Số lượng công bố khoa học trong nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam.
Biểu đồ trên cho thấy một hiện trường hiển minh về công bố khoa học trong nghiên cứu Biển Đông. Nếu so sánh công bố về toàn bộ Biển Đông của Việt Nam với các công bố khoa học của Trung Quốc qua 1 từ khóa “Nam Sa” trên CNKI thì có thể thấy sự chênh lệch rõ ràng3 (Xem ảnh 1). Sự chênh lệch này là do nhiều yếu tố. Song nhìn vào tốc độ công bố thì Trung Quốc đã chạy đua trên mặt trận học thuật bắt đầu từ sau sự kiện 1974, và những công bố có hệ thống đầu tiên đã ra hoa kết trái từ thập niên 1980. Việt Nam thì không giống vậy.
Ảnh 1: Thống kê các bài nghiên cứu về Nam Sa của Trung Quốc qua trang CNKI (cập nhật ngày 12/08/2016). Tổng số kết quả tìm được: 80089.
Biển Đông ở Việt Nam có thể chia làm hai giai đoạn chính: (1) Giai đoạn từ thập niên 1990 trở về trước; (2) Giai đoạn từ 2010 trở lại đây. Xin phân tích cụ thể như sau.
Giai đoạn từ thập niên 1990 trở về trước
Đó là giai đoạn gần như không có một chủ trương cởi mở, công khai nào trong việc nghiên cứu biển Đông. Các công bố xuất hiện một cách ngẫu nhiên, chủ yếu thuộc phạm vi khảo cổ học biển đảo và một vài bài lẻ tẻ về lịch sử văn hóa.
Trước tiên là nửa đầu thập niên 1970, hầu như không có công bố. Năm 1972, chỉ có 1 công bố của một học giả quốc tế, đó là bài “Les Portugais sur les Côtes du Viet-Nam et du Campá. Étude sur les routes maritimes et les relations commerciales d’après les sources Portugaises (XVIè, XVIIè, XVIIIè siècles)” đăng tải trên EFEO (Paris) của Pierre Yves Manguin (1972), bài này đã từng được dịch sang tiếng Việt dưới dạng bản dịch lưu hành nội bộ của Khoa Sử (Đại học Tổng hợp Hà Nội). Năm 1975 có số lượng công bố tăng vọt với “Đặc khảo Hoàng Sa” trên tạp chí Sử Địa và cuốn “White Paper on the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratley)” của Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn, đó là do cú huých của sự kiện Hoàng Sa năm 197. Nhưng hầu như kết quả của những nghiên cứu này không được đề cập đến, mãi cho đến cuộc bảo vệ Luận án chính thức của Nguyễn Nhã (2002) tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh4, và được nhắc lại “tên miền” trên Tạp chí Xưa & Nay năm 2014 với sự bổ sung, gia nhập chính thức của các sử gia hàng đầu của Việt Nam đương đại.
Vài ba cuốn sách đáng kể về Biển Đông được xuất bản trong giai đoạn này là “Sách trắng về Biển Đông” của Bộ Ngoại Giao5, “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam” của nhà xuất bản Sự thật năm 1982, với chú thích “Các tài liệu lịch sử chứng minh hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; Bác bỏ luận điệu xuyên tạc của nhà cầm quyền Bắc Kinh”. Có thể ngầm hiểu rằng, các cuốn sách này được ra đời trong dư chấn của chiến tranh Biên Giới năm 1979. Phát ngôn chính thức về mặt xuất bản phẩm này là tranh biện của nhà nước trên phương diện ngoại giao, mà không thấy một khuôn mặt học giả nào. Họ có thể đứng đằng sau, hoặc hoạt động bí mật hoặc rơi vào tình trạng vô danh dưới cái tên tập thể. Điều này có nghĩa là, gần như không có các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp được hoạt động một cách công khai trong bối cảnh thời bấy giờ.
Sự kiện sau đó năm 1988, khi Trung Quốc đánh chiếm Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Subi, cũng không thúc đẩy thêm một bước tiến nào trong nghiên cứu Biển Đông. Nhà nước cũng xuất bản một tài liệu ngoại giao là “Sách trắng Bộ Ngoại giao Việt Nam” (1988). Các tư liệu công bố cho thấy, cả một giai đoạn dài từ năm 1975 đến 1980-1990 đều là sự lên tiếng tuyên bố của chính quyền trên các diễn đàn ngoại giao. Còn các nhà nghiên cứu vẫn nằm lẩn khuất đâu đó, với những công bố cực kỳ hạn chế.
Có thể nói giai đoạn 1970 – 1990 là giai đoạn mà nghiên cứu Biển Đông bị lãng quên, hoặc hoạt động không công khai, và có lẽ cả không chiến lược? Nên các công bố chỉ là các nghiên cứu ngẫu nghiên, lẻ tẻ, không hệ thống. Cả hệ thống giáo dục các cấp, từ phổ thông cho đến các đào tạo chuyên gia (Đại học và sau Đại học) về lĩnh vực này cũng đều mờ nhạt. Nhà nước lĩnh vai trò tuyên truyền giáo dục, thực hiện đấu tranh đơn độc trên mặt trận ngoại giao, gần như không cần đến các nghiên cứu khoa học chuyên biệt của giới học thuật?
Giai đoạn từ năm 2000 đến nay
Qua Biểu đồ 1 có thể thấy rõ, chưa bao giờ số lượng công bố về nghiên cứu Biển Đông lại bùng nổ đến vậy. Có ba lý do chính như sau:
(1) Sự cởi mở trong chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu và công bố của Đảng và Nhà nước;
(2) Các nhóm nghiên cứu chuyên sâu như nhóm Thương mại biển của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm văn hóa biển, nhân học biển (tiêu biểu như Phan Thị Yến Tuyết6, Trần Ngọc Thêm,… thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), nhóm nghiên cứu tín ngưỡng biển (như Trần Thị An7, Nguyễn Thanh Lợi, hay Viện Nghiên cứu Văn hóa…) sau một thời gian tích lũy và tự đào tạo nghiên cứu đã bắt đầu có những công bố mang tính hệ thống;
(3) Tác động từ bối cảnh chính trị Biển Đông, khi năm 2009, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đệ trình bản đồ chữ U (đường đứt khúc 9 đoạn) lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về ranh giới thềm lục địa (CLCS).
Nhân tố cuối cùng có thể nói là tác động quan trọng nhất, dẫn đến việc nghiên cứu Biển Đông trở thành một nhiệm cụ cấp bách có tính thời sự nóng hổi. Các cơ quan nghiên cứu Biển Đông được thành lập ở nhiều nơi trong hệ thống các Viện nghiên cứu, các Trường đại học, như Trung tâm nghiên cứu Biển Đông (thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, VASS), Trung tâm nghiên cứu Biển và Đảo (thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh),…
Các đề tài dự án cũng được dịp bung nở, nhiệm vụ khoa học cũng có thể giao cho bất kỳ ai, miễn là được nhà nước coi là có chức danh khoa học, có chân trong một cơ quan khoa học của nhà nước. Tuy nhiên, số lượng các chuyên gia bài bản, chuyên nhất về Biển đảo như Nguyễn Nhã, Nguyễn Hồng Thao, Hoàng Anh Tuấn,… là tương đối ít ỏi; còn chủ yếu vẫn là các nhà nghiên cứu “thuyên chuyển chuyên môn”- như người viết bài này là một ví dụ. Nhà quản lý có thể nghĩ rằng, một nhà nghiên cứu bất kỳ có chuyên môn về tiếng Hoa, về Hán học, hay lịch sử- văn hóa nói chung đều có thể trở thành một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông? Điều đó rõ ràng là có thể, bởi khi quốc gia hữu sự trí thức ai cũng có tinh thần tự nhiệm, và có thể xoay xở bằng kỹ năng vốn có của mình. Vì thế các đề tài dự án, các viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu hiện vẫn chỉ đang là thực hiện các nhiệm vụ khoa học trước mắt, mang tính thời sự nóng hổi, như đấu tranh chủ quyền (luật biển), nghiên cứu kinh tế biển, thương mại biển … chứ chưa thấy một chiến lược tổng thể mang tính vỹ mô để thúc đẩy tất cả các chuyên ngành khác nhau trong nghiên cứu Biển Đông.
Đã đến lúc, trên cơ sở chiến lược nghiên cứu biển Đông của Nhà nước, các nhà nghiên cứu phải cùng ngồi lại với nhau để phác thảo nên một lộ trình nghiên cứu dài hơi và tổng thể về Biển Đông; cần phân định rõ các đối tượng trước mắt, các nhiệm vụ lâu dài; với những quy hoạch tổng thể về các phân ngành chuyên biệt trong nghiên cứu biển Đông, để chuyên ngành này có thể phát triển trong vòng 30 đến 50 năm tới, để tránh tình trạng luôn luôn phải ứng phó với những tình huống không lường trước. Đấu tranh trên lĩnh vực học thuật là một nhiệm vụ, tư vấn chính sách cho Nhà nước về lộ trình công việc cũng là một nhiệm vụ không thể không nghĩ đến.
———————
Chú thích:
1 Xin lưu ý bài viết hoàn toàn mang ý kiến cá nhân, để cùng nhau thảo luận. Không phải mọi ý kiến trong bài này đều mang tính quan phương, mà chỉ là những nguyện vọng của một người mới bắt đầu tìm hiểu vấn đề, khi bắt đầu làm nhiệm vụ.
2Chủ yếu qua Thư mục nghiên cứu Biển Đông (sơ giản), do tôi thực hiện. (tài liệu chưa công bố).
3Riêng vấn đề so sánh này cần phải được nêu chi tiết hơn trong một bài khác.
4Lần đầu tiên ranh giới Bắc- Nam, Ta- Ngụy được xóa bỏ trong một nghiên cứu khoa học?
5Sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa- Trường Sa, được công bố các năm 1979, 1981, 1988. [Nguyen Hong Thao. 2012. Vietnam’s Position on the Sovereignty over the Paracels & Spratlys: Its Maritime Claims. Journal of East Asia and International Law, 5(1). Pp.165-211; bản dịch Tr.23. nghiencuuquocte.net].
6Phan Thị Yến Tuyết. 2012. Đời sống xã hội- kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ. Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
7Trần Thị An. 2012. Hiển thần và tăng quyền-một khảo sát về tục thờ nữ thần biển ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ/ Turning into Goddess and Empowerment – a survey on the tradition of worshipping sea goddess in the North and Northern Central of Vietnam. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Huế). Số 8-9/2012. Tr.122-145.