Học hỏi gì từ kinh nghiệm của Hàn Quốc
Những chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc là bài học đáng để Việt Nam nghiên cứu áp dụng. Nhưng cụ thể như thế nào?
Hàn Quốc có một hệ thống chính sách đa dạng hỗ trợ tài chính cho R&D, từ hỗ trợ trả lương chuyên viên nghiên cứu tới giảm thuế thu nhập, giảm thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ nghiên cứu. Đây là những chính sách hoàn toàn khả thi và khá gần gũi với các chính sách tài chính hỗ trợ cho các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Điều kiện cần đầu tiên có thể làm là Bộ Khoa học & Công nghệ cùng Bộ Tài chính phối hợp xác định rõ các khái niệm cơ bản và chi tiết liên quan tới đầu tư R&D. Mục tiêu đầu tư thế nào là đầu tư cho R&D? Nhân sự làm việc như thế nào là tham gia nghiên cứu R&D? (Bài học từ Hàn Quốc cho thấy bằng cấp cao không quan trọng, báo cáo về sản phẩm thực tiễn mới quan trọng.) Trang thiết bị nhập khẩu như thế nào là phục vụ đầu tư R&D? (Tránh tình huống xe hơi siêu sang cũng được nhập về phục vụ R&D).
Khi có một hệ thống khái niệm minh bạch, rõ ràng về đầu tư R&D, chúng ta có thể bắt đầu xây dựng hệ thống chính sách tài chính hỗ trợ ưu đãi. Hệ thống khái niệm càng rõ ràng thì việc áp dụng càng nhanh chóng, chính xác, giảm thời gian thủ tục hành chính cho cơ quan chức năng lẫn đối tượng thụ hưởng hỗ trợ.
Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ ở đây phải là các doanh nghiệp hoặc các viện, tổ chức nghiên cứu hoạt động theo hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Nguồn vốn đầu tư R&D phải do họ tự huy động thay vì là vốn Nhà nước.
Đối với cơ chế cấp bảo lãnh cho các khoản vay đầu tư R&D
Đây là một chính sách giàu tiềm năng ứng dụng, nhưng nếu muốn xây dựng và áp dụng thành công chúng ta còn nhiều điều phải tìm hiểu.
Thành hay bại của chính sách cấp bảo lãnh cho vay đầu tư R&D, mấu chốt là ở tính nghiêm túc và minh bạch của khâu xét duyệt bảo lãnh.
Quy trình xét duyệt bảo lãnh đòi hỏi chuyên môn về tài chính, khoa học công nghệ, thậm chí cả kinh tế ngành, kinh tế vùng. Cơ quan Nhà nước thực hiện một quy trình phức tạp như vậy đòi hỏi một cẩm nang hoạt động linh hoạt, nhưng không được thiếu tính chính xác, chặt chẽ.
Nếu trách nhiệm cơ quan duyệt bảo lãnh không được quy định chặt chẽ, hoặc hoạt động của cơ quan này không được kiểm toán đầy đủ, thì việc duyệt bảo lãnh biến thành cơ chế xin cho tùy hứng, tạo cơ hội cho tham nhũng phát sinh.
Ngược lại, nếu cơ quan duyệt bảo lãnh vì sợ trách nhiệm mà làm việc quá chặt tay, thì các dự án đầu tư R&D – dù có triển vọng tốt nhưng trong bản chất tự thân đã có tính mạo hiểm – sẽ không có được bảo lãnh, và không huy động được nguồn vốn cần thiết.
Việt Nam cần tìm hiểu giải pháp cụ thể của Hàn Quốc cho những vấn đề này.
Đối với các trung tâm, chương trình nghiên cứu tại các vùng miền
Hàn Quốc lập ra các trung tâm nghiên cứu vùng miền, và các trung tâm cải tiến công nghệ địa phương. Trong khi đó ở Việt Nam chúng ta đã có sẵn là hệ thống các viện nghiên cứu, các trường đại học. Liệu có thể tận dụng những đơn vị này để thực hiện chức năng nghiên cứu vùng miền, cải tiến công nghệ cho địa phương? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần học hỏi mô hình hoạt động các trung tâm của Hàn Quốc, nhưng một trong những tiêu chí cần chú trọng hàng đầu là tính cụ thể.
Các trung tâm nghiên cứu vùng miền phải thường xuyên tự đề ra được mục tiêu cụ thể, và liên tục có sản phẩm thực tiễn cụ thể. Ví dụ, sau những đợt thiên tai không lớn nhưng thiệt hại lại nghiêm trọng, thay vì những lời lẽ tự kiểm điểm chung chung, lẽ ra các địa phương phải rút ra được kinh nghiệm chuyên môn rõ ràng, những điều chỉnh cụ thể về quy hoạch vùng miền. Phải có các trung tâm nghiên cứu vùng miền với ý kiến chuyên môn độc lập, chỉ ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể gửi tới chính quyền và cơ quan chức năng.
Hiện nay ở nước ta, khi một doanh nghiệp nào đó đệ trình hồ sơ một dự án đầu tư nào đó, chính quyền địa phương dựa vào ý kiến chuyên môn từ các Sở hoặc tùy vào quy mô và tính chất dự án mà lấy ý kiến từ các Bộ. Những ý kiến chuyên môn này thiếu góc nhìn chuyên môn độc lập. Trong xã hội có thể nảy sinh một vài ý kiến cá nhân phản biện riêng lẻ, nhưng chừng đó còn chưa đủ. Ngược lại, chúng ta hoàn toàn không thiếu các viện nghiên cứu, và đang quá thừa những dự án nghiên cứu trên giấy. Đây là một lý do nữa khiến chúng ta cần các trung tâm nghiên cứu độc lập với những mục tiêu cụ thể và sản phẩm cụ thể.