Hội đồng khoa học vô hình

Ở các nước có nền khoa học phát triển, mọi nhà nghiên cứu thực thụ đều chịu sự kiềm tỏa của những hội đồng khoa học vô hình.

Nói về công tác nghiệm thu đề tài khoa học được Nhà nước cấp kinh phí, có ý kiến cho rằng không nên quá khắt khe bám theo một số tiêu chí cứng nhắc nào đó. Thậm chí, có quan điểm còn đi xa hơn, cho rằng ngay cả vai trò của các hội đồng xét duyệt, nghiệm thu đề tài là không cần thiết. Quan điểm này dựa trên kinh nghiệm làm các đề tài nghiên cứu được tài trợ bởi các quỹ khoa học nước ngoài của một số nhà khoa học trong nước. Họ thấy rằng mình không hề phải đến báo cáo, nghiệm thu trước bất kỳ một hội đồng khoa học nào.

Tuy nhiên, trong thực tế ở các nước có nền khoa học phát triển, mọi nhà nghiên cứu thực thụ đều chịu sự kiềm tỏa của những hội đồng khoa học vô hình:

Tạp chí khoa học là một dạng hội đồng vô hình rất cụ thể và chính danh. Một cách chính tắc, uy tín của nhà nghiên cứu được căn cứ trên hồ sơ những bài báo công bố trên các tạp chí khoa học. Đối với mọi nhà nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu, uy tín khoa học là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới lượng kinh phí và hợp đồng nghiên cứu có thể nhận được, và uy tín đó nhất thiết phải được xây dựng trên hồ sơ những kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học, với những tiêu chí cụ thể như mức độ danh tiếng của tạp chí, số lượng bài đăng, số lượng trích dẫn.

Tạp chí khoa học càng danh tiếng thì càng cẩn trọng trong việc thẩm định các bài báo được gửi đến. Họ phải chọn ra những nhà khoa học có năng lực và chuyên môn phù hợp để thẩm định và phản biện các bài báo. Điều ấy khiến mỗi tạp chí khoa học có vai trò tự thân như một hội đồng khoa học. Tác giả bài báo có thể không bao giờ có dịp trao đổi, đối diện, hoặc được biết đến những người đánh giá, thẩm định mình, nhưng không có nghĩa là hội đồng không tồn tại.

Văn hóa khoa học là một dạng hội đồng vô hình vừa trừu tượng, vừa phổ biến hơn, len vào mọi ngóc ngách của đời sống khoa học. Trước khi trưởng thành, các nhà nghiên cứu tập sự đều phải sống trong một môi trường học thuật nghiêm túc để tự mình trau dồi một văn hóa khoa học, với những chuẩn mực chung mà người trong giới ai cũng phải tôn trọng. Để rồi văn hóa ấy đi vào từng hơi thở, thấm vào từng hoạt động lớn nhỏ của một nền khoa học phát triển. Dù giữa một hội thảo tập trung các chuyên gia hàng đầu, hay giữa hành lang sảnh đường với một vài đồng nghiệp thân tình, hay ngồi đơn độc trước màn hình máy tính trao đổi email với một người trong giới xa lạ bất kỳ, ở mọi nơi nhà khoa học đều có ý thức rằng uy tín học thuật của mình đang dưới một sự giám sát vô hình theo những chuẩn mực rất rạch ròi, không thể nhập nhèm.

Quay lại với câu chuyện xét duyệt và nghiệm thu đề tài khoa học được cấp kinh phí từ những quỹ khoa học của nước ngoài, chúng ta thấy sở dĩ có thực tế là người nhận kinh phí không hề phải trực tiếp đối diện các hội đồng thẩm định, là vì những người xét duyệt đề tài bằng kinh nghiệm và uy tín khoa học của mình, chỉ cần xem hồ sơ công bố khoa học của tác giả đề tài cùng các thông tin sơ bộ về đề tài đăng ký, đôi khi có thể kèm theo một vài trao đổi ngắn gọn qua email với tác giả đề tài, đã có thể biết được liệu dự kiến mục tiêu, nội dung, và tiến trình nghiên cứu đề tài này có khả thi và phù hợp với các chuẩn mực khoa học hay không.

Môi trường văn hóa khoa học đậm đặc, ý thức về những hội đồng vô hình xung quanh, và sự gắn liền giữa quyền lợi với uy tín khoa học buộc người được mời xét duyệt đề tài phải hết sức cẩn trọng, nghiêm túc trong công việc của mình. Do vậy, có những quỹ khoa học không cần tổ chức nghiệm thu đề tài, bề ngoài tưởng là lỏng lẻo, nhưng thực chất vẫn hết sức chặt chẽ.

Ngược lại, trong một môi trường quốc gia đang phát triển và nền khoa học non trẻ như Việt Nam, nơi uy tín và văn hóa khoa học còn chưa được định hình một cách chính danh, thì việc tổ chức các hội đồng với sự tham gia của những học hàm, học vị hoành tráng, nhiều khi tưởng là chặt chẽ nhưng thực chất lại lỏng lẻo. Dẫn đến tình trạng có những nghiên cứu không rõ có đáp ứng được các chuẩn mực học thuật hay không, cũng không rõ có khả thi hay không, nhưng người ta vẫn khẳng định là Nhà nước nên cấp kinh phí hỗ trợ.

Trong điều kiện như vậy, Việt Nam phải cần đến các hội đồng khoa học xét duyệt và nghiệm thu các chương trình, đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, điều kiện chọn các thành viên hội đồng phải rất cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng yêu cầu có công bố quốc tế trong lĩnh vực liên quan trong thời gian tối thiểu là 3-5 năm trở lại đây. Sản phẩm được nghiệm thu cũng phải được kiểm chứng bằng công bố quốc tế. Với những sản phẩm ứng dụng công nghệ, tốt nhất là kinh phí được trả ít nhất một phần từ chính các địa chỉ sử dụng.

Bên cạnh đó, ngày nay trong bối cảnh internet trở thành một công cụ hữu hiệu giúp các nhà khoa học liên lạc, trao đổi, kiểm chứng thông tin, chúng ta hi vọng rằng những hội đồng khoa học vô hình ở Việt Nam, đặc biệt là văn hóa khoa học, sẽ ngày càng lớn mạnh để phát huy vai trò giám sát, giúp nâng cao đạo đức, nhân cách người làm khoa học, giúp khoa học Việt Nam phát triển ngày một lành mạnh hơn. 

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)