Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 13: Một diễn đàn học thuật quốc tế

Không đơn thuần là một “ngày hội” đến hẹn lại lên theo chu kỳ hai năm, kể từ năm 2013, hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc (Vietnam conference on nuclear science and technology VINANST) đã trở thành một diễn đàn học thuật mở theo tiêu chuẩn quốc tế, nơi nhiều vấn đề của Việt Nam có thể được bàn thảo và đón nhận ý kiến phản biện của các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực hạt nhân.

GS Masaki Saito (Nhật Bản), GS Phạm Duy Hiển và TS. Trần Chí Thành điều hành hội nghị.

Trong vòng ba ngày từ 7 đến 9/8/2019 tại Quảng Ninh, Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 13 (VINANST – 13) do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), Trung tâm quốc tế vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và Sở KH&CN Quảng Ninh phối hợp tổ chức đã mở ra một phạm vi thảo luận rất rộng về những vấn đề thuộc các lĩnh vực chuyên ngành hẹp của năng lượng nguyên tử, từ vật lý thiên văn hạt nhân đến ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội như y tế, công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường…

Học hỏi và áp dụng chuẩn mực quốc tế

Trao đổi bên lề hội nghị lần thứ 13, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết, không phải ngẫu nhiên mà hiện nay ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam có được một hội thảo quốc tế, đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực của những người làm khoa học hạt nhân trong vòng ít nhất 6, 7 năm qua, kể từ khi quyết định đưa kỳ hội nghị toàn quốc tổ chức năm 2013 tại Vũng Tàu lên tầm quốc tế.

Quan sát đời sống khoa học ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ những quốc gia đi tiên phong trong việc tạo ra và xuất khẩu các thế hệ công nghệ hạt nhân như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Canada… đến những quốc gia nhập khẩu và phát triển công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức…, TS. Trần Chí Thành nhận thấy, mỗi quốc gia đều tạo dựng được “thương hiệu” hạt nhân với những hội nghị quốc tế, ví dụ Đại hội quốc tế về những vấn đề tiên tiến trong các nhà máy điện hạt nhân (International Congress on Advances in Nuclear Power Plants ICAPP), Hội nghị mùa đông của Hội hạt nhân Mỹ (ANS winter&expo), Hội nghị AtomExpo (ROSATOM, Nga), Hội nghị quốc tế về dòng chảy thủy nhiệt, vận hành và an toàn lò phản ứng (NUTHOS Nhật Bản)… “Quốc gia nào cũng cảm thấy tự hào khi xây dựng được những diễn đàn chuyên môn như thế, đặc biệt với các quốc gia đi sau như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì mất cả chục năm mới thành công bởi chỉ khi đó, họ mới thực sự khẳng định được uy tín của mình trên quốc tế”, anh giải thích.

Vậy với các quốc gia còn đang từng bước một phát triển năng lượng nguyên tử như Việt Nam, việc tổ chức một hội nghị quốc tế có thực sự cần thiết? Hội nghị quốc tế là một trong những cách làm hiệu quả nhất để các quốc gia có thể quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới, mời họ tới cùng bàn luận về những vấn đề ‘nóng’ trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Do đó, muốn làm khoa học một cách bài bản thì chúng ta cũng phải làm như họ”, anh nhận xét về điều lớn nhất mà các hội nghị quốc tế có thể đem lại cho Việt Nam. Mặt khác, ở Việt Nam, tài liệu về năng lượng nguyên tử nói chung và công nghệ hạt nhân nói riêng còn ít, việc có được một hội nghị quốc tế sẽ là cơ hội để các nhà nghiên cứu trong nước mở rộng hơn hiểu biết của mình và cập nhật những gì thế giới đang làm.

Với quan điểm này, các nhà quản lý và nhà nghiên cứu của ngành hạt nhân đã cùng ngồi lại bàn bạc và quyết định nâng tầm hội nghị quốc gia mà ngành đang có theo chuẩn mực quốc tế: các báo cáo được viết bằng tiếng Anh, được bình duyệt với sự tham gia của các nhà nghiên cứu cùng lĩnh vực mà ít nhiều đã có công bố quốc tế… “Trong ngành cũng có một số nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm hợp tác và xuất bản quốc tế nhưng chưa nhiều, vẫn còn có nhiều anh em ở các viện nghiên cứu còn chưa sử dụng thành thạo tiếng Anh. Đây là lý do mà ở hội nghị năm 2013, chúng tôi mới khuyến khích viết báo cáo bằng tiếng Anh chứ chưa bắt buộc”. Con đường từ quốc gia đến quốc tế của hội nghị ngành hạt nhân đã bắt đầu từ những suy nghĩ và bước đi như vậy. TS. Trần Chí Thành nhìn lại, “Không riêng gì việc anh em phải viết và trình bày báo cáo bằng tiếng Anh mà các công đoạn tổ chức hội nghị theo chuẩn mực quốc tế như thông báo trước thời điểm tổ chức một năm, tiếp nhận các báo cáo gửi đến, mời phản biện (hai chuyên gia/1 báo cáo)… khiến mất nhiều thời gian và công sức chuẩn bị. Bao giờ bắt đầu một sự thay đổi cũng gặp phải khó khăn, anh em đều phải cố gắng thôi bởi với một đất nước chưa phát triển đầy đủ về KH&CN như Việt Nam thì phải tạo được sự thu hút để các chuyên gia quốc tế thấy Việt Nam có tiềm năng gì và cần hợp tác ở chuyên ngành nào để thúc đẩy kết nối”.

Những nỗ lực của cả ngành, không riêng gì những nhà quản lý và nhà nghiên cứu hàng đầu, những người “đã gồng gánh ngành hạt nhân gần 40 năm qua” như cách ví von của giáo sư Phạm Duy Hiển, mà cả những gương mặt trẻ mới bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu, đã góp phần đưa một hội nghị quốc gia trở thành một hội nghị quốc tế mà theo đánh giá của giáo sư Phạm Duy Hiển là “tốt lên theo thời gian và nghiêm túc thực hiện theo chuẩn mực quốc tế”.

Những giá trị đem lại

Hội nghị lần thứ 13 diễn ra trong bối cảnh ngành hạt nhân đang có những chuyển biến mới: số lượng và chất lượng các công bố quốc tế ngày một gia tăng; hợp tác quốc tế không ngừng được mở rộng với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các viện nghiên cứu và trường đại học của Nga, Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản, Đức…; và một lực lượng cán bộ nghiên cứu trẻ kế cận mới về VINATOM. Trong chuyển biến đó có tác động tích cực của hội nghị khi tạo cơ hội cho họ được làm việc trong môi trường quốc tế, được các nhà chuyên môn hàng đầu trong từng lĩnh vực nhận xét, phản biện các ý tưởng nghiên cứu và qua đó tiếp cận với các vấn đề mới của thế giới. Ngược lại, chất lượng hội nghị cũng được tăng lên với sự đóng góp của họ, không chỉ ở những báo cáo ngày một chất lượng hơn mà còn cho thấy Việt Nam có một đội ngũ nghiên cứu sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới mà các diễn giả khách mời trình bày.

Nhà nghiên cứu trẻ Hồ Văn Doanh (Viện nghiên cứu hạt nhân) trao đổi với giáo sư Sheldon Lansberger (trường Đại học Texas, Mỹ) bên lề Hội nghị.

Tất cả những điều đó cũng làm thay đổi cái nhìn của các vị khách mời, trong đó có đại diện của IAEA. Mặc dù từ lâu đánh giá Việt Nam có khả năng khai thác hiệu quả lò phản ứng nghiên cứu bậc nhất trong các quốc gia đang phát triển nhưng khi tới dự hội nghị lần thứ 12 vào năm 2017, TS. Najat Mokhtar (lúc đó là Giám đốc Phòng hợp tác kỹ thuật khu vực châu Á Thái Bình Dương, IAEA) vẫn không khỏi cảm thấy ngạc nhiên trước thái độ làm việc nghiêm túc và quan điểm lấy tiêu chuẩn quốc tế làm chuẩn mực ở hội nghị. Đây cũng là một trong những lý do thuyết phục IAEA dành cho Việt Nam một số dự án hợp tác quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, bảo vệ môi trường cũng như dự án thành phần của Dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia (RCNEST)… Tháng 4/2019 vừa qua, Trung tâm hợp tác IAEA VINATOM về nước và môi trường đã được khai trương như một dấu mốc phát triển và hứa hẹn đem lại những tác động mới của ngành hạt nhân trong đời sống xã hội.

Do vậy, trong khuôn khổ chương trình hội nghị quốc tế ở Hạ Long, hội thảo IAEA “Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị cho nghiên cứu về nước và môi trường” được tổ chức như một phiên kết nối giữa các nhà nghiên cứu tiên phong trên thế giới về ứng dụng đồng vị phóng xạ trong đánh giá ô nhiễm dinh dưỡng nước, ứng dụng trong theo dấu động vật di trú và các nhà nghiên cứu Việt Nam, những người đã bắt đầu sử dụng đồng vị bền trong đánh giá tác động đến môi trường từ các hoạt động của con người đến nghiên cứu điều tra tài nguyên khoáng nóng. TS. Trịnh Anh Đức, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm hợp tác IAEA VINATOM, cho rằng, dù diễn ra trong vòng hai giờ đồng hồ nhưng hội thảo đã cho thấy tiềm năng ứng dụng rất rộng của kỹ thuật hạt nhân và điều đó đã góp phần gợi ý cho Trung tâm những tiềm năng hợp tác quốc tế cũng như hỗ trợ việc xây dựng chương trình nghiên cứu, đào tạo chi tiết cho 5 năm tới (2020-2024).

Vẫn cần phải làm tốt hơn

Trở thành diễn đàn quốc tế, Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc đã bắt đầu lan tỏa ảnh hưởng của mình lên đời sống học thuật ngành hạt nhân, khuyến khích sự tham gia của sinh viên ngành hạt nhân từ nhiều trường đại học như Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGTPHCM), Đại học Điện lực… cũng như thu hút các nhà nghiên cứu trẻ các trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trường Đại học Duy Tân, trường Đại học Đà Lạt, Bệnh viện Bạch Mai… Tuy nhiên, dưới con mắt khe khắt của một nhà khoa học, TS. Trần Chí Thành cho rằng hội nghị cần thu hút được nhiều sinh viên ngành hạt nhân hơn nữa. Nhiều trường, trong đó có Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), dường như vẫn không thực sự quan tâm đến một diễn đàn học thuật quốc tế ngay tại Việt Nam, anh nêu vấn đề.

Việc duy trì và tăng cường chất lượng của một hội nghị khoa học đa lĩnh vực theo chuẩn mực quốc tế đã tạo nên sức hấp dẫn của diễn đàn học thuật này.

Hội nghị KH&CN hạt nhân lần thứ 13 đã trao giải thưởng báo cáo xuất sắc nhất cho 7 nhà nghiên cứu ở 7 lĩnh vực: Phạm Quang Huy (Viện Nghiên cứu hạt nhân) với “Thiết kế cốc chiếu xạ sử dụng phương pháp màn chắn thử nghiệm pha tạp đơn tinh thể silic trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt” (Tiểu ban A Lò phản ứng, điện hạt nhân và đào tạo nguồn nhân lực); La Lý Nguyên (Trung tâm Hạt nhân Tp. Hồ Chí Minh) với “Ứng dụng phương pháp tán xạ tia X góc nhỏ đánh giá ảnh hưởng thăng giáng mật độ điện tử lên các cấu trúc vi mô của màng dẫn proton trong pin nhiên liệu” (tiểu ban B Vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân, mát gia tốc và phân tích hạt nhân); Nguyễn Hào Quang (VINATOM) với “Ảnh hưởng của số hạt mô phỏng đến độ bất định trong mô phỏng phát tán phóng xạ sử dụng chương trình FLEXPART” (Tiểu ban C Ghi đo bức xạ, an toàn bức xạ và quan trắc môi trường); Vũ Hữu Khiêm (Bệnh viện Bạch Mai) với “Ứng dụng kỹ thuật PET/CT mô phỏng lập kế hoạch xạ trị ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai” (Tiểu ban D1-D2 Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, công nghiệp và các lĩnh vực khác); Nguyễn Hữu Quang (Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật hạt nhân trong Công nghiệp) với “Đánh dấu liên giếng- một công cụ đắc lực phục vụ khai thác dầu khí” (Tiểu ban D3-D4 Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ bức xạ); Đặng Văn Phú (Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ bức xạ) với “Chế tạo khung nuôi cấy tế bào từ vật liệu hydrogel gelatin/carboxymethyl chitosan khâu mạch bức xạ”, Koichi Hirota (Viện nghiên cứu phóng xạ tiên tiến Takasaki, Nhật Bản) với “Các ứng dụng chùm tia điện tử để bảo vệ môi trường” (Tiểu ban E Hóa phóng xạ, hóa bức xạ, hóa học hạt nhân, chu trình nhiên liệu, công nghệ vật liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ).

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/hoi-nghi-khcn-hat-nhan-toan-quoc-lan-thu-13-mot-dien-dan-hoc-thuat-quoc-te/20190815100026118p1c785.htm

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)