Hợp tác giữa châu Âu và Trung Quốc về AI: Những nguy cơ rủi ro và lợi ích
Một phân tích 16.000 bài báo về trí tuệ nhân tạo, hướng đích drone, nhận dạng tự động, kiểm duyệt online, là sản phẩm của hợp tác giữa các tổ chức ở châu Âu với các viện nghiên cứu Trung Quốc có mối liên hệ với quân đội, cho thấy những nguy cơ rủi ro và lợi ích của châu Âu trong hợp tác với Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu ở châu Âu đang tiếp tục hợp tác với các đồng nghiệp Trung Quốc trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) ở những lĩnh vực “rõ ràng là có vấn đề” như giám sát nhân trắc học, an ninh mạng, quốc phòng. Đó là phát hiện của báo cáo “Các vướng mắc AI: Sự cân bằng giữa những nguy cơ rủi ro và lợi ích của mối hợp tác châu Âu – Trung Quốc” do Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) ở Berlin thực hiện với tài trợ của Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức.
Báo cáo chỉ ra, trong năm 2022, các nhà nghiên cứu của trường đại học Bundeswehr Munich – Đức, đã xuất bản một nghiên cứu là sản phẩm hợp tác với trường Đại học Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc về AI với nội dung về dò đích drone và điều hướng tên lửa”, theo nhận xét của Rebecca Arcesati, nhà phân tích chính của báo cáo ở MERICS. “Trong một thế giới lý tưởng, những hợp tác với những phức hợp công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc lẽ ra không nên diễn ra”.
Khi căng thẳng với Trung Quốc ngày một lớn lên cùng cuộc cạnh tranh công nghệ, EU và các quốc gia thành viên đã xiết lại việc kiểm soát những mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên theo báo cáo của MERICS, từ giữa năm 2017 và năm 2022, các nhà nghiên cứu châu Âu đã xuất bản hơn 16.000 bài báo liên quan đến AI với các đồng nghiệp Trung Quốc ở các trường đại học và viện nghiên cứu hoặc là do quân đội Trung Quốc kiểm soát trực tiếp hoặc có mối quan hệ thân thiết với quân đội Trung Quốc.
Tất nhiên, không phải toàn bộ các bài báo đó sẽ đều có những gợi ý về quốc phòng, an ninh, giám sát tự động. Một tỉ lệ đáng kể trong đó là AI trong y tế, nhà phân tích Arcesati cho biết.
Nhưng nhiều bài báo trong đó lại hàm ý những gợi ý như vậy. Ví dụ, các nhà nghiên cứu châu Âu đã hợp tác với đối tác Trung Quốc về những chủ đề như các thuật toán “giám sát trạng thái tâm lý bi quan”, “nhận dạng chống giả mạo đa sắc tộc”, “dò hành xử bất thường theo nhóm”, “ngăn chặn các mạng lưới xã hội lan truyền tin đồn”, “hướng dẫn tên lửa tích hợp” và drone “phương pháp dò đích dựa trên học sâu tăng cường”.
Sự hợp tác thiếu cân bằng
Bên cạnh những dự án nghiên cứu có tiềm ẩn sự vi phạm đạo đức, báo cáo còn cảnh báo là sự hợp tác với Trung Quốc về AI của châu Âu đang “bất cân bằng” trong rất nhiều lĩnh vực, nhà phân tích Arcesati chỉ ra.
Một khía cạnh của điều này là tài trợ. Các bài báo mà MERICS nhận diện và thống kê đã tự phơi bày 80% nguồn tài trợ cho các dự án của châu Âu thực hiện do Trung Quốc tài trợ, còn với các dự án của Trung Quốc thì 60% là từ chính phủ nước này.
Nhưng nguy cơ rủi ro là khoản tài trợ bất cân bằng này cho phép Trung Quốc chỉ đạo những gì nghiên cứu thực hiện. “Nghiên cứu hợp tác dạng này dường như được dẫn dắt bởi sáng kiến của Trung Quốc hơn là châu Âu, có lẽ là ảnh hưởng lên cách ưu tiên thiết lập hướng nghiên cứu”, Arcesati nhận xét.
Một nhà quản lý phụ trách mảng nghiên cứu ở một trường đại học châu Âu trả lời ẩn danh với MERICS là trong hợp tác, cách tiếp cận của Trung Quốc dường như là muốn có được hiểu biết và chuyên môn hơn trong khi phía châu Âu lại quan tâm đến kinh phí cho nghiên cứu.
Sự bất cân bằng thứ hai như MERICS thấy là các bài báo được phân tích có xu hướng có nhiều tác giả liên quan đến cơ sở nghiên cứu Trung Quốc hơn là châu Âu. Không rõ điều gì định hướng xu hướng đó nhưng có thể chỉ dấu là các nhà nghiên cứu Trung Quốc đóng vai trò khai cuộc các dự án hơn, Arcesati nói.
Sự bất cân bằng thứ ba là các bài báo có đồng tác giả thường có tỉ lệ nhà khoa học châu Âu hơn Trung Quốc. 80% nghiên cứu về AI của Trung Quốc vào năm 2020 được xuất bản chỉ trên các tạp chí viết bằng tiếng Trung, theo một Trung tâm nghiên cứu về An ninh và Công nghệ mới nổi có trụ sở ở Mỹ.
Một lần nữa, có thể là Trung Quốc muốn thông qua hợp tác với châu Âu để có thể thúc đẩy số lượng và chất lượng nghiên cứu của các bài báo về AI. Nhưng nguy cơ rủi ro là châu Âu sẽ ngày một trở nên phụ thuộc vào mối quan hệ này, Arcesati chỉ ra.
Về tổng thể, báo cáo cảnh báo về việc “cắt đứt các mối quan hệ” với Trung Quốc về AI, không chỉ vì Trung Quốc giờ đang dẫn đầu ở một số khía cạnh trong công nghệ này mà bởi mối quan hệ hợp tác, chuyển giao công nghệ và tri thức “mang tính hai chiều nhiều hơn” khi đem lại lợi ích cho châu Âu cũng như Trung Quốc. Châu Âu cần có cái nhìn thận trọng hơn trong hợp tác với Trung Quốc ở những lĩnh vực mà họ dẫn đầu hoặc có thể dẫn đầu thế giới trong nay mai.
Mặt khác, dù việc đầu tư vào các nghiên cứu AI có thể đem lại cho các startup AI của châu Âu khả năng tiếp cận thêm vốn, công nghệ và cả thị trường Trung Quốc nhưng một số nguy cơ về an ninh quốc gia cũng hiển thị rõ ràng. Thách thức với châu Âu là hoàn thiện một cách tiếp cận có hệ thống hơn, hiệu chỉnh nhiều hơn trong hợp tác R&D với Trung Quốc. Chính phủ châu Âu cần đóng vai trò quan trọng để đem lại một mối hợp tác an toàn, có đạo đức và có lợi ích.
Dẫu vậy thì báo cáo cũng kêu gọi “một điều chỉnh” trong mối hợp tác về AI với Trung quốc với việc lập bản đồ tốt hơn về hệ sinh thái AI, và thẩm định mạnh hơn mối uqan hệ hợp tác với đối tác Trung Quốc. “Vẫn cần xây dựng nhiều nhận thức về mối quan hệ này ở châu Âu”, Arcesati nói.
Các nhà khoa học Trung Quốc ở châu Âu
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu AI ở châu Âu hợp tác với Trung Quốc chính là người Trung Quốc, những người có thể có nhiều giả định khác nhau về lợi ích và nguy cơ cho nhiều dự án ở châu Âu, theo bà Arcesati.
Dĩ nhiên, với một nhà khoa học, việc họ là người Trung Quốc không có nghĩa họ là mối lo ngại về an ninh và đạo đức nghiên cứu của châu Âu. Nhưng họ có thể có những kế hoạch nghiên cứu khác nhau và có lẽ là có xu hướng sẽ quay lại Trung Quốc. “Chúng ta cần tạo điều kiện cho các tài năng Trung quốc ở châu Âu tham gia vào đối thoại” về sự an toàn và đạo đức nghiên cứu, Arcesati nói.
Báo cáo của MERICS cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu xem xét các hệ thống sàng lọc cá nhân tương xứng để kiểm tra xem ai chính xác đang tham gia vào nghiên cứu trong những lĩnh vực nhạy cảm. Đó là việc phải làm, nếu không thì không có cách nào để bảo vệ nền tảng nghiên cứu của châu Âu.
Thanh Phương
Nguồn: sciencebusiness.net
(Bài đăng ở Báo KH&PT số 48)