Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa ĐHBK HN và Rạng Đông
Mô hình hợp tác hiệu quả giữa trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trong hoạt động nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ là một minh chứng điển hình cho việc việc đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các công nghệ ứng dụng trong các trường đại học, viện nghiên cứu và việc hình thành nên các đơn vị nghiên cứu liên trường đại học – công nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm có đặc trưng riêng, chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.
Từ cuối năm 2007, trong những nỗ lực nhằm đưa các sản phẩm nghiên cứu vào ứng dụng thực tế, các cán bộ nghiên cứu Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) và Viện Tiên Tiến Khoa học và Công nghệ (AIST), ĐH Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang ba màu và bột điện tử micro, nano sử dụng để chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact tiết kiệm điện năng”.
Nhằm thực hiện đề tài, các cán bộ ĐHBKHN đã chủ động liên hệ và gặp gỡ trao đổi với Ban Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RALACO). Ngay trong buổi làm việc đầu tiên, ngoài việc thỏa thuận cùng phối hợp triển khai thực hiện các nội dung của đề tài, TGĐ của RALACO với sự chuẩn bị trước đã đưa ra một danh mục với trên 20 công nghệ và các vấn đề kỹ thuật mà công ty mong muốn được các nhà nghiên cứu tại ĐHBKHN giúp cùng giải quyết. Tại đúng thời điểm mà hai bên thỏa thuận hợp tác cuộc chiến đất hiếm giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới bắt đầu xảy ra, giá nguyên liệu đầu vào bột huỳnh quang pha tạp đất hiếm tăng đột biến. Do vậy, hai vấn đề công nghệ đầu tiên đã được RALACO và ĐHBKHN nhất trí lựa chọn cùng phối hợp giải quyết đó là i) phát triển công nghệ thu hồi và tinh chế bột huỳnh quang ba phổ pha tạp đất hiếm và thủy tinh không chì; và ii) nghiên cứu tối ưu hóa quy trình công nghệ tráng phủ bột huỳnh quang cho đèn huỳnh quang compact. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên, trong thời gian gần một năm quy trình công nghệ thu hồi, tái xử lý bột huỳnh quang pha tạp đất hiếm và thủy tinh không chì và quy trình công nghệ tráng phủ bột huỳnh quang cho đèn huỳnh quang compact đã được ĐHBKHN chuyển giao thành công cho cho RALACO. Việc áp dụng hai quy trình công nghệ này trong sản xuất đã giúp RALACO giảm được số lượng đèn compact không đạt tiêu chuẩn trong khâu tráng phủ khoảng ~4% và đồng thời tiết kiệm tái sử dụng nhiều tấn bột huỳnh quang pha tạp đất hiếm và hàng trăm tấn thủy tinh không chì trị giá hàng chục tỷ đồng.
Một hướng nghiên cứu dài hạn (từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng) đã được thỏa thuận phối hợp thực hiện giữa ĐHBKHN và RALACO trong đó có các vấn đề về phát triển các thiết bị chiếu sáng mới dùng LED tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu phát triển các hệ thống đánh giá nhanh, đánh giá già hóa thiết bị chiếu sáng dùng LED; nghiên cứu chế tạo các bột huỳnh quang chuyên dụng, hiệu suất cao cho đèn chiếu sáng nông nghiệp và cho đèn chiếu sáng xuất khẩu; Nghiên cứu tích hợp nguồn điện pin mặt trời cho các hệ thống chiếu sáng dùng LED… |
Nguyên nhân dẫn đến những thành công đầu tiên này, trước hết là do ban lãnh đạo của RALACO đã hết sức tin tưởng vào các cán bộ nghiên cứu của ĐHBKHN, đã cho phép các cán bộ của ĐHBKHN tiếp cận trực tiếp các dây chuyền sản xuất, và thử nghiệm công nghệ trên dây chuyền sản xuất; thẳng thắn và trao đổi một cách hết sức tin cậy về những khó khăn, những điểm yếu kỹ thuật trong các dây chuyền sản xuất của công ty; bám sát tiến độ triển khai, đốc thúc liên tục và cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn khi có những vấn đề công nghệ nảy sinh. Về phía ĐHBKHN, các cán bộ nghiên cứu đã hết sức kiên trì thực hiện tất cả các nội dung chuyển giao công nghệ theo đúng cam kết (ví dụ: trong hợp đồng chuyển giao công nghệ thu hồi và tinh chế bột huỳnh quang ba phổ pha tạp đất hiếm và thủy tinh không chì, để đảm bảo công nghệ phía ĐHBKHN đã phải 3 lần thay thế thiết bị công nghệ chính với giá trị của 3 lần nhập thiết bị gần bằng tổng giá trị của cả hợp đồng); chủ động trao đổi và nêu rõ những khó khăn những vấn đề kỹ thuật phát sinh ngoài dự kiến; cùng làm việc với các kỹ sư của RALACO trên các dây chuyền sản xuất qua đó học hỏi được nhiều kinh nghiệm sản xuất thực tế.
Đến hình thành phòng thí nghiệm chung
Một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác khoa học giữa ĐHBKHN và RALACO là việc nghiên cứu nội địa hóa giảm nhập khẩu các nguyên, vật liệu mà RALACO sử dụng trong sản xuất đèn chiếu sáng. Trong đó việc chế tạo và ứng dụng các vật liệu mới đòi hỏi phải thử nghiệm liên tục và trực tiếp trên các thiết bị sản xuất. Chính yêu cầu này, cùng với mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị, năm 2009, thỏa thuận hợp tác xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung và xưởng thực nghiệm giữa ĐHBKHN và RALACO đã được ký kết. Một phòng thí nghiệm (PTN) với diện tích ~ 200 m2, bao gồm PTN Hóa học, PTN Quang Điện tử và Xưởng thực nghiệm đã được xây dựng trong khuôn viên của RALACO. Trong bản thỏa thuận hợp tác này, các nội dung về xây dựng cơ sở vật chất; mua sắm các trang thiết bị nghiên cứu; kinh phí vận hành (điện, nước) của PTN; bản quyền công nghệ đối với các công nghệ được phát triển tại PTN đã được hai bên thỏa thuận một cách chi tiết. Chính các điều khoản thỏa thuận cụ thể này là cơ sở cho việc hợp tác bền vững và hiệu quả giữa hai đơn vị trong giai đoạn tiếp theo. Để đảm bảo việc đưa các vật liệu mới phát triển vào ứng dụng một cách an toàn và hiệu quả, một quy trình thử nghiệm sản phẩm mới cũng dần được hình thành bao gồm các bước: 1) Thử nghiệm ở quy mô nhỏ (nhiều lần); 2) Đánh giá CKS (2-3 lần); 3) Thử nghiệm lô sản xuất nhỏ (đánh giá tại xưởng, đánh giá CKS); 4) Thử nghiệm sản xuất lô lớn (đánh giá tại xưởng, đánh giá CKS); 5) Sản xuất thương mại (đánh giá thống kê). Với sự hình thành của PTN nghiên cứu chung trong RALACO, các cán bộ, nghiên cứu sinh, sinh viên của ĐHBKHN đã có một cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm tại cơ sở sản xuất nơi có thể đến làm việc như đến làm việc tại một PTN tại ĐHBKHN; các ý tưởng đề xuất nghiên cứu mới trở nên thực tế hơn, có tính mục tiêu cao hơn và hướng tới đích cuối cùng là đưa vào phục vụ sản xuất. Trong thỏa thuận chung của hai đơn vị, một số nghiên cứu sinh và học viên cao học của ĐHBKHN có hướng nghiên cứu phù hợp đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ RALACO (dưới dạng học bổng) để thực hiện các nghiên cứu của mình. Với việc triển khai PTN nghiên cứu chung HUST-RALACO, trong 2 năm 2009-2010, nhiều vấn đề công nghệ kỹ thuật đã được hai bên cùng phối hợp giải quyết mà điển hình là hai hợp đồng chuyển giao công nghệ chế tạo keo gắn bầu đèn huỳnh quang compact (quy mô 25 tấn/tháng) và cung cấp vật liệu và quy trình công nghệ tráng phủ lớp phủ hỗ trợ khởi động nhanh cho đèn huỳnh quang xuất khẩu (số lượng theo đơn đặt hàng) đã được trường ĐHBKHN chuyển giao cho RALACO, giúp công ty chủ động sản xuất keo gắn bầu đèn và dung dịch tráng phủ từ các nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế hoàn toàn vật liệu nhập ngoại với giá thành chỉ bằng 20-40%.
Từ hiệu quả kinh tế đáng kể do hoạt động nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, công nghệ phát triển nội địa, năm 2011 RALACO quyết định thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (TT R&D). Với quyết định này, chiến lược phát triển của khoa học công nghệ của công ty đã chuyển từ khai thác các hợp đồng KHCN ngắn hạn, riêng rẽ, đơn lẻ (để giải quyết một số vấn đề kỹ thuật, công nghệ phát sinh thường nhật) sang việc đầu tư dài hạn, đổi mới một cách có hệ thống, toàn diện trong toàn bộ các khâu hoạt động của công ty.
Tiếp tục hoạt động song hành và hỗ trợ sự phát triển của TT R&D của RALACO, năm 2013 ĐHBKHN và RALACO đã thỏa thuận xây dưng PTN chung thứ hai đặt tại ĐHBKHN. Đây chính là tiếp cận nhằm khai thác một cách hiệu quả các thiết bị nghiên cứu đã được nhà nước đầu tư cho ĐHBKHN phục vụ sản xuất. Hơn nữa, việc phát triển các sản phẩm chiếu sáng thế hệ mới, chiếu sáng thông minh dựa trên nên tảng LED và công nghệ bán dẫn đòi hỏi không chỉ các kỹ sư mà mỗi công nhân tham gia sản xuất phải có những kiến thức khoa học cơ sở và hiểu biết căn bản về công nghệ, và một lần nữa các cán bộ nghiên cứu, những thầy giáo của ĐHBKHN đã soạn những bài giảng mới dành riêng cho các cán bộ và công nhân của RALACO. Những buổi seminar khoa học giờ đây không chỉ được tổ chức tại ĐHBKHN, mà còn thường xuyên được tổ chức tại TT R&D của RALACO. Và như là đích đến tất yếu của một mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, một doanh nghiệp khoa học công nghệ liên doanh giữa ĐHBKHN và RALACO trong lĩnh vực chiếu sáng dùng LED cũng đã được lãnh đạo hai bên nhất trí thành lập. Nhiều cán bộ tiến sỹ trẻ của ĐHBKHN giờ đây đã coi ngày thứ bảy hằng tuần là ngày làm việc tại TT R&D của RALACO, nơi họ có thể biến những ý tưởng mới, sáng tạo của mình thành những sản phẩm chiếu sáng cao cấp thương hiệu Việt Nam.
Một số thành ngữ vui và từ khóa về hợp tác khoa học giữa trường đại học và doanh nghiệp: * Đây là quá trình mà trong đó các nhà khoa học có nhiệm vụ tri thức hóa đội ngũ công nhân, và ngược lại các công nhân làm nhiệm vụ thực tế hóa các nhà khoa học. * Sự cầu thị và lòng tin của doanh nghiệp là chìa khóa dẫn tới một hợp tác khoa học và công nghệ thành công. * Vai trò và quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp sẽ biến những ý tưởng khoa học thành sản phẩm hiện thực (với sự trợ giúp của của các nhà khoa học). * Không phải các nhà khoa học thiếu động lực nghiên cứu để có thể tạo ra những sản phẩm cụ thể, cái mà họ thiếu chính là một doanh nghiệp sản xuất cùng kề vai để biến những ý tưởng của họ thành hiện thực. * Dành một tỷ lệ đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp tái đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ sẽ là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. * Sự hỗ trợ, đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách của nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển và đổi lại họ sẽ nộp nhiều thuế hơn cho nhà nước. * Hãy dành một tháng nghỉ phép của mình (các nhà khoa học) để làm việc thực sự trong một doanh nghiệp (nhà sản xuất), bạn sẽ học được rất nhiều điều có ích trong công tác nghiên cứu khoa học sau này. |