Hợp tác VAST – CNRS: Mối quan hệ bền chặt
Trong vòng 40 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp đã đồng hành cùng với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai hàng trăm dự án nghiên cứu chung cũng như thực hiện các chuyến khảo sát thực địa, tổ chức các lớp học, seminar khoa học chuyên sâu, và xuất bản hàng nghìn công trình công bố có chất lượng cao trên các tạp chí uy tín quốc tế. Các kết quả này là minh chứng cho một mối hợp tác sâu rộng, bền chặt giữa hai cơ quan, góp phần xây dựng nên nền khoa học và công nghệ Việt Nam hôm nay.

Nhìn lại nửa thế kỷ hình thành và phát triển của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST), “có thể nói là Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã gần như song hành cùng với chúng tôi trong việc phát triển”, GS.VS Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) chia sẻ trong video lời nhắn gửi tại Lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác VAST – CNRS được tổ chức vào ngày 28/11/2023 vừa qua. “Từ những hoạt động đến thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm KH&CN của các nhà khoa học CNRS, những chuyến du học của các du học sinh Việt Nam, các hội nghị, hội thảo, lớp học chuyên đề Đồ Sơn sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học hai bên hay các dự án nghiên cứu, công bố khoa học chung, cho đến những mô hình thực tiễn, các giải pháp hữu ích hay các sản phẩm tiềm năng phát triển ra thị trường, thì VAST và CNRS cũng đều đã từng bước xây dựng và phát triển sự hợp tác ngày càng đa dạng và phong phú, với sự phối hợp chặt chẽ và tương tác mạnh mẽ giữa các nhà khoa học giàu kinh nghiệm của CNRS với các nhà khoa học được đào tạo bài bản của VAST”.
Những kết quả rõ nét
“Chỉ cách đây vài thập kỷ thôi, Pháp là một trong những nước đầu tiên đã nhìn thấy Việt Nam là một đất nước đầy tương lai, đầy tiềm năng, cũng như nhìn thấy ý chí của Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước”, ông Olivier Brochet – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam chia sẻ. Năm 1983, Định ước hợp tác giữa Viện Khoa học Việt Nam (sau này là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) – hai đơn vị nghiên cứu quốc gia của Pháp và Việt Nam đã chính thức ký kết tại Paris; mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam vượt qua rào cản cấm vận thời điểm đó, tiếp cận thêm với nền khoa học tiên tiến; môi trường học thuật hàn lâm, tiền đề cho những phát triển sau này của VAST.
Các hoạt động hợp tác giữa VAST và CNRS đã tạo điều kiện để trao đổi các nhà khoa học nhằm thực hiện các nghiên cứu chung, tổ chức các hội thảo và tăng cường các thiết bị nghiên cứu, cũng như hình thành và kết nối các nhóm nghiên cứu liên ngành hóa học-sinh học-dược học, toán học-hóa học-sinh học, vật lý-hóa học-sinh học,… gia tăng sự phát triển từ nghiên cứu cơ bản tới ứng dụng, hướng tới hình thành những sản phẩm chất lượng cao, làm động lực cho đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa CNRS và VAST. Một trong những ví dụ tiêu biểu là “sự hợp tác giữa Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam và Trung tâm Pháp về lĩnh vực hóa học các hợp chất thiên nhiên, được bắt đầu từ năm 1995. Về phía Việt Nam, chúng tôi thu hái các loài thực vật, định danh và tạo cặn chiết để gửi sang Pháp sàng lọc hoạt tính sinh học. Sau khi có kết quả sàng lọc hoạt tính sinh học ở phía Pháp, cả hai bên cùng nghiên cứu, phân lập và xác định cấu trúc hóa học của các hợp chất, tiến hành công bố các công trình công bố quốc tế cũng như trong nước, và tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ”, PGS.TS Đoàn Thị Mai Hương – Phó Viện trưởng Viện Hóa sinh biển – cho biết.

Trong 40 năm qua, hơn một nghìn lượt cán bộ nghiên cứu của Việt Nam được cử sang CNRS để trao đổi khoa học, thực tập, tham dự khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, trong số đó có hơn 100 cán bộ đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và tiến sĩ. “Tôi thực sự xúc động khi được xem lại những hình ảnh ghi dấu 40 năm cộng tác giữa những các thế hệ nhà khoa học Viện Hàn lâm và Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp”, GS.TS Lê Trường Giang – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chia sẻ. “Những hình ảnh này đã gợi lại ký ức cá nhân của tôi, khi được tuyển chọn là những nghiên cứu sinh đầu tiên của dự án hợp tác ‘Programme d’Eaux’ thuộc chương trình L’Espoire. Có thể nói những ngày chỉ có ăn, ngủ, làm thí nghiệm, trao đổi thảo luận với các giáo sư hướng dẫn, viết luận án để hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Poitiers là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của tôi”. Sau khi về nước, các cán bộ trên đã trở thành những cán bộ khoa học chủ chốt trong các phòng thí nghiệm của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Một trong những thành tựu nổi bật và là mô hình hợp tác tiêu biểu giữa CNRS và VAST là chuỗi lớp học chuyên đề Đồ Sơn được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 1997. Sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội cách đây 26 năm, và nhân dịp Hội thảo “Hợp tác khoa học vì Sự phát triển bền vững”, hai bên đã thống nhất hằng năm cùng phối hợp tổ chức lớp chuyên đề Pháp – Việt với tên gọi “Lớp học Đồ Sơn”. “Nhắc đến hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp thì việc tôi nhớ nhất đó là hai bên đã đề xuất được những hình thức hợp tác rất phù hợp. Trong đó, phải nhắc đến việc hai bên đã phối hợp tổ chức những lớp học chuyên đề nhằm giải quyết những vấn đề có liên quan đến thực tế ở Việt Nam. Điều quan trọng là trong thời gian tổ chức lớp học, các học viên Việt Nam và nhà nghiên cứu Pháp đã có điều kiện tiếp xúc, trao đổi và đề xuất những đề tài phối hợp nghiên cứu, và sau này cũng đã được Viện Hàn lâm hết sức ủng hộ”, GS.VS. Đặng Vũ Minh – Nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN – nhớ lại.
Theo đó, hàng trăm đề án, đề tài đã được thực hiện với sự tham gia phối hợp của các nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp. Nhiều đề tài đã đạt được những kết quả về lý thuyết cũng như thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Các nhóm, đơn vị nghiên cứu chung đã được thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học Pháp và Việt Nam hợp tác triển khai nhiều nghiên cứu và đào tạo chất lượng.
Trên nền tảng quan hệ hợp tác chặt chẽ trong đào tạo và nghiên cứu giữa VAST và CNRS, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã được thành lập năm 2009 trong khuôn khổ Hiệp định Liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp. Sự ra đời của USTH với sự tham gia của các nhà khoa học CNRS trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu đã đánh dấu một bước tiến mới trong hợp tác đào tạo giữa hai bên. Thông qua các hoạt động phòng thí nghiệm chung và tổ chức khóa học chuyên đề hàng năm tại USTH với sự tham gia và hướng dẫn của các nhà nghiên cứu, giáo sư đầu ngành của CNRS, sự hợp tác giữa VAST và CNRS giai đoạn này đã tạo cơ hội cho nhiều nhà khoa học trẻ của VAST học tập và nghiên cứu trong môi trường quốc tế, đồng thời góp phần đưa USTH đạt trình độ quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Và nếu muốn hiểu rõ hơn về vai trò của việc hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chung Việt – Pháp mang tên LOTUS, hãy xem một ví dụ đơn giản về nghiên cứu tại khu vực Đông Nam Á mà các nhà khoa học ở đây đang thực hiện. “Chúng tôi đang thực hiện việc kết nối một mô hình đại dương và một mô hình khí quyển. Hiện nay, trên toàn khu vực Đông Nam Á, chưa có một nghiên cứu nào kết hợp được cả đại dương và khí quyển cho bài toán khí hậu. Chúng tôi là nhóm đầu tiên bắt đầu thiết lập và đặt bài toán đó”, PGS. TS Ngô Đức Thành (Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, USTH) chia sẻ với Báo KH&PT vào đầu năm 2023. Việc kết hợp được hai mô hình đại dương và khí quyển như vậy là một kỹ thuật rất khó, ngay cả khi nhóm nghiên cứu của PGS. TS Thành và nhóm nghiên cứu của TS. Marine Herrmann (Khoa Nước-Môi trường-Hải dương học của USTH) đã nghiên cứu về từng mô hình theo chuyên môn của mình trong nhiều năm trước đó. “Có thể tưởng tượng rằng, hai mô hình này giống như hai phần mềm khác nhau (và phức tạp hơn thế nhiều). Bây giờ nếu muốn hai mô hình ‘nói chuyện’ được với nhau, chúng ta cần phải thiết kế được một lớp tương tác để chúng trao đổi các thông tin với nhau, đầu ra của mô hình này là đầu vào của mô hình kia và ngược lại, và làm sao để ‘chống sốc’ cho việc truyền – nhận thông tin đó”, PGS.TS Thành giải thích. Nhờ có dự án LOTUS tạo nền tảng cho việc hợp tác, nhóm của PGS.TS Thành và TS. Marine đã thiết kế được một chủ đề nghiên cứu và nhận một nghiên cứu sinh tiến sĩ để tập trung giải quyết việc giao tiếp giữa hai mô hình khí quyển và đại dương, tạo tiền đề để đi đến những công trình công bố chất lượng.
Tăng cường hợp tác
Mối quan hệ hợp tác này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục được thúc đẩy hơn nữa khi mới đây, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác VAST – CNRS 2023. “Trong thời gian tới, tôi hy vọng hai bên sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác đào tạo và nghiên cứu chung, xây dựng các chương trình, dự án nghiên cứu chung nhằm giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ mới trên thế giới hiện nay như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học,.. phục vụ tăng trưởng xanh, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”, GS.TS Lê Trường Giang bày tỏ.
Đáp lại những kỳ vọng này, từ phía Pháp, ông Olivier Brochet cũng đã chia sẻ những kế hoạch hợp tác cụ thể trong năm 2024. “Tới đây, Bộ trưởng phụ trách về khoa học và công nghệ của Pháp sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam để có thể tiếp tục ký những thỏa thuận hợp tác liên chính phủ về phát triển khoa học công nghệ giữa hai nước”, ông Olivier Brochet cho biết. Bên cạnh đó, “một chuyến tàu của đội nghiên cứu về hải dương và môi trường thủy hải sản của Pháp cũng sẽ đến làm việc tại Việt Nam vào năm tới, và sẽ thực hiện một đề tài nghiên cứu chung với các nhà nghiên cứu tại Hải Phòng vào năm 2024”.
Và từ góc nhìn của GS. Antoine Petit – Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp, ông cho rằng, “việc nghiên cứu cơ bản là quan trọng nhưng có một thông điệp mà tôi luôn luôn chia sẻ với các đồng nghiệp của tôi ở CNRS, đó là: khoa học phải phục vụ cho đời sống. Vậy nên phải làm sao tìm ra được giải pháp cung cấp cho thị trường lao động, cho ngành kinh tế, cho sự phát triển kinh tế của đất nước để làm sao đưa đất nước phát triển lên về mặt kinh tế”. Do đó, theo ông, ý tưởng khôi phục lại hoạt động lớp học chuyên đề là một ý tưởng rất tuyệt vời. Những hoạt động của lớp học này sẽ giúp đào tạo được những thế hệ các nhà nghiên cứu tương lai và thiết lập được mối quan hệ hợp tác mới giữa các nhà nghiên cứu trẻ của hai bên để có thể tiếp nối cho những thành tựu đã có của 40 năm qua. “Cộng đồng khoa học của nước Pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để có thể đồng hành với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu nhất có thể, không chỉ trong 40 năm tới mà tôi hi vọng còn dài hơn thế nữa”, GS. Antoine Petit nhấn mạnh.
Mỹ Hạnh – Kim Dung
(Bài đăng ở Báo KH&PT số 48)