Hợp tác Việt – Nga: Những triển vọng mới

Những thảo luận tại Khóa họp lần IV của Ủy ban Nga - Việt về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ được tổ chức vào đầu tháng 12 đã cho thấy những kết quả rõ nét đạt được từ sự hợp tác bền vững trong nhiều năm giữa hai nước cũng như những triển vọng hợp tác mới trong thời gian tới.

Hình ảnh các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ vũ trụ triển khai thiết bị TriOS RAMSES thu thập dữ liệu phổ quang học mặt nước vùng biển Nam Trung Bộ từ tàu Viện sĩ Oparin. Ảnh: VAST

Sự hợp tác lâu bền

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái, cùng với việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ cũng đang ngày càng phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu. Tháng 11/2014, chính phủ hai nước đã ký hiệp định về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục – khoa học – công nghệ, đánh dấu mốc quan trọng trong hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước. 

“Trong gần 10 năm qua, hai nước đã đạt được những thành tựu nhất định trong hợp tác về giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết tại Khóa họp lần IV của Ủy ban Nga – Việt về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ. “Các tổ chức khoa học ở Nga và Việt Nam đã tích cực tương tác trong nhiều năm, tiến hành nghiên cứu chung trong các lĩnh vực đầy hứa hẹn như sinh học, sinh thái và khoa học vật liệu”, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Mogilievskyi Konstantin Iliych. 

Một trong những ví dụ tiêu biểu là sự hợp tác giữa Phân viện Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Viện Hàn lâm KH KH&CN Việt Nam (VAST). Theo ông Kultrin Yury – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Chủ tịch Phân viện Viễn Đông RAS, các nhà khoa học của Phân viện Viễn Đông cùng với các đồng nghiệp từ VAST đã tiến hành một cuộc thám hiểm biển chung đến lãnh hải của Việt Nam trên tàu nghiên cứu “Viện sỹ Oparin”. Trong 20 ngày, các nhà khoa học Nga và Việt Nam đã nghiên cứu sự đa dạng sinh học của biển Đông. 59 nhà khoa học đã tham gia vào cuộc khảo sát nghiên cứu này, trong đó 39 đại diện cho các tổ chức và viện của Nga, như Viện hóa học, Sinh học Thái Bình Dương; Trung tâm Khoa học Sinh học biển Quốc gia; và 20 cán bộ khoa học của Việt Nam từ tám viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam như Viện Hóa sinh biển, Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Công nghệ môi trường, Viện Công nghệ vũ trụ, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hải dương học,…

Tàu viện sĩ Oparin. Ảnh: VAST

Vào ngày 8/6 năm nay, một cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức tại Nha Trang, dựa trên kết quả của cuộc khảo sát biển chung giữa Phân viện Viễn Đông và VAST. Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, các nhà khoa học từ cả hai quốc gia đã thu thập hơn 3,600 mẫu động vật biển và trầm tích sâu, cũng như tiến hành nghiên cứu về đa dạng sinh học và tìm kiếm các hoạt chất sinh học. Kết quả vẫn đang được xử lý và sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học. “Các địa điểm có trữ lượng quặng đầy hứa hẹn đã được tìm thấy trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở độ sâu lên tới 1300 mét trên đỉnh và hai bên sườn của các núi ngầm. Đây là một tiềm năng quặng sắt mangan quan trọng và kim loại đất hiếm ở các vùng nước sâu”, ông Kultrin Yury cho biết. “Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các tổ chức khoa học Nga và Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu so sánh toàn diện về hệ sinh thái biển sâu của Việt Nam và biển Viễn Đông của Nga, cũng như tiến hành một cuộc thám hiểm biển địa chất, địa vật lý và hải dương học toàn diện trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khuôn khổ thập kỷ khoa học đại dương của Liên Hợp Quốc”. Theo ông, các nghiên cứu như vậy hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu và kết quả mong đợi của thập kỷ khoa học về đại dương của Liên Hợp Quốc, vì chúng nhằm mục đích phát triển các phương pháp và cách tiếp cận khoa học để đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Bên cạnh đó, việc sử dụng phức hợp các phương pháp nghiên cứu hệ sinh thái biển tiên tiến như sử dụng phương tiện dưới nước điều khiển từ xa, kết hợp với các công cụ truyền thống cũng sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển liên tục của khoa học biển cũng như hợp tác khoa học và xã hội giữa hai nước. 

Một trong những hướng đi mới có thể là nghiên cứu dòng chảy của các hoạt chất trên đất liền và trên biển ở Việt Nam để hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu và đạt được mức độ trung hòa carbon, đồng thời phát triển các công cụ mới. Chúng tôi đề xuất sử dụng các kết quả thu được trong lĩnh vực vi sinh học. 

Shakirov Renat

Bên cạnh đó, chương trình tuyển chọn để tài trợ cho các tổ chức khoa học và tổ chức giáo dục đại học của Liên bang Nga thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học chung với các tổ chức của các nước Nam và Đông Nam Á cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong khuôn khổ chương trình này, năm 2023 có một dự án chung Việt – Nga được hỗ trợ: đề tài “Ứng dụng in laser phụ gia hiệu quả cao trong vi điện tử, y sinh và xúc tác.” giữa Viện Vật lý mang tên. P.N. Lebedev thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga phối hợp với với Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Công ty “SOLITEK” đã nhận được tài trợ để thực hiện trong năm 2023-2025. 

Một kết quả đáng chú ý khác là hiệu quả hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nam với tư cách là thành viên của tổ chức nghiên cứu liên chính phủ quốc tế Liên hiệp Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Dubna (JINR). Tại khóa họp, hai bên cũng bày tỏ quan tâm phát triển hợp tác song phương trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ nghiên cứu trình độ cao dựa trên cơ sở hạ tầng nghiên cứu của JINR, đặc biệt là tổ hợp máy gia tốc NICA và kính viễn vọng neutrino Baikal-GVD.

Không chỉ vậy, trong vòng 40 năm từ năm 1951 – 1991, khoảng 30,000 công dân Việt Nam đã nhận được trình độ đại học cũng như giáo dục trung học ở Nga. “Chúng tôi cấp cho Việt Nam một trong những hạn ngạch lớn nhất dành cho việc học tập ở tại các trường đại học của chúng tôi. Hiện tại có khoảng 5000 sinh viên đang học ở các trường đại học của Liên bang Nga”, ông Mogilievskyi Konstantin Iliych cho biết.

Từ những kết quả này, hai bên khẳng định sẵn sàng hỗ trợ thực hiện các dự án chung trong các lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng như công nghệ sinh học, nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng bệnh truyền nhiễm, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu biển, vật liệu mới, công nghệ năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, y học, nghiên cứu vũ trụ, nghiên cứu cơ bản. Ủy ban cũng ủng hộ việc tổ chức tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN chung lần đầu tiên giữa Quỹ Khoa học Nga và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam vào năm 2023. Tài trợ được phân bổ cho nghiên cứu khoa học trong giai đoạn 2024 – 2026 cho các lĩnh vực như: toán học, khoa học máy tính và khoa học hệ thống; vật lý và khoa học vũ trụ; hóa học và khoa học vật liệu; sinh học và khoa học sự sống. nghiên cứu cơ bản về y học; khoa học nông nghiệp; khoa học về Trái đất;…

Những hướng hợp tác mới

Để đẩy mạnh việc hợp tác trong giai đoạn tới, đại diện từ phía Nga và Việt Nam đã ủng hộ sáng kiến tổ chức cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga vào năm 2024 để trao đổi và thống nhất các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chuyến thăm sẽ được tổ chức trong khuôn khổ kỷ niệm 10 năm ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ (ký ngày 25/11/2014).

Lễ ký kết hợp tác. Ảnh: MOST

Theo ông Lý Hoàng Tùng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ KH&CN), đối với lĩnh vực ưu tiên hợp tác, ngoài lĩnh vực tiềm năng đã được xác định như công nghệ sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu biển, vật liệu mới như công nghệ năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu vũ trụ, thì Ủy ban có thể xem xét tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực cụ thể như lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là công nghệ nuôi cá nước lạnh, lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai,..

Bên cạnh đó, từ phía Nga, theo ông Shakirov Renat, “một trong những hướng đi mới có thể là nghiên cứu dòng chảy của các hoạt chất trên đất liền và trên biển ở Việt Nam để hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu và đạt được mức độ trung hòa carbon, đồng thời phát triển các công cụ mới. Chúng tôi đề xuất sử dụng các kết quả thu được trong lĩnh vực vi sinh học”. Ngoài ra, để tổ chức thành công chuyến thám hiểm chung lần thứ hai về địa chất, địa vật lý và hải dương học trên tàu viện sỹ Lavrentiev trong năm 2025 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía Nga đề nghị các bên hỗ trợ việc tổ chức chuyến khảo sát biển này và cần kịp thời cấp các giấy phép cho cuộc khảo sát trên cơ sở viện địa chất và địa vật lý biển Việt Nam. “Năm 2025, lộ trình nghiên cứu biển giữa Phân viện Viễn Đông của Viện Hàn lâm Jhoa học Nga và Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam sẽ kết thúc, chúng tôi để xuất ngay bây giờ xây dựng một chương trình chung về nghiên cứu khoa học biển toàn diện giai đoạn đến năm 2035 trên cơ sở tài trợ song phương”, ông Shakirov Renat đề nghị. Đồng thời, theo ông Kultrin Yury, tại Phân viện Viễn Đông, một số viện đã sở hữu các công cụ robot hiện đại để nghiên cứu ở độ sâu lên tới 6,000 mét, do đó ông đề nghị đệ trình để xem xét tiến hành các nghiên cứu so sánh toàn diện về sinh thái biển sâu của biển Việt Nam. 

Đáng chú ý, khóa họp lần này cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới với việc ký kết các thỏa thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Việt- Nga, thành lập Hiệp hội Việt-Nga, thành lập Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên sinh học và hệ sinh thái “Bắc-Nam”, và thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhI) và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM). Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Việt- Nga sẽ có sự tham gia của Đại học Liên bang Viễn Đông, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Sberbank. Trung tâm AI để thực hiện các nhiệm vụ tìm giải pháp trong lĩnh vực xử lý và sử dụng hình ảnh vệ tinh, an ninh và an ninh mạng cũng như trong lĩnh vực vận tải và logistics. Với thỏa thuận hợp tác giữa MePhi và VINATOM, hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực (i) Giáo dục và đào tạo (tập trung vào nâng cao chất lượng chương trình đào tạo tiến sỹ và mở ra cơ hội thực tập, trao đổi sinh viên cho các Nghiên cứu sinh hiện đang được đào tạo tại VINATOM); và (ii) Nghiên cứu khoa học (hợp tác trong nghiên cứu khoa học, trao đổi chuyên môn và thúc đẩy công bố quốc tế).

Mỹ Hạnh – Kim Dung

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 49)

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)