Hướng tới lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 được khởi đầu thực hiện trong bối cảnh Việt Nam bước vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2011 - 2015), khi đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước đầu gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình.


Cần có chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Sau năm năm thực hiện Chiến lược, với các đóng góp thiết thực của KH&CN, nền kinh tế tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế còn thấp, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở cận dưới của mức trung bình thấp. Mô hình tăng trưởng dựa vào gia tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo đã không còn thích hợp.

Bước sang giai đoạn 2016-2020, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do hoá thương mại và sự phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết của KH&CN thế giới sẽ mang lại cơ hội đồng thời là thách thức rất lớn cho các quốc gia đi sau như Việt Nam.

Để thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt mức7-8% một năm như đã đề ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, việc tăng năng suất phải được thực hiện thông qua các quá trình và sản phẩm được tạo ra từ khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, Việt Nam cần có giải pháp thúc đẩy năng lực chế tạo và hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp nội địa để đóng góp đáng kể cho việc sản xuất, xuất khẩu sản phẩm ứng dụng công nghệ cao; cụ thể, cần thực hiện các chương trình xúc tiến chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ tiên tiến trên thế giới cho các doanh nghiệp trong nước; xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, thông qua chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện hạ tầng KH&CN và môi trường kinh doanh để thúc đẩy các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư chuyển giao công nghệ và triển khai hoạt động thiết kế, chế tạo tại Việt Nam thay vì tăng cường gia công, lắp ráp thâm dụng lao động giá rẻ.

Định hướng phát triển này được đề xuất nhằm hạn chế những điểm yếu hiện tại của hệ thống KH&CN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đồng thời, chuẩn bị đối mặt với những nguy cơ trong thời gian tới. Đây cũng là cách mà các nước đi trước như Hàn Quốc đã thực hiện thành công trong giai đoạn phát triển về KH&CN tương ứng với Việt Nam hiện tại.

Việt Nam cần phải có những chiến lược dài hạn với tầm nhìn xa để không chỉ thu lại hiệu quả kinh tế trước mắt mà còn đón đầu sự phát triển kinh tế trong tương lai. Bên cạnh đó, trong hoạt động R&D, các bộ, ngành cùng với các tổ chức KH&CN cần phải vạch ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước. Những việc cần làm hiện nay đối với Việt Nam là phải dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho hoạt động đổi mới sáng tạo, cân bằng lại hệ thống đổi mới sáng tạo bằng cách đặt doanh nghiệp ở trung tâm, điều phối các hoạt động KH&CN của các nhân tố nhà nước, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tự xây dựng năng lực và cam kết nguồn lực lớn hơn cho đổi mới sáng tạo. Cụ thể, cần xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tích cực tham gia vào môi trường hợp tác và cạnh tranh quốc tế, chủ động làm việc với các tập đoàn đa quốc gia để tiếp thu công nghệ, phát triển các giải pháp, quy trình và sản phẩm mới.

Cũng cần phải nhắc đến sự xuất hiện của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư khi nói đến những định hướng phát triển cho KH&CN trong giai đoạn này. Sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học tạo ra những khả năng hoàn toàn mới, có tác động sâu sắc tới các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới, có thể có những tác động vô cùng to lớn đến các doanh nghiệp, các chính phủ, đến thị trường lao động, và trực tiếp đến người dân. Như vậy, sẽ cần chuẩn bị ngay những chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN đối với các doanh nghiệp Việt Nam để khai thác được các cơ hội cũng như đối mặt với các thách thức từ Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Trước hết, đó là những chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng một số công nghệ mới, áp dụng hệ thống quản lý, quản trị theo xu thế của cuộc cách mạng này; cũng như những chính sách và chiến lược mới về phát triển ngành tự động hóa và công nghệ cao, cụ thể những lĩnh vực chuyên sâu như vật liệu nano, năng lượng và tính toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo.
———–
* PGS. TS, Chánh Văn phòng Bộ KH&CN.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)