Hy vọng quy chế quản lý mới sẽ khả thi và hiệu quả hơn

Vừa qua, Bộ KH&CN đã soạn dự thảo Quy chế Tổ chức quản lý hoạt động Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2006 - 1010, theo đó tăng cường tự chủ và trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm Chương trình nhằm đảm bảo cho Chương trình hoạt động hiệu quả, không lãng phí ngân sách...

Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với Giáo sư (GS) Nguyễn Thúc Hải, Phó Chủ nhiệm kiêm Chánh Văn phòng Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu Khoa học và Phát triển Công nghệ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2001-2005 (KC.01)” về vấn đề này.
GS đánh giá thế nào về việc xác định và tuyển chọn đề tài cấp Nhà nước hiện nay?
Trước hết, cần khẳng định rằng quy trình tuyển chọn đề tài, dự án mới được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) áp dụng cho các Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005 là tiến bộ hơn so với cách làm ở những giai đoạn trước. Nó công khai hơn và vì thế công bằng hơn. Hiện tượng tiêu cực “xin-cho”, “chạy cửa sau” để có đề tài mặc dù chưa hẳn đã hoàn toàn chấm dứt nhưng cũng đã giảm đi nhiều. Khả năng tuyển chọn được cá nhân, tập thể khoa học xứng đáng chủ trì thực hiện một nhiệm vụ khoa học cụ thể cũng cao hơn.

Cũng có ý kiến cho rằng nhiều đề tài hiện nay vẫn chưa “trúng”?
Điều đó có thật. Về nguyên tắc, quy trình xác định nhiệm vụ hàng năm cho các Chương trình được thực hiện là hợp lý theo phương thức “dân chủ-tập trung”:  Bộ KH&CN thu thập tất cả các đề xuất nhiệm vụ của các nhà khoa học từ nhiều nguồn, bổ sung thêm các nhiệm vụ do các Ban Chủ nhiệm Chương trình hoặc các đơn vị chức năng của Bộ đề xuất, sau đó thành lập các Hội đồng tư vấn bao gồm các nhà khoa học có trình độ để thẩm định, chọn lọc, hiệu chỉnh và đề xuất danh mục các nhiệm vụ KHCN để Bộ phê duyệt và sau đó thông báo tuyển chọn. Tuy nhiên, đúng là các nhiệm vụ được xác định và đã triển khai trong 5 năm qua (có lẽ không chỉ đối với Chương trình KC.01) vẫn chưa được như mong muốn, một số nhiệm vụ thực sự chưa đúng “tầm” của một nhiệm vụ KHCN trọng điểm cấp Nhà nước, vẫn còn những nội dung nghiên cứu trùng lặp, manh mún… và yêu cầu (“đầu bài”) đặt ra cho các nhiệm vụ đó nhiều khi còn quá cụ thể, không có tính dự báo và đôi khi còn “duy ý chí” nên cũng làm hạn chế khả năng sáng tạo của các nhà khoa học trong quá trình thực hiện đề tài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập đó, nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất đó là chúng ta chưa động viên được sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học có trình độ cao (đặc biệt là các nhà khoa học trẻ) ở trong và ngoài nước trong quy trình xác định nhiệm vụ (đề xuất, thẩm định, tư vấn). Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một số ít các nhà khoa học (trong đó rất ít các nhà khoa học trẻ) tham gia công việc này. Dĩ nhiên, đó là trách nhiệm của phía các nhà quản lý KHCN. Nhưng cũng phải nói thêm điều này: một khi tất cả các nhiệm vụ đều được xác định đúng “tầm” thì lại xuất hiện một mối lo khác, đó là liệu chúng ta đã có được các tập thể khoa học đủ năng lực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đó hay không? Thực tế triển khai Chương trình KC.01 đã cho thấy các nhóm nghiên cứu có trình độ KHCN và tính chuyên nghiệp cao ở nước ta cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, một mục tiêu hết sức quan trọng (nhưng thường chỉ được đánh giá chung chung khi tổng kết) của các Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước là phải góp phần tích cực hơn nữa vào việc hình thành và phát triển các tập thể nghiên cứu đủ sức thực hiện được những nhiệm vụ KHCN không chỉ ở tầm quốc gia mà cả ở tầm khu vực và quốc tế.

GS nhận xét gì trước ý kiến cho rằng dù sản phẩm của nhiều đề tài, dự án đảm bảo chỉ tiêu kinh tế – kĩ thuật nhưng kết quả vẫn không được áp dụng vào thực tiễn?
Đúng là có tình trạng đó. Nhưng tôi cho rằng cũng là chuyện bình thường. Việc đưa một sản phẩm KHCN vào áp dụng trong thực tiễn đâu có dễ? Khó hơn rất nhiều so với việc  viết một bài báo khoa học để đăng trên một tạp chí khoa học chuyên ngành. Cũng giống như việc hình thành một thị trường KHCN ở Việt Nam vậy. Các Techmart đã có những thành công đáng khích lệ, nhưng con đường đi đến một thị trường KHCN thực sự như chúng ta mong muốn có lẽ còn… xa! Càng hội nhập thì càng khó khăn. Quá trình phát triển một sản phẩm KHCN để đưa ra thị trường sẽ càng gian nan vì phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Các nhà quản lý cũng đừng quá sốt ruột, cần tìm hiểu một cách toàn diện vấn đề để thông cảm hơn với nhà khoa học và cũng với họ thúc đẩy quá trình này nhanh hơn, hiệu quả hơn. Có lẽ chẳng có nhà khoa học nào lại muốn sản phẩm nghiên cứu của mình bị “xếp vào ngăn kéo”, nhưng nhiều khi tôi có cảm giác họ thật đơn độc và lực bất tòng tâm trên con đường đưa sản phẩm của mình ra thị trường, ra xã hội.

Từ kinh nghiệm bản thân, GS  thấy việc quản lý Chương trình giai đoạn 2001 – 2005  có điều gì bất cập?

 
Nhóm nghiên cứu tại khoa Công nghệ Thông tin, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Tôi xin nêu những suy nghĩ riêng của mình từ thực tế tham gia quản lý Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước về Công nghệ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2001-2005 (KC.01) do GS.TSKH Vũ Đình Cự làm Chủ nhiệm. Điểm đổi mới của công tác tổ chức, quản lý các chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước trong giai đoạn này chính là việc thành lập các Văn phòng (VP) giúp việc cho Ban Chủ nhiệm (BCN) Chương trình. Trên thực tế các VP này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý các đề tài, dự án và các hoạt động chung của Chương trình. Tuy nhiên, do thiếu tư cách pháp nhân (không có con dấu riêng, tài khoản riêng mà phải sử dụng “nhờ” con dấu và tài khoản của đơn vị nơi đặt VP) nên vai trò của nó cũng bị hạn chế nhiều. BCN Chương trình chỉ có trách nhiệm và quyền hạn nhất định ở  “khúc giữa” – tức là kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện các đề tài, dự án thuộc Chương trình, còn “khúc đầu” (xác định, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, ký kết hợp đồng) và “khúc đuôi” (đánh giá nghiệm thu, thanh lý hợp đồng) đều do Bộ chủ trì, các thành viên của BCN chỉ tham gia vào các công đoạn trên phần lớn với tư cách cá nhân (nhà khoa học). Những bất cập của công tác tổ chức, quản lý trong giai đoạn 5 năm vừa qua cũng đã được BCN Chương trình KC.01 và nhiều Chương trình khác phản ánh với Bộ một cách trực tiếp hoặc qua các báo cáo định kỳ hàng năm và báo cáo tổng kết toàn giai đoạn.

Theo dự thảo Quy chế giai đoạn 2006 – 2010, sẽ có Văn phòng các Chương trình (VPCCT) trực thuộc Bộ KH&CN. Liệu mô hình này có khắc phục được những bất cập trên?
Trong giai đoạn trước (2001-2005), mỗi BCN có một VP giúp việc, mặc dù số nhân viên cho phép rất hạn chế (1 thư ký và 1 kế toán), nhưng do trực tiếp đặt dưới quyền của BCN nên công việc khá thuận lợi, BCN yêu cầu gì là phải làm ngay, vậy mà nhiều khi vẫn chưa đáp ứng được tiến độ công việc, nhất là ở các thời điểm cần báo cáo đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ, hoặc đồng thời nhiều đề tài cần làm các thủ tục đánh giá nghiệm thu.
Theo tôi, mô hình tổ chức mới với Văn phòng các Chương trình trực thuộc Bộ KH&CN, có con dấu và tài khoản riêng mới thoạt nhìn có vẻ rất “đẹp đội hình” và hợp lý về phương diện hành chính. Tuy nhiên, tính khả thi, tính hiệu quả của mô hình này còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là chức năng và mối quan hệ giữa BCN với VPCCT; giữa BCN với các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN. Mà với tổ chức và trình độ quản lý hoạt động khoa học hiện nay, đó là vấn đề còn nhiều vướng mắc.

Nhưng mục đích của VPCCT là tăng quyền hạn của Ban Chủ nhiệm Chương trình…?

Khi mà chỉ có một VPCCT duy nhất giúp việc cho tất cả các chương trình thì có nghĩa là nhiệm vụ của các BCN nặng nề hơn rất nhiều. Vì thế đối với quan hệ giữa BCN Chương trình cần xác định rõ: Chủ nhiệm Chương trình có “ra lệnh” được cho Chánh Văn phòng không?(Nếu “không”, thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi công việc của Chương trình không đảm bảo tiến độ? Còn nếu “có”, sẽ xẩy ra hiện tượng “xung đột” trong công việc vì cùng lúc có thể nhiều Chủ nhiệm Chương trình “ra lệnh” cho VP); Các văn bản hoạt động của Chương trình do Chủ nhiệm ký hoặc Phó Chủ nhiệm ký thay sẽ đóng bằng con dấu nào?; Biên chế của Văn phòng như thế nào, có đủ dành riêng cho mỗi Chương trình 1 thư ký và 1 kế toán viên (Kế toán trưởng có thể chung cho toàn VP) hay không? (Nếu không được như vậy thì phân công trách nhiệm trong VP sẽ như thế nào để tạo thuận lợi cho công việc của các chương trình?) Xin lưu ý rằng do quy định về quản lý tài chính đối với các hoạt động nghiên cứu KHCN của ta còn nhiều bất cập nên khối lượng công việc liên quan đến tài chính của VP sẽ rất lớn, chỉ riêng việc thẩm định dự toán, quyết toán kinh phí của các đề tài, dự án cho một Chương trình cũng đã rất phức tạp). Vì thế theo tôi, ngoài biên chế của VPCCT nên cho phép BCN tuyển (hợp đồng có thời hạn) một Thư ký trực tiếp giúp việc cho BCN và làm cầu nối với VPCCT.
Về quan hệ giữa BCN và các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, cần cụ thể hóa (có thể không đưa trực tiếp vào quy chế mà đưa vào văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế) các điều khoản trong đó quy định sự “phối hợp” (còn rất chung chung) giữa BCN và các đơn vị chức năng của Bộ. Tất cả các công việc liên quan đến  tổ  chức, quản  lý  Chương trình (dù BCN được giao chủ trì đi nữa) đều đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa BCN với các đơn vị chức năng của Bộ, nếu không thể chế hóa (quy trình hóa) sự phối hợp này sẽ dẫn đến những bất cập đã được rút kinh nghiệm trong giai đoạn 2001-2005.
Nếu không làm rõ những điều trên thì tôi e rằng chỉ khi các vị Thứ trưởng của Bộ KH&CN “nắm” luôn vai trò Chủ nhiệm Chương trình thì may ra mô hình tổ chức này  mới có thể  “chạy thông, chạy tốt” được(?).
Ngoài ra, cần làm rõ hơn nguyên tắc thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình: Chủ nhiệm Chương trình có quyền đề cử (trên cơ sở các tiêu chuẩn do Bộ quy định, để Bộ xem xét quyết định) Phó Chủ nhiệm và các thành viên khác của Ban Chủ nhiệm Chương trình hay không? Theo tôi là nên có. Chủ nhiệm Chương trình khó có thể làm việc tốt nếu bị “áp đặt” những người giúp việc.

Với dự thảo Quy chế mới, việc cấp kinh phí trực tiếp cho VPCCT có gây trở ngại gì cho việc triển khai Chương trình?
Trong giai đoạn 2001-2005, kinh phí được cấp trực tiếp từ Bộ Tài chính đến Văn phòng Chương trình. Tôi cho rằng điều này là hợp lý vì VP lúc đó không trực thuộc Bộ KH&CN, làm thế sẽ tránh được các khâu trung gian không cần thiết. Và trên thực tế cơ chế đó đã không gây trở ngại gì cho việc giải ngân của các Chương trình. Trong giai đoạn tới, nếu VPCCT trực thuộc Bộ thì việc Bộ KH&CN trực tiếp cấp kinh phí cho VPCCT cũng là điều bình thường và tôi tin là cũng không gây trở ngại gì cho hoạt động của các Chương trình. Bởi vì, trên thực tế thì khó khăn (nếu có) đối với việc giải ngân kinh phí của các đề tài, dự án không xuất hiện ở khâu cấp kinh phí từ các Bộ về VP mà lại là ở khâu “lấy tiền từ các Kho Bạc” về để tiêu! Tình trạng “Thủ kho to hơn Thủ trưởng” có lẽ không chỉ xẩy ra đối với các hoạt động KHCN?

Xin cảm ơn Giáo sư!

P.V

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)