IPP2: Phòng thí nghiệm chính sách
Với một số vốn khiêm tốn là 11 triệu Euro, chỉ bằng khoảng 1/10 số tiền mà IDGVV mang theo vào Việt Nam năm 2004 để khuấy động bức tranh khởi nghiệp ở Việt Nam, IPP2 đã kích hoạt được những thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp mà trước đây hoàn toàn bị lãng quên bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm.
IPP2 mời ông Esko Aho tới Việt Nam để trao đổi với các cán bộ Bộ KH&CN về cải thiện các chính sách hỗ trợ Đổi mới sáng tạo.
Linh hoạt để tối ưu hóa nguồn lực
Với định hướng ban đầu là tập trung tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, người ta không khỏi hình dung rằng IPP2 rồi cũng đi theo con đường của các quỹ tài chính (ngoại trừ việc nó không lấy cổ phần của startup). Mặc dù Chương trình IPP2 được xây dựng với ba cấu phần: phát triển thế chế và xây dựng năng lực, phát triển quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo (các startup và đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp), ban đầu các chuyên gia Phần Lan khuyến nghị dành ưu tiên đặc biệt cho cấu phần thứ ba, còn cấu phần thứ nhất chỉ là phụ, thậm chí được coi là mối quan tâm sau cùng. Tuy nhiên, Ban quản lý IPP2 lại không nghĩ như vậy. “IPP2 không phải là một thiết chế tài chính, không thể có một nguồn tài chính quá dồi dào để chỉ hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp và mong từ đó sẽ mang lại tác động cho Việt Nam” – Chị Trần Thị Thu Hương, giám đốc IPP2 chia sẻ. Khi dự án vừa mới khởi động, phía Việt Nam kiên trì thuyết phục phía bạn đưa cấu phần hỗ trợ xây dựng thể chế và nâng cao năng lực thành nội dung quan trọng nhất vì cho rằng đây là cách bắt đầu bền vững và lan tỏa tốt nhất, tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Vào năm 2015, IPP2 đưa các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam để tư vấn, hỗ trợ các cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật của Bộ KH&CN, đồng thời dự kiến đưa các thành viên chủ chốt của nhóm soạn thảo ra nước ngoài để thực tập, học hỏi kinh nghiệm “bếp núc” trong thiết kế chính sách. Phía Việt Nam được quyền lựa chọn chuyên gia và đối tác làm việc. Phương thức hỗ trợ này đã phát huy được thế mạnh trong việc giúp Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN xây dựng Đề án 844 và Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ trong soạn thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi. Tuy nhiên, việc đưa cán bộ hoạch định chính sách ra nước ngoài thực tập đã không thực hiện được do đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản không tìm được đối tác nước ngoài sẵn sàng tiếp nhận cán bộ Việt Nam.
Ban quản lý IPP2 hiểu rằng, muốn có chính sách tốt, cần cán bộ hoạch định chính sách có năng lực. Việc đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam hay đưa cán bộ Việt Nam ra nước ngoài để khảo sát, học hỏi kinh nghiệm chỉ là giải pháp ngắn hạn. Để bảo đảm tính bền vững, vào năm 2016, kế hoạch đoàn ra cho các cơ quan của Việt Nam được dừng lại, toàn bộ số tiền dự kiến dành cho kế hoạch này chuyển sang cho việc đưa 21 cán bộ hoạch định chính sách về quản lý KH&CN, đổi mới sáng tạo cấp Vụ thuộc Bộ KH&CN và lãnh đạo Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ tham gia khóa đào tạo về xây dựng chính sách về KH&CN và đổi mới sáng tạo của Học viện lãnh đạo Aalto EE (Aalto University Executive Education) tại Phần Lan và Singapore. Aalto EE từng là nơi đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga với người đứng lớp là các chuyên gia hàng đầu thế giới như Goran Roos (nhà sáng lập ngành khoa học về nguồn vốn trí tuệ hiện đại và được tạp chí kinh doanh của Tây Ban Nha “Direccion y Progreso” bình chọn là một trong mười ba nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỉ 21) và Esko Aho (nguyên Thủ tướng Phần Lan và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Nokia) giảng dạy. Năm 2017, IPP2 mở rộng phạm vi và đối tượng đào tạo ngắn hạn tới cán bộ hoạch định chính sách của các bộ, cơ quan ngang bộ như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ,… với quan điểm đổi mới sáng tạo là vấn đề liên ngành và cần sự thấu hiểu, đồng thuận chung giữa các bộ, ngành. Trước khi IPP2 kết thúc, họ đã nỗ lực kết nối Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo với Đại học Aalto, Đại học Tampere của Phần Lan và một số cơ sở giáo dục mạnh của Singapore để hợp tác đào tạo với mong muốn thay vì cử đoàn ra nước ngoài học tập, Việt Nam sẽ sớm có được đơn vị đào tạo cán bộ quản lý, quản trị về đổi mới sáng tạo thực sự mạnh như nước bạn Phần Lan và Singapore.
IPP2 không chỉ tập trung vào nội dung “phát triển thể chế” mà còn thay đổi cách tiếp cận “xây dựng năng lực” về đổi mới sáng tạo. Trong năm đầu, Dự án tập trung cho việc đào tạo các huấn luyện viên khởi nghiệp (training of trainers – ToT1) vì cho rằng, Việt Nam cần gây dựng đội ngũ này để tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thực ra, chỉ dừng lại ở đó thôi, IPP2 cũng đã đủ tạo ra sự khác biệt và đem đến những thử nghiệm thú vị, bởi ở Việt Nam cách đây ba năm khi tổ chức khóa ToT đầu tiên, khái niệm cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp vẫn còn rất mới ở Việt Nam chứ chưa nói gì đến việc tổ chức các khóa đào tạo đội ngũ này. Nhưng IPP2 đã tiến thêm một bước nữa bằng cách lan rộng chương trình của mình đến các trường đại học – đối tượng chưa được nhắm đến trong kế hoạch ban đầu.
Cũng giống như hoạt động hỗ trợ chính sách, hoạt động hợp tác và hỗ trợ các trường đại học Việt Nam cũng trải qua ít nhất là bốn thử nghiệm: Thứ nhất, họ đã mở rộng đối tượng từ tài trợ cho các startup và đơn vị hỗ trợ startup sang tài trợ cả các trường đại học triển khai dự án đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Thứ hai, IPP2 tổ chức các khóa ToT2 về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dành riêng cho các giảng viên đại học. Sau đó, nhận được phản hồi của các học viên rằng, các nhóm giảng viên với tiếng nói từ cơ sở không thể tạo ra sự khác biệt nếu lãnh đạo các trường không thực sự đổi mới tư duy. Từ đó, IPP2 đã thực hiện ý tưởng đưa cán bộ lãnh đạo (hiệu trưởng, hiệu phó) các trường đại học sang Phần Lan tham dự một khóa đào tạo tập trung tại Học viện đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đại học Aalto (Aalto EE). Cuối cùng, IPP2 đã lựa chọn một số trường đại học và cơ sở đối tác để giúp họ tổ chức các khóa đào tạo giảng viên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức mô phỏng lặp lại khóa ToT2 của IPP2. Theo đó, IPP2 chỉ cung cấp chuyên gia quốc tế cho các khóa đào tạo, toàn bộ chương trình và khâu tổ chức đều do các đơn vị này tự thực hiện. Mặc dù hiệu quả của các con số (đào tạo cho 150 giảng viên ở 50 trường đại học) vẫn có gây tranh cãi do khó đo lường được trực tiếp kết quả của các thử nghiệm này, tuy nhiên, ít nhất, Chương trình đã dám triển khai những sáng kiến mới mẻ, chưa từng thực hiện ở Việt Nam trong việc tìm cách tác động tới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của các trường đại học, kết nối đại học với nhau và với khối doanh nghiệp, từ đó, đạt mục tiêu bền vững ngay cả sau khi IPP2 kết thúc sứ mệnh của mình tại Việt Nam.
Linh hoạt để thử nghiệm chính sách
Trong buổi trao đổi với Tia Sáng, chị Trần Thị Thu Hương, Giám đốc dự án IPP2, nhắc nhiều đến khái niệm “continuous improvement” (tạm dịch là liên tục cải tiến) – bản chất của khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) và coi đó là triết lí mà Chương trình theo đuổi. Đáng lẽ IPP2 hoàn toàn có thể chọn con đường đã vạch sẵn là chỉ tập trung tài trợ cho các startup. Thậm chí, còn có một con đường dễ hơn và ít tốn kém hơn mà vẫn đạt được mục đích hỗ trợ khởi nghiệp là gửi các startup Việt Nam tới các khóa tăng tốc, vườn ươm hoặc các lớp đào tạo nổi tiếng ở nước ngoài. Thực tế là ban đầu, các khóa ngắn hạn của Đại học Babson, đại học hàng đầu nước Mỹ về đào tạo quản trị kinh doanh và khởi nghiệp đã được nhắm tới. Nhưng thay vì không làm như vậy, IPP2 đã dành nguồn lực để những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp này được thực hiện tại Việt Nam, không chỉ để tạo ra tác động lan tỏa tới hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam mà còn nhằm mục đích khác.
Lí do vì sao chúng ta không copy một mô hình đã có sẵn đã thành công ở nước ngoài về Việt Nam mà IPP2 phải vất vả tự mình thử nghiệm nhiều phương thức hỗ trợ như vậy?
Đằng sau hoạt động của IPP2 luôn có yếu tố thử nghiệm chính sách. IPP2 trình diễn các mô hình, công cụ hỗ trợ khởi nghiệp học hỏi từ Phần Lan và các quốc gia tiên tiến nhưng được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh, điều kiện và nhu cầu riêng có của Việt Nam. Bài học thành công hoặc chưa thành công của IPP2 sẽ minh chứng cho việc các mô hình và công cụ đó có thể áp dụng và mang lại hiệu quả tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hay không.
Nhóm cán bộ hoạch định chính sách tham gia khóa học đầu tiên về đổi mới sáng tạo tại Aalto EE vào cuối năm 2016. Người đứng lớp trong ảnh là Esko Aho, cựu Thủ tướng Phần Lan và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Nokia.
Ví dụ, các tiêu chí mà IPP2 áp dụng trong đợt kêu gọi tài trợ đầu tiên cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2015 có thể gợi suy tới các vấn đề chính sách hỗ trợ khởi nghiệp như sau:
Nhà nước nên có trách nhiệm chia sẻ rủi ro với khu vực tư nhân và cần áp dụng cơ chế hợp tác công tư (IPP2 hỗ trợ 70%, doanh nghiệp khởi nghiệp phải tự lo 30% kinh phí dự án);
Doanh nghiệp khởi nghiệp cần được hỗ trợ cả về tài chính và hỗ trợ mềm – chuyên gia tư vấn (IPP2 kết hợp đồng thời hai hình thức, tài trợ bằng tiền và hỗ trợ tư vấn, đào tạo thông qua khóa huấn luyện tăng tốc 6 tháng – Innovation Accelerator);
Tài chính cho khởi nghiệp nên cấp theo 2 giai đoạn, vốn mồi và vốn tăng tốc (IPP2 cung cấp vốn mồi ở vòng 1 – Seed Funding, vốn tăng tốc cho các dự án có tiềm năng phát triển tốt ở vòng 2 – Scale up Funding).
Hỗ trợ cho khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao? IPP2 chọn cách tiếp cận chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp có đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao (high growth innovative companies).
Hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp hướng ra thị trường quốc tế hay chỉ cần chiếm lĩnh thị trường nội địa? IPP2 chọn con đường “go global”, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm, dịch vụ định hướng xuất khẩu ra thị trường quốc tế với triết lý khuyến khích doanh nghiệp Việt non trẻ dám mơ giấc mơ lớn vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Hỗ trợ từ khâu tiền khởi nghiệp hay khởi nghiệp? IPP2 chọn hỗ trợ ngay từ khi ý tưởng mới được hình thành bởi nhóm dự án tiền khởi nghiệp. Nhóm khởi nghiệp phải đăng ký thành lập doanh nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ ngày nhận được thông báo được chấp nhận tài trợ để có đủ tư cách pháp nhân tham gia ký kết hợp đồng với IPP2.
Giám đốc điều hành dự án IPP2 cho rằng Việt Nam không thể sao chép bất kỳ mô hình nào dù đã thành công trên thế giới để áp dụng mà không tính đến các điều kiện và đặc thù của mình. Những kinh nghiệm tốt đẹp học hỏi từ khắp nơi trên thế giới chỉ hiệu nghiệm khi nó được nhúng vào môi trường Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể bứt phá thành công khi tìm được con đường riêng dựa trên thế mạnh, nhu cầu đích thực của mình. Suy cho cùng, chúng ta phải biết rõ mình cần gì. IPP2 cố gắng khai thác thế mạnh của các bạn Phần Lan để giải quyết các vấn đề Việt Nam đang cần theo nguyên tắc: Xin đừng đưa ra những gì các bạn có, hãy mang đến những gì mà chúng tôi cần.
Tuy nhiên, có những giá trị cốt lõi mà IPP2 thực sự trân trọng và cầu thị học hỏi từ các bạn Phần Lan, đó là cố gắng gây dựng niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp bằng cách trao cơ hội công bằng cho tất cả các nhóm khởi nghiệp, minh bạch hóa thông tin, độc lập, khách quan trong quá trình lựa chọn các đề xuất dự án, đồng thời tuân thủ nghiêm pháp luật của cả hai quốc gia. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, dựa trên các nguyên tắc bất biến này, IPP2 có thể linh hoạt điều chỉnh để tối ưu hóa nguồn lực trong hoạt động của mình trong những năm qua.