Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN

Những ý kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thống đốc Mitt Romney trên trang Tranh luận khoa học (ScienceDebate.org) phản ánh rất rõ khác biệt về chủ trương và chính sách khoa học công nghệ giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Sau đây là lược thuật một số nội dung cơ bản.


Môi trường sáng tạo


KH&CN đã đóng góp tới hơn một nửa cho tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ từ Chiến tranh thế giới thứ hai tới nay. Nhưng để có thể tiếp tục đứng đầu trong lĩnh vực sống còn này, nước Mỹ cần?


Barack Obama:

Chúng ta phải tạo môi trường cho sự sáng tạo, đổi mới và công nghiệp phát triển phồn thịnh. Tôi cam đoan sẽ cấp gấp đôi kinh phí cho những cơ quan nghiên cứu quan trọng để hỗ trợ các nhà khoa học và các nhà đầu tư. Đồng thời tôi cũng đặt mục tiêu đào tạo 100.000 giáo viên dạy khoa học và toán trong hơn một thập kỷ tới để đào tạo thế hệ trẻ cho khoa học tương lai. Những giảng viên này sẽ đáp ứng nhu cầu cần thiết trong đào tạo 1 triệu học viên về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong suốt một thập kỷ tới.

Mitt Romney:

Tổng thống Obama đã sai khi tiêu hàng chục tỷ USD tiền thuế cho những dự án mang tính chính trị. Là Tổng thống, tôi sẽ tập trung những nguồn lực của nhà nước vào các chương trình nghiên cứu nhằm nâng cao sự phát triển tri thức và công nghệ có tiềm năng ứng dụng rộng rãi, là cơ sở để giúp khu vực tư nhân đẩy mạnh sáng tạo và thương mại hóa.

Chúng ta phải đẩy mạnh cải cách một cách thực tâm nền giáo dục Mỹ vốn đang lạc hậu so với các nước phát triển khác, đặt quyền lợi của phụ huynh và học sinh lên trên những lợi ích nhóm, đem tới cơ hội cho tất cả mọi trẻ em. Tôi sẽ làm làm điều chưa có tiền lệ, đó là dùng trực tiếp kinh phí của Liên bang vào những cải cách mang tính đột phá, nhằm mở rộng sự lựa chọn của các bậc phụ huynh, đầu tư vào đổi mới, và thù lao cho giáo viên đựa trên kết quả công việc thay vì thâm niên.

Năng lượng

Nhiều nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học cho rằng an ninh năng lượng và phát triển bền vững là vấn đề lớn mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thế kỷ này. Ông sẽ hỗ trợ những chính sách gì để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong khi vẫn đảm bảo nền kinh tế và môi trường bền vững trong tương lai?


Barack Obama:

Kể từ khi nhậm chức, tôi đã hỗ trợ mọi hướng tiếp cận về năng lượng – như khí tự nhiên, gió, mặt trời, dầu, than sạch, và nhiên liệu sinh học – đồng thời đầu tư vào năng lượng sạch và nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài. Mức đầu tư từ chính quyền của tôi cho năng lượng sạch và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng có thể coi là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tôi đã đề xuất áp dụng Tiêu chuẩn Năng lượng sạch, với tham vọng 80% sản lượng điện của Mỹ được tạo ra từ các nguồn năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời, than sạch, và khí tự nhiên vào năm 2035. Kể từ khi tôi nhậm chức, sản xuất điện từ gió và các nguồn năng lượng mặt trời ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi. Chúng tôi đang thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch hơn, bao gồm cả việc tăng mức độ ethanol pha vào xăng, và thực hiện các Tiêu chuẩn về Nhiên liệu Tái tạo để tiết kiệm gần 14 tỷ gallon (tương đương khoảng 54 tỷ lít) xăng có gốc từ dầu mỏ vào năm 2022. Mỹ đã lấy lại được vị trí nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới. Chính phủ của tôi đang thúc đẩy chương trình cung cấp khí tự nhiên trong vòng 100 năm vì sự phát triển nước Mỹ một cách an toàn và có trách nhiệm, qua đó hằng năm cung cấp việc làm cho hơn 600.000 người.

Mitt Romney:

Các chuyên gia năng lượng, các công ty đầu tư, ngay cả các học giả tại Đại học Harvard giờ đây cũng nhận ra rằng chỉ sau một thập kỷ nữa, năng lực sản xuất năng lượng của Mỹ kết hợp với nguồn lực của các nước láng giềng của Mỹ có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu năng lượng của cả châu lục này. Để làm được như vậy, tôi đưa ra một kế hoạch với sáu phần như sau. Trước tiên, tôi sẽ trao cho các bang quyền kiểm soát phát triển năng lượng trên đất liền, bao gồm cả các vùng đất liên bang trong lãnh thổ của họ. Thứ hai, tôi sẽ cho phép phát triển khai thác các vùng biển ngoài khơi. Thứ ba, tôi sẽ theo đuổi quan hệ Đối tác Năng lượng Bắc Mỹ để Hoa Kỳ có thể được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên của các nước láng giềng. Thứ tư, tôi sẽ đảm bảo đánh giá chính xác các nguồn tài nguyên năng lượng của quốc gia bằng việc cập nhật những kết quả khảo sát đã bị lạc hậu hàng thập kỷ và không còn phản ánh đúng tiềm năng của những công nghệ khai thác hiện đại. Thứ năm, tôi sẽ khôi phục tính minh bạch và công bằng trong việc cấp phép và quản lý. Và thứ sáu, tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển các công nghệ năng lượng mới. Trong suốt chương trình này, tôi vẫn cam kết thực hiện và tuân thủ tốt việc bảo vệ môi trường để đảm bảo tất cả các hoạt động phát triển năng lượng được tiến hành một cách an toàn và có trách nhiệm.

Không gian

Nước Mỹ hiện đang trong một cuộc thảo luận lớn về mục tiêu quốc gia của chúng ta trong không gian. Vậy Mỹ nên thăm dò gì trong không gian và mục tiêu sử dụng trong thế kỷ 21 là gì? Và những biện pháp chính phủ cần thực hiện để đạt được điều đó?


Barack Obama:

Thông qua đầu tư vào nghiên cứu công nghệ vũ trụ, và mở rộng nỗ lực cam kết cho một hệ thống giáo dục để chuẩn bị kiến thức cho các sinh viên cho những thành tựu trong tương lai của khoa học không gian, tôi cam kết sẽ củng cố những nền tảng cho thế hệ tiếp theo của công nghệ vũ trụ Mỹ.

Hai năm trước, tôi đặt ra mục tiêu đưa người vào không gian ở những nơi xa hơn so với trước đây – đưa người lên một tiểu hành tinh vào năm 2025 và đến sao Hỏa trong những năm 2030. Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì hoạt động ISS ít nhất là đến năm 2020 và có thể còn lâu hơn nữa. Khi tổ thám hiểm trên tàu Orion đi thám hiểm sâu vào không gian trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2014, họ sẽ đi xa hơn so với bất kỳ tàu vũ trụ nào được thiết kế có người lái trong vòng 40 năm qua kể từ khi các nhà du hành của chúng ta trở về từ mặt trăng.

Cũng nên nhớ rằng khoản đầu tư 2,5 tỷ USD cho dự án đổ bộ cỗ xe Curiosity lên Sao Hỏa vừa qua, hoàn toàn không phải là một sự tiêu pha hoang phí trên Sao Hỏa, mà thực chất đã được sử dụng để tạo ra 7000 công ăn việc làm trên 31 tiểu bang của Mỹ.

Chính quyền của tôi luôn đặt trọng tâm vào việc cải thiện giáo dục KH&CN, kỹ thuật và toán học. Không gian là điều sẽ truyền cảm hứng cho trẻ em trên khắp đất nước. Các em có thể nói với bố mẹ mình rằng con muốn là một phần của một sứ mệnh Sao Hỏa – thậm chí có thể sẽ là một trong những người đầu tiên đi bộ trên sao Hỏa.

Mitt Romney:

Khoa học và công nghệ công gian có ý nghĩa quyết định đối với đổi mới công nghệ, tác động đến kinh tế toàn cầu, an ninh và vị thế quốc gia. Mỹ đã có một nửa thế kỷ đứng đầu trong khoa học không gian, nhưng nay vị trí ấy đang bị xói mòn bất chấp những nỗ lực của ngành công nghiệp và chính phủ Mỹ.

Việc xây dựng lại NASA, khôi phục sự lãnh đạo của Mỹ và tạo ra các cơ hội mới cho thương mại không gian sẽ là công việc khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng để xây dựng lại một tổ chức xứng đáng với nguyện vọng của chúng ta, một lần nữa có thể dẫn đầu thế giới ở những lĩnh vực mới. Tôi sẽ liên kết các bên liên quan lại với nhau – từ NASA và các cơ quan dân sự khác, từ các tổ chức an ninh quốc gia, từ các trường đại học hàng đầu của chúng ta, và từ các doanh nghiệp thương mại – để xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và con đường phía trước:

Đặt mục tiêu cho NASA: Một NASA mạnh mẽ và thành công không nhất thiết đòi hỏi thêm kinh phí, mà cần những ưu tiên rõ ràng hơn. Tôi sẽ đảm bảo rằng NASA thực thi các nhiệm vụ thiết thực và bền vững, đảm bảo hài hòa bên cạnh những mục tiêu ưu tiên của khoa học với những chương trình thám hiểm đột phá có sức truyền cảm hứng.

Hợp tác quốc tế: Tôi sẽ làm rõ các mục tiêu không gian của Mỹ và sẽ mời các đồng minh hợp tác với Mỹ để đạt các mục tiêu mà các bên cùng có lợi.

Tăng cường an ninh: Để duy trì sức mạnh của quốc gia, các chương trình an ninh không gian quốc gia phải mạnh và bền vững. Tôi cam kết một chương trình không gian an ninh quốc gia có tính bền vững, và tôi sẽ chỉ đạo phát triển năng lực phòng thủ và tăng độ bền cho những tài sản của Mỹ ngoài không gian, ngăn chặn được những kẻ địch tìm cách gây thiệt hại hoặc phá hủy tiềm năng không gian của Mỹ và các đồng minh.

Khôi phục ngành Công nghiệp. Một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ mạnh phải có khả năng cạnh tranh và giành chiến thắng kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Tôi sẽ nỗ lực giảm bớt những rào cản thương mại một cách phù hợp để tăng doanh số bán các sản phẩm không gian của Mỹ ở nước ngoài, và tìm cách mở rộng tiếp cận những thị trường mới.

Giáo dục

Một khảo sát trên những thiếu niên 15 tuổi trên  65 nước cho thấy điểm số trung bình về khoa học của sinh viên Mỹ chỉ xếp thứ 23, trong khi điểm toán học trung bình chỉ xếp thứ 31. Theo ông, tại sao sinh viên Mỹ liên tục bị tụt hậu trong suốt 3 thập kỷ gần đây, và chính quyền liên bang phải làm sao để cải thiện hoạt động đào tạo cho học sinh, sinh viên ở mọi lứa tuổi trong thời đại hiện nay khi nền kinh tế toàn cầu phát triển dựa trên KH&CN?


Barack Obama:

Để cạnh tranh với những nước khác chúng ta phải thúc đẩy giáo dục STEM (tức giáo dục về khoa học, công nghệ, cơ khí, và toán học). Từ sớm trong nhiệm kỳ của mình, tôi đã kêu gọi những nỗ lực giáo dục để đưa sinh viên Mỹ từ top giữa đạt top đầu về thành tích toán và khoa học. Năm ngoái, tôi tuyên bố đặt ra mục tiêu tham vọng là chuẩn bị thêm 100.000 giáo viên STEM cho những thập kỷ tiếp theo, với sự đóng góp từ thiện và sự tham gia của khu vực tư nhân. Chiến dịch “Giáo dục để Đổi mới” của tôi đang đưa doanh nghiệp, các quỹ, các tổ chức phi lợi nhuận, các hiệp hội cùng hợp tác cải thiện hoạt động giảng dạy và học tập STEM. Mới đây, tôi có đề cương dự định lập ra một Đoàn Giáo viên cao cấp STEM sẽ được tổ chức ở 100 địa điểm trên khắp đất nước và mở rộng ra trong 4 năm tới để hỗ trợ cho 10.000 giáo viên STEM tốt nhất trong cả nước. Những đầu tư đó sẽ cải thiện chất lượng của giáo dục STEM mọi cấp độ, đảm bảo thế hệ sau này của nước Mỹ sẽ có những công cụ tốt để vượt xa thế giới trong đổi mới và cạnh tranh.

Mitt Romney:

Các chính trị gia Mỹ lâu nay cố gắng giải quyết những vấn đề giáo dục bằng cách chi tiêu nhiều tiền hơn từ ngân sách, biến nước Mỹ thành nơi có mức chi tiêu trên đầu học sinh thuộc hàng cao nhất trên thế giới, trong khi chất lượng giáo dục vẫn tiếp tục tụt hậu. Giải pháp của tôi đối với giáo dục phổ thông ở Mỹ [sẽ không đòi hỏi chi tiêu ngân sách nhiều hơn], cụ thể như sau:

Tăng cường Lựa chọn và Đổi mới: Trao cho phụ huynh nhiều lựa chọn hơn về trường lớp cho con em họ. Trẻ em các gia đình thu nhập thấp và có nhu cầu đặc biệt cần được hỗ trợ để được tự do chọn trường. Chúng ta cần phổ biến nhân rộng những mô hình trường công lập độc lập (Charter School: là những trường được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhưng ít chịu sự quản lý của Nhà nước; bù lại, những trường này có trách nhiệm giải trình với Nhà nước về sản phẩm đào tạo đầu ra) và tăng cường áp dụng công nghệ trong trường học.

Đảm bảo các tiêu chuẩn và trách nhiệm cao đối với kết quả đầu ra: Các bang phải đưa ra tiêu chuẩn để đảm bảo rằng tất cả các học sinh tốt nghiệp trung học đều được chuẩn bị để vào đại học hoặc để làm việc thông qua các kỳ thi hằng năm. Học sinh và giáo viên có trách nhiệm đạt được những tiêu chuẩn này, và kết quả của học sinh cũng như kết quả chung của nhà trường phải được sẵn sàng cung cấp cho các phụ huynh, với cách trình bày thật rõ ràng, dễ hiểu.

Tuyển dụng và thưởng Giáo viên giỏi: Chính sách tuyển dụng, đánh giá và khen thưởng giáo viên phải căn cứ trên chất lượng công việc của từng người.

Khoa học với chính sách công

Chúng ta sống trong một thời đại mà KH&CN ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống và xã hội, và do đó phải được có vị trí quan trọng trong các quyết sách. Làm thế nào để ông đảm bảo rằng cơ sở khoa học và số liệu kỹ thuật đóng vai trò trong cao nhất có thể trong xây dựng các chính sách và các quyết định quản lý, và đảm bảo rằng công chúng có thể tiếp cận đánh giá những cơ sở khoa học này?


Barack Obama:

Ngay sau khi nhậm chức, tôi đã chỉ đạo Văn phòng KH&CN ở Nhà Trắng đảm bảo rằng các chính sách của chúng ta phải phản ánh đúng theo những kết quả nghiên cứu khoa học mà không được bóp méo hoặc nhào nặn. Chúng tôi bổ nhiệm cố vấn khoa học dựa trên bằng cấp và kinh nghiệm của họ, không phải vì quan điểm chính trị hoặc hệ tư tưởng. Tôi cũng đã nhấn mạnh rằng, phải cởi mở và trung thực với người dân Mỹ về tính khoa học đằng sau các quyết định của chúng ta.

Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình, tôi đã cải thiện tính minh bạch và sự tham gia của công chúng – ví dụ, bằng cách mở rộng công bố công khai về ô nhiễm môi trường, tình trạng tuân thủ, và các thông tin khác về quy định Nhà nước nhằm giúp người dân có đủ thông tin để có thể tham gia vào các quyết định quan trọng về môi trường. Trong bốn năm tới, tôi sẽ tiếp tục tìm những cách thức mới để sẵn sàng mang lại thông tin khoa học rõ ràng hơn cho công chúng.

Mitt Romney:

Thật không may là Tổng thống Obama đã nhiều lần nhào nặn dữ liệu kỹ thuật để làm cơ sở cho một chương trình quản lý được định hướng bởi chính trị hơn là khoa học. Ví dụ, luật tiêu chuẩn thủy ngân trong khí của ông được coi là nhằm mục đích giảm ô nhiễm thủy ngân, nhưng EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ) ước tính rằng luật đó sẽ tiêu tốn 10 tỷ USD chỉ để giảm lượng ô nhiễm thủy ngân có mức độ tác hại chỉ tương đương 6 triệu USD. Vậy mà Tổng thống ca ngợi luật này là “đạt hiệu quả kinh tế”, “hợp lý”, hay “ngăn chặn hàng ngàn vụ tử vong sớm”.

Với chính phủ của tôi, khoa học có cơ sở đáng tin cậy sẽ đem lại các quyết sách đúng đắn, đánh giá một cách đầy đủ những chi phí và lợi ích của các chính sách. Tôi sẽ theo đuổi cải cách luật pháp để đảm bảo bộ máy chính quyền luôn tính toán các chi phí trước khi ban hành những quy định mới.

Thu Quỳnh lược dịch
Theo ScienceDebate.org và Nature News
http://www.nature.com/news/obama-and-romney-tackle-14-top-science-questions-1.11355

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)