Khi nước Mỹ cần một sự kiện Sputnik mới
Không giống như sự kiện Sputnik, thách thức mà nền khoa học Mỹ hiện đang đối diện đến một cách âm thầm, không báo trước. Như Shirley Jackson, cựu chủ tịch Hội Phát triển Khoa học Mỹ và chủ tịch Viện Rensselaer Polytechnic từng nói, nước Mỹ đang đối diện một “cuộc khủng hoảng thầm lặng”
Chưa từng có sự kiện lịch sử nào khiến người Mỹ quan tâm đến thế tới tầm quan trọng của chính sách khoa học, công nghệ, và giáo dục trong việc duy trì ưu thế công nghệ và quân sự của quốc gia trên thế giới. Năm 1958 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử chính sách khoa học của Mỹ, với một loạt các động thái nhằm tăng cường nền tảng khoa học và công nghệ quốc gia. Chỉ hơn một tháng sau sự kiện Sputnik, Tổng thống Eisenhower bổ nhiệm James R. Killian, Chủ tịch Đại học MIT, làm cố vấn đặc biệt về khoa học và công nghệ, thể hiện một sự thăng tiến vị thế của khoa học trong chính sách của Chính phủ Mỹ. Sau này Killian hồi tưởng lại: “[trong lịch sử nước Mỹ] chỉ khi Tổng thống Jefferson tự làm cố vấn cho bản thân mình về khoa học, hay khi Vannevar Bush làm cố vấn cho Franklin Roosevelt trong Thế chiến thứ II, khoa học mới thực sự có tầm ảnh hưởng tới những hội đồng hàng đầu của chính phủ”1. Cũng trong năm 1958, dư chấn từ sự kiện Sputnik đã khiến Luật Không gian được ra đời, dẫn tới sự thành lập Cơ quan Hàng không và không gian Quốc gia (NASA) với nhiệm vụ thực hiện các chương trình không gian và phát triển nghiên cứu hàng không – không gian mang tính dài hạn vì những mục tiêu dân sự và quân sự. Cũng trong năm đó, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục Quốc phòng Quốc gia, nhằm khuyến khích các thế hệ sinh viên trẻ theo đuổi các ngành khoa học và kỹ thuật. Cuối cùng, phải kể đến việc Tổng thống Eisenhower lập ra Cơ quan Các dự án Nghiên cứu Cao cấp (ARPA, nay được gọi là DARPA) – trong Bộ Quốc phòng. ARPA có nghĩa vụ ngăn ngừa những tình thế bất ngờ về công nghệ như vụ Sputnik, và có trách nhiệm phát triển các ý tưởng nghiên cứu sáng tạo có tính rủi ro cao nhưng giàu tiềm năng về công nghệ.
Nguồn ngân sách dành cho các cơ quan khoa học đã hiện hữu – như các cơ quan nghiên cứu của hải quân, lục quân, không quân, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (tiền thân của Bộ Năng lượng Mỹ ngày nay), Viện Y tế quốc gia, v.v – cũng tăng mạnh trong các năm sau sự kiện Sputnik. Đồng thời, các chính sách và hoạt động KH&CN được đẩy mạnh kích thích phát triển một hệ thống mới các trường đại học và phòng thí nghiệm quốc gia, nơi nuôi dưỡng tốc độ tăng trưởng chưa từng thấy trong hoạt động và kết quả nghiên cứu.
Sự chuyển đổi trọng tâm ưu tiên
Trong thập kỷ 1960, khoa học là trọng tâm trong số các mục tiêu phát triển của Mỹ, cụ thể là tham vọng đưa người lên Mặt trăng. Tới thập kỷ 1970, 1980, nước Mỹ tiếp tục hướng đến khoa học, tìm kiếm những giải pháp cho khủng hoảng năng lượng và nhu cầu quốc phòng trong Chiến tranh Lạnh. Tới đầu thập kỷ 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các tổ chức khoa học Mỹ chuyển sự chú ý sang phục vụ nhu cầu của dân số đang ngày càng già đi, tìm kiếm những liệu pháp cho các căn bệnh căn bản, thể hiện qua ngân sách gia tăng cho nghiên cứu ở Viện Y tế Quốc gia.
Ngày nay, các nhà khoa học và nhiều giới lo ngại rằng mối quan tâm của Nhà nước và công chúng đối với các chính sách khoa học đang giảm đi, mặc dù khoa học và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia. Có quan điểm cho rằng vị thế dẫn đầu trên toàn cầu của Mỹ trong khoa học đang lâm nguy do bị xao lãng và thiếu sự quan tâm. Những lo lắng cho tiền đồ phát triển KH&CN ở Mỹ xuất phát từ nhiều góc độ, như e ngại rằng vụ tấn công 11 tháng 9 năm 2001 khiến nước Mỹ thắt chặt chính sách an ninh, gây khó khăn cho việc di trú và trao đổi phát triển ý tưởng trong giới học thuật, tới những quan ngại về sự thiếu quan tâm của Nhà nước tới giáo dục khoa học và toán ở các trường học.
Để nước Mỹ tiếp tục chiếm lĩnh ưu thế vượt trội trong nền kinh tế tri thức của thế kỷ 21, nền khoa học và công nghệ của quốc gia này sẽ cần được tăng cường quan tâm từ cả Nhà nước và xã hội. Hạ Nghị sĩ Vernon Ehler, vị tiến sỹ vật lý đầu tiên được bầu vào Quốc hội, từng đặt câu hỏi: “Sputnick nay đang ở đâu khi chúng ta cần đến nó?”2 Cùng quan điểm này, nhiều nhân vật trọng yếu khác của nước Mỹ, trong đó có cả Bill Gates3, cho rằng nước Mỹ cần một sự kiện Sputnik thứ hai để xốc dậy tinh thần khoa học và thúc đẩy những chính sách và cam kết cho khoa học mang tính lâu dài.
Thách thức thầm lặng trước mắt nền khoa học Mỹ
Không giống như sự kiện Sputnik, thách thức mà nền khoa học Mỹ hiện đang đối diện đến một cách âm thầm, không báo trước. Như Shirley Jackson, cựu chủ tịch Hội Phát triển Khoa học Mỹ và chủ tịch Viện Rensselaer Polytechnic từng nói, nước Mỹ đang đối diện một “cuộc khủng hoảng thầm lặng”4. Trong một sự kiện do Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia tổ chức tháng 2 năm 2005, nơi các lãnh đạo trong giới doanh nghiệp và học thuật cùng trình bày những lo ngại về sự gia tăng cạnh tranh từ các nước châu Á mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ làm suy giảm ưu thế KH&CN của Mỹ, ông Craig Barrett, CEO của Intel phát biểu: “đây là một cuộc khủng hoảng thầm lặng mà người Mỹ đang không thức tỉnh kịp thời. Nó không giống như một sự kiện kiểu Sputnik hay một cơn sóng thần”5. Nhà kinh tế Thomas L. Friedman, cây viết của tờ New York Times cho rằng đây là cuộc khủng hoảng làm “suy thoái nền tảng khoa học và kỹ thuật của nước Mỹ”6.
Có nhiều lý do để người Mỹ phải lo lắng. Học sinh của họ không đạt kết quả cao tại những cuộc thi quốc tế trong lĩnh vực toán và khoa học. Nhiều ngành công nghiệp đang mất vị thế dẫn đầu truyền thống vào tay các đối thủ quốc tế. Ngày càng nhiều công ăn việc làm bị chuyển ra nước ngoài. Các tiến bộ khoa học quan trọng đang được tiến hành bên ngoài nước Mỹ, trong khi các nước khác ngày càng chú trọng đầu tư cho những chương trình nghiên cứu khoa học. Ngày càng nhiều sinh viên giỏi từ khắp thế giới chọn những trường đại học là đối thủ của các trường ở Mỹ. Trong khi đó, bản thân nước Mỹ vẫn đứng trước những thách thức KH&CN không nhỏ, như vấn đề lệ thuộc vào dầu mỏ của nước ngoài, những vấn đề cơ bản về bệnh dịch toàn cầu, và phòng vệ trước nguy cơ tấn công sinh học từ bên ngoài.
Những lĩnh vực được chú trọng trong chiến lược phát triển khoa học Mỹ Trước chiến tranh thế giới thứ II, nước Mỹ chưa có một chiến lược rõ ràng dành cho phát triển khoa học. Tới cuối Chiến tranh, Tổng thống Rooservelt đã yêu cầu Vannevar Bush, một kỹ sư kiêm nhà sáng chế và là cố vấn trưởng về khoa học của Tổng thống, xây dựng những đề xuất về sứ mệnh của khoa học cho tương lai quốc gia. Thực hiện yêu cầu này, Bush làm một báo cáo tựa đề Khoa học – Biên giới vô tận, được hoàn thành và trình Tổng thống Harry Truman vào ngày 25/7/1945. Trong đó, Bush đề xuất Chính phủ Mỹ tập trung hỗ trợ cho khoa học trên ba lĩnh vực chính: an ninh quốc gia, y tế, và kinh tế7. Kể từ đó, chính sách khoa học Mỹ tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên này. Sau chiến tranh thế giới thứ II, khi Chính phủ Mỹ bắt đầu chính thức cấp những khoản kinh phí lớn cho nghiên cứu khoa học, đã xuất hiện nhiều tranh luận về việc liệu có nên trợ cấp cho các ngành khoa học xã hội. Phe có quan điểm loại trừ khoa học xã hội dành thắng thế trong giai đoạn đầu, hệ quả là khi Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) được thành lập năm 1950, các ngành khoa học xã hội không được tính tới. Phải tới 4 thập kỷ sau, vào năm 1991 NSF mới thành lập ban phụ trách các ngành khoa học xã hội, hành vi, và kinh tế học. Ngày nay, NSF không phải là cơ quan duy nhất cấp kinh phí cho các ngành khoa học xã hội. Viện Y tế Quốc gia và Bộ Quốc phòng là những cơ quan tài trợ rất nhiều cho các dự án nghiên cứu xã hội và hành vi con người, trong khi Bộ Năng lượng dành nhiều kinh phí cho các đề tài nghiên cứu kinh tế học. Tuy nhiên, vẫn còn quan điểm cho rằng các ngành khoa học xã hội – khoa học chính trị, kinh tế học, xã hội học, và tâm lý học – là các ngành khoa học ‘mềm’, còn các ngành khoa học tự nhiên – vật lý, hóa học, sinh học, địa lý học – là các ngành khoa học ‘cứng’. Sự phân biệt này không nhằm so sánh về tài năng, trí tuệ, hay tính khoa học giữa các lĩnh vực, mà nhằm phản ánh mức độ dễ dàng đưa ra kết quả dự đoán, phân tích hiện tượng từ các yếu tố cấu thành, và tái thực hiện các thí nghiệm thực chứng. Mặc dù những tiến bộ trong khoa học tính toán và mô hình toán học đã cho phép các nhà khoa học xã hội đưa ra những dự đoán đáng tin cậy hơn trước đây, và tính khác biệt về phương pháp luận giữa các ngành khoa học xã hội và tự nhiên ngày càng hẹp lại, nhưng các ngành khoa học xã hội vẫn thường bị công kích bởi một số nhà làm chính sách là không hoàn toàn xứng đáng với sự hỗ trợ của Nhà nước. |
Thanh Xuân tổng hợp từ cuốn sách Hậu Sputnik: Chính sách khoa học Mỹ trong thế kỷ 21 (Beyond Sputnik: US Science Policy in the 21st Century) của Homer A. Neal, Tobin L. Smith, và Jennifer B. McCormick
—-
1 James R. Killian Jr., Sputnik, các nhà khoa học, và Eisenhower: Hồi ký Cố vấn Đặc biệt thứ nhất của Tổng thống về Khoa học và Công nghệ (Cambridge: MIT Press, 1977), xv.
2 Rep. Vern Ehlers (R-MI) phát biểu tại hội thảo “Những thách thức đổi mới sáng tạo trong Thế kỷ 21” (“Challenges to Innova-tion in the 21st Century”) tổ chức tại Đại học Yale ngày 3/5/2002, http://entity.eng.yale.edu/150yrs/ehlers.ppt (accessed April 30, 2007). Xem thêm Steve Lilienthal, “Where Is Sputnik When We Need It?” Accuracy in the Media, 6/4/ 2006, http://www.aim.org/guest_column/A4476_0_6_0_C/ (accessed April 30, 2007).
3 Todd Bishop, “Gates: Giáo dục Công nghệ Thông tin có lẽ cần ‘một khoảnh khắc Sputnik’” (“Gates: Computer Science Education May Need Its Own ‘Sputnik Moment,’” Seattle Post-Intelligencer Reporter, 3/82004.
4 Shirley A. Jackson, “Cuộc khủng hoảng thầm lặng và tương lai sức cạnh tranh của Mỹ” (“The Quiet Crisis and the Future of American Competitiveness”), Presidential Symposium, Ameri-can Chemical Society Fall National Meeting, Washington, DC, 29/8/2005.
5 Andy Sullivan, “Các nhà lập pháp và doanh nghiệp kêu gọi tăng kinh phí cho R&D (“Lawmakers, Businesses Call for More R&D Funding”) Reuters, 16/2/2005
6 Thomas L. Friedman, Thế giới Phẳng: Tóm lược lịch sử Thế kỷ 21 (The World Is Flat: A Brief His-tory of the Twenty-First Century), New York: Farrar, Straus và
Giroux, 2005, trang 253.
7 Bush, Khoa học—Biên giới vô tận (Science – the Endless Frontier); xem thêm báo cáo House Committee on Science, Unlocking Our Future: Towards a New National Science Policy, 105th Cong., Tháng 9, 1998, Committee Print 105-B, 9, http://www.access.gpo.gov/congress/house/science/cp105-b/science105b.pdf