Khi Tổng thống là nhà nghiên cứu khoa học
Viện khoa học Weizmann là một trong những tổ chức hàng đầu thế giới về nghiên cứu và sáng tạo, một không gian lý tưởng cho việc hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học đa ngành. Người sáng lập viện là nhà hóa học, chủ nhân của patent “pure axeton”, cũng là nhà lãnh đạo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, Chủ tịch Tổ chức Phục quốc Do Thái và Tổng thống đầu tiên của Israel - Azriel Weizmann (1874 –1952).
Viện khoa học Weizmann
Tôi hẹn với cháu gái nhỏ là sẽ viết bài về chuyến viếng thăm lý thú một Viện khoa học đặc sắc của Israel tặng cháu. Đó là Viện khoa học Weizmann, điểm đến đầu tiên của chuyến đi nghiên cứu ngắn sáu ngày của đoàn khách Việt Nam mà nòng cốt là đội sinh viên giải nhất cuộc thi của 30 trường Đại học của “Hành trình vì khát vọng Việt” do Tập đoàn Trung Nguyên cùng Hội LHTN Việt Nam tổ chức. Tôi hào hứng mong đến đây vì có nghe tên tuổi của Viện Weizman trong giới học thuật quốc tế và cũng vì trước đó vài ngày, cuối năm 2013, tôi đọc được một tin khoa học quan trọng đăng trên tạp chí Extremetech: Các nhà nghiên cứu của Viện khoa học Weizman và ĐH Tel Aviv vừa công bố kết quả nghiên cứu chấn động là dùng âm thanh giải mã thành công thuật toán khóa mã hóa dữ liệu an toàn nhất hiện nay.
Viện khoa học Weizmann là một trong những tổ chức hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu và sáng tạo, một không gian lý tưởng cho việc hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học đa ngành (với năm ngành chính: khoa học máy tính, vật lý, hóa học, sinh học, sinh hóa học). Trên một diện tích 120 hecta, từ một nhóm nghiên cứu khoa học đầu tiên mang tên Daniel Sieff Resaerch chỉ có hơn 10 người, nay Viện đã có 2.600 người đang làm việc, nghiên cứu ở đây (1.000 nhà khoa học hàng đầu của Israel và thế giới, 1.000 nghiên cứu sinh tiến sĩ, thạc sĩ, 220 nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đến từ khắp các nước).Viện Weizmann có 250 nhóm nghiên cứu đến từ 28 nước khắp các châu lục (mà không thấy Việt Nam) và hàng năm, cũng đón tiếp 500 nhà khoa học đến đây trao đổi, nghiên cứu với trung bình 25 hội nghị khoa học quốc tế diễn ra. Nhớ lại và chú ý một chút, Israel mới chính thức lập quốc từ 1948, dân số đến nay chỉ có 7,5 triệu trong khi Viện nghiên cứu này cũng mới thành lập từ 1939, mới thấy độ phát triển kinh ngạc của chính Viện Weizmann.
Đến nơi, tôi hiểu thêm, đây còn là một trung tâm giáo dục khoa học cho giới trẻ, mối quan tâm hàng đầu của xã hội Israel. Viện có một khu vườn khoa học dành cho học sinh trung học tham quan học tập với các thí nghiệm đơn giản nhất về vật lý, hóa học, có cả một đồi cỏ trồng đầy đủ các loại cây làm thức ăn cho một sinh vật mà mọi đứa trẻ con thế giới đều say mê là… khủng long thuộc đủ các thời kỳ. Nổi tiếng còn có EcoSphere, một tòa nhà có kiến trúc đặc biệt, là không gian sinh thái xây dựng toàn bằng kính và nhôm đen trong đó thực hiện các thí nghiệm về giống cây,con mới; về biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính… trên sinh-thực vật.
Cái cách mà Weizmann tổ chức nghiên cứu khoa học cũng rất là…Do Thái. Xây dựng một không gian thật hấp dẫn, tiện nghi, thân thiện , thu hút các nhà nghiên cứu lớn của thế giới đến trao đổi các kiến thức, thông tin mới nhất, tạo điều kiện hút về “quần hùng tứ phương” cũng là một thứ “hấp tinh đại pháp” lôi kéo về cho mình mọi bộ não thông minh nhất, mọi tinh hoa khoa học của thời đại. Tổ chức các cuộc “hội ngộ” khoa học thật chuyên sâu và có chất lượng cũng là đóng dấu thương hiệu của nền nghiên cứu của Israel. Tổ chức không gian tốt cho các nhà khoa học trẻ đến học hành, nghiên cứu là đặt nền, nâng bước cho họ xây dựng cho họ mạng lưới quan hệ gắn bó với công đồng học thuật thế giới để phát triển lâu dài sau này. Lập quỹ để những nhà nghiên cứu đã thành danh góp sức giúp cho những người trẻ và cho sự nghiệp nghiên cứu chung của Israel. Tổ chức một công ty lớn chuyên về chuyển giao công nghệ, đăng ký đến 1400 bằng sáng chế của các gia đình và thành lập 42 công ty thực hiện sản xuất từ các bằng sáng chế này. Và trân trọng, nâng niu, chăm chút thấy rõ là không gian giáo dục khoa học cho thiếu nhi, thiếu niên Israel. Hàng ngày nơi đây có hàng nghìn các em thiếu niên đến tham quan, học tập, học mà chơi, chơi mà học trong một không gian đủ vui, đủ đẹp và đủ hấp dẫn trí tò mò cho trẻ con, một yếu tố quan trọng được Israel tập trung khuyến khích từ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.
Người công dân số 1
Azriel Weizmann sinh năm 1874 cũng là một nhà hóa học, chủ nhân của patent tên là “pure axeton” đã phát triển phương pháp lên men axeton-butanol-etanol (Acetone-butanol-ethanol fermentation) để sản xuất axeton thông qua sự lên men do vi khuẩn. Ông chính là người thành lập Viện Khoa học này, đặt tại Rehovot, Jerusalem, Israel.
Weizmann là một nhà lãnh đạo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, chủ tịch Tổ chức Phục quốc Do Thái và cũng là tổng thống đầu tiên của Israel. Ông được bầu cử vào ngày 1 tháng 2, 1949 vào năm ông đã 75 tuổi và phục vụ cho đến khi qua đời năm 1952. Tại phòng trưng bày các vật dụng cá nhân của hai vợ chồng ông, có một hiện vật cực kỳ quí: quyển hộ chiếu của công dân Azriel Weimann, mang số 1. Ông là người công dân số 1 của Israel. Ông cũng là bạn nghiên cứu của nhà bác học nổi tiếng nhất thế giới Albert Einstein (cũng là người Do Thái) và hiện nhà lưu niệm còn giữ bức ảnh hai người chụp chung khi ông sang Mỹ, cùng Einstein vận động quyên góp xây dựng một chương trình nghiên cứu cho Israel.
Khi đến thăm ngôi nhà lưu niệm của nhà hóa học Azriel Weizmann, chúng tôi được biết ngôi nhà này do vợ chồng ông xây năm 1939, toàn là những khu nhà thấp, không có lầu. Nghe kể là tuy giàu có, hai vợ chồng ông xây nhà tuy rất hiện đại, tiện nghi về không gian kiến trúc và nội thất (tận dụng được tất cả ánh sáng mặt trời, gió biển từ thiên nhiên) nhưng không quá uy nghi đồ sộ để không quá xa cách với những người nông dân nghèo chung quanh. Toàn bộ nội thất do chính bà vẽ kiểu, ngay cả những chiếc màn treo tường của các phòng khác nhau, nay được phục chế hầu như nguyên trạng cách đây gần 100 năm. Thư viện nơi ông ngồi làm việc mỗi ngày, còn giữ đủ 1500 cuốn sách với 6 thứ tiếng. Ở đây lưu giữ tất cả hình ảnh của gia đình ông: người con trai đầu đã tử nạn phi cơ ở Anh và người con trai kế nay cũng định cư ở nước ngoài. Ông thành lập Viện nghiên cứu này khi sinh thời với nhóm nghiên cứu đầu tiên chỉ hơn 10 người. Sau khi ông qua đời, bà còn sống ở đây 10 năm nữa. Sau khi bà ra đi, người ta mới mở di chúc của hai ông bà: họ dành toàn bộ ngôi nhà và tài sản của hai vợ chồng cho đất nước Israel, cho Viện nghiên cứu Weizmann.
Người công dân số 1 (thực sự là số 1 với hộ chiếu mang số 1) là một người ái quốc, khi làm Tổng Thống vẫn không xa rời nghề chính của ông, nghề mà ông say mê theo đuổi: nghiên cứu khoa học. Mơ ước cả đời của chính khách này là… cống hiến cho khoa học và toàn bộ thành tựu, công trình khoa học của ông đều cống hiến cho đất nước Israel. Cả những vị kế nhiệm nhà nước sau đời Tổng thống đầu tiên đều coi nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính của họ và của đất nước. Tôi đọc một câu ghi ở nhà lưu niệm Azriel Weizmann: “khoa học là chìa khóa của tương lai” . Bảo sao Israel không là một trung tâm nghiên cứu và sáng tạo hàng đầu của thế giới.
***
Cũng như trường hợp Israel, thực tế phát triển của mọi quốc gia trên thế giới hiện nay đang khẳng định điều đó. Ai, đất nước nào không tin và không thực sự chăm lo, đầu tư cho khoa học và tính nhân bản sẽ bị nhân loại ruồng bỏ, bị tụt hậu chìm đắm trong thảm họa dù có tự huyễn hoặc lừa mị thế nào.
Khái niệm tài sản của ông bà Weizmann cũng đáng nói. Không chỉ là toàn bộ kiến trúc hữu hình hiện diện trên khu đất bát ngát mà còn là rất nhiều patent (bằng sáng chế) của ông và việc chuyển giao các bằng sáng chế đưa vào sản xuất kinh doanh vẫn phát sinh giá trị cho Viện đến tận bây giờ. Đó là câu trả lời lý thú cho tôi, khi tôi thắc mắc, Viện thành lập từ trước khi nước Israel chính thức được LHQ công nhận tức là chưa có nhà nước tài trợ, và khi ông Weizmann còn “kháng chiến phục quốc” thì lấy đâu ra tiền mà đầu tư và phát triển không ngừng ? Gia đình Weizmann giàu to mà, cô nhân viên khu lưu niệm trả lời. Giàu? Vâng, tiền bán bản quyền, cho thuê các bằng sáng chế của ông nhiều lắm, tất cả đều được đầu tư trở lại cho Viện nghiên cứu này. Ngân sách vận hành hằng năm của Viện Weizmann hiện nay là 250 triệu đô la Mỹ (1 tỉ Shekel, đơn vị tiền của Israel) trong đó nhà nước cung cấp chừng một phần tư, còn lại là tiền được hiến tặng, thu phí chuyển giao công nghệ từ các công trình đứng tên Viện, và từ các dịch vụ phục vụ nghiên cứu. |