Khó nhất là kiểm soát chất lượng thực sự của các nghiên cứu

Theo TS Nguyễn Đức Thành, thách thức lớn nhất đối với Quỹ Nafosted chính là làm sao kiểm soát được chất lượng thực sự của các nghiên cứu, nhất là khi các nghiên cứu được chấp nhận công bố quốc tế thì thời hạn làm đề tài đã kết thúc.

Quỹ Nafosted được thành lập và đi vào hoạt động để hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản trong các ngành khoa học. Cho tới nay, về phía khoa học xã hội, việc xét tuyển và tài trợ mới bước sang năm thứ hai – đợt đề tài được tài trợ đầu tiên hiện chưa kết thúc, còn đợt hai đã được thông qua về nguyên tắc thì chưa ký hợp đồng tài trợ.

Hoạt động tài trợ của Quỹ đáp ứng một mảng lớn trong nghiên cứu hàn lâm mà các hoạt động tài trợ khác chưa đáp ứng được (như các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ hay các dự án nước ngoài, đa số mang tính ứng dụng chính sách hoặc đánh giá tác động, v.v…). Trong các trường đại học và viện nghiên cứu cũng có quỹ nghiên cứu cho các đề tài hàn lâm, nhưng quy mô còn nhỏ và manh mún. Vì thế, vào thời điểm này, hoạt động tài trợ của Quỹ đã giúp lấp một khoảng trống quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu ở cấp độ nền tảng.

Cách thức tuyển chọn đề tài đã có nhiều thay đổi, kể cả về nội dung chuyên môn lẫn quy chế tài chính. Đơn cử một ví dụ, các đề tài hiện nay khi trình bày vấn đề nghiên cứu và kế hoạch tài chính, đều phải phân thành các chuyên đề nghiên cứu nhỏ, và theo quy định tại Thông tư 44, chủ đề tài chỉ được trả cho các nghiên cứu chuyên đề đó từ 8 đến 12 triệu. Mức này chỉ tương đương cho một nhà khoa học có danh tiếng viết một tham luận ngắn hoặc phát biểu miệng, chưa nói gì đến việc phải khảo cứu, nghiền ngẫm, tìm tòi ra một vấn đề mới. Hơn nữa, điều này khiến chủ đề tài khi xây dựng kế hoạch tài chính phải “dựng” lên hàng chục, thậm chí hàng trăm, chuyên đề nhỏ, có tên chủ đề rõ ràng, để đáp ứng đủ quy mô của đề tài về mặt tài chính. Tiếp đó, khi kiểm tra tiến độ, chủ đề tài và nhóm nghiên cứu cũng phải báo cáo rõ các chuyên đề một cách tỷ mỉ như thế. Rõ ràng với quy mô manh mún như vậy, tất cả những việc đó chỉ mang tính hình thức, gây mất thời gian của cả bên thực hiện đề tài lẫn bên giám sát thực hiện đề tài. Quỹ Nafosted đã hoàn toàn loại bỏ cách làm này, chỉ quan tâm đến sản phẩm đầu ra cuối cùng. Tôi nghĩ, sau một thời gian, khi tính ưu việt trong cách làm của Quỹ được chứng minh, thì mô hình này sẽ được nhân rộng ra một cách triệt để để chúng ta có một hệ thống quản lý hoạt động khoa học tốt và hiệu quả hơn.

Việc thông qua quyết định tài trợ và thực hiện tài trợ của Quỹ trong thực tế, theo những đồng nghiệp của tôi đã và đang thực hiện đề tài, cho biết, là khá đơn giản và thuận lợi. Đây là một bước tiến lớn giúp các nhà khoa học tập trung nhiều hơn vào chuyên môn.

Tuy nhiên, theo tôi quan sát, hiện có một thách thức đối với Quỹ, chính là sự kiểm soát chất lượng thực sự của các nghiên cứu. Các nghiên cứu khoa học xã hội cần hai năm để thực hiện và có thể cho ra một số kết quả nhất định. Sau đó, nghiên cứu ấy cần được đúc kết thành ít nhất một bài báo để đăng tải trên tạp chí quốc tế (theo đúng chuẩn khoa học nghiêm ngặt), thì sẽ cần trung bình 1-2 năm tiếp theo để có thể được chấp nhận. Đến lúc đó thì đề tài đã kết thúc lâu rồi. Việc đặt tiêu chí đăng tải quốc tế là đúng đắn và khôn ngoan, cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, vì có thể sử dụng việc thẩm định chất lượng của cộng đồng nghiên cứu (peer review) quốc tế trong lĩnh vực đó. Nhưng rõ ràng có rủi ro là các đề tài sau đó không cho ra được các sản phẩm với chất lượng mong muốn. Chúng tôi đã bàn bạc với lãnh đạo Quỹ về điều này trong quá trình xây dựng quy chế tài trợ. Có vẻ như chỉ có thể đưa ra giải pháp là lưu lại mức độ tín nhiệm của chủ nhiệm đề tài như một bằng chứng tiêu cực, mà ít nhất Quỹ sẽ không tài trợ thêm những đề tài tiếp sau, hoặc công bố trong giới khoa học để định mức uy tín đối với nhà khoa học đó.

Nhìn chung, tôi cho rằng, hoạt động của Nafosted có nhiều điểm ưu việt so với các kênh tài trợ khoa học hiện thời. Cùng với thời gian, với sự điều chỉnh thích hợp và kịp thời trên cơ sở tiếp nhận phản hồi từ thực tiễn, có thể chúng ta sẽ có một mô hình tiến bộ hơn trong hoạt động quản lý khoa học, có thể nhân rộng nhằm thúc đẩy hoạt động tích lũy và sáng tạo tri thức có hiệu quả trong tương lai.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)