Khoa học Nga: Có hồi sinh sau kỷ nguyên trì trệ?

Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào năm 1991, nền kinh tế Nga lao dốc, dẫn đến việc hàng chục ngàn nhà khoa học ra nước ngoài hoặc bỏ nghề. Đất nước không có cách nào khôi phục được các mức đầu tư cho khoa học như cũ (sau khi chấp nhận lạm phát) và đội ngũ nghiên cứu của họ chỉ còn 1/3, dẫu vẫn còn là quốc gia có diện tích lớn thứ nhất thế giới. Nhưng trong thập kỷ qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hứa hẹn cải cách hệ thống khoa học đã bị suy giảm sức mạnh để khiến cho nó có thể cạnh tranh hơn và thu hút được các tài năng trẻ nước ngoài.


Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay một robot tại một công ty viễn thông ở Perm, Nga. Nguồn: Alexei Druzhinin/TASS via Getty.

Một số nhà nghiên cứu Nga đang trông chờ sự hứa hẹn từ những cải cách đã được ấn định này.

Trong ánh chiều chạng vạng của chiều đông ngoại ô Moscow, một khối nhà được xây hình đĩa được chia thành những khối ảm đạm và những bãi đỗ xe rộng lớn. Xây theo kiểu kiến trúc tiên phong (avant-garde), mà người ta vẫn gọi một cách đơn giản là Chiếc Đĩa (Disk), khối nhà này là nơi đặt Viện nghiên cứu KH&CN Skolkovo (Skoltech), một viện nghiên cứu tư nhân được thành lập từ năm 2011. Bên trong những căn phòng lớn hình cung sáng bóng, nhà vật lý Denis Kurlov miêu tả cách trung tâm này thu hút anh trở lại Nga vào khoảng hơn 7 năm trước, sau khi anh đã bỏ ra nước ngoài làm việc.

Khi chuyển tới Hà Lan, Kurlovh từng nghĩ là mình không thể quay lại. “Tôi không thấy bất kỳ nơi nào ở Nga có đủ một môi trường khuyến thích người ta làm nghiên cứu và đủ tiền để sống.”  Nhưng rồi hoàn cảnh đã tươi sáng hơn, Kurlov nói. Khi tới Trung tâm lượng tử Skoltech vào năm 2013, Kurlov đã ngạc nhiên khi thấy một phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại hơn bất cứ phòng thí nghiệm nào anh đã gặp khi còn học tại St Petersburg. Mùa thu năm ngoái, anh đã tham gia trung tâm này và làm việc về những mô phỏng hiệu ứng lượng tử trong các khí chứa hạt nhân siêu lạnh. “Có cái gì đó mới mẻ đang diễn ra tại đây,” anh nói.

Những thực tế đang diễn ra ở Nga rất phức tạp. Có những phần rất hứa hẹn trong một số lĩnh vực nghiên cứu nhưng phần nhiều thì khoa học Nga vẫn ở cảnh đầu tư èo uột và kết quả nghiên cứu ít được đồng nghiệp quốc tế quan tâm; năm nay, hàng trăm bài báo viết bằng tiếng Nga bị rút lại do đạo văn. Các nhà nghiên cứu vẫn còn phàn nàn về tình trạng quan liêu và sự can thiệp chính trị, và một số nhà khoa học Nga ở nước ngoài cho biết không thể đặt lịch trở lại một đất nước không có sự đảm bảo cho các nhà khoa học tự do và an toàn khibiểu lộ quan điểm. “Tôi không muốn sống và nghiên cứu trong một đất nước mà chính phủ vẫn còn “ghẻ lạnh” đời sống xã hội dân sự”, Fyodor Kondrashov, một nhà sinh học tại Viện nghiên cứu KH&CN Áo ở Klosterneuburg, cho biết.
Nhưng nhiều nhà khoa học ở Nga đã cảm thấy văn hóa khoa học đang thay đổi theo chiều hướng tốt lên, nhà vật lý polymer Alexei Khokhlov, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở Moscow, nhận xét. Lương của các nhà khoa học đã được gia tăng, và sự cạnh tranh dựa trên kết quả nghiên cứu đang dần thay thế mạng lưới hàn lâm được xây dựng dựa trên quan hệ, ông nói. “Nhiều vị trí nghiên cứu ở Nga trong quá khứ do những người ít có thành tích khoa học thực sự chiếm giữ. Giờ đây các viện nghiên cứu phải nghĩ đến việc tuyển người có khả năng thu hút được kinh phí đầu tư và viết được những bài báo tốt.”

Cái tốt nhất và cái còn lại

Kurlov và những nhà nghiên cứu khác tại Skoltech đã hưởng lợi từ một số ít sáng kiến công nghệ quốc gia kéo dài trong vòng năm năm và trị giá 50 tỷ rouble (790 triệu USD). Nga cũng xây dựng nhiều cơ sở nghiên cứu lớn, bao gồm một máy gia tốc synchrotron ở Moscow, Novosibirsk cũng như một máy gia tốc ion ở Dubna.

Một phát triển quan trọng khác là việc thành lập Quỹ Khoa học Nga (RSF) vào năm 2014 ở Moscow. Đây là cơ quan đầu tiên của chính phủ đầu tư theo cơ chế cạnh tranh và phản biện độc lập – một nỗ lực để tránh chủ nghĩa thân hữu tồn tại trong khoa học Nga, với kinh phí được rót thẳng về các viện nghiên cứu.

RSF được giao nhiệm vụ cải thiện chất lượng của khoa học Nga, phát triển các hướng dẫn để ngăn ngừa việc quản lý kém cũng như thúc đấy áp dụng các thực hành khoa học tốt, bao gồm hướng dẫn trong những lĩnh vực nhạy cảm như chỉnh sửa gene, để Nga có thể thu hút được sự quam tâm của thế giới. Năm ngoái, nhà sinh học phân tử ở Moscow Denis Rebrikov đã gây lên lo ngại khi nói với Nature về việc muốn chỉnh sửa gene trên phôi người với mục tiêu tạo ra những em bé chỉnh sửa gene. RSF không hỗ trợ ý tưởng này, giám đốc Alexander Khlunov tuyên bố, dù không loại trừ việc tài trợ cho công trình có “trách nhiệm đạo đức” trong lĩnh vực chỉnh sửa gene trên người trong tương lai.

Ngân sách dành cho RSF còn nhỏ: 21 tỷ rouble trong năm nay, thấp hơn nhiều so với những cơ quan quỹ của Đức hay của Mỹ. Nhưng với việc mời được các nhà khoa học ở nước ngoài tham gia bình duyệt về các đề xuất tài trợ và mở rộng hợp tác song phương với nhiều quỹ ở Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, RSF có thể thúc đẩy chất lượng khoa học do nó tài trợ, Khlunov nói.


Viện nghiên cứu KH&CN Skolkovo (Skoltech), một viện nghiên cứu tư nhân được thành lập từ năm 2011. Nguồn: Nature

Một người được hưởng lợi về vấn đề này là nhà vật lý Alexander Rodin, người có nghiên cứu về thành phần khí quyển sao Hỏa do RSF và Quỹ Khoa học Đức DFG tài trợ. Anh trở thành trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Lượng tử Nga vào năm 2016. “Đó luôn là giấc mơ của tôi để tôi có thể khởi động phòng thí nghiệm của chính mình tại Nga,” anh nói. Một quang phổ kế laser do chính anh phát triển sẽ được sử dụng trong một thiết bị được hạ cánh xuống sao Hỏa vào năm 2022, một phần của chương trình ExoMars mà Nga tham gia trực tiếp với Cơ quan hàng không châu Âu (ESA). Rodin cho biết việc tham gia vào các chương trình vũ trụ quốc tế là cốt lõi để đưa Nga trở lại làm quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu vũ trụ. “Nếu chúng ta từ chối cạnh tranh trong không gian, chúng ta sẽ từ chối trở thành người Nga”, anh hàm ý đến quá khứ lẫy lừng của đất nước.

Dẫu sao thì các cơ sở nghiên cứu của Rodin và Kurlov là những nơi hiếm hoi nhận được sự hỗ trợ tốt của một đất nước mà trong hai thập kỷ, tỉ lệ đầu tư cho R&D vẫn chỉ ở mức 1% GDP, một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia. Năm 2012, Putin thiết lập mục tiêu đầu tư đến năm 2018 đạt đạt 1,77% của GDP nhưng điều đó đã không xảy ra. Hoặc một mục tiêu khác của Putin: năm 2020, Nga phải có 5 trường đại học trong top 100 thế giới (hiện giờ chưa có trường nào). Hiện giờ có một số kế hoạch đầu tiên – nếu chính phủ còn theo đuổi – được dự đoán là tăng đầu tư R&D lên 1, 2% GDP vào năm 2024, trích dẫn từ một xuất bản về khoa học vào tháng 2/2020 của Phòng Kế toán của quốc gia, một cơ quan nghị viện quản lý tài chính của liên bang.

Tổng ngân sách R&D của Nga – bao gồm chi cho nghiên cứu hàn lâm và công nghiệp – vẫn hoàn toàn từ nhà nước, không giống như với nhiều quốc gia hàng đầu về khoa học, nơi các công ty tư nhân đầu tư phần lớn kinh phí nghiên cứu. Sự suy giảm đầu tư cho R&D của công nghiệp Nga là vấn đề tồn tại dai dẳng, Grigory Trubnikov, Thứ trưởng của Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Nga, thừa nhận. Skoltech được nhà nước hỗ trợ để giúp cải thiện tình hình này – các công ty công nghệ đang chuyển vào một công viên công nghệ phát triển quanh viện nghiên cứu để được hưởng ưu đãi thuế và sự hỗ trợ của chính phủ. Cho đến nay thì dẫu sao, điều này vẫn chưa dẫn đến một tăng tốc lớn về đổi mới sáng tạo ở quy mô thương mại, theo Sergei Guriev, một nhà kinh tế học tại Sciences Po ở Paris, người rời Nga vào năm 2013.

Hãy xuất bản các bài báo

Một trong những mục tiêu của Putin dường như đã đơm trái. Sau khi kết quả đầu ra của khoa học Nga hầu như không tăng trong hai thập kỷ, Putin nói các nhà khoa học cần phải làm việc hiệu quả hơn trên quy mô toàn cầu. Các trường đại học bắt đầu đưa ra các mức thưởng nhà khoa học dựa trên những bài báo quốc tế, Khokhlov, Phó chủ tịch RAS cho biết. Số lượng của các bài báo do nhà khoa học Nga là tác giả sau đó nhảy vọt, nhiều gấp đôi giữa năm 2012 và năm 2018. Vào tháng 12/2019, Quỹ Khoa học Mỹ (NSF) ghi nhận trong thập kỷ qua, Nga đã tăng lên từ vị trí 14 lên thứ 7 danh sách các vùng có nhiều ấn bản khoa học nhất thế giới.

Vào tháng 1/2020, một scandal xuất bản được quốc tế nhắc đến. RAS loan báo, Hội đồng Chống giả mạo trong nghiên cứu khoa học của RAS đã tiết lộ nạn đạo văn phổ biến trong các bài báo trên các tạp chí xuất bản bằng tiếng Nga. Hơn 800 bài báo bị rút lại, trong nhiều lĩnh vực từ nhân văn, khoa học xã hội đến y học và nông nghiệp, và số lượng có thể gia tăng nếu tiếp tục điều tra. “Chúng tôi đang giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc,” Khokhlov cho biết.

Các bài báo trên những tạp chí này do không được chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu quốc tế nên không được quốc tế công nhận, và không thuộc dạng công trình mà Putin muốn hướng đến. Dẫu vậy, các nhà khoa học Nga đang chịu áp lực phải xuất bản nhiều bài báo để thúc đẩy sự nghiệp của họ có thể dẫn đến hành vi sai trái này, Mikhail Gelfand, một nhà tin sinh học tại Trung tâm Khoa học sự sống của Skoltech và tham gia vào cuộc điều tra này, nói. “Rút lại các bài báo đạo văn và khiến cho những kẻ phạm tội phải xấu hổ là điều đúng nhất có thể làm lúc này,” anh nhận xét.

Sự va chạm quốc tế

Một đặc điểm khác của khoa học Nga là các mối quan hệ hợp tác quốc tế đã rơi rụng một cách đột ngột trong hơn thập kỷ qua. Có thể thấy một phần điều đó ở sự gia tăng của các tác giả trong nước trên các công trình được xuất bản. Căn nguyên có thể là do căng thẳng chính trị. Việc sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014 đã làm sứt mẻ các mối hợp tác quốc tế, đặc biệt với Mỹ. Các nhà khoa học từ hai quốc gia vẫn tiếp tục duy trì mạch liên kết nhưng về mặt chính thức thì việc thắt chặt quan hệ khoa học Nga và Mỹ đã ngưng kể từ năm 2014, không kể đến một thỏa thuận hợp tác được ký năm ngoái giữa RAS và Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ.

Dẫu vậy, Nga vẫn tham gia nhiều hợp tác nghiên cứu quốc tế lớn, bao gồm Trung tâm Vũ trụ quốc tế ISS, Trung tâm Hạt nhân châu Âu CERN gần Geneva, Thụy Sĩ; Dự án lò phản ứng nhiệt hạch quốc tế ITER tại Pháp; và ở Đức là Trung tâm Laser electron tự do tia X châu Âu gần Hamburg và Trung tâm nghiên cứu phản proton và ion FAIR đang xây dựng ở Darmstadt, Đức.
Với Nga, Đức là một đối tác khoa học quan trọng bởi có khoảng 300 dự án nghiên cứu chung đang diễn ra. Những hợp tác bao gồm nghiên cứu về phương diện địa lý của Bắc Cực. Một dự án đang tiến hành là Đài quan sát nổi Đa ngành phục vụ Nghiên cứu Khí hậu Bắc Cực MOSAiC – một nhiệm vụ nghiên cứu Bắc Cực trong vòng một năm với sự tham gia của 300 nhà khoa học trên tàu nghiên cứu của Đức vốn đòi hỏi sự hỗ trợ của tàu phá băng Nga.

Thảm đỏ và sự giao thoa

Vào năm 2010, Chính phủ Nga đã mở một chương trình cho phép các nhà khoa học hàng đầu của nước ngoài tới làm việc. Có 272 nhà khoa học của 31 quốc gia — 149 nhà khoa học nước ngoài và 123 nhà khoa học người Nga  – đã nhận được những khoản đầu tư lớn để thiết lập phòng thí nghiệm ở Nga. Chương trình này có thể làm được nhiều hơn cho khoa học Nga bởi tệ quan liêu đã được giảm bớt đáng kể, Gerry Melino, một nhà sinh học ung thư Ý tại Bộ phận độc học của Hội đồng nghiên cứu y khoa Anh ở Cambridge từng nhận được khoản tài trợ 4,9 triệu USD vào năm 2010 để thành lập một phòng thí nghiệm tế bào học tại Viện Công nghệ Saint Petersburg. Mỗi năm, ông dành ba tháng tại đây cho đến khi kết thúc chương trình vào năm 2016.

Sinh viên ở đó thật tuyệt vời, Melino nói, nhưng các nhà quản trị chịu trách nhiệm về mua bán thiết bị thật khó chấp nhận được. “Hệ thống này có thể thay đổi như thế nào nếu anh cứ phải đưa tiền cho người ít hiểu biết hoặc thậm chí không hiểu biết gì về khoa học hiện đại?” Hệ thống này đặc biệt gây khó cho các nhà khoa học ở bên ngoài hệ thống. “Hầu như là không thể cho nhà khoa học nước ngoài, những người không cùng ngôn ngữ và không đủ trí lực để hiểu được sự quan liêu của Nga,” Melino nói.


Tàu phá băng của Nga tham gia dự án Đài quan sát nổi Đa ngành phục vụ Nghiên cứu Khí hậu Bắc Cực MOSAiC. Nguồn: Nature

Việc mua các thiết bị và hóa chất phòng thí nghiệm từ các nhà cung cấp quốc tế vẫn còn là một vấn đề, thậm chí với cả các nhà khoa học Nga. “Nếu làm việc bên ngoài quốc gia thì tôi có thể nhận được hóa chất mình cần vào ngày mai,” Olga Dontsova, một nhà hóa sinh tại trường Đại học Lomonosov ở Moscow từng nói với Putin trong một buổi gặp gỡ năm  2018. “Còn ở đất nước của chúng ta, tôi phải chờ ít nhất ba tháng và phải trả gấp hai đến ba lần nữa. Đây là vấn đề khiến các nhà nghiên cứu trẻ thích làm việc ở nước ngoài hơn.”

Sau cuộc thảo luận này, chính phủ đã giảm bớt những quy định về giấy tờ cho các vật liệu phòng thí nghiệm nhập khẩu. Các hóa chất chung và plastic hiện đang sẵn có trong các nhà cung cấp Nga nhưng việc cung cấp các hóa chất chỉ sản xuất tại Mỹ hoặc EU vẫn còn là một vấn đề, Dontsova nhận xét.

“Chúng tôi vẫn phải chờ chừng bốn tháng cho đến khi chắc chắn các hóa chất dùng cho các kháng thể và nuôi cấy tế bào từ nước ngoài đến nơi”, chị nói. Ngoài ra, các nhà khoa học Nga phải có được sự cho phép để trao đổi các mẫu thực nghiệm với các đối tác ngoài đất nước.

Các nhà khoa học đang lo ngại về những vấn đề chính trị. Các tổ chức NGO quốc tế, bao gồm các nhóm bảo tồn và ngăn ngừa HIV, đã bị cấm hoạt động tại Nga nếu nhận hỗ trợ từ nước ngoài. Năm 2015, Dynasty Foundation, một quỹ đầu tư tư nhân cho khoa học đặt tại Moscow, đã bị đóng cửa sau khi Bộ Tư pháp Nga cáo buộc là “điệp viên nước ngoài”.

Cuối năm ngoái, RAS và các nhà khoa học hàng đầu Nga đã chỉ trích một chính sách áp đặt tại Viện nghiên cứu Vật lý Lebedev, một trung tâm vật lý hàng đầu Nga với bảy nhà khoa học đoạt giải Nobel. Vào tháng 10/2019, cảnh sát vũ trang đã đột chiếm Viện và buộc tội giám đốc Viện Nikolai Kolachevsky là vận chuyển những mặt hàng cấm sang Đức – đặc biệt là những kính cửa sổ nghe nói cho dành cho mục đích quân sự, sản phẩm của một trong những công ty spin-off của viện. Cảnh sát sau đó đã loại bỏ những cáo buộc này nhưng vẫn tiến hành điều tra vụ việc, Kolachevsky cho biết. Ông bác bỏ cáo buộc buôn lậu hoặc làm việc sai trái. “Thật không hay ho với một viện nghiên cứu bị coi là nơi buôn lậu trong khi nỗ lực của tôi là thu hút tài năng trẻ,” ông nói.

Đó là những dấu hiệu chính phủ bắt đầu để tâm nghe ngóng chỉ trích. Bộ trưởng Bộ Khoa học của Nga, Valery Falkov – người mới đảm trách vị trí này vào tháng trước – bắt đầu công việc của minh bằng việc loại bỏ nhiều quy định bị phản đối vào năm 2019 khi bắt buộc các nhà khoa học Nga phải có được sự chấp thuận về mặt hành chính mới mời được nhà khoa học nước ngoài tới làm việc. Thứ trưởng Bộ Khoa học, TS Trubnikov, nhấn mạnh là nay tình thế đã đổi chiều. “Chúng tôi muốn trở thành một đối tác khoa học quốc tế mở và đáng tin cậy với những quy định minh bạch,” ông nói.

Môi trường làm việc của các nhà khoa học đang được cải thiện nhưng bước chuyển vẫn còn quá chậm chạp, Kolachevsky nhận xét. Sau nhiều năm xao lãng, Nga đã mất đi một thế hệ khoa học. Viện Nghiên cứu Vật lý Lebedev, ông nói, có một đội ngũ nhà nghiên cứu đang già hóa và một lượng nhỏ các nhà khoa học sung sức, vì vậy ông muốn phát triển một thế hệ các nhà khoa học mới triển vọng từ những nghiên cứu sinh trẻ. “Những điều diễn ra vẫn còn quá ít ỏi,” ông bình luận.□

Anh Vũ lược dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-020-00753-7

Năm 2018, Putin thông qua một chiến lược nghiên cứu quốc gia kéo dài đến năm 2024 cho phép đầu tư nhiều tiền, mở rộng hỗ trợ cho các nhà khoa học ở giai đoạn đầu sự nghiệp, và khoảng 900 phòng thí nghiệm mới, bao gồm 15 trung tâm nghiên cứu ở đẳng cấp thế giới tập trung vào toán học, hệ gene, khoa học vật liệu và robotics. Năm ngoái, chính phủ hoàn thành một đánh giá trên diện rộng về hiệu suất khoa học của các trường đại học và viện nghiên cứu; hứa hẹn hiện đại hóa trang thiết bị của 300 viện nghiên cứu; đồng thời muốn tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức trước đây, bao gồm khoa học khí hậu và môi trường.

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)