Khoa học Trung Quốc: Nguồn lực làm nên sự trỗi dậy
Sự trỗi dậy của khoa học Trung Quốc được ngưỡng mộ trên phạm vi toàn cầu nhưng người ta thường chỉ quan tâm đến những hấp dẫn hào nhoáng của thành công mà ít thấy nền tảng khoa học cơ bản ở phía dưới và một chính sách thúc đẩy, Quỹ Khoa học tự nhiên Quốc gia Trung Quốc.
Trung Quốc đang trên đà thăng tiến nhanh chóng trong thế giới khoa học. Theo Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), năm 2018, lần đầu tiên Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về tổng số xuất bản khoa học 2018. Dẫu tổng số xuất bản chỉ là một đo lường thô sơ – và dễ bị cường điệu – nhưng sức mạnh của Trung Quốc về khoa học cơ bản, số bài báo trong top 1% bài báo được trích dẫn nhiều nhất thế giới có tốc độ gia tăng nhanh hơn cả sự gia tăng về số lượng, một chỉ dấu cho thấy chất lượng nghiên cứu cơ bản của quốc gia này đang được cải thiện nhanh chóng.
Đó là lý do người ta cần phải quan tâm về những động lực thúc đẩy sự thăng tiến của khoa học cơ bản tại Trung Quốc và những triển vọng của nó. Rất nhiều phân tích từ năm 2006 đến năm 2018 đã đề xuất một số nguyên nhân: sự đầu tư công hào phóng cho KH&CN tại thời điểm mà nguồn tài trợ ở nơi khác được xem xét chặt chẽ và ít ỏi, một nguồn nhân lực KH&CN lớn và mối hợp tác của họ với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, một văn hóa cạnh tranh cao nảy nở trong các viện nghiên cứu Trung Quốc và các chương trình khen thưởng mà họ áp dụng để khuyến khích xuất bản trên các tạp chí hàng đầu – nhiều đến mức nó tạo ra hệ quả xấu trong môi trường học thuật ở thời điểm các viện nghiên cứu còn chưa áp dụng các thực hành đánh giá và loại bỏ.
Tuy nhiên, có nhiều tranh cãi về bức tranh tài trợ cho khoa học của Trung Quốc. Ví dụ năm 2010 trên Science, hai giáo sư hàng đầu Trung Quốc ở ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh chỉ trích sự thiên vị của những quyết định phân bổ “tài trợ cho các dự án lớn” qua cách tiếp cận từ trên xuống (top down) với việc các cơ quan tài trợ theo “nhu cầu quốc gia” cho các nhà khoa học thành danh trong khi thành công của khoa học lại đến từ những tài trợ nhỏ hơn nhiều, như tài trợ từ Quỹ Khoa học tự nhiên Quốc gia Trung Quốc (NSFC).
Chương trình tài trợ lớn nhất của NSFC là Chương trình Ứng dụng mở (mianshang xiangmu), được vận hành như Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, với “đề xuất từ dưới lên” (bottom-up): mỗi năm một đợt tiếp nhận hồ sơ xin tài trợ do chính nhà khoa học thiết lập; mọi nhà khoa học Trung Quốc đạt được những tiêu chí hành chính tối thiểu đều có thể nộp hồ sơ; có bình xét trước khi đưa ra quyết định tài trợ; quy mô tài trợ dự kiến được thông báo trước (trung bình 10,7 tỉ nhân dân tệ/đề tài).
Tác động của một chính sách tài trợ hào phóng hơn
Tương tự NAFOSTED ở Việt Nam, Quỹ Khoa học tự nhiên Quốc gia Trung Quốc trực thuộc Bộ KH&CN Trung Quốc. Cơ quan này được thành lập vào năm 1986 và trở thành một trong những nguồn tài trợ chính cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc. Năm 2016, ngân sách của NSFC là 26,8 tỉ nhân dân tệ (3,9 triệu USD), không chỉ lớn thứ ba trong số các nguồn tài trợ cho khoa học cơ bản và còn là chương trình tài trợ danh giá và cạnh tranh nhất trong nghiên cứu cơ bản quốc gia này.
Mặc dù có nhiều chương trình tài trợ nhưng chương trình tài trợ lớn nhất của NSFC là Chương trình Ứng dụng mở (mianshang xiangmu), được vận hành hằng năm như Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, và tương tự với chương trình tài trợ chính hằng năm với các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật, Khoa học xã hội và nhân văn của NAFOSTED. Đó là chương trình “đề xuất từ dưới lên” (bottom-up), mỗi năm một đợt tiếp nhận hồ sơ xin tài trợ do chính nhà khoa học thiết lập; mọi nhà khoa học Trung Quốc đạt được những tiêu chí hành chính tối thiểu đều có thể nộp hồ sơ; có bình xét trước khi đưa ra quyết định tài trợ; quy mô tài trợ dự kiến được thông báo trước (trung bình 10,7 tỉ nhân dân tệ/đề tài).
Cùng với một chương trình khác là Tài trợ Khoa học trẻ (chỉ rót tài trợ cho các nhà nghiên cứu dưới 35 tuổi với nam và 40 tuổi đối với nữ; mỗi nhà nghiên cứu chỉ có thể nhận được một dự án trong sự nghiệp nghiên cứu), Tài trợ Ứng dụng mở chiếm khoảng 60% tổng số tài trợ của NSFC, tập trung vào tám lĩnh vực lớn: toán học và vật lý, hóa học, khoa học sự sống, khoa học địa chất, kỹ thuật và khoa học vật liệu, khoa học thông tin, quản lý khoa học và khoa học y học.
Kể từ năm 2011, NSFC đã thông báo một cập nhật mới trong tài trợ cho chương trình này bằng việc nới rộng cả số lượng tài trợ và thời gian thực hiện (ba đến bốn năm) mà các nhà khoa học gọi là cú sốc tài trợ ngoại sinh (exogenous funding shock). Đó là một bước nhảy vọt đáng kể, ví dụ ngành hóa học trung bình tăng 350 ngàn nhân dân tệ lên 600 ngàn nhân dân tệ/đề tài, tuy nhiên nhìn chung, các mức tài trợ giữa các ngành lại không khác nhau nhiều. Sự hào phóng về tài trợ không làm gia tăng số lượng hồ sơ đề xuất và tỉ lệ được tài trợ. Tỉ lệ tăng trưởng hai con số của chương trình này vẫn gia tăng đều đều hằng năm, ví dụ năm 2011, NSFC nhận được 76.062 hồ sơ, tăng 16,8% so với năm trước, tương đồng với sự gia tăng của năm 2009 (16,7%).
Năm 2011 được coi là một mốc quan trọng để đánh giá hiệu quả tài trợ của NSFC. Trong đợt thông báo tài trợ năm này, có 25 nghìn hồ sơ được cấp tài trợ, trong đó có một số từng được tài trợ trong nhiều năm trước đó, ví dụ có 757 nhà khoa học có xu hướng năng suất hơn và thuộc các viện nghiên cứu hàng đầu. Có một điểm thú vị là sự thay đổi về chính sách tài trợ của NSFC làm tăng số lượng những người lần đầu nhận được tài trợ (7084 người năm 2011 so với 6354 người năm 2010) và tăng cả số người từng nhiều lần nhận tài trợ hơn (4801 người năm 2011 so với 3545 năm 2010).
Vậy tác động của sự thay đổi chính sách đối với xuất bản và chất lượng xuất bản như thế nào? Có nhiều cách đánh giá khác nhau về chất lượng tài trợ nhưng để có cái nhìn tổng thể xuyên suốt các ngành, có lẽ người ta vẫn phải dùng đến một số chỉ số trắc lượng khoa học phổ biến. Theo ước tích dựa trên dữ liệu Web of Science, các nhà khoa học được thụ hưởng chính sách đều gia tăng đáng kể năng lực nghiên cứu thông qua các chỉ số: số lượng xuất bản; hệ số ảnh hưởng của xuất bản; tổng số trích dẫn; hệ số ảnh hưởng của tạp chí. Tất cả các chỉ số này đều gia tăng, chỉ dấu cho thấy việc nâng cấp quy mô tài trợ – thời hạn dài hơn và khoản tài trợ lớn hơn – đã dẫn đến nhiều nghiên cứu hơn, xét về mặt ấn phẩm.
Đáng chú ý là tác động của sự thay đổi chính sách tài trợ lại khác biệt giữa các nhóm nhà nghiên cứu: nhóm các nhà nghiên cứu chưa thành danh, đặc biệt là các nhà khoa học lần đầu nhận được tài trợ, lại được hưởng nhiều lợi ích hơn từ chính sách tài trợ hào phóng trong khi chính sách này lại không tác động nhiều lắm đến những nhà nghiên cứu đã định hình tên tuổi khi họ đã xuất sắc sẵn. Rất có thể, các nhà nghiên cứu chưa tên tuổi và ít được biết đến trước đây ít được tiếp cận các nguồn kinh phí tài trợ để theo đuổi nghiên cứu, vì vậy khi chính sách thay đổi thì họ là những người được hưởng lợi đầu tiên.
Về lĩnh vực nghiên cứu, tuy quy mô tài trợ của NSFC khá đồng đều trên các lĩnh vực khoa học nhưng tác động lại khác nhau giữa các ngành, đặc biệt với những ngành thực nghiệm đòi hỏi nhiều thời gian thực hiện và chi phí thực hiện. Ví dụ với toán học thì các khoản tài trợ hào phóng hơn không có ảnh hưởng quá nhiều đến hiệu quả nghiên cứu nhưng ngược lại, các nhà nghiên cứu khoa học sự sống và y sinh đã tạo ra nhiều nghiên cứu hơn và tốt hơn nhờ khoản tài trợ hào phóng hơn. Sự gia tăng tổng số trích dẫn cũng đáng kể ở mức 10%. Nét đặc biệt ở hơn hai ngành này là ngay cả các nhà nghiên cứu có uy tín cũng được hưởng lợi ở một mức độ nào đó từ nguồn tài trợ lớn hơn – các ấn phẩm của họ tăng lên và xuất bản trên tạp chí uy tín hơn, dẫu chỉ tăng nhẹ.
Về cơ sở nghiên cứu, từ trước cột mốc 2011, Chính phủ Trung Quốc có xu hướng hướng đến các trường viện hàng đầu để nhanh chóng nâng cao vị thế của khoa học và giáo dục Trung Quốc, ví dụ Chương trình 863, hay Kế hoạch Phát triển Công nghệ cao của quốc gia nhằm kích thích phát triển các công nghệ tiên tiến; Dự án 211 nâng cấp năng lực nghiên cứu của khoảng 100 trường đại học, với chi phí khoảng 2,2 tỷ USD trong giai đoạn đầu từ năm 1996 đến năm 2000, Dự án 985 dành riêng cho việc xây dựng các trường đại học ưu tú, đẳng cấp thế giới tại Trung Quốc được chính phủ cung cấp nguồn tài trợ hào phóng và tăng dần theo thời gian như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, mỗi trường nhận được khoảng 300 triệu USD trong giai đoạn đầu tiên, vào năm 1999–2001, với mức tài trợ tăng gấp đôi trong 10 năm; Dự án đổi mới tri thức tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cũng cho thấy các nguồn lực đáng kể đã được chuyển vào các viện danh tiếng.
Ngoài ra, danh tiếng cũng giúp các viện hàng đầu có lợi thế thu hút được tài trợ so với các viện kém uy tín hơn. Việc các viện này dễ dàng tiếp cận các quỹ nghiên cứu đã khiến các nhà nghiên cứu của họ ít phụ thuộc vào các cơ quan tài trợ bên ngoài như NSFC so với các viện ít uy tín hơn, do vậy gặp ít cản trở hơn trong sự nghiệp.
Kết quả phân tích từ cột mốc tài trợ năm 2011 cho thấy có sự gia tăng đáng kể về sản phẩm nghiên cứu đối với các nhà nghiên cứu từ cả các tổ chức danh tiếng và ít danh tiếng. Tuy nhiên, sự cải thiện hiệu suất nghiên cứu đáng kể hơn đối với các nhà nghiên cứu từ các tổ chức ít danh tiếng còn tác động với các nhà nghiên cứu ở các tổ chức hàng đầu chỉ giới hạn ở số lượng ấn phẩm – không có tác động đến tổng số trích dẫn và hệ số IF của tạp chí tác động tạp chí. Nguồn tài trợ hào phóng hơn được cung cấp thông qua nâng cấp tài trợ và thông qua cạnh tranh mở của NSFC sẽ có tác động lớn hơn đến họ. Trong khi đó, tác động của thay đổi chính sách tài trợ đối với các nhà nghiên cứu từ các tổ chức hàng đầu chỉ nằm ở số lượng ấn phẩm – không có tác động đến tổng số trích dẫn và hệ số IF tạp chí.
Về tác động của việc nâng cấp tài trợ NSFC đối với hiệu suất nghiên cứu của tổ chức khoa học thông qua việc mở rộng quy mô nhóm nghiên cứu và hợp tác quốc tế, có một kết quả đáng ngạc nhiên là tỷ lệ hợp tác quốc tế cao hơn do việc nâng cấp tài trợ với các nhà khoa học ở các cơ sở ít tên tuổi. Có thể đây là một trong những lý do tại sao nhóm các nhà nghiên cứu này có sự cải thiện lớn hơn về hiệu suất so với các nhà nghiên cứu khác.
Khi nhìn vào kết quả đầu ra của các nghiên cứu từ những đề tài được cấp năm 2011 và năm 2010, người ta không thấy bất kỳ tác động nào của việc mở rộng nguồn lực tài trợ đối với quy mô nhóm hoặc sự hợp tác quốc tế ở những cơ sở nghiên cứu hàng đầu. Ngược lại, ở các viện nghiên cứu ít tên tuổi hơn, tỷ lệ hợp tác quốc tế cao hơn đáng kể. Sự khác biệt giữa xu hướng của hai nhóm tổ chức này được giải thích là do các nhà nghiên cứu tại các tổ chức hàng đầu vốn sẵn đã có nhiều khả năng kết nối với cộng đồng khoa học quốc tế hơn – nhiều người trong số họ là các nhà khoa học Trung Quốc được đào tạo tại phương Tây trở về – so với các đồng nghiệp của họ ở các tổ chức khác. Đối với nhóm các nhà nghiên cứu ở các viện ít tên tuổi, các nguồn lực (cơ sở vật chất, kinh phí nghiên cứu) và uy tín đi kèm chưa đủ để họ hợp tác quốc tế rộng rãi trước đó nên cần đến cú hích là khoản tài trợ của NSFC để tăng cơ hội của họ trong liên kết với các nhà khoa học tại các tổ chức nước ngoài có uy tín. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao nhóm các nhà nghiên cứu này có sự cải thiện lớn hơn về hiệu suất so với các nhà nghiên cứu khác.
Những phát hiện về tác động của việc mở rộng quy mô tài trợ, cả về thời gian thực hiện lẫn nguồn kinh phí, của NSFC với cộng đồng khoa học Trung Quốc cho thấy hệ thống tài trợ khoa học của Trung Quốc đã hiệu quả hơn khi chuyển nhiều nguồn lực hơn để đáp ứng nhu cầu cần những nguồn lực hào phóng của các nhà khoa học ít có tên tuổi hơn và các lĩnh vực khoa học đòi hỏi nhiều kinh phí thực hiện hơn.
Trong ba, bốn thập kỷ qua, có bốn nhân tố giúp cho Trung Quốc trỗi dậy trở thành một thế lực KH&CN thế giới là một quy mô dân số lớn, nguồn lực con người lớn, một thị trường lao động ủng hộ nguồn nhân lực khoa học, một cộng đồng lớn các nhà khoa học gốc Trung Quốc ở nước ngoài, và một cam kết của chính phủ đầu tư cho khoa học. Tuy nhiên, phải nói rằng, việc thay đổi chính sách tài trợ, đem lại nhiều nguồn lực cho khoa học thông qua việc mở rộng khung tài trợ và duy trì sự cạnh tranh trong tài trợ đã đem lại cơ hội rộng rãi cho cộng đồng khoa học ở mọi cơ sở trường viện. Đó cũng là một ví dụ thành công mà nhiều nước đi sau có thể học hỏi.□
—————————–
Tài liệu tham khảo
Albert G.Z. Hu. “Public funding and the ascent of Chinese science: Evidence from the National Natural Science Foundation of China”, Research Policy.2020
Yu Xie, Chunni Zhang. “China’s rise as a major contributor to science and technology”. PNAS.
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024