Khoa học Việt Nam cũng cần “khoán hộ”
Mọi chính sách khoa học cần hướng tới kích cầu, minh bạch, đầu tư thỏa đáng đúng chỗ và nhất là đòi hỏi cao tương ứng đối với kết quả, để buộc mọi nhà khoa học, quản lý phát huy tiềm năng chuyên môn của bản thân theo tinh thần khoán sản phẩm.
Vai trò của nghiên cứu khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay quả là mờ nhạt. Với thực tế như vậy thật khó mà thu hút các doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân còn nhỏ bé nhưng năng động, đầu tư cho khoa học công nghệ nước nhà. Nhiều doanh nhân Việt Nam hiện nay vốn xuất phát và được đào tạo là các nhà khoa học, và họ biết rõ thực trạng trì trệ, nhiều tiêu cực và viển vông của khoa học công nghệ, và họ không muốn đầu tư vào những chỗ không tin cậy.
Khác với các láng giềng như Trung Quốc chẳng hạn, các cơ quan khoa học Việt Nam chưa có được các chính sách đủ hấp dẫn các tiến sĩ trẻ giỏi từ nước ngòai trở về, vì thực tế họ chưa phải chịu sức ép về thành tích công bố quốc tế, phát triển công nghệ mới, đặt hàng cụ thể từ thị trường, chưa kể thái độ thờ ơ vô trách nhiệm của không ít chức sắc còn làm nản lòng những người trẻ tuổi…
Theo tinh thần của cuộc cải cách 1986 và đổi mới chương trình Nghiên cứu cơ bản vừa qua, mọi chính sách khoa học cần hướng tới kích cầu, minh bạch, đầu tư thỏa đáng đúng chỗ và nhất là đòi hỏi cao tương ứng đối với kết quả, để buộc mọi nhà khoa học, quản lý phát huy tiềm năng chuyên môn bản thân theo tinh thần khoán sản phẩm. NCCB thì phải công bố quốc tế, nghiên cứu ứng dụng thì phải ra được sản phẩm và công nghệ thực thụ và cũng phải được công bố công khai.
—
(*) Viện Cơ học, Viện KH&CN Việt Nam