“Khoán trong khoa học, tôi chịu trách nhiệm…”
“Trong năm 2012, TP.HCM sẽ thực hiện cơ chế khoán trong nghiên cứu khoa học. Tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này, mà không cần phải thông qua Bộ Tài chính”, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cam đoan như trên tại Hội nghị gặp gỡ đầu năm giữa lãnh đạo Thành phố với các nhà khoa học mới đây.
Cần một vị tổng chỉ huy
TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, phản ảnh, dù các dự án đầu tư vào Trung tâm đã được phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển gì. “Tôi xấu hổ khi được các nhà khoa học nước ngoài hỏi, Trung tâm CNSH TP.HCM xây dựng đến đâu rồi? Bao giờ xây xong? Tôi trả lời, chắc khi tôi về hưu thì mới xây xong!”
Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đề nghị, Thành phố tránh tư duy đầu tư dàn trải, Nhà nước cần tập trung đầu tư để có sản phẩm hoàn chỉnh, hạn chế đầu tư manh mún. Cũng theo ông Hoàng, còn một khoảng cách giữa giới khoa học và doanh nghiệp. Thực tế hiện nay sản phẩm của nhà khoa học thường rất thô, không có ý nghĩa thương mại. Trong khi đó doanh nghiệp cần sản phẩm hoàn chỉnh để có thể bán ra thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận.
Không ít nhà khoa học nêu ý kiến, chính quyền thành phố nên xem xét lại việc đưa người đi đào tạo ở nước ngoài. Chi phí cho việc này rất lớn, mà hiệu quả chưa cao. PGS.TS Dương Anh Đức, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho rằng: các trường đại học trong nước hoàn toàn có thể đảm nhận được việc đào tạo này. Chỉ cần bớt lại một phần kinh phí đưa đi đào tạo nước ngoài để trả lương cho học viên, nghiên cứu sinh để họ toàn tâm cho việc học thì kết quả sẽ rất khác. Cách đào tạo tiến sỹ hiện nay ở Việt Nam vẫn theo kiểu tại chức vừa làm vừa học nên dù có bảo vệ thành công, thì nhiều tân tiến sỹ vẫn chưa thực sự làm được việc.
GS.TS Bùi Thế Cường, Viện trưởng Viện phát triển bền vững vùng Nam bộ, nhận xét: nhiều cán bộ khoa học trẻ theo tiêu chí của ông chưa biết cách nghiên cứu khoa học. Từ khâu viết đề cương, quá trình làm và trình bày kết quả là có vấn đề. “Thành phố nên dành một phần khoản tiền cho nghiên cứu chuyển sang đào tạo người nghiên cứu trước. Để sau đó dù công trình có thể có ít hơn, nhưng chất lượng sẽ tốt hơn”, GS.TS Bùi Thế Cường nói.
Về quản lý khoa học, GS.TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, nhận xét: so với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc thì chúng ta còn nhiều vấn đề phải bàn, phải đổi mới. TP.HCM phải có chương trình KH-CN mới, trên cơ sở những thành công đã qua và rút kinh nghiệm những cái đã thất bại. Thực tế cho thấy, những chương trình lớn của thành phố thành công được nhờ có sự chỉ đạo của thành Ủy, UBND. TP.HCM cần có một chương trình tổng thể về KH-CN. Đặc biệt phải có một vị tổng chỉ huy. Người này phải ở vai trò lãnh đạo lớn nhất, nhì thành phố. Không nhất thiết phải nhà khoa học, có kiến thức chuyên sâu, nhưng vị tổng chỉ huy phải có kiến thức tổng thể các ngành khoa học, có tư duy quản lý hiện đại, khoa học.
Chính sách mới ngay trong năm nay
Sở KH-CN TP.HCM đang trình với UBND thành phố ban hành quy chế quản lý nghiên cứu khoa học mới. Khi cơ chế mới này được thông qua, nhà khoa học không cần phải liệt kê chi tiết các khoản chi tiêu cho nghiên cứu một cách rườm rà như trước đây. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, thông báo tin vui cho giới khoa học ở TP trong buổi gặp đầu năm.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cam đoan, trong năm 2012, TP.HCM sẽ thực hiện cơ chế khoán trong nghiên cứu khoa học. “Tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này, mà không cần phải thông qua Bộ Tài chính”, ông Lê Mạnh Hà, nói.
Theo ông Lê Mạnh Hà, trước nay, cơ quan tài chính vẫn duyệt cho việc mua một chiếc xe hơi là năm hay bảy trăm triệu đồng, chứ có bao giờ đòi phải kê khai chi tiết ra máy xe, lốp xe, ghế ngồi… mua ở đâu, do đơn vị nào sản xuất. Thành phố cũng sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua các kết quả nghiên cứu, kể cả những bài báo quốc tế. Đây sẽ là một động lực để các nhà khoa học làm việc, sáng tạo nhiều hơn.
Hiện đầu tư cho nghiên cứu khoa học chủ yếu vẫn do nhà nước, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm. Khắc phục tình trạng này, ông Hà thông tin: trong năm 2012, thành phố cũng sẽ buộc các doanh nghiệp nhà nước phải thành lập quỹ nghiên cứu khoa học.