Không ra sản phẩm, nhà khoa học phải hoàn trả 100% kinh phí
Thông tư liên tịch 27 vừa được liên Bộ Tài chính, KH&CN ký ngày 30/12 được xem là chìa khóa, "cởi trói" cho các nhà khoa học khỏi “mớ bòng bong” chứng từ, hóa đơn thanh quyết toán-thứ mà nhiều nhà khoa học còn ngại hơn là việc nghiên cứu. Thế nhưng, đi cùng những thuận lợi vốn được mong mỏi bấy lâu, giới khoa học cũng sẽ phải chịu những chế tài khắt khe để bảo đảm không gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Bên lề lễ ký ban hành Thông tư liên tịch 27, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã thẳng thắn trao đổi với báo chí về vấn đề này.
– Thưa Bộ trưởng Nguyễn Quân, xin ông cho biết những điểm khác biệt của cơ chế khoán chi theo Thông tư 27 so với cơ chế tài chính trước đây được áp dụng cho nhà khoa học?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cơ chế khoán chi theo Thông tư 27 khác với Thông tư 93 trước đây. Nếu như Thông tư 93 chỉ khoán chi một phần, tức là những gì chi cho con người [tiền công, hội thảo, công tác trong nước…-pv] thì được khoán. Còn những nội dung như chi phí mua sắm, mua nguyên nhiên vật liệu, trang thiết bị… thì không được khoán mà phải thực hiện đúng quy định của nhà nước, qua đấu thầu…
Còn với Thông tư 27 thì có hai phương thức, một là khoán chi từng phần giống với trước đây, hai là khoán chi tới sản phẩm cuối cùng.
Từ trước tới nay, nhiều đề tài dự án xuất sắc được nghiệm thu nhưng không có sản phẩm, sản phẩm không ứng dụng được vào thực tiễn vì chúng ta kiểm soát đầu vào rất chặt ở chứng từ và các phụ lục nhưng sản phẩm cuối cùng thì lại ít được quan tâm. Giờ đây, với Thông tư 27, cái được quan tâm là sản phẩm cuối cùng của đề tài dự án có đáp ứng được cái tiêu chí đặt ra không?
Chế tài của Thông tư này là nếu đề tài đã nhận khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ không được điều chỉnh mục tiêu sản phẩm và kinh phí. Nếu nhà khoa học không bàn giao, không hoàn thành đề tài dự án theo cam kết thì họ phải chịu hình thức xử lý và hoàn trả tiền cho ngân sách nhà nước các kinh phí họ đã sử dụng.
Mức hoàn trả tối thiểu là 40% kinh phí của đề tài, thậm chí nếu là lỗi chủ quan thì phải hoàn trả 100% kinh phí. Như vậy, các nhà khoa học phải hết sức cân nhắc khi nhận các hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
Việc thực hiện hình thức khoán chi này, tôi tin này là sẽ có hiệu quả xứng đáng. Vì bản thân nhà khoa học nhận khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì trách nhiệm của họ rất lớn và bằng mọi phương thức phải hoàn thành sản phẩm như trong hợp đồng. Bên cạnh đó, họ sẽ huy động nguồn lực để làm thực sự và điều này sẽ khắc phục được một số đề tài dự án lợi dụng cơ chế quản lý còn sơ hở, chưa làm được sản phẩm mà vẫn được nghiệm thu.
– Có ý kiến cho rằng, tâm lý của nhiều nhà khoa học Việt Nam vẫn trong bao cấp. Vậy, nếu trường hợp các nhà khoa học ngại khoán chi tới sản phẩm cuối cùng bởi lo sợ độ rủi ro trong nghiên cứu thì phải làm thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thông tư này áp dụng cho tất cả nhiệm vụ KH&CN thuộc quản lý Nhà nước. Chúng tôi hiểu các đề tài, dự án khoa học luôn có độ rủi ro nên việc khoán chi luôn để các nhà khoa học có sự chọn lựa [khoán chi từng phần và khoán chi tới sản phẩm cuối cùng-pv].
Khi nhận khoán chi toàn bộ, Nhà nước đã giao cho nhà khoa học toàn quyền thì họ không thể làm nửa chừng rồi lại xin áp dụng cơ chế khoán chi từng phần được. Nếu không hoàn thành, họ sẽ chịu chế tài xử lý rất nghiêm khắc nên đòi hỏi họ phải có trách nhiệm cao với việc đăng ký khoán chi theo kiểu này.
– Thông tư 27 không quy định thời gian để cho nhà khoa học thực hiện đề tài nhận theo phương thức khoán chi tới sản phẩm cuối cùng. Điều này liệu có gây ra việc đề tài kéo dài nhiều năm không kết thúc không?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có hơn 10 Thông tư về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ và trong đó có quy định về thời gian hợp đồng.
Hơn nữa, khi các nhà khoa học được phê duyệt dự án ký hợp đồng thì trong hợp đồng đã quy định đề tài làm trong bao lâu. Hiện nay quy định được gia hạn một lần với thời gian không quá 12 tháng cho các đề tài khi gặp khó khăn và không hoàn thành đúng hạn. Khi hết thời hạn, buộc phải xử lý theo quy định: Nếu hoàn thành thì được nghiệm thu, quyết toán còn ngược lại sẽ có quyết định dừng thực hiện và xử lý về tài chính cũng như chuyên môn.
Như vậy, Thông tư 27 chỉ quy định phương thức khoán chi còn công việc khác đã có quy định từ các Thông tư khác.
– Vấn đề ứng dụng các sản phẩm đầu ra sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Luật KH&CN đã có cơ chế buộc các nhà khoa học khi đã nghiên cứu xong thì phải cung cấp được sản phẩm cho xã hội. Nếu như trước đây, các nhà khoa học khi nhận đề tài làm theo ý muốn chủ quan của mình thì bây giờ buộc phải có 1 cơ quan thẩm định, đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN hoặc các bộ ngành. Khi đã đề xuất đặt hàng thì cơ quan đó phải cam kết chịu trách nhiệm tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu.
Ví dụ như Bộ Y tế muốn tổ chức nghiên cứu vắcxin thì có thể đặt hàng Bộ KH&CN nhưng phải cam kết sau khi nghiên cứu thành công thì phải chấp nhận kết quả, tổ chức ứng dụng để ra được vắcxin chứ không phải nghiên cứu xong thì không tìm được nơi ứng dụng, không có nguồn lực để thương mại hóa, đưa kết quả đó vào sản xuất.
Đương nhiên, trong KH&CN có các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Ở lĩnh vực cơ bản thì sản phẩm nghiên cứu là sản phẩm đi trước, đặt tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng.
Thậm chí, nghiên cứu ứng dụng cũng không phải nhiệm vụ nào cũng có thể ứng dụng ngay mà nó còn chờ đợi nhà đầu tư, cơ hội và quan trọng là chờ đợi thị trường. Ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, tỷ lệ ứng dụng cũng chỉ trên dưới 30%…
– Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/khong-ra-san-pham-nha-khoa-hoc-phai-hoan-tra-toi-100-kinh-phi/363784.vnp