Không thể “né” mãi

Cho đến nay, các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV do Quỹ Nafosted tài trợ vẫn được hưởng biệt lệ là chưa phải áp dụng tiêu chí “có công bố quốc tế mới được nghiệm thu” như đã áp dụng với lĩnh vực KHTN. Bàn về vấn đề này, GS. TS Trần Ngọc Vương cho rằng, mặc dù các ngành KHXH&NV gặp nhiều khó khăn hơn KHTN trong việc công bố quốc tế, nhưng không nên vì vậy mà duy trì mãi tình trạng “KHTN cứ làm còn KHXH&NV cứ tránh”.

Việc áp dụng tiêu chí đánh giá bằng công bố quốc tế đối với các công trình nghiên cứu KHXH&NV là một hoạt động bình thường trên thế giới, Việt Nam chưa áp dụng được thì cần tiến tới áp dụng. Tuy nhiên, việc bắt buộc phải có công bố quốc tế cũng có nguy cơ bộc lộ một số mặt hạn chế.

Những khó khăn của ngành KHXH&NV khi công bố quốc tế

Những khó khăn mà các nhà nghiên cứu thuộc khối KHXH&NV thường gặp, trước hết nằm ở chỗ số lượng tạp chí, địa chỉ công bố quốc tế ít hơn hẳn so với KHTN, chưa kể có những lĩnh vực mà hệ thống tạp chí quốc tế không thể cập nhật hết được. Tôi đã đọc không ít những công trình KHXH&NV có chất lượng thực sự đạt tới “đẳng cấp quốc tế”, nhưng khi suy nghĩ theo lối giả định, cái này in ở đâu trên các tạp chí bên ngoài nhỉ, thì lại khó tìm câu trả lời!

Bên cạnh đó, phải kể đến “tính có biên giới” của KHXH&NV, nhiều khi những vấn đề và hệ vấn đề được nghiên cứu mang tính bản địa hóa cao, lệ thuộc vào thể chế chính trị, hệ tư tưởng, bởi vậy để đăng được bài báo trên những tạp chí ở các nước có bản chất chế độ chính trị khác là cực khó.

Một khó khăn nữa thuộc về vấn đề ngôn ngữ công bố. Phần đông các nhà nghiên cứu KHXH&NV, đặc biệt là thế hệ U60, không biết ngoại ngữ hoặc biết không đến nơi đến chốn, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Trong khi đó, để dịch các bài báo sang tiếng nước ngoài, đòi hỏi phải thành thạo ngoại ngữ chuyên ngành với hệ thống từ vựng đã được quốc tế hóa, đồng thời phải có khả năng xây dựng những thuật ngữ mới. Đây cũng là yêu cầu khó hơn so với việc viết bài báo KHTN vì nếu ngôn ngữ KHTN tương đối rõ ràng, thống nhất và lại được hỗ trợ bởi các công thức thì với ngôn ngữ KHXH&NV chỉ có các vỉa tầng ngữ nghĩa phức tạp, sự khai thác, chuyển đổi ngôn ngữ nông cạn có thể sẽ làm mất hết ý nghĩa của nghiên cứu.

Cá nhân tôi đã có một số bài công bố bằng tiếng Anh, tiếng Pháp thì những bài này đều do các chuyên gia người Việt ở nước ngoài giúp dịch mà nhiều chỗ vẫn phải đánh vật, có bài báo mất đến bốn tháng mới dịch xong mà khi công bố vẫn có những từ gây thắc mắc.

Tuy khó nhưng vẫn phải làm

Nói ra những khó khăn như vậy không có nghĩa là cứ nên giữ mãi khoảng trống như hiện nay về công bố quốc tế trong KHXH&NV. Năm năm trước, khi đặt ra điều lệ đặc thù cho các công trình KHXH&NV, Bộ KH&CN đã có những cuộc họp tính đến tất cả những khó khăn trong việc áp dụng tiêu chí công bố quốc tế; tuy nhiên sau năm năm, không nên để tình trạng KHTN cứ làm còn KHXH&NV cứ tránh. Việc thay các bài công bố quốc tế bằng chuyên luận không tránh khỏi tính tình huống của nó, bởi trên thực tế, nhiều chuyên luận chất lượng không cao, không tương xứng với đầu tư.

Công bố quốc tế nhìn chung vẫn là một chuẩn mực giúp nâng tầm nhà khoa học, bởi vậy nếu không trước là khuyến khích sau là bắt buộc thì mãi mãi chúng ta không thể có được những bài báo quốc tế không tì vết. Vì vậy, cần có những động thái từ cả phía nhà khoa học lẫn nhà quản lý để thúc đẩy những nỗ lực công bố quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu KHXH&NV.

Có những lĩnh vực có thể yêu cầu triển khai công bố quốc tế – KHXH thì thuận lợi hơn các ngành NV – và phải chỉ ra những lĩnh vực đó, chẳng hạn như kinh tế, nhân học, dân tộc học, tâm lý học thực nghiệm, xã hội học… Có thể lúc đầu chưa đặt yêu cầu ráo riết về xếp hạng của tạp chí mà mang tính khuyến khích nhiều hơn để dần dần việc công bố quốc tế trở thành bình thường.

Đồng thời, phải tìm hướng hỗ trợ nhà khoa học một cách thiết thực, chẳng hạn trong việc dịch các bài báo sang tiếng nước ngoài, bởi có những nhà nghiên cứu giỏi chuyên môn nhưng không giỏi ngoại ngữ, công trình của họ từ đầu đến cuối không bóng dáng trích dẫn tạp chí nước ngoài nào nhưng lại hàm chứa những luận điểm có giá trị, những nhà khoa học này càng cần được hỗ trợ nhiều hơn để có thể hoàn thiện nghiên cứu của mình theo các chuẩn mực nghiên cứu quốc tế và công bố ra các tạp chí nước ngoài. Họ cần có cơ hội hợp tác với những dịch giả có chuyên môn thực sự chứ không thể theo kiểu thuê dịch khoán, và phải tạo cơ chế để nhà khoa học và dịch giả hợp tác với nhau trong suốt quá trình tạo ra một văn bản nguyên gốc, khi cần thiết có thể ngay từ đầu xác lập ra một hệ thống thuật ngữ phù hợp cho công trình nghiên cứu.

Trước mắt nên khuyến khích mọi công bố quốc tế

Một kinh nghiệm mang tính “tiểu nông” nhưng cũng đáng tham khảo của ĐH Quốc gia Hà Nội: Trường chúng tôi khuyến khích mọi công bố quốc tế, ở tạp chí nào cũng được, miễn là quốc tế. Các công bố này đều được hỗ trợ từ 3 đến 12 triệu, tùy theo xếp hạng của tạp chí. Việc công bố quốc tế dù ở tạp chí thứ hạng nào cũng đều mang lại những tác động thiết thực với nhà nghiên cứu: nó khiến cho họ bên trong tự tin và bên ngoài hòa đồng với cộng đồng khoa học rộng rãi. Công bố quốc tế sẽ kích thích người công bố năng động hơn, phải đọc nhiều hơn, và điều này sẽ giúp mở rộng kiến văn của họ. Những va đập từ những lần thất bại, bị từ chối cũng sẽ buộc họ phải rút ra những bài học để hướng đến chuẩn mực quốc tế một cách nghiêm túc hơn.

Có vẻ như chúng ta có thể trông đợi xu hướng hướng tới công bố quốc tế ở thế thệ những nhà nghiên cứu U40-U30 bởi họ có nền tảng ngoại ngữ cơ bản tốt hơn cũng như có sự tiếp xúc chủ động và phong phú với đồng nghiệp quốc tế.

Cần nhưng chưa đủ

Không phải mọi công bố ở các tạp chí  quốc tế, kể cả được đánh giá là hàng đầu thế giới, đều có giá trị cao. Ngược lại, trong lịch sử không thiếu gì những công trình công bố sơ sài, đơn giản lại có tác động lớn. Hơn nữa, các tạp chí uy tín thường tập trung ở những nước có nền khoa học phát triển, vô hình trung những nhà khoa học có quan hệ hướng ngoại hoặc được đào tạo ở nước ngoài sẽ có lợi thế hơn một cách rõ rệt.

Bởi vậy, việc khuyến khích, thúc đẩy nỗ lực công bố quốc tế là cần thiết, nhưng không nên tuyệt đối hóa tiêu chí công bố quốc tế, coi đó là tiêu chí duy nhất để đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu. Theo tôi, chỉ nên xem tiêu chí công bố quốc tế như một trong số các tiêu chí để tham chiếu, và cho nó một trọng số phù hợp trong việc đánh giá, nghiệm thu các công trình nghiên cứu KHXH&NV.

            Khánh Minh  ghi

Đọc thêm:

Lại bàn về công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế: Nhiều chưa hẳn tốt (Phạm Duy Hiển)

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=7596

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)