Khu CNC Hòa Lạc sẽ có cơ chế đặc biệt
Cơ chế đặc biệt cho khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của khu công nghệ được kỳ vọng là thành phố khoa học của Việt Nam trong tương lai gần.
Đến năm 2016, thu hút đầu tư mới thực sự nóng
– Nếu so với các khu CNC trên cả nước thì điểm yếu của khu CNC Hòa Lạc là gì, thưa Thứ trưởng?
– Theo tôi, hiện nay khu CNC Hòa Lạc đã xây dựng được khối lượng khá lớn. Song do diện tích của khu rộng nên các bạn có thể không nhìn thấy hết. Nếu nhìn về khu nghiên cứu đào tạo thì sẽ thấy nhiều công trình xây dựng với quy mô lớn. Còn so sánh với các khu CNC khác thì tất nhiên nó có điểm khác biệt rõ ràng vì ngay từ đầu chúng tôi xác định xây dựng khu thành thành phố khoa học. Ở đây sẽ có hàng trăm khu nghiên cứu, với 3- 4 trường đại học cùng hàng vạn sinh viên. Khu CNC cũng sẽ có khu phần mềm lớn nhất cả nước… Tất cả những công việc này đã và đang được tiến hành xây dựng, cũng có những phần đã được đưa vào hoạt động. Chúng tôi cũng đã cấp chứng nhận đầu tư cho 68 dự án với khoảng 52.000 tỷ đồng với gần 50% tổng diện tích khu.
Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế thế giới và tình hình suy giảm kinh tế trong nước ảnh hưởng tới sự phát triển và thu hút đầu tư của khu CNC Hòa Lạc. Trong đó lý do quan trọng nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài từ năm này qua năm khác.Thêm nữa, vốn đầu tư nhiều năm qua cho khu CNC Hòa Lạc còn khá nhỏ giọt và ít, với tổng vốn đầu tư chưa đầy 2.600 tỷ đồng, kể cả giải phóng mặt bằng trong suốt thời gian qua là vô cùng nhỏ, nó chỉ tương đương một vài cây số đường cao tốc.
Cũng phải thẳng thắn rằng, nếu hạ tầng chưa thay đổi thì khó có thể thu hút đầu tư. Tôi tin rằng, đến năm 2016, thu hút đầu tư mới thực sự nóng. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh, hạ tầng kỹ thuật rất quan trọng nhưng hạ tầng xã hội cũng quan trọng không kém. Nhà ở, trường học, bệnh viện, khách sạn, chợ, khu vui chơi giải trí… cũng đã bắt đầu được triển khai. Chúng tôi hy vọng từ năm 2017 trở đi, khu vực này sẽ hoàn toàn thay đổi và làm thay đổi bộ mặt khoa học trong tương lai.
– Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã giải quyết được hơn 800 ha nhưng tỷ lệ lấp đầy khu vẫn rất thấp, bằng chứng là năm 2012, khu CNC Hòa Lạc mới chỉ cấp chứng nhận đầu tư được 7 dự án. Vậy có phải sức hấp dẫn của khu CNC Hòa Lạc còn thấp thưa Thứ trưởng?
– Không phải, vì như ở trên tôi đã nói, khi hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh thì chúng tôi cũng chưa muốn kêu gọi đầu tư. Một khi điều kiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội chưa hoàn thiện thì rất khó thu hút đầu tư. Cũng cần nhấn mạnh, trong tổng diện tích giải phóng, cần phải trừ 170- 180 ha cho diện tích xây dựng hạ tầng, diện tích mặt nước khoảng 140 ha. Như vậy, tổng diện tích đã được cấp phép trên diện tích thực còn lại tôi cho không phải là chậm.
– Câu chuyện giải phóng mặt bằng đã được nhắc đi nhắc lại những năm gần đây, vậy Thứ trưởng có thể nói chính xác, bao giờ khu CNC Hòa Lạc sẽ được giải phóng mặt bằng dứt điểm?
– Chính phủ đã có cơ chế đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng và bắt đầu thực hiện từ tháng 12/2012. Cơ chế đó là Ban quản lý CNC Hòa Lạc có thể đền bù tiền cho người đứng tên sở hữu đất ở thời điểm hiện tại (trước đây Ban quản lý phải tìm người đầu tiên của miếng đất đó rất khó khăn vì miếng đất đã bán đi bán lại qua rất nhiều người). Dự kiến khoảng năm 2014 việc giải phóng mặt bằng sẽ hoàn tất.
Chính sách chưa thật sự ưu đãi
– Một vấn đề nữa cũng khiến các nhà đầu tư không thấy hấp dẫn vì định hướng phát triển công nghệ cao chưa rõ ràng, điều này có đúng không thưa Thứ trưởng?
– Thực sự là kỳ vọng của nhà quản lý đôi khi lại không trùng với ý tưởng của nhà đầu tư, và điều này cũng là bình thường. Nhưng tôi hy vọng, cái chúng ta cần là khu CNC Hòa Lạc là nơi tập trung các phòng nghiên cứu, phòng nghiên cứu trọng điểm, các trường đại học đẳng cấp quốc tế… đó là thành phố khoa học chứ không chỉ là khu công nghệ cao mà thôi.
– Vậy thưa Thứ trưởng, làm thế nào để vẫn giữ được định hướng nhưng vẫn thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư? Liệu những chính sách hiện tại đã thu hút được các nhà đầu tư hay chưa?
– Trước hết cần khẳng định, đã là khu CNC thì lập trường kiên quyết của chúng tôi là ưu tiên cho các lĩnh vực thuộc CNC đã được quy định tại Luật CNC hoặc quy định 49 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục các lĩnh vực sẽ được ưu tiên đầu tư vào các khu CNC nói chung. Trong đó, ưu tiên đầu tiên là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, tự động hóa, cơ khí chính xác…Thứ tự ưu tiên sẽ tùy thuộc vào nhu cầu xã hội và thị trường. Theo đó, nghiên cứu triển khai, đào tạo, tổ chức sản xuất cũng phải theo sự ưu tiên này.
Về các chính sách thu hút, phải thẳng thắn thừa nhận, hiện nay, chính sách chưa thật sự ưu đãi.
Cơ chế ưu đãi đặc biệt vào khu CNC Hòa Lạc
– Trong năm 2013, chúng ta có những chính sách đột phá nào để thực sự thu hút nhà đầu tư vào khu CNC, thưa Thứ trưởng?
– Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương và chúng tôi đang xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt cho riêng khu CNC Hòa Lạc. Theo đúng lộ trình, tháng 5/2013, chúng tôi sẽ trình Chính phủ phê duyệt cơ chế ưu đãi đặc biệt vào khu CNC Hòa Lạc.
– Đặc biệt ở đây được hiểu như thế nào, thưa Thứ trưởng?
– Thứ nhất là về chính sách thuê đất, sẽ giảm hơn rất nhiều so với các khu CNC khác trên toàn quốc. Thứ hai là các loại thuế: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu… sẽ được ưu đãi hơn tất cả các khu khác.
Năm 2013, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, công trường xây dựng và giải phóng mặt bằng, trong điều kiện như vậy, việc kêu gọi đầu tư không thỏa đáng lắm, nhưng tôi tin chắc sẽ có khoảng 300 triệu đến 400 triệu USD sẽ được cấp chứng nhận đầu tư tại khu CNC Hòa Lạc. Từ 2017 trở đi khu CNC Hòa Lạc sẽ hoàn toàn thay đổi thành thành phố khoa học đầu tiên của cả nước, với nhiều chục nghìn người làm việc. Thành phố đó bao gồm tất cả khu tiện ích xã hội, nhà ở, chung cư, bệnh viện, trường học, nhà hàng, trung tâm, khu thể thao, nhiều chục viện nghiên cứu hoạt động với hàng nghìn nghiên cứu viên, các khu công nghệ phần mềm với hàng vạn người làm việc.