Kiểm toán KH&CN: Đánh giá hiệu quả đầu tư còn hạn chế

Trao đổi với Tia Sáng tại hội thảo “Đánh giá thực trạng cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động KH&CN và công tác quản lý KH&CN qua kết quả kiểm toán từ năm 2010-2014”, ông Nguyễn Văn Tân, Kiểm toán trưởng Vụ Kiểm toán chuyên ngành III, Kiểm toán Nhà nước, cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước là đánh giá việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ nhằm khai thác sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính và con người cho sự phát triển KH&CN, chứ không phải như nhiều người quan niệm là phát hiện tham nhũng, lãng phí trong KH&CN.  

– Theo kế hoạch kiểm toán năm 2015, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động KH&CN năm 2014 của chín bộ, cơ quan Trung ương và 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vậy xin ông cho biết mục tiêu chủ yếu của cuộc kiểm toán Chuyên đề này?

– Đây là cuộc kiểm toán chuyền đề về KH&CN có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với mục tiêu đánh giá bốn vấn đề chủ yếu:

Việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính và con người cho sự phát triển KH&CN; Kết quả thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu của các chương trình, dự án, đề tài KH&CN tính đến thời điểm hết năm 2014 so với mục tiêu KH&CN giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 1244/QĐ-TTg, ngày 25/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó đánh giá tính hiệu lực của chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học (mức độ, khả năng thực hiện các mục tiêu đã xác định); bất cập, hạn chế của cơ chế chính sách và công tác chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương, các cấp chính quyền về phát triển KH&CN, trên cơ sở đó có kiến nghị, đề xuất về sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển KHCN, kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN, công tác quản lý tài chính-kế toán… nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của việc sử dụng các nguồn lực cho phát triển KH&CN; và cuối cùng là kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư cho KH&CN, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

– Qua kết quả kiểm toán KH&CN vài năm gần đây, ông có nhận xét gì về công tác quản lý Nhà nước đối với nguồn kinh phí 2% (giai đoạn 2010-2014)?

– Dự toán kinh phí chi cho sự nghiệp KH&CN hằng năm lập và phân bổ chưa có căn cứ, không có thuyết minh cơ sở tính toán của các bộ, ngành, địa phương để làm căn cứ lập dự toán, không có thuyết minh cơ sở để phân bổ. Về dự toán kinh phí đầu tư phát triển cho lĩnh vực KH&CN, Bộ KH&CN không tham gia vào quy trình phân bổ, thẩm định nội dung mà do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cân đối, bố trí dự toán NSNN cho cho lĩnh vực KH&CN không đảm bảo tỷ lệ, phân bổ thấp hơn dự toán Trung ương giao, hay sử dụng nguồn kinh phí này chưa đúng mục đích, kém hiệu quả hoặc không được sử dụng hết, nhất là tại các địa phương.

Chẳng hạn, báo cáo của Vụ Phát triển KH&CN địa phương cho thấy: Đối với sự nghiệp khoa học, còn khá nhiều địa phương sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học không đúng mục tiêu, mục đích như chi cho hoạt động bộ máy đơn vị sự nghiệp thuộc sở Thông tin- Truyền thông; chi đối ứng dự án, chi cho hoạt động lĩnh vực công nghệ thông tin cho UBND tỉnh, tỉnh ủy…, với số tiền khoảng 75,5 tỷ đồng.

Đối với kinh phí đầu tư phát triển KH&CN: Nhiều địa phương sử dụng nguồn kinh phí này để chi sai mục tiêu (2012-2013) khoảng 1 nghìn tỷ đồng, như: xử lý nước thải, mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện, đầu tư xây dựng dây chuyền kiểm định xe cơ giới, xây dựng đường dây trung thế ngầm, trạm biến áp, xây dựng hệ thống chính quyền thông tin điện tử.

Chi sự nghiệp KH&CN hằng năm đều không đạt dự toán, ở cả cấp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (trong đó tỷ lệ thực hiện dự toán ở cấp ngân sách địa phương thường thấp hơn ngân sách Trung ương, ngoại trừ năm 2010). So sánh với tổng quyết toán chi thường xuyên hằng năm, tỷ trọng quyết toán chi sự nghiệp KH&CN chỉ đạt tử 0,98% đến 1,27%, thấp hơn nhiều so với mức tỷ lệ phấn đấu 2% khi bố trí dự toán. Nguyên nhân số quyết toán chi đạt thấp do một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn một số chương trình, dự án triển khai và thanh quyết toán chậm, phải chuyển sang năm sau thực hiện theo chế độ. Tuy nhiên, đây chỉ là lý giải về mặt số liệu quyết toán, thực tế nhiều nguyên nhân từ những tồn tại, hạn chế của cơ chế chính sách, công tác phối hợp quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước đến việc chấp hành, sử dụng kinh phí… tại các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách.

Từ kết quả kiểm toán trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ KH&CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc của Bộ trong quản lý nhà nước về mặt khoa học, nhất là chức năng, nhiệm vụ của Bộ về quản lý kinh phí 2% do chưa đủ thẩm quyền, dẫn đến thực trạng khá phổ biến nhiều địa phương sử dụng sai mục đích kinh phí đầu tư phát triển KH&CN và đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc quản lý kinh phí đầu tư phát triển khoa học theo đúng mục tiêu nhiệm vụ khoa học hằng năm.

Kinh phí khoa học chủ yếu tập trung cho xây dựng cơ bản và chi thường xuyên cho các đơn vị, chưa tập trung nhiều cho hoạt động nghiên cứu khoa học; trong đí việc sử dụng kinh phí thường xuyên chi cho con người có tỷ lệ khá lớn (thường chiếm 60-70% tổng kinh phí);Thời gian xét chọn, phê duyệt danh mục nghiên cứu và ký hợp đồng còn kéo dài; còn tình trạng đề tài trùng lặp về tên đề tài và giống nhau về nội dung; phê duyệt mức tài trợ cho một số đề tài, dự án cao hơn hoặc không đúng với ý kiến của hội đồng khoa học tư vấn và thẩm định; xét chọn đề tài phần lớn được áp dụng theo phương thưc giao trực tiếp hơn là phương thức tuyển chọn; tiến độ nghiên cứu và thời gian tổ chức nghiệm thu còn chậmÔng Nguyễn Văn Tâm

– Theo ông, qua kết quả kiểm toán có thể giúp chúng ta có bức tranh tổng thể thực trạng hoạt động KH&CN?

– Kiểm toán Nhà nước thời gian qua mới tập trung kiểm toán kinh phí sự nghiệp KH&CN; kiểm toán chi đầu tư phát triển KH&CN còn hạn chế, đặc biệt về kiểm toán đánh giá hiệu quả đầu tư cho KH&CN. Bên cạnh đó, mặc dù kinh phí sự nghiệp KH&CN luôn là một nội dung kiểm toán thường xuyên trong các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước hằng năm của kiểm toán Nhà nước tại các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cũng như các địa phương; song ngoại trừ các cuộc kiểm toán tại Bộ KH&CN cũng như một số Viện Hàn lâm, còn hầu hết các cuộc kiểm toán đều chưa coi trọng kiểm toán lĩnh vực KH&CN; đồng thời hoạt động kiểm toán những năm qua chủ yếu thiên về kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ với các mục tiêu truyền thống như: Xác định tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu quyết toán nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước đầu tư cho hoạt động KH&CN; đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật, chế độ, chính sách hiện hành trong quản lý và sử dụng NSNN đầu tư cho KH&CN; kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, sử dụng NSNN đầu tư cho KH&CN, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật…

Do vậy, kết quả kiểm toán KH&CN còn hạn chế, manh mún, chưa đủ những yếu tố để có thể đánh giá được tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong đầu tư cho lĩnh vực KH&CN.

– Xin ông cho biết định hướng tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm toán KH&CN trong thời gian tới?

– Ngoài việc tiến hành kiểm toán thường xuyên hằng năm các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong điều kiện giới hạn về nhân sự, thời gian, chúng tôi sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ:

+ Đẩy mạnh kiểm toán tại các cơ quan quản lý tổng hợp về đánh giá toàn diện công tác quản lý, sử dụng kinh phí lĩnh vực KH&CN. Tăng cường mục tiêu, nội dung kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm tra báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; nghiên cứu tổ chức các cuộc kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực đối với những chương trình, dự án… trong lĩnh vực KH&CN được cơ quan dân cử, cơ quan quản lý các cấp, dư luận xã hội quan tâm.

+  Tiếp tục tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề về KH&CN tại các địa phương (ưu tiên các địa phương chưa được kiểm toán); nghiên cứu tổ chức kiểm toán chuyên đề về KH&CN với sự tham gia của toàn ngành nhằm đưa ra những đánh giá toàn diện, sâu sắc, gắn với kế hoạch sơ kết giai đoạn 2011-2015, tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 trong toàn quốc.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

P. V thực hiện

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)