Kiến nghị một số giải pháp
Gần đây, hầu như trên các diễn đàn kinh tế, các nhà quản lý trong nước và tổ chức quốc tế đều khuyến nghị Việt Nam cần quan tâm hơn đến việc phát triển nông nghiệp - một nhân tố cực kỳ quan trọng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Từ nhiều năm nay, mặc dù Nhà nước và nhân dân đã đầu tư đáng kể vào công tác nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ nhưng chúng ta chưa tạo ra được một bước chuyển căn bản trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều, trong đó phải kể đến việc cải cách và đổi mới quản lý khoa học quá chậm, đặc biệt là với các chương trình trọng điểm quốc gia về khoa học công nghệ cho nông nghiệp nông thôn.
Chúng ta phải làm gì để thay đổi?
Cho đến nay, trong công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp, lực lượng chính vẫn là các cơ quan nghiên cứu công lập với kinh phí Nhà nước là nguồn đầu tư chính. Sản phẩm khoa học công nghệ được coi là sản phẩm công, cung cấp miễn phí cho người sản xuất thông qua hệ thống khuyến nông. Như vậy nghiên cứu khoa học là hoạt động dịch vụ công, không theo cơ chế thị trường, không tính đến hiệu quả và nhu cầu thực tế, từ đó không tạo ra động lực cho nhà khoa học. Vì vậy cần nghiên cứu hình thành Quỹ nghiên cứu công ích. Quỹ này không trực thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ mà được điều hành độc lập với sự tham gia của đại diện người sử dụng tiến bộ kĩ thuật (nông dân, doanh nhân…) với sự đóng góp tài chính của Nhà nước, của các thành phần kinh tế. Các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể tiếp cận Quỹ, trên cơ sở cạnh tranh công khai.
Song song với việc đầu tư phát triển các đơn vị khoa học công nghệ, Nhà nước nên khuyến khích mạnh cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hệ thống nghiên cứu, hình thành các đơn vị nghiên cứu tư nhân. Đặc biệt có chính sách lôi cuốn các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế, xây dựng cơ sở nghiên cứu, làm dịch vụ khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực sử dụng công nghệ cao, đây là một trong những điều kiện quan trọng để hàng hóa Việt Nam có thể tham gia chuỗi toàn cầu.
Kiên quyết đẩy mạnh việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan khoa học công lập theo Nghị định 115. Đầu tư nghiên cứu của Nhà nước theo nguyên tắc ai sáng tạo được tiến bộ kĩ thuật có lợi cho sản xuất, cơ quan nào làm ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng hiệu quả cho nhân dân thì họ chính là người đáng được ưu tiên đầu tư.
Thay đổi chế độ tiền lương và điều kiện sống của cán bộ khoa học kĩ thuật như viên chức công chức hiện nay bằng chế độ tiền lương căn cứ vào giá trị sản phẩm khoa học theo giá thị trường. Vấn đề là, cần tháo gỡ các cơ chế tài chính để các đơn vị khoa học tạo ra được nguồn thu đủ chi trả xứng đáng cho vị trí và sự đóng góp của nhà khoa học.
Bước tiếp theo sẽ là xây dựng một chiến lược khoa học công nghệ, trong đó sẽ tập trung đầu tư xây dựng các chương trình khoa học công nghệ đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng suốt chuỗi ngành hàng từ sản xuất tập trung, hiện đại đến chế biến sâu và mở rộng thương mại trên thị trường trong nước và chuỗi toàn cầu với những mặt hàng quan trọng như lúa, cà phê, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ…
Nếu chúng ta làm được như Malaysia làm với cây cọ dầu, Hà Lan làm với hoa tulip, Thụy Điển làm với ngành gỗ… thì khoa học công nghệ thực sự đã góp phần công nghiệp hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn, tạo hiệu ứng lan tỏa rút ngắn quá trình công nghiệp hóa đất nước.