KISTEP: Think-tank trong KH&CN
Ngoài hệ thống KTRS của Tập đoàn Tài chính Công nghệ Hàn Quốc chuyên thẩm định các dự án công nghệ dành cho doanh nghiệp, từng được chúng tôi giới thiệu trên Tạp chí Tia Sáng cách đây chưa lâu1, Hàn Quốc còn có một hệ thống hữu hiệu chuyên phân tích, đánh giá, và đề xuất những chiến lược, chính sách KH&CN ở tầm quốc gia do KISTEP đảm trách.
Từ năm 2001 đến nay, các mục tiêu và cơ sở pháp lý của KISTEP được quy định trong Điều 20 Luật Khung KH&CN của Hàn Quốc, đó là đóng góp vào sự phát triển KH&CN bằng cách hỗ trợ xây dựng và điều phối các chính sách liên quan tới KH&CN; điều tra một cách có hệ thống, phân tích, và thực hiện một cách có hiệu quả các hoạt động hoạch định hoạt động nghiên cứu, quản lý và đánh giá các chương trình R&D cũng như hoạt động hợp tác quốc tế trong KH&CN.
Hoạch định và dự báo
Từ khi Luật Khung Khoa học và Công nghệ của Hàn Quốc ra đời năm 2001, KISTEP đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng Kế hoạch Cơ bản Phát triển KH&CN Quốc gia cho Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak, theo dõi việc thực hiện, và đánh giá những kết quả đạt được. KISTEP là cơ quan xây dựng và điều chỉnh Kế hoạch Khung cho Khoa học và công nghệ và kế hoạch trung tới dài hạn phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy sự phát triển quốc gia, đồng thời hoạch định chiến lược nhân lực KH&CN. KISTEP cũng xây dựng tầm nhìn KH&CN, những mục tiêu và chiến lược phát triển từ trung tới dài hạn. Những kế hoạch này được cụ thể hóa qua việc đề xuất phát triển những công nghệ cốt lõi, với những chương trình R&D toàn diện đối phó với các biến đổi dự kiến trong tương lai, chỉ ra những công nghệ tương lai có tiềm năng cao căn cứ trên các chương trình Dự báo Công nghệ, Đánh giá Công nghệ, Thẩm định Công nghệ.
Đối với các địa phương, KISTEP nghiên cứu về thực trạng và các điều kiện cho đổi mới sáng tạo tại các địa phương, đánh giá hiệu quả các dự án đổi mới sáng tạo của địa phương. Ngoài ra, KISTEP còn cải thiện hệ thống R&D bằng cách tạo lập hệ thống cấp chứng chỉ quản lý quỹ đầu tư cho R&D, và thực hiện những nghiên cứu về những quy định pháp lý và bộ máy tổ chức phù hợp cho R&D.
Điều phối
KISTEP là cơ quan đề ra những mục tiêu ưu tiên trong nghiên cứu, qua đó giúp định hướng đầu tư của Nhà nước cho R&D, thể hiện qua đề xuất sử dụng ngân sách Nhà nước hằng năm cho R&D. KISTEP cũng là cơ quan thúc đẩy quản lý hiệu quả cho các chương trình đầu tư R&D thông qua hoạt động tư vấn, giúp các Bộ, ngành hoạch định và điều chỉnh các chương trình R&D quy mô lớn, tư vấn loại bỏ những chương trình trùng lắp hoặc không còn cần thiết.
“Bốn chức năng cơ bản của KISTEP bao gồm: xây dựng một chiến lược quốc gia phát triển khoa học và công nghệ; đưa ra những quyết định về định hướng nghiên cứu và phát triển trong tươi lai cũng như định hướng đầu tư chiến lược (đề xuất một kế hoạch ngân sách tối ưu) cho các chương trình R&D của quốc gia; khảo sát, phân tích, và đánh giá các chương trình R&D quốc gia; xây dựng những hệ thống công bố và chia sẻ tri thức, thông tin liên quan tới R&D.” |
Chỉ sau 2 năm sau khi thành lập, KISTEP đã thiết lập được một hệ thống điều phối toàn diện cho các chương trình R&D. Hệ thống điều phối này giúp đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán cho các chương trình R&D sử dụng ngân sách Nhà nước, đảm bảo nguồn lực đầu tư hữu hạn được sử dụng một cách hiệu quả, đồng thời giúp kết nối các chương trình R&D của quốc gia với nhau. Đến năm 2002, hệ thống điều phối của KISTEP được đặt tên là Hệ thống Quản lý Tích hợp R&D Hàn Quốc (KORDI) – đến nay được đổi tên là Dịch vụ Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NTIS), cho phép chia sẻ các thông tin liên quan tới R&D giữa các Bộ và các cơ quan Nhà nước, qua đó giúp tránh tình trạng đầu tư cho R&D một cách chồng chéo, trùng lắp, và tạo một cơ sở dữ liệu toàn diện giúp các Bộ và các cơ quan Nhà nước đưa ra những quyết sách về đầu tư R&D.
Khảo sát và đánh giá
Các hoạt động và chức năng trên đây dựa trên cơ sở quan trọng là những kết quả khảo sát, thống kê, phân tích, và đánh giá do KISTEP thực hiện đối với các chương trình R&D, được thực hiện ngay từ năm 1999 khi KISTEP mới được thành lập. Tính chính xác và khách quan của những kết quả thống kê, phân tích mang tính trung lập này của KISTEP góp phần quan trọng giúp các Bộ, ngành cải thiện năng suất, hiệu quả đầu tư ngân sách Nhà nước cho R&D, đồng thời còn giúp các cơ quan này tiến hành nghiên cứu khả thi cho các dự án R&D quy mô lớn. Năm 2005, KISTEP xây dựng Hệ thống Đánh giá Quốc gia (NES) nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động R&D của Nhà nước, cho phép kết nối đồng bộ các hệ thống đánh giá đa dạng từ các Bộ và các cơ quan khác nhau.
Các chương trình R&D của quốc gia được KISTEP đánh giá một cách công khai, trong đó 100 chương trình R&D hiệu quả nhất sẽ được KISTEP cấp chứng nhận. Những quỹ đầu tư R&D được quản lý một cách hiệu quả và minh bạch cũng được KISTEP cấp chứng nhận của Nhà nước, dựa trên những điều tra cặn kẽ các khoản chi cho các tổ chức nghiên cứu.
Kể từ năm 2011, KISTEP được giao toàn bộ trách nhiệm đánh giá khả thi các chương trình R&D quốc gia. Trước đó, trách nhiệm được san sẻ cho 2 cơ quan, KISTEP chỉ tập trung vào các chương trình R&D thuần túy, trong khi KDI (Viện Phát triển Hàn Quốc) phụ trách các cơ sở R&D làm nền tảng hạ tầng cho hoạt động nghiên cứu. Từ cuối năm 2011, nhằm đảm bảo tính chuyên môn và nhất quán, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc đã giao toàn quyền cho KISTEP tiến hành nghiên cứu khả thi cho cả hai đối tượng.
Ngày nay, hoạt động điều tra và đánh giá của KISTEP được chia thành ba mảng:
Khảo sát R&D ở Hàn Quốc: là tổng hợp những nghiên cứu về các hoạt động R&D ở cả khu vực công và tư, bao gồm các viện nghiên cứu, trường đại học, và doanh nghiệp;
Đánh giá năng lực R&D đổi mới sáng tạo quốc gia: được thực hiện trên 5 mảng năng lực đổi mới sáng tạo KH&CN, bao gồm các nguồn lực, môi trường, mạng lưới, hoạt động, và kết quả, với tất cả là 31 tiêu chí, đồng thời có sự đối chiếu so sánh với các chỉ số tương đương ở các quốc gia khác trong khối OECD, nhằm tính ra Chỉ số Tổng hợp Đổi mới sáng tạo KH&CN (Composite Science and Technology Innovation Index, viết tắt là COSTII) và đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo KH&CN của Hàn Quốc;
Sách trắng Thống kê KH&CN: phân tích những chỉ số thống kê liên quan tới KH&CN ở trong nước và nước ngoài.
Dự báo tương lai và bản đồ phát triển (roadmap) công nghệ
Hoạt động dự đoán sự phát triển của công nghệ trong tương lai được KISTEP và các cơ quan của mình tiến hành 5 năm một lần. Bản dự đoán công nghệ gần nhất được công bố năm 2010, với tầm nhìn đến năm 2040, trong đó dự đoán những thay đổi của nền kinh tế, xã hội và bức tranh công nghệ chung của thế giới, từ đấy đề ra những mục tiêu đổi mới, sáng tạo KH&CN mà Hàn Quốc cần theo đuổi để có thể thích nghi.
Chương trình Dự báo Công nghệ: đưa ra những dự đoán về xu hướng phát triển KH&CN trong mối tương quan với các chính sách KH&CN, được KISTEP cập nhật 5 năm một lần.
Chương trình đánh giá công nghệ: đánh giá toàn diện trình độ phát triển công nghệ của Hàn Quốc, so sánh đối chiếu với các quốc gia khác, được KISTEP thực hiện 2 năm một lần. Thẩm định Công nghệ: tìm ra định hướng đúng trong phát triển công nghệ thông qua đánh giá tác động từ những kết quả KH&CN mới đối với nền kinh tế, xã hội, văn hóa, đạo đức, và môi trường, được KISTEP thực hiện hằng năm. |
Từ năm 2002, KISTEP đã xây dựng được Bản đồ phát triển Công nghệ Quốc gia cho Hàn Quốc, trong đó đề xuất ra 99 công nghệ cốt lõi. 99 công nghệ này được KISTEP triển khai một cách chi tiết, và gắn sự phát triển của chúng với những chương trình R&D cụ thể, bắt đầu từ năm 2003. Trong đó, công nghệ nano, công nghệ sinh học, và công nghệ thông tin được đặc biệt chú trọng. Năm 2004, KISTEP bắt đầu dự án thẩm định một cách quy mô về tác động của ba công nghệ mũi nhọn này đối với xã hội, nền kinh tế, và tiến trình phát triển chung của khoa học và công nghệ, từ đó đề ra những chính sách thúc đẩy phù hợp từ phía Nhà nước.
Trên cơ sở đó, năm 2007 KISTEP đã lập được Bản đồ phát triển Tổng thể đầu tiên cho các chương trình R&D quốc gia, trong đó đưa ra những gợi ý, đề xuất về quản lý danh mục đầu tư R&D của Nhà nước trong vòng 15 năm tiếp theo, đồng thời cung cấp một danh mục 90 công nghệ cốt lõi cần được Nhà nước ưu tiên.
Căn cứ theo tầm nhìn ưu tiên cho công nghệ “ít carbon, tăng trưởng xanh” của Chính phủ Tổng thống Lee-Myung-bak, năm 2009, KISTEP xây dựng bản đồ phát triển công nghệ xanh và chiến lược phát triển công nghiệp, một giải pháp toàn diện phục vụ phát triển R&D cho công nghệ xanh, có thể coi là một chu trình toàn diện từ nghiên cứu tới thương mại hóa cho 27 công nghệ xanh cốt lõi.
Hoạt động xuất bản
KISTEP công bố công khai những kết quả phân tích các vấn đề chính sách KH&CN và những con số thống kê liên quan. Bên cạnh đó là những công bố kết quả nghiên cứu về các phương pháp đánh giá những chương trình R&D quốc gia, kinh nghiệm về các phương pháp và tiêu chuẩn quốc tế trong phân bổ nguồn đầu tư cho R&D.
Những kết quả này được công bố hằng năm trong các báo cáo như “Điều tra và Phân tích R&D của Chính phủ”, “Điều tra R&D ở Hàn Quốc”, và “Sách trắng Thống kê KH&CN”, là những xuất bản phẩm được quan tâm cao nhất. Bên cạnh đó là tạp chí Chính sách Nghiên cứu Châu Á (Asian Research Policy) viết bằng tiếng Anh, phân tích các vấn đề liên quan tới đầu tư R&D, chính sách và hoạt động đổi mới sáng tạo KH&CN ở Hàn Quốc và các quốc gia khác như Nhật Bản và Trung Quốc, dưới góc nhìn học thuật và đề xuất giải pháp. Tạp chí này được công bố vào tháng 3 và tháng 9 hằng năm.
Ngoài ra, KISTEP còn công bố một số xuất bản phẩm khác, như Báo cáo Các chuyên đề (Issues Paper) phân tích những vấn đề mới nhất liên quan tới các chức năng cơ bản của KISTEP như hoạch định và đánh giá những chương trình R&D và chính sách KH&CN, hệ thống quản lý, và các đề xuất giải pháp. Tóm lược Thống kê (Statistics Brief) phân tích và xử lý các chỉ số thống kê liên quan tới những vấn đề chính sách của Hàn Quốc và các quốc gia khác. Tóm lược Xu hướng Công nghệ (Technology-Trend Brief) phân tích tiến trình phát triển và xu hướng chính sách R&D cho những công nghệ mới. Tóm lược Chính sách Kinh phí R&D (R&D Budget Policy Brief) phân tích những vấn đề cơ bản trong cải thiện hệ thống và xu hướng chính sách liên quan tới kinh phí cho R&D ở Hàn Quốc và các nước khác, nhằm cải thiện chính sách hoạch định R&D của Chính phủ và nâng cao hiệu quả thực thi. Cuối cùng là tạp chí Làn sóng Tương lai (Future Wave) cung cấp những phân tích chuyên sâu về các vấn đề có tác động đáng kể tới sự phát triển của công nghệ, như tác động từ phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế, các ngành công nghiệp, văn hóa.
Đổi mới và tự thách thức để đưa Hàn Quốc thành cường quốc KH&CN
Kể từ khi được thành lập năm 1999, có thể coi KISTEP là một tác nhân thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ cũng như nghiên cứu và phát triển ở Hàn Quốc, tập trung vào nhiệm vụ hoạch định phát triển KH&CN và đánh giá nghiên cứu và phát triển. Bốn chức năng cơ bản của KISTEP bao gồm: xây dựng một chiến lược quốc gia phát triển khoa học và công nghệ; đưa ra những quyết định về định hướng nghiên cứu và phát triển trong tương lai cũng như định hướng đầu tư chiến lược (đề xuất một kế hoạch ngân sách tối ưu) cho các chương trình R&D của quốc gia; khảo sát, phân tích, và đánh giá các chương trình R&D quốc gia; xây dựng những hệ thống công bố và chia sẻ tri thức, thông tin liên quan tới R&D. KISTEP đã xây dựng các hệ thống điều phối và đánh giá những chương trình R&D, được thể hiện qua chương trình “577 sáng kiến”, hay còn gọi là Kế hoạch Cơ bản cho Khoa học và Công nghệ Quốc gia của Chính phủ Tổng thống Lee Myung-bak trước đây. KISTEP đã góp phần quan trọng tạo ra diện mạo tương lai năng lực khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo công nghệ ở Hàn Quốc bằng cách đưa ra những dự đoán về các thay đổi của xã hội, dự đoán sự phát triển của công nghệ, và xây dựng chương trình cấp chứng chỉ quản lý các quỹ đầu tư cho R&D. Là một viện chính sách trong lĩnh vực KH&CN, KISTEP dự định sẽ trở thành một viện hoạch định chính sách và đánh giá KH&CN có uy tín toàn cầu, sử dụng những công cụ hệ thống và tri thức tiên tiến nhất. Với những chức năng quan trọng được đảm nhiệm cho quốc gia, KISTEP luôn nỗ lực đảm bảo tính công bằng, khách quan, và sáng tạo. (Lược dịch lời Lee June Seung, Chủ tịch KISTEP) |
Thanh Xuân tổng hợp
Nguồn: http://www.kistep.re.kr/eng/pr/down/Brochure_eng_2012.pdf
—-
1 Xem bài viết KTRS – Chìa khóa thành công của KOTEC do Thanh Xuân tổng hợp: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=6014&CategoryID=36