KRISS – Phát triển thần tốc

Ra đời năm 1975, muộn hơn so với Viện Đo lường Việt Nam, và muộn hơn nhiều so với các viện đo lường giàu truyền thống trên thế giới (viện của Đức ra đời năm 1897, của Anh năm 1900, của Mỹ và Pháp năm 1901, Nhật năm 1903) nhưng Viện Nghiên cứu Chuẩn và Khoa học (KRISS) của Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc để ngày nay đứng trong tốp 5-6 viện hàng đầu trên thế giới.

Sự thành công như vậy của KRISS là nhờ Chính phủ Hàn Quốc sớm có ý thức về vai trò của ngành đo lường đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và khoa học công nghệ của đất nước, vì vậy dành cho KRISS sự đầu tư quy mô rất lớn. Từ thời kỳ đầu tiên dưới chính quyền Park Chung Hee, Viện KRISS đã được Nhà nước quy hoạch vào trong quần thể cụm công nghiệp Daejeon. Những năm gần đây, ngân sách của Nhà nước dành cho KRISS thường xuyên trên 100 triệu USD, và vẫn đang liên tục tăng lên. Sự ưu ái dành cho KRISS xuất phát từ ý thức và quyết tâm chính trị của Hàn Quốc cho phát triển ngành đo lường, được thể hiện rõ ngay từ trong Hiến pháp, trong đó Điều 127 quy định Nhà nước có trách nhiệm thiết lập một Hệ thống Chuẩn Quốc gia.

Mục tiêu chiến lược mà Chính phủ Hàn Quốc giao phó cho KRISS là thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc thông qua những tiến bộ khoa học về chuẩn đo lường, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động kinh tế của đất nước, và cải thiện chất lượng đời sống của người dân. Thực hiện theo quy định trong Luật Khung về Chuẩn Quốc gia của Hàn Quốc, KRISS đã triển khai một hệ thống chuẩn quốc gia trên hơn 170 lĩnh vực. Nhiều chuẩn mà KRISS cung cấp cho các khách được công nhận trên toàn cầu, tạo thành lợi thế thúc đẩy chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm Hàn Quốc trên thị trường quốc tế. KRISS cũng tham gia phát triển những công nghệ đo lường và chuẩn mới, cần thiết cho những đổi mới công nghệ tiên tiến hàng đầu, như trong công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, v.v.

Để đạt được những kết quả trên đây, hoạt động nghiên cứu được KRISS đặc biệt chú trọng, với sản phẩm đầu ra mỗi năm khoảng trên 300 công bố SCI, và hàng trăm bằng sáng chế quốc tế, và hàng chục sáng chế trong nước. Trong tổng số 388 nhân viên của KRISS, có tới 234 nhà nghiên cứu (hơn 60%), và lượng kinh phí dành cho R&D cũng chiếm tới hơn 50% tổng ngân sách hoạt động. Năm 2011, kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của KRISS chiếm tới hơn 50% (57,58 triệu USD) của 107,89 triệu USD tổng ngân sách hoạt động. Nhưng điều đáng lưu ý là Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu của KRISS. Trong những năm gần đây, hơn 50% ngân sách dành cho R&D của KRISS lấy nguồn từ tài trợ của Chính phủ cho nghiên cứu cơ bản, chưa kể nghiên cứu theo hợp đồng cho các Bộ, ngành cũng lên tới trên 30%.

Ngân sách dành cho R&D

Lượng tiền tính theo triệu USD

2010

2011

Tăng/giảm

Nghiên cứu cơ bản được Chính phủ tài trợ

32,62
(51,82%)

32,11
(55,74 %)

giảm 0,51

Nghiên cứu theo hợp đồng với các Bộ, ngành



22,67
(36,01%)

17,34
(30,40%)

giảm 5,33

Nghiên cứu theo hợp đồng với các tổ chức

công và các ngành công nghiệp

3,37
(5,35%)

3,73
(5,88%)

tăng 0,36

Hỗ trợ kỹ thuật

4,29
(6,82%)

4,4
(7,98%)

tăng 0,11

Tổng cộng

62,95
(100,0%)

57,58
(100,0%)

giảm 5,37


Chú trọng vào hoạt động nghiên cứu nhưng mảng hoạt động ứng dụng dịch vụ của KRISS cũng rất mạnh, với nhiều hình thức phong phú đa dạng. Đáng kể đến đầu tiên 24 câu lạc bộ đo lường, là nơi trao đổi tìm kiếm các giải pháp đo lường. Các câu lạc bộ được chia thành nhiều lĩnh vực công nghệ đo lường như khối lượng, nhiệt độ, độ dài, thời gian, hóa học, sinh học, môi trường, v.v. Đây là nơi thu hút các thành viên từ các ngành công nghiệp, các viện nghiên cứu, học giả, các nhà quản lý Nhà nước, với tổng số thành viên khoảng 5000 người. Họ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm về đo lường qua các hoạt động của câu lạc bộ, qua các cuộc trao đổi trực tiếp hoặc trực tuyến qua mạng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ thuật đo lường chính xác từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, KRISS tổ chức một chương trình gửi các chuyên gia tới làm dịch vụ tại các doanh nghiệp, với tên gọi là Chương trình Bác sỹ Tại gia, chú trọng vào giải quyết những vấn đề thực tế về đo lường mà các doanh nghiệp gặp phải. Hiện nay có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới chương trình này do KRISS tổ chức. Từ những thông tin thu thập được qua Chương trình Bác sỹ Tại gia kết hợp với những nghiên cứu độc lập khác, KRISS tiến hành phân tích, đánh giá nhằm xác định ra những công nghệ có tiềm năng cao trong thương mại hóa để chuyển giao cho doanh nghiệp. Trong năm 2011, KRISS đã xác định được hơn 400 công nghệ tiềm năng để chuyển giao, và đã triển khai ứng dụng 250 công nghệ vào các ngành công nghiệp, và hỗ trợ thương mại hóa trên khoảng 100 doanh nghiệp Hàn Quốc.

KRISS chính thức có biên bản hợp tác ghi nhớ với Viện Đo lường Việt Nam (VMI) từ năm 1997, và cho đến nay hai viện vẫn đều đặn gia hạn thỏa thuận hợp tác này. Trong lần ký thỏa thuận hợp tác gần đây nhất vào cuối năm 2012, KRISS đã đồng ý nhận 2-3 chuyên gia của VMI sang làm việc học hỏi kinh nghiệm trong thời gian 2-3 tháng mỗi năm, đồng thời nhận đào tạo giúp VMI các học viên học đại học và trên đại học. Ngoài ra KRISS cũng hợp tác nghiên cứu nhằm tăng cường năng lực của VMI trên một số lĩnh vực mà VMI chưa có nhiều kinh nghiệm, như hóa học và quang học. 

Nhận thức rõ về ý nghĩa của hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy sự công nhận quốc tế đối với năng lực đo lường của Hàn Quốc, KRISS đã đóng vai trò là một thành viên tích cực trong các tổ chức đo lường thế giới như APMP hay CGPM, với nỗ lực nhằm đảm bảo các chuẩn quốc gia của Hàn Quốc ngang tầm với các chuẩn quốc tế, đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo trong các cơ quan đo lường quốc tế. Sau 3 thập kỷ kể từ khi thành lập, KRISS đã liên tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức đó lường quốc tế, các viện đo lường nước ngoài, và các tổ chức nghiên cứu. KRISS có biên bản hợp tác ghi nhớ với khoảng 50 quốc gia, trong đó có những viện hàng đầu như NIST của Mỹ, PTB của Đức, MMIJ của Nhật, v.v. Nhằm cung cấp các giải pháp đo lường phục vụ những chương trình trọng điểm quốc gia và toàn cầu, KRISS đã phối hợp chặt chẽ với các viện đo lường của các quốc gia đối tác, phát triển những công nghệ hiện đại hàng đầu, ví dụ như phối hợp với NIST của Mỹ nghiên cứu về đo lường nano, phối hợp với LGC của Anh nghiên cứu về an toàn thực phẩm, và hợp tác thường niên với hội Hợp tác châu Á về Vật liệu Chuẩn (ACRM) – ACRM là một tổ chức hợp tác giữa 3 quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc, và Nhật Bản nhằm phát triển những vật liệu so sánh chuẩn chất lượng cao.

Đối với các nước đang phát triển, KRISS chủ trương chú trọng hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Các học viên nước ngoài dược khuyến khích đến học tập và tham gia các chương trình nghiên cứu của KRISS. KRISS cũng tích cực tham gia vào các chương trình tài trợ ODA của Chính phủ Hàn Quốc cho các nước đang phát triển, dưới hình thức hỗ trợ trang thiết bị và hệ thống đo lường chuẩn. Trong số các đối tác gần gũi nhất với KRISS có các viện đo lường của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Sri Lanka, Iraq, và Ai Cập.

        Tia Sáng tổng hợp
Nguồn tham khảo: http://www.kriss.re.kr/eng/about/02_2.html

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)