Làm gì để quốc tế hóa tạp chí khoa học Việt Nam?
Mấy năm gần đây, có nhiều người đề cập đến một thực trạng đáng quan tâm là sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế còn quá khiêm tốn. Một trong những cách để nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt Nam là “quốc tế hóa” tập san khoa học Việt Nam bằng cách tạo ra những tập san có bình duyệt và dần dần đăng kí với các thư mục quốc tế.
Hầu như ngành khoa học nào ở Việt Nam cũng đều có ít nhất là một tập san. Có ngành như ngành y có khá nhiều tập san. Trường đại học y nào cũng có tạp chí khoa học. Đó là một điều tích cực, vì tập san là tiếng nói của ngành và cũng là nơi chia sẻ ý tưởng. Thế nhưng cái khác giữa tập san khoa học Việt Nam và quốc tế là cơ chế bình duyệt (peer review).
Ngoài một số tập san lâu đời và nghiêm chỉnh, phần lớn các tạp chí khoa học ở Việt Nam không có bình duyệt. Tác giả gửi bài đến, một vài người trong ban biên tập xem qua, và quyết định đăng hay không. Phần lớn là đăng. Chẳng những đăng bài mà còn phải trả nhuận bút cho tác giả. Có lẽ do cách làm như thế nên đại đa số những bài báo trên các tập san này có chất lượng khoa học rất thấp. Có rất nhiều lỗi lầm và sai sót cơ bản trong những bài báo. Cách trình bày hết sức sơ sài và tùy tiện, làm cho người đọc thấy hình như tác giả không tôn trọng độc giả. Trong các tập san y khoa mà tôi xem qua, không có bài nào viết đúng tiếng Anh, dù chỉ là tóm lược(abstract).
Còn các tạp chí khoa học quốc tế thì khác hẳn. Mỗi tập san có ban biên tập với thành viên từ nhiều nước trên thế giới. Bài được gửi đến phải qua 2 hoặc 3 chuyên gia bình duyệt, tái bình duyệt, rồi mới đi đến quyết định đăng hay không. Phần lớn bài báo nộp cho tập san quốc tế bị từ chối. Tạp chí có uy tín càng cao (impact factor cao) thì tỉ lệ tự chối càng cao, có khi lên đến 95-99%. Nếu quyết định đăng (tin mừng!) thì tác giả phải trả chi phí in ấn cho nhà xuất bản. Số tiền này không nhiều, được tính dựa vào số trang giấy. Tính trung bình, mỗi trang tốn khoảng 60 đến 120 USD, tùy theo tác giả muốn in màu hay trắng đen, và tùy vào nhà xuất bản.
Có hàng trăm ngàn tập san khoa học trên thế giới, nhưng chỉ có 16 hay 17 ngàn tập san được “công nhận”, hiểu theo nghĩa có trong danh mục của Thomson ISI (Viện thông tin khoa học). Đây là những tập san uy tín, do các hiệp hội chuyên môn điều hành và quản lí. Điều kiện để được công nhận thì có nhiều và tôi cũng đã bàn trong một bài khác. Đại khái, tập san phải có ban biên tập quốc tế, công trình đăng được trích dẫn trong một thời gian, có tiêu chí khoa học và cơ chế bình duyệt, v.v…
Không một tập san khoa học Việt Nam nào được liệt kê trong danh mục của ISI. Có lẽ tất cả các tập san khoa học đều không đáp ứng được những tiêu chuẩn trên. Đó là một điều đáng buồn. Điều đó cũng giải thích tại sao những công trình khoa học đăng trên tập san Việt Nam chẳng có bao nhiêu người đọc, ngay cả người trong ngành cũng ít đọc và số trích dẫn càng ít hơn. Có không ít người đã đăng bài trên các tập san quốc tế thì xem những tập san Việt Nam là “lá cải”. Thật ra, nhận xét lá cải cũng thiếu công bằng, vì cũng có một số ít bài có nhiều dữ liệu có ích và thú vị, cho dù cách trình bày thì không mấy tốt.
Vì sự lưu hành của các tập san khoa học Việt Nam hạn chế, nên thông tin đến đồng nghiệp cũng hạn chế. Cần nói thêm rằng các tập san Việt Nam không có hệ thống hóa như Pubmed hay ISI. Vì thiếu cơ sở dữ liệu như thế, nên khi nghiên cứu sinh hay nhà nghiên cứu soạn đề cương nghiên cứu, họ rất vất vả để tìm được những công trình cùng đề tài của các tác giả Việt Nam. Đến khi ra hội đồng phản biện thì xảy ra nhiều điều trớ trêu. Khi bị chất vấn tại sao không trích dẫn công trình từ Việt Nam, hay thiếu trích dẫn tác giả X, nhà nghiên cứu chỉ nói vì không biết (hay không tìm ra). Có người dùng qui ước khoa học để nói thẳng rằng họ không trích dẫn các bài trên tập san Việt Nam vì những tập san đó không có “peer review”. Hệ quả là khoa học Việt Nam bị thiệt thòi.
Theo tôi, rất nhiều tập san khoa học Việt Nam thực chất chỉ là những bản tin chuyên ngành, giống như “bulletin” của các trường đại học. Ấy thế mà có qui định tính điểm những bài đăng trên tạp chí Việt Nam tương đương (thậm chí cao hơn) bài đăng trên tập san quốc tế. Thật khó tìm một lí do nào thích hợp cho quan điểm này. Có lẽ qui định về điểm tập san phục vụ cho nhu cầu tính điểm để phong hàm giáo sư, chứ không phải vì mục tiêu khoa học.
Vấn đề đặt ra là phải làm gì để tập san khoa học Việt Nam có mặt trên trường quốc tế? Tôi đã từng bàn đến câu hỏi này và cũng có vài đề nghị. Nói ngắn gọn, tôi đề nghị (chỉ giới hạn trong ngành y) theo một lộ trình như sau:
1. Hội y học thống nhất lập ra một tập san y học mới. Có thể lấy tên là Journal of the Vietnamese Medical Association, hay Vietnamese Journal of Medical Science (VJMS). Tập san sẽ có ban biên tập mới, với thành viên từ Việt Nam là chính, và phải hơn 1/3 là các nhà khoa học nước ngoài. Những người này dĩ nhiên là phải có thành tích khoa học (track record) tốt và có tên tuổi trên trường quốc tế. Không khó mời các thành viên như thế, nếu chúng ta làm nghiêm túc và có tiêu chí nghiêm chỉnh.
2. Tập san sẽ nhận công bố nghiên cứu chủ yếu từ Việt Nam, nhưng cũng mở cho tất cả các nhà nghiên cứu trên thế giới. Tiêu chuẩn quan trọng nhất của một tập san quốc tế là phải có những bài báo từ đồng nghiệp quốc tế. Do đó, bước đầu tập san sẽ mời các chuyên gia trong ban biên tập viết các bài bình luận (review) như là một đóng góp. Khi thấy có chuyên gia tên tuổi đóng góp bài vở, người ta sẽ dần dần tham gia đóng góp bài vở cho tập san.
3. Tập san nên dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, nhưng phần tóm lược thì viết bằng tiếng Việt. Tiếng Anh là ngôn ngữ khoa học quốc tế, cho nên tôi nghĩ dùng tiếng Anh làm phương tiện truyền thông khoa học cũng chẳng có gì quá đáng. Những nước Bắc Âu và vài nước Á châu (như Nhật và Hàn Quốc, và mới nhất là Trung Quốc) vẫn dùng tiếng Anh trong các tập san khoa học của họ.
4. Tập san nên có cơ chế bình duyệt y như những tập san khoa học quốc tế. Cơ chế bình duyệt là tiêu chuẩn không thể thiếu được cho một tập san khoa học. Dù bình duyệt không phải là cơ chế hoàn hảo, nhưng so với các cách làm khác thì đó vẫn là cơ chế tốt nhất.
5. Hai năm sau khi tập san đi vào hoạt động và hi vọng có trích dẫn, chúng ta sẽ nộp hồ sơ và đơn đề nghị ISI cho vào thư mục tập san khoa học. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi trong thời còn phục vụ trong một tập san y học bên Mĩ, chúng ta cần ít nhất là 2 năm hoạt động có hiệu quả, tức công bố những công trình nghiên cứu tốt, có sự hiện diện của các chuyên gia tầm cỡ quốc tế, thì mới đưa một tập san được cộng đồng khoa học quốc tế “công nhận”.
6. Bộ KH&CN cần phải có một cơ sở dữ liệu quốc gia, liệt kê tất cả những bài báo khoa học đã công bố trên các tập san khoa học Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ 20, hay thậm chí thế kỉ 19 (nếu có). Giới khoa học Việt Nam rất cần cơ sở dữ liệu này cho nghiên cứu. Ở Mĩ và các nước lân cận người ta đã có những cơ sở dữ liệu như thế, và đã giúp rất nhiều cho giới nghiên cứu và sinh viên.
Các nước trong vùng có sự hiện diện trên trường khoa học quốc tế cao hơn Việt Nam. Một trong những lí do là họ đã thành công đưa tập san khoa học của họ vào thư mục ISI bằng lộ trình tôi vừa trình bày trên. Không có lí do gì một Việt Nam có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước mà không lập được một tập san khoa học quốc tế.