Làm sao để nghiên cứu ứng dụng thực tế nhiều hơn

Việt Nam hiện có chưa đầy 10% kết quả nghiên cứu, tức chỉ khoảng 2.000 kết quả có tiềm năng ứng dụng thực tế.

Thực trạng kết quả nghiên cứu tại Việt Nam

Tại Việt Nam, việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu đã được khẳng định tại các kỳ họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X “phát triển thị trường Khoa học và công nghệ trên cơ sở đổi mới cơ chế, chính sách để phần lớn các sản phẩm khoa học và công nghệ (từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phục vụ xây dựng đường lối, chiến lược, chính sách phát triển ) trở thành hàng hóa.

Để thực hiện chủ trương trên, Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, hệ thống luật và các văn bản hướng dẫn luật, nghị định. Điều này có tác động tích cực nhất định đối với việc thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam. Một số viện nghiên cứu và phát triển đã thành công trong chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Xét số nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp hàng năm, các tổ chức nghiên cứu trong nước thực hiện khoảng 2.000 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đóng góp kết quả vào nguồn tài sản trí tuệ có thể khai thác thương mại phục vụ phát triển sản xuất.

Theo nguồn thông tin chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, riêng số lượng các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ tại các trường đại học, mỗi năm, khối các trường đại học đào tạo khoảng 15.000 thạc sĩ, 1.000 tiến sĩ. Nếu coi mỗi luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ là một kết quả nghiên cứu, thì hàng năm khối các trường đại học đóng góp vào kho kết quả nghiên cứu khoảng 16.000 kết quả.

Đối với các sáng chế, giải pháp hữu ích có nguồn gốc nước ngoài được các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ Quốc gia, tính đến tháng 10 năm ngoái, đơn vị này đã cấp khoảng 12.000 văn bằng bảo hộ.

Đối với kho tài sản trí tuệ mở của thế giới, hiện Cục Sở hữu trí tuệ đang lưu trữ gần 30 triệu bản mô tả sáng chế (tương ứng 30% số sáng chế lưu giữ tại WIPO đang lưu giữ tại NOIP), trong đó có 31.500 bản đã được dịch ra tiếng Việt sẵn sàng cho tra cứu khai thác. Đây là nguồn tài sản trí tuệ rất lớn đóng góp vào nguồn các kết quả nghiên cứu, sáng chế phục vụ cho khai thác thương mại, phát triển sản xuất ở nước ta.

Ngoài các nguồn trên, một nguồn khá lớn các kết quả nghiên cứu, giải pháp hữu ích đến từ các nhóm đơn lẻ, các cá nhân, thường được biết đến với cái tên “sáng chế nông dân”. Những kết quả nghiên cứu này đến từ quá trình tìm tòi, sáng tạo của người lao động nhằm giải quyết các vấn đề kĩ thuật liên quan đến lao động sản xuất của họ. Nhiều kết quả nghiên cứu loại này có tiềm năng ứng dụng lớn vì nó xuất phát từ bài toán thực tiễn sản xuất. Theo ước tính sơ bộ, các nghiên cứu loại này mỗi năm có hàng nghìn kết quả.

Như vậy, xét về số lượng, có thể thấy, hiện chúng ta đang sở hữu một kho kết quả nghiên cứu, sáng chế rất lớn. Ước tính, hàng năm các tổ chức cá nhân trong nước đóng góp thêm vào kho tài sản trí tuệ khoảng 20.000 kết quả nghiên cứu, sáng chế.

Tuy nhiên, hướng nghiên cứu, chất lượng nghiên cứu theo tiêu chí ứng dụng vào khu vực doanh nghiệp sản xuất là điều cần phải quan tâm. Hiện Việt Nam có chưa đầy 10% kết quả nghiên cứu, tức là chỉ khoảng 2.000 kết quả là có tiềm năng ứng dụng thực tế, số còn lại là các nghiên cứu không phải nghiên cứu ứng dụng, hoặc những nghiên cứu chưa thiết thực với thực tế sản xuất trong nước.

Ngoài ra, việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ các tổ chức khoa học và công nghệ vào doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Theo kết quả của một cuộc điều tra về thị trường công nghệ, trên 50% số doanh nghiệp trả lời có quá ít các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước cung cấp công nghệ cho thị trường và nếu có thì thường chỉ là các công nghệ nhỏ lẻ, ít tạo thành các dây chuyền công nghệ đồng bộ, đủ sức tạo ra sản phẩm hàng hóa cạnh tranh với nước ngoài.

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước thường nghiên cứu tiếp nhận những thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới và vận dụng vào Việt Nam, ít công trình sáng tạo. Ngay cả những đề tài nghiên cứu có thể áp dụng vào thực tiễn, số kết quả nghiên cứu thỏa mãn các điều kiện cấp bằng bảo hộ trí tuệ không nhiều.

Theo thống kê, mỗi năm số hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng thực hiện thành công chỉ khoảng 20 – 30 hợp đồng. Nếu kể cả các khai thác theo thỏa thuận giữa các nhóm nghiên cứu với các doanh nghiệp không qua các hợp đồng chuyển nhượng, con số khai thác thành công các kết quả nghiên cứu cũng chỉ tính theo đơn vị hàng trăm.

So với con số tiềm năng khoảng 20.000 kết quả nghiên cứu, 13.000 nhu cầu đổi mới công nghệ mỗi năm, có thể thấy việc khai thác thương mại kết quả nghiên cứu, sáng chế trong nước là quá nhỏ so với tiềm năng.

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu trên thế giới

Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu đang là trọng tâm của các chính sách kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, chình quyền liên bang Hoa Kỳ đã có những thay đổi to lớn trong chính sách, chiến lược liên quan đến việc khai thác và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Để thực hiện điều này, việc đầu tiên, Mỹ ban hành các điều luật nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Ví dụ, để thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu từ trường đại học vào doanh nghiệp, năm 1980, Mỹ ban hành Luật Bayh-Dole. Từ khi đạo luật này ra đời, các trường đại học của Mỹ đẩy mạnh việc hình thành các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của họ.

 Theo các nhà nghiên cứu, cứ một đô la đầu tư vào tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ, trường đại học nhận được trên 6 đô la thu nhập từ các dịch vụ chuyển giao công nghệ. Hiện Mỹ có hơn 200 trường đại học hình thành các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ trong trường. Ngoài ra, chính quyền liên bang còn rất chú trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp với các trường đại học. Mối liên kết này được thực hiện qua việc đầu tư một phần của doanh nghiệp vào hoạt động của các trung tâm nghiên cứu tại trường Đại học. Về phần mình, trường Đại học chịu áp lực từ hội đồng khoa học Quốc gia, chủ động kết nối với doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu – triển khai. Đây là điểm thể hiện mối liên kết bền chặt giữa Nhà nước – trường đại học và doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng được chú trọng ở nhiều nước châu Á. Đầu năm 2000, Hàn Quốc ban hành Luật Thúc đẩy chuyển giao công nghệ nhằm đẩy mạnh việc thương mại hóa công nghệ được tạo ra từ các tổ chức khoa học và công nghệ. Thông qua các biện pháp miễn, giảm thuế, hỗ trợ tài chính, Hàn Quốc hỗ trợ thành lập các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ như Trung tâm Chuyển giao công nghệ quốc gia, các văn phòng chuyển giao công nghệ trong các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập.

Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Malaysia đã xây dựng Chương trình hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Chương trình tài trợ một phần kinh phí thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và phát triển trong nước.

Chính phủ Trung Quốc cũng thực hiện những biện pháp mạnh để thúc đẩy tiến trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trung Quốc thực hiện một số biện pháp cải cách hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ. Hiện nhiều viện nghiên cứu truyền thống buộc phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng dành một khoản ngân sách đáng kể để khuyến khích và hỗ trợ các viện nghiên cứu tiến hành thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình và đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho các sáng chế.

Chính sách của các nước góp phần quan trọng gia tăng tốc độ giao dịch mua bán công nghệ (bao gồm kết quả nghiên cứu và phát triển). Ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia, tăng trưởng về giao dịch mua bán công nghệ đang diễn ra với tốc độ cao.

Đặc biệt, giao dịch mua bán công nghệ trên thị trường Trung Quốc trong hơn 20 năm trở lại đây liên tục tăng trưởng trên hai lần so với tăng trưởng GDP. So với các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, ở các nước như Trung Quốc, Malaysia và nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, sự can thiệp của nhà nước trong việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học mạnh hơn.



* Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)