Làm thế nào để đánh giá hiệu suất làm việc của nhà khoa học?

Việc xuất bản công trình trên các tạp chí có IF cao không phải là điều kiện tiên quyết đảm bảo công trình nghiên cứu có chất lượng cao, bởi thực tế cho thấy nhiều công trình nghiên cứu đăng ở các tạp chí có hệ số IF thấp nhưng lại được những chuyên gia trong lĩnh vực đó đánh giá cao.

Ở Việt Nam, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) được coi là một đột phá trong quản lý khoa học theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và thúc đẩy công bố quốc tế trong nước. Một trong những tiêu chuẩn được Quỹ NAFOSTED xét tài trợ là công trình nghiên cứu cần được xuất bản trên các tạp chí ISI, kèm theo nó là thước đo về IF. Chính tiêu chí này đã góp phần đáng kể vào sự thành công trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản với số lượng 721 công trình đăng trên tạp chí ISI. Nhưng việc xuất bản công trình trên các tạp chí có IF cao không phải là điều kiện tiên quyết đảm bảo công trình nghiên cứu có chất lượng cao, bởi thực tế cho thấy nhiều công trình nghiên cứu đăng ở các tạp chí có hệ số IF thấp nhưng lại được những chuyên gia trong lĩnh vực đó đánh giá cao.

Việc lạm dụng chỉ số IF để đánh giá nhà nghiên cứu cũng dẫn đến một số hệ lụy nguy hiểm, chẳng hạn như thúc đẩy những nỗ lực không lành mạnh từ các nhà nghiên cứu, như ngụy tạo kết quả nghiên cứu hoặc đạo văn, nhằm để công bố trên các tạp chí có chỉ số IF cao bằng mọi giá. Cách đây đúng một năm, ThS. Lê Đức Thông và cộng sự đã bị buộc rút lại một loạt các bài báo trên các tập san như Natural, Sciene, Journal of Modern Physics, Physics Letters B, EuroPhysics Letters, Progress of Theoretical Physics bởi nguyên nhân này. Rõ ràng, việc chạy theo tạp chí IF cao với hành trang đạo đức lỏng lẻo là mầm mống cho gian dối trong khoa học có cơ hội phát triển.

Ở một góc nhìn khác, trong việc xét phong chức danh nhà nước (GS và PGS) chỉ có hai loại tạp chí được tính điểm là “tạp chí trong nước” và “tạp chí quốc tế”. Ai cũng biết, tạp chí quốc tế có đủ loại thượng vàng hạ cám, một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí dù có IF cao không đảm bảo rằng nó có chất lượng cao, hoặc một bài viết đăng trên một tạp chí được gọi là “quốc tế” cũng không hề đảm bảo rằng quy trình phản biện đủ chặt chẽ và tạp chí đó có chất lượng học thuật tốt. Còn với những tạp chí trong nước hiện nay, theo nhiều nhà khoa học nên xem xét đưa một số tạp chí đã được quốc tế hóa (như IOP) vào danh mục được tính điểm (có thể tính đến hệ số 0,5), nếu không chất lượng các tạp chí trong nước sẽ ngày càng giảm đi và mục tiêu có được một số tạp chí trong nước nằm trong hệ thống được cộng đồng khoa học quốc tế thừa nhận sẽ ngày càng xa vời.

Như vậy, IF không phải là tiêu chí duy nhất quyết định chất lượng nghiên cứu của từng bài báo được đăng trên đó. Chính vì thế, gần đây DORA – một tổ chức về đánh giá nghiên cứu đã thu thập được chữ ký của hơn 3500 cá nhân là các nhà khoa học trên thế giới, cùng với sự ủng hộ của 146 tổ chức, hiệp hội, tạp chí và quỹ khoa học từ nhiều nước trên thế giới, đòi hỏi cần cải thiện tiêu chí đánh giá nhà khoa học.

Hy vọng trong việc triển khai đánh giá xét duyệt hồ sơ tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên năm 2013, cơ quan điều hành Quỹ và các Hội đồng khoa học ngành sẽ không quá lệ thuộc vào tên tuổi của các tạp chí quốc tế mà sẽ xây dựng bổ sung những tiêu chí đánh giá tập trung vào chất lượng và nội dung công trình nghiên cứu một cách công bằng và toàn diện hơn.
       
       

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)