Lũ miền Trung, vì sao nên nỗi ?

Với những chủ trương phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng vô tiền khoáng hậu trong mấy chục năm qua ở Tây Nguyên và miền Trung, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta đã và đang từng bước làm cho một bộ phận lớn diện tích đất ở vùng này lâm vào tình trạng “hoang mạc hóa”. Lũ lụt và khô hạn ngày càng nặng nề là điều không tránh khỏi.

Trong thời gian qua, kể từ sau siêu bão Hayan, nhất là sau trận lũ chưa từng có xảy ra ở các tỉnh miền Trung, đã có nhiều bài báo, phóng sự, các báo cáo vừa phản ảnh thực trạng khủng khiếp do trận lũ gây ra, vừa đề cập đến nhiều nguyên nhân kể cả từ phía ông trời và phía con người, mà cũng khó phân định thiên tai hay nhân họa đã gây ra thảm cảnh này nhiều hơn.

Bão và lũ đã đi qua, nhưng nỗi đau và đói nghèo còn ở lại lâu dài cùng với hàng loạt câu hỏi chưa phải đã được các cấp các ngành, các nhà quản lý, các nhà khoa học đưa ra những lời giải khả dĩ tạo lập được niềm tin để không chỉ khắc phục được hậu quả hôm nay mà còn có thể yên tâm khi mùa mưa bão lần sau lại đến. Yên tâm sao được khi 30% các dự án thủy điện chưa được kiểm định, 66% chưa có phương án bảo vệ, 55% chưa có phương án phòng chống lũ lụt… như báo cáo trình ra Quốc hội. Lại có 418 dự án có độ rủi ro cao, đã và sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái phân bố chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông, Kon Tum đã được cấp phép xây dựng hoặc “được phép” xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật rồi chắc chắn cũng được phê duyệt hầu hết nếu không có trận lũ vừa qua.

Từ “nước không đi đâu cả” đến “nước cuốn trôi tất cả”

Vào đầu những năm 1980, mặc dù là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến tranh, nhưng mật độ rừng che phủ của Tây Nguyên còn trên 70% và của dải đất miền Trung còn trên dưới 40%. Đây là nói độ che phủ của rừng gỗ lớn chứ không phải che phủ bởi một lớp thực bì mỏng manh, yếu ớt như hiện nay. Chúng ta đều biết, một vùng đất được che phủ bởi rừng già, rừng gỗ lớn thì với những trận mưa trên dưới 150 mm, “nước không trôi đi đâu cả”! Rừng cây ấy là một máy bơm khổng lồ mà khi trời nắng hạn, trên mỗi ha một ngày đêm, cây “bơm” từ lòng đất lên trên bề mặt 4.000m3 nước đủ ẩm cho cây và đất để mọi loài đều phát triển bình thường. Và khi trời mưa, “máy bơm” này trả lại cho lòng đất một khối lượng nước tương đương để chứa đầy hàng triệu túi nước ngầm bên trong lòng đất.

Thế nhưng, cũng bắt đầu từ thập kỷ 80, trên vùng này có cuộc nhập cư ồ ạt để “phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên” mà mạnh nhất là phá rừng làm lương thực, làm nương rẫy. Chúng ta dù không chủ trương thì trên thực tế, đã có một cuộc “cách mạng” lớn về phương thức canh tác trên diện rộng: Những người nông dân đi “xây dựng các vùng kinh tế mới”, mang tập quán và truyền thống canh tác lúa nước của miền xuôi áp đặt, thay thế hệ canh tác rừng-rẫy rất bền vững qua nhiều đời ở các tỉnh Trung du và miền núi trong cả nước, mà lớn nhất là Tây Nguyên.

Cùng với quá trình di dân đó, chúng ta thành lập các nông trường và lâm trường quốc doanh. Không thể có lâm trường nào lại lấy nhiệm vụ “trồng rừng là chính” mà ngược lại, để tồn tại phải khai thác gỗ bằng các phương tiện hiện đại nên tốc độ phá rừng còn hơn cả bom đạn chiến tranh. Nông trường quốc doanh thì chủ yếu là phá rừng để trồng cà phê bởi chỉ trên nền đất ấy và tiểu khí hậu (lúc đầu) ấy mới có cà phê cho năng suất cao. Rồi dần dần chuyển đổi các nông trường thành các “tiểu điền” hoặc khoán về cho các hộ dân trồng cà phê thì tốc độ phá rừng càng mạnh hơn. Theo đó là hàng vạn giếng khoan được lắp đặt khắp nơi. Thời gian đầu chỉ ở độ sâu trên dưới 20m đã có nước tưới cho cà phê, dần dần khoan xuống 80m và bây giờ phải khoan ở độ sâu 150-200m! Tương lai rồi khoan sâu bao nhiêu? Hàng triệu túi nước ngầm khô kiệt bởi khác với cơ chế hoạt động của rừng, con người chỉ bơm nước lên bề mặt mà không làm sao trả lại nước ngầm cho đất. Đã qua rồi cái thời mưa trên dưới 150 mm “nước không đi đâu cả”, mà đã chuyển sang thời kỳ hễ mưa lớn, “nước cuốn trôi tất cả”.

Dĩ nhiên, trên địa bàn Tây Nguyên và miền Trung, không chỉ có bấy nhiêu lực lượng phá rừng mà còn rất nhiều loại “tặc” khai thác đủ loại lâm sản, khoáng sản tàn phá môi trường sinh thái một cách nghiêm trọng. Cũng cần chú ý rằng chỉ có ở Việt Nam mới có khái niệm “khai thác và vận chuyển gỗ lậu” hay “khai thác, vận chuyển và xuất khẩu khoáng sản lậu” vì các hoạt động này không hề là công việc thủ công, nhỏ lẻ của người dân mà được tiến hành bằng những phương tiện hiện đại, chuyên nghiệp, công khai qua các chốt, các trạm đặt ở cửa rừng hay cửa khẩu. “Lậu” chỉ lộ diện khi không trót lọt, bị xử lý chứ không phải các cơ quan chức năng, thậm chí lãnh đạo ngành hay địa phương không biết.

Tôi chưa được đọc các tài liệu đánh giá về độ bào mòn của mưa lũ trên vùng đất này trong một số năm gần đây, nhưng theo Trung tâm quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) thì hiện nay, lượng phù sa của các con sông ở Quảng Nam đã ở mức báo động. Tại hạ lưu sông Vu Gia (Trạm quan trắc Thành Mỹ) đã đo được con số bình quân hằng năm 460.000 tấn đất cát bồi lắng, cũng có nghĩa là phía thượng nguồn đã bị bào mòn một lớp đất mặt đáng kể. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay bị lún bình quân 2 cm/năm mà nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do khai thác nước ngầm tràn lan, thì rất nhiều vùng ở Tây Nguyên và vùng đồi núi miền Trung hằng năm cũng đang bị “lùn” đi chừng ấy chiều cao do bị mưa lũ bào mòn.

Nói một cách khác, với những chủ trương phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng vô tiền khoáng hậu trong mấy chục năm qua ở Tây Nguyên và miền Trung, bên cạnh những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế xã hội, chúng ta đã và đang từng bước làm cho một bộ phận lớn diện tích đất ở vùng này lâm vào tình trạng “hoang mạc hóa”. Lũ lụt và khô hạn ngày càng nặng nề là điều không tránh khỏi. Trên nền tảng ấy, chúng ta đã và đang xây dựng hàng trăm túi nước khổng lồ lơ lửng trên đầu hàng triệu người dân thì dù được kiểm định kỹ càng cũng khó lường tai họa huống là đã được phát triển một cách vô tội vạ như vừa qua thì chúng ta quả là coi thường tính mạng và tài sản của người dân.

Những ưu thế chưa được tận dụng

Nói như trên không phải là không nên phát triển thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên, nhưng nếu tách riêng thủy điện ra khỏi hệ thống để thẩm tra, kiểm định thì không thể tránh khỏi những hiểm họa đối với các công trình thủy điện-thủy lợi ở vùng này, dù là nhóm A [những dự án mà Bộ Kế hoạch đầu tư phải lập hội đồng nhà nước thẩm định, và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định] hay nhóm B, C [do Bộ Công thương thẩm định] thì cũng thế thôi.

Mặt khác, đây cũng là vùng có nhiều ưu thế về năng lượng mặt trời, năng lượng gió… thì hà tất chỉ có phát triển tràn lan thủy điện mới là ưu thế chủ yếu được lựa chọn? Để có 173 MW công suất điện (lý thuyết) như dự án An Khê – Ka Nak mà phải xóa sổ hàng ngàn ha rừng ở vùng xung yếu; nhấn chìm hàng trăm ha ruộng và nương rẫy vốn là nguồn sống chủ yếu của người dân; làm đảo lộn cuộc sống của hàng ngàn hộ dân, trong đó có hơn 500 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới.

Dù đã tái định cư được ba năm mà hàng trăm hộ dân ở đây vẫn chưa thể ổn định cuộc sống và đang gặp muôn vàn khó khăn v.v.. thì dù các chuyên gia kỹ thuật có cam kết về độ an toàn, các chuyên gia kinh tế có nói hay ho về hiệu quả kinh tế-xã hội đi chăng nữa, rốt cuộc cũng là những lợi ích nhất thời hoặc giá trị ảo mà thôi. Liệu có đáng để con cháu chúng ta phải trả giá đắt đến như vậy?

Đầu tháng 9/2013, trước khi lũ lụt xảy ra, hơn 100 nhà khoa học và các chuyên gia về thủy lợi, thủy điện đã có cuộc hội thảo khoa học về thủy điện miền Trung tại thành phố Đà Nẵng và đưa ra lời cảnh báo: “Hiện hệ thống thủy điện đang phát triển thiếu khoa học”! Lời cảnh báo ấy chỉ nói được rằng các nhà khoa học có biết về thực trạng nguy hiểm, nhưng dường như “không liên quan” gì đến cái kết cục buồn ấy. Với tình hình phát triển thủy điện như vừa qua thì có lẽ khoảng sau năm 2020, các nhà khoa học lại phải kéo nhau về Đà Nẵng thêm một lần nữa, lần này chắc phải đông hơn, không chỉ có thủy lợi, thủy điện mà còn nhiều ngành khác để bàn thảo việc… di dời khu phố cổ Hội An. Rất có thể, vì hiện nay việc chặn dòng chảy sông Vu Gia – Thu Bồn để làm thủy điện đang hướng lũ thẳng vào thị xã Hội An.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)