Một cơ hội để hoàn thiện công tác thống kê KH&CN
Tham luận tại hội thảo về tiểu dự án “Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, TS. Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Giám đốc hợp phần 1B của dự án FIRST đã chia sẻ với các đại biểu là ông thực sự hạnh phúc khi được giao thực hiện dự án này.  
Vì sao ông lại cảm thấy hạnh phúc khi được đảm nhiệm hợp phần 1B của dự án FIRST?
Tôi cảm thấy hạnh phúc vì những gì chúng tôi kì vọng có cơ hội trở thành hiện thực. Ở đây, tôi chỉ dám nói là có cơ hội vì để hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta, ngoài sự hỗ trợ từ phía dự án về tài chính, cách tiếp cận vấn đề, cách tư duy của những chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, còn cần những yếu tố khác như sự quan tâm của các Bộ, ngành và được tạo điều kiện bằng các hành lang pháp lý hoàn thiện.
Xin ông cho biết mục tiêu chủ yếu của dự án là gì?
Điểm mấu chốt nhất của dự án là xây dựng được một phương pháp luận thống kê KH&CN theo chuẩn mực quốc tế, có thể áp dụng và thích nghi trong điều kiện của Việt Nam. Những con số thống kê sẽ vừa phản ánh được thực tiễn của Việt Nam nhưng cũng lại tương thích với các thước đo của thế giới. Nói cách khác là làm sao để những chuẩn mực ấy “chạy” được trong điều kiện của Việt Nam chứ không phải ép các điều kiện của Việt Nam chạy theo những chuẩn mực của quốc tế. Vì vậy, tôi từng nói vui rằng trong dự án có lẽ cần đào tạo các chuyên gia quốc tế vì họ không hiểu điều kiện của Việt Nam thì làm sao họ có thể tư vấn được.
Giải pháp nào để thực hiện được mục tiêu đó?
Trước khi học tập những chuẩn mực của quốc tế, chúng ta phải hiểu mình trước. Tức là chúng ta phải nắm rõ hệ thống khoa học công nghệ của Việt Nam: hiểu về dòng kinh phí lưu chuyển trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học ông nghệ như thế nào, hiểu về cách quản lý nhân lực, hiểu về mối quan hệ giữa cơ quan đặt hàng, cơ quan thực hiện và hệ thống doanh nghiệp… Chỉ có thể nắm được thực tiễn như vậy mới áp dụng được các phương pháp luận quốc tế vào Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều đó sẽ trải qua nhiều lần điều chỉnh: chúng ta sẽ phải vừa làm, vừa học.
Ông có thể nói cụ thể hơn về các phương pháp luận và kinh nghiệm của quốc tế mà chúng ta cần học hỏi?
Một trong những nội dung nhất thiết cần học là học tập và ứng dụng phương pháp luận thống kê của OECD thông qua nghiên cứu và khảo sát kinh nghiệm quốc tế trong tiến hành điều tra về Nghiên cứu, Phát triển và Đổi mới sáng tạo về xây dựng phương án, đào tạo, triển khai, xử lý dữ liệu, phân tích và diễn giải, công bố kết quả…; dịch sang tiếng Việt và biên soạn lại các cẩm nang thiết yếu về thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của OECD: cẩm nang Frascati về Nghiên cứu và Phát triển, cẩm nang Oslo về đổi mới và sáng tạo, cẩm nang Canberra về nhân lực KH&CN… ; sẽ tiến hành đào tạo một đội ngũ nòng cốt làm thống kê KH&CN tại Bộ KH&CN, các Bộ, ngành và địa phương qua việc tổ chức các hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo ngắn và trung hạn với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế.
Giả sử như chúng ta có được một phương pháp luận hoàn chỉnh và đội ngũ nhân lực chất lượng cao thì điều gì khó khăn nhất trong việc đưa thống kê khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở về đúng thực chất của nó: tức là chúng ta có các số liệu thống kê trung thực, khách quan?
Đúng là ngay cả khi chúng ta có được một phương pháp luận tốt, một nguồn nhân lực thống kê KH&CN chất lượng cao thì chưa chắc chúng ta đã có được một con số đúng như mong đợi. Điều này trước hết phụ thuộc vào tính trung thực, khách quan của người tiến hành công tác thống kê và chính bản thân đối tượng được khảo sát bao gồm các tổ chức, nhà khoa học, các doanh nghiệp… Bên cạnh đó, sự xác thực của các số liệu thống kê còn phụ thuộc vào ý đồ sử dụng các thông tin đó trong quá trình hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý.
Vậy, theo ông làm thế nào để giải quyết khó khăn đó?
Điều này được đề cập và giải quyết trong một cấu phần của dự án, đó là tạo ra một cơ chế điều phối và liên thông về số liệu thống kê khoa học công nghệ. Tức là, công tác thống kê phải được coi là công việc của chung (nhiều bộ, ban ngành) chứ không phải chỉ riêng Bộ KH&CN. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thiết lập một bộ phân theo dõi riêng về cán cân thanh toán liên quan đến chuyển giao công nghệ; Hải quan cũng phải có một bộ phận theo dõi riêng về nội dung xuất nhập khẩu thiết bị máy móc…
Ông kì vọng gì sau khi dự án kết thúc?
Sau quá trình hoàn thành mục tiêu của dự án, điều quan trọng nhất là ta có được một đội ngũ cán bộ nòng cốt có thể hiểu rõ từng việc trong công tác thống kê khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Từ đó, họ biết được trong điều kiện thống kê còn nhiều bất cập của Việt Nam cần phải làm những gì để có thể cung cấp cho các nhà quản lý những bằng chứng về hiệu quả hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo thông qua số liệu thống kê, phân tích định tính và thông tin phản hồi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hảo Linh thực hiện