Một quyết sách khoa học đúng
Cảm ơn tạp chí Tia sáng đã nhắc tôi rằng 2024 là kỷ niệm 10 năm giải thưởng Tạ Quang Bửu, giải thưởng đầu tiên dành cho khoa học cơ bản Việt Nam. Chao ôi là thời gian. Có gì điềm tĩnh bằng thời gian. Cũng có gì hối hả, pha chút tàn nhẫn như thời gian. Đời người lao động được mấy lần 10 năm như thế?
Có một sự khác biệt không thể không nhận ra trong trình độ nghiên cứu và công bố quốc tế giữa Toán học và những khoa học khác của Việt Nam. Điều đó có được nhờ công lao của GS. Tạ Quang Bửu, một trong hai giáo sư Toán học đầu tiên được nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn phong năm 1956.
Trong khoảng mươi năm gần đây, dưới ảnh hưởng của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán VIASM (Bộ GD&ĐT), các nghiên cứu khoa học cơ bản, đặc biệt là nghiên cứu Toán học, và các công bố quốc tế đã gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, một xu thế không cưỡng lại được là người ta mải đếm các công bố, dù là đếm Web of Science, hay Scimago. Câu chuyện Trạng Quỳnh sau một tiếng trống vẽ được 10 con giun, tiếc thay, đang được một số người Việt “láu cá” áp dụng. Họ không biết hay cố tình không biết rằng 10 con giun không thể so với một con hổ.
Hãy xét chuyện một người nọ sau một năm viết được 20 công trình Web of Science. Như vậy trung bình hơn nửa tháng người ấy viết một bài. Xin được hỏi: Thời gian đâu để người ấy quan sát, đặt vấn đề, thai nghén, suy nghĩ, tính toán, đánh máy, sửa bản thảo, gửi đăng, sửa bản in thử… Thành ra công bố một năm 20 bài không phải một thành quả khoa học đáng ngợi khen. Chuyện đó có khác gì sự láu cá của một người vẽ 10 con giun sau một tiếng trống? Đáng tiếc là có không ít những người lãnh đạo khoa học rất cần 10 con giun đất để đếm, để có trong đại học của mình những “nhà khoa học” nằm trong số 50 hay 100 người có công bố nhiều nhất ở một khu vực nào đó. Nhìn từ góc độ này thì vai trò quyết định của một vị chủ soái như GS. Tạ Quang Bửu càng nổi lên rõ rệt.
Cho nên, nói rằng nền khoa học Việt Nam mới ở trình độ biết đếm cũng không có gì quá đáng. Trong bối cảnh đó, giải thưởng Tạ Quang Bửu, dành cho giới nghiên cứu khoa học tinh hoa, thực sự là một giải pháp. Ở đó, người ta không bảo rằng 10 con quý hơn một con. Những nhà khoa học hàng đầu Việt Nam khẳng định rằng chất lượng quý hơn số lượng, một con hổ quý hơn nhiều so với 10 con giun.
Lại từng nghe, giá trị của một giải thưởng khoa học không phải do tên của giải thưởng quyết định, mà ngược lại, theo năm tháng, do tên của những người được trao giải xác lập.
Bản thân tôi không bao giờ quan tâm và phân biệt công trình được giải và công trình không được giải. Một khi đã xác định mục tiêu nghiên cứu, thì cứ tiến bước thôi. May được giải thưởng thì tốt. Không may, không được giải thưởng cũng chẳng sao. Tôi tự nhủ: Nếu người ta làm thứ khoa học thật, không chỉ tạo dáng giống như thật, thì có thể gặp rất nhiều khó khăn, các hội đồng giải thưởng có thế không nhìn thấy, nhưng rồi cuộc đời cũng đánh giá công bằng đóng góp đó. Có điều đánh giá đó có thể đến muộn.
Phương Đông vốn quan niệm: “Cái quan định luận”, đóng nắp quan tài rồi mới luận được ý nghĩa của đời người.
Tuy nhiên, giới trẻ bây giờ cần thứ để ăn ngay, như “mì ăn liền”. Họ nghĩ: Có giàu thì phải giàu ngay. Nếu đến cuối đời mới giàu, thì giàu như thế cũng chẳng để làm gì.
Trong bối cảnh rất nhiều người làm thứ khoa học giả, hoặc tuy không giả nhưng chỉ cốt đếm cho đủ bài (dù là đếm Web of Science, hay Scimago) để được bảo vệ, được phong hàm nọ hàm kia, thì việc làm khoa học chuyên nghiệp, theo nghĩa không phải để lấy bất kỳ tấm bằng nào, không phải để được phong hàm này hàm nọ, là vô cùng quan trọng. Nhưng làm thế nào để biết một người làm khoa học chuyên nghiệp, không phải để lấy bằng hay để được phong hàm? Có cách đơn giản thế này: Một người vẫn làm khoa học sau khi đã có đủ các bằng cấp và học hàm hẳn là một người không vì bằng cấp hay các học hàm ấy.
Một đại học, dù là tinh hoa như trường Đại học Khoa học Tự nhiên, hậu thân về khoa học tự nhiên của Đại học Tổng hợp xưa, chỉ cần có khoảng 5-7 người làm khoa học thật, dám dấn thân đối mặt với cái khó thật trong khoa học khoảng 30-40 năm, nghĩa là trong phần lớn cuộc đời khoa học của người ấy, thì vị thế khoa học thế giới của đại học ấy ắt hẳn đã thay đổi.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhắc nhở người đời rằng, những quyết sách khoa học, nếu được chọn đúng, là những đóng góp tích cực cho khoa học. Đừng nhăm nhăm đếm, và ngộ nhận rằng số lượng quý hơn chất lượng. Ở bất kỳ lĩnh vực gì, dù là khoa học, nếu không đủ lãng mạn, người ta chẳng thể đạt được bất cứ đỉnh cao nào.
Phải chăng, ý nghĩa của giải thưởng Tạ Quang Bửu là như thế?□
Bài đăng Tia Sáng số 9/2024