Mỹ: Quy trình cấp phép ghìm chân các công nghệ hạt nhân tiên tiến?

Các nhà doanh nghiệp hạt nhân mới ở Mỹ tin rằng có thể thay đổi ngành năng lượng, nếu quá trình để Ủy ban Pháp quy hạt nhân Mỹ (NRC) cấp giấy phép cho một mẫu lò phản ứng không kéo dài tới một thập niên hoặc hơn thế như hiện nay.

NRC cho biết, trong 35 năm qua [nước Mỹ] chỉ chuẩn y và triển khai được một nhà máy điện hạt nhân mới. Theo Third Way – một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington DC chuyên về lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu và an ninh quốc gia – thì hiện nay có gần 50 công ty ở Mỹ và Canada đang nghiên cứu và phát triển các công nghệ điện hạt nhân tiên tiến. Các công ty này được tài trợ hơn 1,3 tỷ USD từ các nhà đầu tư cá nhân như Bill Gates và từ các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn.

Một số công ty trong số này có trụ sở tại khuôn viên trường MIT ở Cambridge, Massachusetts. Họ mới tham gia cuộc hội thảo “Xây dựng thiết kế lò phản ứng hạt nhân mới, an toàn, có thể mở rộng” (Building a Scalable, Safe New Nuclear Reactor Design). Transatomic Power, Terra Power, Moltex Energy, Tri-Alpha Energy và Terrestrial Energy thuộc vào số các công ty đại diện dự hội thảo.

Quy trình cấp phép là rào cản đối với sáng tạo

Nhiều công ty cho rằng quy trình cấp phép lâu và tốn kém của NRC là rào cản đối với sự sáng tạo mới. Quá trình để NRC cấp giấy phép cho một mẫu lò phản ứng có thể kéo dài tới một thập niên hoặc hơn thế, và gây tốn hàng trăm triệu USD.

Bà Allison Macfarlane, Chủ tịch NRC các năm 2012-2015 và nay là Giám đốc Trung tâm Khoa học quốc tế và Chính sách công nghệ tại ĐH George Washington, cho biết, quá trình đó là cần thiết. Một nhà máy điện hạt nhân có thời gian xây dựng và khai thác lâu dài, sự lo ngại về mặt an toàn, và chi phí xây dựng tốn kém, tất cả đòi hỏi một quá trình giám sát quản lý mạnh mẽ và triệt để. “Điện hạt nhân là một loài dã thú độc đáo,” Macfarlane nói tại hội nghị Solve.

Điều đó không thích hợp với các nhà doanh nghiệp hạt nhân mới, nhiều người trong số họ đã đầu tư hàng triệu USD vào việc thiết kế và triển khai thiết bị. Họ tin rằng có thể thay đổi ngành năng lượng – nếu họ có thể nhận được giấy phép và thử nghiệm.

“Chúng ta cần thay đổi quy trình cấp phép hiện nay,” Andrew Kadak nói. Ông là nhà nghiên cứu của Khoa khoa học hạt nhân và kỹ thuật tại MIT, cựu chủ tịch Hội Hạt nhân Mỹ.

Những người ủng hộ lò phản ứng hạt nhân tiên tiến đều nhất trí về đề cương phác thảo những điều cần thiết để thúc đẩy công nghệ hạt nhân tại Mỹ: một quy trình cấp phép tinh giản của NRC; phương thức “thử nghiệm xong rồi cấp giấy phép” (“test-then-license”) tương tự trình tự Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho các loại dược phẩm mới; sự tham gia tích cực hơn của Bộ Năng lượng Mỹ trong việc đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ; và thành lập một cơ sở thử nghiệm quốc gia, nơi có thể xây dựng và đánh giá các nguyên mẫu lò phản ứng tiên tiến.

NRC tuy thiếu cán bộ nhưng cũng đã tiến hành chương trình cải cách, tiếc rằng đó không phải là cải cách mà cộng đồng đang tìm kiếm. NRC chưa tăng cường năng lực thẩm định các thiết kế mới và giúp thúc đẩy sự đổi mới. Kế hoạch hiện nay được hậu thuẫn bởi James Inhofe, Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Oklahoma, Chủ tịch Ủy ban giám sát, người đã nhiều lần phủ nhận cú điện thoại gọi cho NRC nói sự thay đổi khí hậu toàn cầu là một trò bịp –  là “Đúng kích cỡ”, thực chất là cắt giảm (?).

Cho dù nước Mỹ đã có những cố gắng lớn và được cấp đủ vốn nhằm đưa các lò phản ứng tiên tiến vào thị trường, một báo cáo của NRC đưa ra trong tháng Hai trình bày về dự án Mục tiêu năm 2020 dự báo rằng, số lượng các lò phản ứng mới đang xin giấy phép sẽ bị “giảm đáng kể” vào năm 2020.

Chảy vốn đầu tư điện hạt nhân ra nước ngoài

Ash Odedra (đeo kính), nhà thiết kế chính của TerraPower, công ty khởi nghiệp được Bill Gates và Nathan Myhrvold đầu tư.

Sự thận trọng trong công tác quản lý [về lò phản ứng hạt nhân] ở Mỹ đã dẫn đến hậu quả là các công ty [hoạt động trong lĩnh vực này] phải bỏ ra nước ngoài. TerraPower, một công ty khởi nghiệp được tài trợ một phần bởi Nathan Myhrvold và Bill Gates, đã nhắm vào một loại thiết bị mới gọi là lò phản ứng sóng chạy (traveling wave reactor). Tháng Chín vừa qua, TerraPower đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc để xây dựng một đơn vị mẫu thử nghiệm tại Trung Quốc.

Các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Mỹ đã tỏ ý muốn tìm thêm các quốc gia thân thiện với hạt nhân để kiểm chứng công nghệ của họ. Ngay cả Bộ Năng lượng Mỹ cũng thông qua Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge cộng tác với một đối tác Trung Quốc. Oak Ridge đang làm việc với Viện Vật lý ứng dụng Thượng Hải để xây dựng một nguyên mẫu lò phản ứng muối nóng chảy.

Giám đốc tài chính của TerraPower là Marcia Burkey nói: “Phương án của chúng tôi là kịp thời triển khai công nghệ này để thực hiện những cải biến khác nhau đối với sự biến đổi khí hậu… Trung Quốc là một thị trường của chúng tôi, đó là một thị trường rất năng động cho điện hạt nhân tại thời điểm này. “

Nhưng bà Macfarlane chẳng hề động lòng. “Vấn đề không phải là NRC,” bà nói tại hội thảo. “Đó là kinh tế học” của điện hạt nhân. Chủ kiến của bà là: Nếu giá điện của các nhà máy điện chạy bằng khí đốt thiên nhiên dao động ở mức thấp lịch sử thì điều đó sẽ gây khó khăn cho bất kỳ hình thức lò phản ứng hạt nhân mới nào được xây dựng.

Cho tới nay, các nhà khoa học, giám đốc điều hành và các nhà đầu tư đứng sau những nghiên cứu triển khai mới về hạt nhân vẫn phát đi một thông điệp rõ ràng: ít nhất phải cho chúng tôi một cơ hội.

Nguyên Hải 

Nguồn:

http://www.technologyreview.com/news/542411/advanced-nuclear-industry-to-regulators-give-us-a-chance/           

Xem thêm:

Lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới sẽ phục hồi ngành điện hạt nhân?

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&CategoryID=2&News=8951     

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)