NAFOSTED: Bao giờ trở lại ngày xưa?
Những hệ lụy do áp dụng cơ chế dự toán đi kèm với các quy định tài chính ngày một khắt khe đang đẩy NAFOSTED rơi vào mâu thuẫn: làm thế nào có thể sắp xếp các chương trình tài trợ vừa khéo trong phạm vi khiêm tốn về kinh phí mà vẫn thúc đẩy được năng lực trên khắp các trường, viện Việt Nam?
Cách thời điểm này đúng một năm, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập với niềm vui của một tổ chức đã làm thay đổi diện mạo của nền khoa học Việt Nam xen lẫn nỗi ngơ ngác chứng kiến sự chuyển đổi cơ chế quản lý tài chính. Sự đan xen của hai sắc thái này càng được tô đậm khi nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, trong lễ kỷ niệm vào tháng 12/2023, đã nhận xét “Mọi người ai cũng nói, hoạt động của NAFOSTED cũng giống hoạt động của các tổ chức quốc tế nhưng thật ra mà nói, trong bối cảnh Việt Nam, quỹ vừa hoạt động như tổ chức tài chính nhà nước, vừa là đơn vị sự nghiệp”.
Chính hai cái áo cùng khoác lên NAFOSTED đã tạo ra sự linh hoạt trong các hoạt động tài trợ, hỗ trợ của quỹ trong suốt thời gian tồn tại. “Là đơn vị tài chính của ngành khoa học, NAFOSTED được giao quản lý, điều hành một khoản vốn điều lệ và khoản tiền này được mặc nhiên định vào trong kế hoạch. Do đó, Quỹ không phải dự toán để xây dựng kế hoạch mà là triển khai kế hoạch theo kinh phí đã được bố trí”, nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nói. Nằm dưới sự quản lý của Bộ KH&CN và không chạy theo các hoạt động tài trợ để thu lợi nhuận như các quỹ tài chính thông thường, NAFOSTED đương nhiên là một đơn vị sự nghiệp – lợi nhuận của NAFOSTED, nếu coi là như vậy, là những “khoản lãi” sẽ đến trong tương lai thông qua việc gia tăng tiềm lực KH&CN và nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Suốt hai thập niên, NAFOSTED vẫn là một mô hình tài trợ cho khoa học duy nhất ở khu vực công theo cơ chế quỹ, một cơ chế mà theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN “nói nôm na là tiền chờ đề tài chứ không phải đề tài chờ tiền”. Tuy nhiên, vị thế này giờ đã được “hóa giải” bằng Luật Ngân sách 2015, đưa NAFOSTED trở lại quỹ trong ngân sách với quỹ đạo tài chính truyền thống giống các chương trình KH&CN khác.
Luật Ngân sách 2015 đã đưa NAFOSTED trở lại quỹ trong ngân sách với quỹ đạo tài chính truyền thống như các chương trình KH&CN khác.
Đó là lý do mà bên lề lễ kỷ niệm, một nhà vật lý từng giành giải thưởng Tạ Quang Bửu nhận xét “Tính thông thoáng và linh hoạt vốn có của cơ chế quỹ có thể sẽ không còn” trong khi một nhà quản lý kỳ cựu dự báo, “NAFOSTED sẽ rất khó khăn nếu không bảo vệ được cơ chế quỹ”.
Những dự báo này, theo thời gian, đã trở thành thực tế không thể chối bỏ. Vậy cách nào để tháo gỡ, nếu không muốn mai một đi một mô hình đã đem lại sức sống mới cho khoa học Việt Nam?
Cơ chế mới dẫn đến quỹ đạo mới?
Nỗi chật vật “liệu cơm gắp mắm” trong khuôn khổ cơ chế dự toán đưa NAFOSTED đến những khó khăn khó cựa quậy cả ở đầu vào lẫn đầu ra. Tính thông thoáng và sẵn sàng của cơ chế quỹ giờ đã trở thành quá khứ. Bởi việc trở thành quỹ trong ngân sách nghĩa là “các đề tài nhiệm vụ phải được phê duyệt xong rồi gửi danh mục cho Bộ Tài chính thẩm định, thẩm định xong rồi họ mới cấp kinh phí, rất mất thời gian và cứ vênh năm tài chính là mất đi hai năm”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ, trao đổi tại hội thảo Triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản năm 2024, diễn ra vào ngày 28/11/2024. Thay đổi đó khiến NAFOSTED không còn được hưởng lợi thế chính sách từng được ấn định vào năm 2009 “giải ngân theo tiến độ nhiệm vụ nghiên cứu, vốn được bố trí ngay từ đầu năm tài chính theo mức vốn điều lệ quỹ, khi nhà khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu được phê duyệt thì cấp kinh phí thực hiện kịp thời. Kinh phí không sử dụng hết được tự động chuyển nguồn sang năm sau” như chia sẻ của TS. Nguyễn Quân khi ông nhớ lại những ngày cùng nhiều nhà quản lý khác vận động hành lang xây dựng một cơ chế quỹ chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Ngân sách của Quỹ mà nhiều người từng gọi là “nồi cơm Thạch Sanh” của khoa học giờ cũng được ấn định ở một con số khiêm tốn hơn so với thuở ban đầu, trong khi “các định mức theo quy định tài chính mới tăng mà tổng mức kinh phí lại không tăng”, bà Trương Thanh Huyền trưởng phòng Phòng Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật NAFOSTED, trao đổi tại hội thảo. Bất cập ấy dẫn đến khó khăn trong hoạt động tài trợ. Từ chỗ có thể ngay từ đầu năm chủ động ấn định và triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ cũng như thảo luận với các quỹ quốc tế để đồng tài trợ các đề tài song phương, giờ NAFOSTED buộc phải đợi đến thời điểm được phê duyệt kinh phí chắc chắn từ Bộ Tài chính mới dám tổ chức, “câu chuyện đó dẫn đến hệ lụy là ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động”, một thành viên của NAFOSTED nói.
Rút cục điều đó đã diễn ra trong năm nay. “Năm 2024, kinh phí của Quỹ về chậm hơn so với nhiều năm khi đến tháng bảy mới nhận được kinh phí từ Bộ Tài chính. Do đó, các hoạt động tài trợ, hỗ trợ đều được triển khai chậm: thông báo tài trợ vào tháng bảy nhưng sẽ phải hoàn tất danh sách các đề tài được hội đồng khoa học ngành lựa chọn để trình hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt vào tháng 12 và cố gắng kịp trình kế hoạch tài chính năm 2025”, bà Trương Thanh Huyền giãi bày với các nhà khoa học về thế khó của quỹ.
Hơn ai hết, các nhà khoa học là chủ trì đề tài NAFOSTED càng cảm thấy thấm thía cái chặt chẽ và ngặt nghèo của cách quản lý mới từ đầu vào đến đầu ra. Việc buộc phải có bài báo là sản phẩm từ đề tài do Quỹ tài trợ trong khoảng thời gian hai năm của đề tài là điều gần như không thể, trong khi một bài báo buộc phải trải qua quá trình phản biện đòi hỏi nhiều thời gian chờ đợi. Nếu chiểu theo quy định mới thì việc không có bài báo đúng hạn sẽ được coi là không đạt và buộc nhà khoa học phải hoàn kinh phí. Hiện tại, có khoảng 100 đề tài được Quỹ tài trợ thuộc diện hết thời gian thực hiện mà chưa xuất bản được bài báo. Liệu những đề tài này có bị đánh giá là không đạt và nhà khoa học chủ trì đề tài có bị thu hồi kinh phí?
Dẫu chưa có được một câu trả lời thấu đáo cho những trường hợp này thì nhiều nhà khoa học đã nhận thấy một hệ lụy: khi buộc phải tuân thủ các quy định khắt khe này để tránh rơi vào tình trạng đề tài không đạt thì có lẽ nhà khoa học sẽ buộc phải tính đến chuyện ‘ăn chắc mặc bền’. “Các nhà khoa học sẽ đề xuất vấn đề dễ để thực hiện cho nó đạt bởi nếu nêu vấn đề khoa học khó quá thì tốt cho sự phát triển nhưng lại sợ không thành công”, GS. Nguyễn Văn Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đau xót nói đến điều giày vò các nhà khoa học trong hội thảo tháng 8/2023.
Đó có phải là nỗi trớ trêu của sự sáng tạo trong một không gian quá chật chội?
Việc tập trung vào những nhà khoa học đã mạnh sẵn, dù cũng là một cách làm tốt nhưng trong bối cảnh khoa học Việt Nam hiện nay lại rất có thể “làm khô kiệt nguồn nhân lực, có thể làm mất đi cái nền tảng được xây dựng từ một cộng đồng khoa học đủ lớn theo thời gian”. GS. Phan Văn Tân
Nước chảy chỗ trũng
Giữa những nỗi đau khổ ràng buộc, cả Quỹ và các nhà khoa học phải đối diện với một tình huống mới: do lượng kinh phí được cấp nhỏ hơn kế hoạch nên trong đợt xét chọn duy nhất của năm 2024, Quỹ chỉ có thể mở chương trình tài trợ cho các nhóm nghiên cứu mạnh lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật trong khi tài trợ cả nhóm mạnh lẫn nhóm tiêu chuẩn lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (tổng số đề tài hằng năm của khoa học tự nhiên nhiều gấp năm đến sáu lần so với khoa học xã hội). Do Quỹ chọn tài trợ cho ít đề tài hơn, định mức kinh phí dành cho các đề tài (từ 2,5 đến 3 tỉ đồng/đề tài lý thuyết và từ 4 đến 5 tỉ đồng với đề tài thực nghiệm khoa học tự nhiên và từ 1,5 đến 2,5 tỉ đồng với đề tài khoa học xã hội) và thời gian thực hiện cũng gia tăng.
Thoạt nhìn, quyết định này cho thấy một ưu điểm lớn: việc NAFOSTED tài trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh mở ra cơ hội cho các nhà nghiên cứu tập trung vào những vấn đề lớn trong thời gian đủ dài. Đây cũng có thể là động thái khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam vượt qua bẫy “chất lượng trung bình” trong nghiên cứu, bởi “chúng tôi nhận thấy không thể làm ra những kết quả nhỏ như thế này mãi mà cần phải có đột phá, tức là phải có tiếp tục tài trợ nâng cao để tăng năng lực cho các nhà khoa học và tiếp tục xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh để có đột phá”, GS. Nguyễn Văn Tuyến, nhận xét.
Tuy nhiên, bản thân ông và nhiều người đồng nghiệp khác vẫn cảm thấy lo âu nhiều hơn. Gắn bó với NAFOSTED từ những ngày đầu, GS. Đinh Dũng, nhà khoa học máy tính được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, bày tỏ băn khoăn “Tôi thấy các nhóm nghiên cứu mạnh của chúng ta chưa phải là phổ biến bởi hằng năm các nhóm này chỉ chiếm khoảng 15% số hồ sơ đề xuất, nhưng giờ chúng ta lại đẩy lên, ưu tiên đưa cái không phổ biến thành phổ biến. Giải pháp này có cái hay nhưng cũng có cái dở, tức là chúng ta sẽ làm cho rất nhiều nhà nghiên cứu, nhất là các bạn trẻ, chưa hội tụ đủ điều kiện của nhóm mạnh không có điều kiện tham gia nghiên cứu cơ bản, không có điều kiện để nhận được tài trợ”.
Là người có tiếng là nghiêm túc và thẳng thắn, ông không ngần ngại phân tích một hệ lụy khác của quyết định chỉ tài trợ cho nhóm mạnh “Chúng ta đang đứng trước một sức ép trong quyết định và có thể nó lại làm sản sinh ra một số đề tài hơi bị gượng ép, ví dụ có người đi gom lại năm sáu người đủ tiêu chí yêu cầu rồi đưa vào một nhóm và đăng ký đề tài mạnh”.
Nhiều nhà nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm cùng chung nỗi lo cho việc khó giữ vẹn tròn một môi trường khoa học đa dạng, đủ nguồn lực khuyến khích các nhóm nghiên cứu khác nhau ở các cơ sở giáo dục và nghiên cứu. Bởi việc tập trung vào những nhà khoa học đã mạnh sẵn, dù cũng là một cách làm tốt nhưng trong bối cảnh khoa học Việt Nam hiện nay lại rất có thể “làm khô kiệt nguồn nhân lực, có thể làm mất đi cái nền tảng được xây dựng từ một cộng đồng khoa học đủ lớn theo thời gian”, GS. Phan Văn Tân, nhà nghiên cứu đầu đàn ngành khí tượng, khí hậu ở ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, lo âu nhận xét từ góc độ của một lĩnh vực đang dần mai một nhân tài.
Các nhà khoa học Việt Nam đều kỳ vọng vào việc gìn giữ một nơi chốn dành cho khoa học cơ bản như NAFOSTED, nơi mà thành công đã đem lại “hiệu ứng tràn” (spillover) dẫn đến sự hình thành, vận hành các quỹ tư nhân như VINIF nhiều năm sau và xây dựng năng lực của nhiều nhóm nghiên cứu để họ có thể thực hiện được những nghiên cứu ứng dụng do VINIF tài trợ.
Không riêng ngành khí tượng, khí hậu, nhiều ngành khoa học cơ bản khác như toán học, vật lý, hóa học hay địa chất cũng vừa ngược xuôi tìm nguồn nhân lực mới vừa cố níu giữ nguồn nhân lực ít ỏi còn bám trụ. Giờ đây, không ít người gắn bó với khoa học đang đứng trước một thách thức lớn khi cơ hội nghiên cứu từ NAFOSTED đã có xu hướng bị thu hẹp. Ví dụ, năm 2023, ngành sinh học chỉ tài trợ 40% số hồ sơ được hội đồng khoa học lựa chọn; ngành cơ học được hội đồng khoa học đề xuất 50% nhưng rồi chỉ được duyệt một nửa, nhiều đề tài có triển vọng cũng bị loại do thiếu kinh phí… GS. Phạm Đức Chính, nhà cơ học giành giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020, chia sẻ bên lề hội thảo “Việc tập trung vào nhóm mạnh do không đủ kinh phí cho các nhóm nghiên cứu thông thường như năm nay sẽ không khuyến khích, không ủng hộ các nhóm chưa có đủ điều kiện lên nhóm mạnh. Tôi thấy rằng mình cần phải nâng đỡ người ta lên, từ nhỏ mới lên lớn được. Và như anh Đinh Dũng nói, chính các đề tài nhỏ nhỏ mới là thứ các nhà khoa học cần để họ có thể triển khai những nghiên cứu khoa học cơ bản khác nhau”.
Nỗi lo ngại về tương lai những nhà khoa học ở giai đoạn đầu sự nghiệp, bắt đầu lập được nhóm nghiên cứu, tìm được hướng đi nhưng ít cơ hội nhận được tài trợ để làm nghiên cứu đè nặng trong suy nghĩ nhiều đồng nghiệp trưởng thành của họ. Một nhà nghiên cứu ngành khoa học trái đất từng giành giải thưởng Tạ Quang Bửu gọi điện cho Tia Sáng “Họ cần có môi trường nghiên cứu thuận lợi, cần có kinh phí để yên tâm phát huy sáng tạo, nghiên cứu và tìm tòi. Họ là tương lai của đất nước, là lực lượng dẫn dắt KH&CN và đưa dất nước này đi lên. Giờ có thể họ không được chuẩn bị tốt để dẫn dắt”.
Đó là lý do mà theo các nhà khoa học, NAFOSTED cần có nhiều chương trình tài trợ khác nhau giống nhiều quỹ khoa học khác để những người thụ hưởng có thể lựa chọn nộp hồ sơ, như chương trình tài trợ các nhóm tiêu chuẩn, các nhóm mạnh, các nhà nghiên cứu trẻ, postdoc, song phương, ứng dụng…, trong khi vẫn tôn trọng sự đa dạng của các lĩnh vực nghiên cứu, ví dụ “đặc trưng bên khoa học nhân văn là cần có thời gian tích lũy lâu dài và trong công trình nghiên cứu lớn thì dấu ấn cá nhân quan trọng hơn dấu ấn tập thể”, theo TS. Nguyễn Tuấn Cường (Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Vì vậy, GS. Nguyễn Văn Tuyến cho rằng “Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét thấu đáo để sang năm tới, quyết định nên để số lượng ưu tiên nhóm mạnh là bao nhiêu % trong tổng số đề tài được Quỹ tài trợ”.
Ở cái nhìn sâu xa hơn, GS. Ngô Việt Trung, người giành giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022, trong tọa đàm về nhóm nghiên cứu xuất sắc do Tia Sáng và NAFOSTED tổ chức vào tháng 5/2024 đã cho rằng “Đối với các nhóm nghiên cứu mạnh hay với nghiên cứu xuất sắc thì phải có chương trình riêng ở tầm quốc gia, chúng ta không thể giao việc này cho Quỹ mà không bổ sung kinh phí vì mức kinh phí cho Quỹ hiện nay để duy trì sự phát triển lành mạnh ở tầm quốc gia đã là không đủ rồi”.
Những âu lo ấy, bao giờ được hóa giải?
Mâu thuẫn trong lòng mâu thuẫn
Sự tồn tại của NAFOSTED trong vòng hai thập niên qua là nhờ thụ hưởng chính sách cởi mở và thúc đẩy khoa học theo đúng bản chất của khoa học. Tại Việt Nam, NAFOSTED là nơi duy nhất ở khu vực công tài trợ cho nghiên cứu cơ bản theo thông lệ quốc tế, hướng tới những sản phẩm chính là kết quả nghiên cứu được cộng đồng quốc tế công nhận (bài báo) và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước một cách trực tiếp (thông qua nghiên cứu) cũng như gián tiếp (tri thức giảng dạy). Và NAFOSTED cũng là một phần của hệ thống khoa học Việt Nam, nơi vẫn thường phải nhận nhiều câu hỏi nhức nhối và gây đau đớn cho người trong cuộc “khoa học cơ bản thì đóng góp gì cho xã hội?”, “làm thế nào để thấy khoa học đã đền đáp xứng đáng ngân sách đầu tư?”, “bao nhiêu đề tài được ứng dụng vào thực tiễn đất nước?”, “Việt Nam có cần đầu tư cho khoa học cơ bản hay không?”… Hiện trạng hiện nay dễ làm thổi bùng các tranh cãi bởi ngày nào chưa tạo được ra những đột phá hay những phát kiến lớn về khoa học cơ bản cũng như chưa sở hữu những công nghệ lõi, các sản phẩm nổi trội, nghĩa là những sản phẩm dễ hiển thị trước công chúng, thì vẫn tồn tại hoài nghi về sự đóng góp của khoa học.
Có một sự thật là không riêng Việt Nam mà ở nhiều quốc gia đang phát triển và nền khoa học mới đang trong hội nhập thường phổ biến sự hoài nghi, lật ngược vấn đề như vậy. GS. Hoàng Tụy từng lưu ý trên Tia Sáng năm 2013 “Những lời phê phán mạnh mẽ, dù dựa trên những lý lẽ cực đoan đến vô lý, vẫn dễ được một bộ phận công chúng chấp nhận. Nếu không tỉnh táo, những ý kiến đó có thể tạo ra áp lực, gây thêm trở ngại không đáng có cho việc phát triển khoa học vốn đã khó khăn so với các nước khác”.
Trong khi đó, giá trị của khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản, tiếc thay, lại không dễ hiển thị rành rẽ, bởi “nguyên lý cơ bản của khoa học là nghiên cứu khoa học giúp duy trì tiềm lực khoa học, nâng cao trình độ quốc gia, nâng cao chất lượng đào tạo… Có thể thấy vai trò của khoa học với đất nước rất gián tiếp qua nhiều công đoạn”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói. Do đó, ít người thấy dòng chảy liền mạch mà đầu vào là kinh phí tài trợ, đầu ra là tri thức, nguồn nhân lực làm cơ sở cho phát triển. “Nếu nhìn vào sự thăng trầm trong quá khứ của các quốc gia phát triển hiện nay, không quốc gia nào lại không dựa vào nền tảng khoa học”, GS. Nguyễn Hải Nam (ĐH Dược HN) chia sẻ trong lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022. “Nghiên cứu cơ bản chính là nền tảng để một quốc gia bứt phá và dẫn dắt các quốc gia khác”.
Dẫu vậy, vẫn thường nảy sinh những đề xuất khoa học cơ bản phải gắn với ứng dụng, điều trái ngược với bản chất của khoa học cơ bản “hơn 99% công trình khoa học trên thế giới đâu có ứng dụng trực tiếp ngay được. Điều có vẻ nghịch lý nhưng thuộc bản chất hệ thống của khoa học là nếu không có 99% công trình khoa học tưởng chừng như vô ích kia thì cũng chẳng thể có 1% công trình hữu ích nọ. Chưa kể có những phát minh khoa học phải đến nhiều thập kỷ, thậm chí cả trăm năm sau, mới tìm thấy ứng dụng” (GS. Hoàng Tụy). Do vậy, “bây giờ nếu thúc giục làm khoa học phải có ứng dụng ngay trong thực tế thì có thể các nhà khoa học chúng ta ủng hộ nhưng trong thâm tâm, chúng ta hiểu một điều là cực kỳ khó”, GS. Đinh Dũng nói. Để có được ứng dụng, không chỉ cần thời gian mà còn cả tiền bạc bởi “một ứng dụng trong CNTT của Microsoft, hay nhiều hãng khác, họ đã đổ bao nhiêu tiền vào đó, nếu so sánh thì người ta đổ cả núi cát thì chúng ta mới chỉ là một hạt cát”.
Nhưng có cách nào để nghiên cứu khoa học có thể gắn với những vấn đề cần giải quyết của đất nước và tạo tiềm lực phát triển? Đó là cần “nhận biết và gìn giữ được sự cân đối hài hòa” giữa đầu tư cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Bởi nói như GS. Hoàng Tụy “Phải thận trọng và kiên nhẫn, không thể cực đoan đối xử thô bạo với khoa học được. Mặt khác, về phía nhà khoa học không thể vin vào đó để cứ mải mê nghiên cứu trên mây trên gió mà không chú ý đến tiềm năng ứng dụng. Nói có vẻ ba phải, song thực tế cuộc sống là vậy, quá chiều này là bất cập, quá chiều kia là thái quá, đều sai”.
Việc hóa giải những mâu thuẫn đang bủa vây khoa học Việt Nam, có lẽ bắt đầu từ những việc dường như xa xôi với lối suy nghĩ thực dụng, đó là kiên trì đầu tư cho khoa học cơ bản và tiếp tục tạo dựng cho khoa học một môi trường minh bạch, liêm chính và không rào cản hành chính để thúc đẩy sự sáng tạo. “Tôi tin vào đổi mới sáng tạo và cách có được đổi mới sáng tạo là tài trợ cho nghiên cứu và học hỏi được những điều cơ bản”, tỉ phú Bill Gates từng chia sẻ về một trong những bí quyết thành công trong việc xây dựng được đế chế công nghệ như Microsoft. Thật khó có lối tắt nào đến công nghệ mà lại bền vững!
Đó là lý do mà các nhà khoa học Việt Nam đều kỳ vọng vào việc gìn giữ một nơi chốn dành cho khoa học cơ bản như NAFOSTED, nơi mà thành công đã đem lại “hiệu ứng tràn” (spillover) dẫn đến sự hình thành, vận hành các quỹ tư nhân như VINIF nhiều năm sau và xây dựng năng lực của nhiều nhóm nghiên cứu để họ có thể thực hiện được những nghiên cứu ứng dụng do VINIF tài trợ.
Dẫu sao một vài tín hiệu vui đã le lói, khi trên một số diễn đàn, mọi người bắt đầu quen thuộc với tinh thần “chấp nhận rủi ro trong khoa học” và trên thực tế, các nhà quản lý nghĩ đến phương án gia hạn thời gian xét các đề tài “không đạt” và coi đó là cơ sở cho những đợt xét duyệt tiếp theo mà không thu hồi kinh phí ở NAFOSTED. Tuy nhiên, để duy trì được không gian sáng tạo cho khoa học, phải chăng cần sự trở lại của cơ chế đem lại nguồn lực cho NAFOSTED để khỏi hoài vọng “Bao giờ trở lại ngày xưa”?
Trong dịp kỷ niệm 5 năm thành lập của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), một mô hình tổ chức nghiên cứu mới với Việt Nam và gây nhiều tranh cãi ngay từ khi mới chỉ là ý tưởng, GS. Hà Huy Khoái đã từng thốt lên “Ích gì toán học”? rồi hài hước mà rằng “Người ta hằng ngày dùng điện thoại di động để nói đủ thứ chuyện, đôi khi là để nói về cái sự vô ích của Toán học. Người ta hằng ngày dùng thẻ tín dụng để chuyển tiền, rút tiền. Nhưng sẽ không có điện thoại thông minh, không có thẻ tín dụng nếu không có mật mã khóa công khai, không có Toán học. Vậy nhưng người ta có thể vẫn rất ngại dùng tiền đó đầu tư cho Toán học, vì ‘Ích gì, Toán học?’ Khi dùng điện thoại, khi rút tiền, không ai thấy ‘tích phân, vi phân, tổ hợp hay số học’ trong đó. Nói khác đi, Toán học đã đến mức ‘trong suốt’ đối với người sử dụng nó (tất nhiên chỉ khi đó nó mới được dùng cho tất cả mọi người)”.
Có lẽ, cơ chế mà NAFOSTED đã từng tự hào ấy, khi được đưa trở lại, dẫu vẫn sẽ làm khoa học cơ bản cũng “trong suốt” với mọi người, nhưng có mặt trong mọi tri thức làm nền tảng cho đổi mới sáng tạo, trong khối óc nguồn nhân lực chất lượng cao và trong cả tiềm lực của đất nước mà nó củng cố. □
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024