Nafosted sau hai năm triển khai hoạt động tài trợ
Nhằm rút ra những kinh nghiệm giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) sau hai năm đầu tiên thực hiện hoạt động tài trợ cho các đề tài nghiên cứu cơ bản, Tạp chí Tia Sáng đã tổ chức một cuộc tọa đàm với sự tham gia của lãnh đạo quỹ và các nhà khoa học từ một số lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Đa số các nhà khoa học tham dự tọa đàm đều ghi nhận Nafosted là một sự tiến bộ đáng kể so với các hình thức hỗ trợ nghiên cứu trước đây, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Một trong những tiến bộ hàng đầu của Quỹ là việc yêu cầu công bố quốc tế cho kết quả đề tài nghiên cứu. Điều này giúp minh bạch hóa hoạt động nghiệm thu đề tài được quỹ cấp kinh phí, vừa giúp đánh giá kết thúc đề tài trở nên dễ dàng hơn, vừa đem lại chất lượng đề tài cao hơn, theo lời ông Đỗ Tiến Dũng, quyền giám đốc Nafosted.
Yêu cầu công bố quốc tế của Nafosted đối với đề tài được nghiệm thu khiến các nhà nghiên cứu được cấp kinh phí phải nỗ lực cao hơn, chất lượng đề tài tốt hơn, và giúp đáp ứng mục tiêu gia tăng số lượng công bố quốc tế của khoa học cơ bản. Ông Đỗ Tiến Dũng cho biết, trong khoảng 100 đề tài thực hiện từ năm 2009 đã đánh giá nghiệm thu thì đã có 500 công bố quốc tế. Đây là một nỗ lực rất đáng khuyến khích của những người thực hiện đề tài khoa học. “Một số thành viên nghiên cứu khi gặp tôi nói là không quá khó để được nhận tài trợ đề tài từ quỹ nhưng khi thực hiện thì lại rất vất vả, và hoàn thành rất khó, thậm chí khi tập thể dục cũng phải nghĩ đến chất lượng đề tài của quỹ”, ông Dũng cho biết.
Yêu cầu công bố quốc tế của Nafosted đối với đề tài được nghiệm thu khiến các nhà nghiên cứu được cấp kinh phí phải nỗ lực cao hơn, chất lượng đề tài tốt hơn, và giúp đáp ứng mục tiêu gia tăng số lượng công bố quốc tế của khoa học cơ bản. |
Đồng quan điểm với ông Dũng, TS. Phạm Đức Chính từ Viện Cơ học, cho rằng có thể nhận thấy hầu hết các chủ trì lao động nghiêm túc phấn đấu công bố ở chuẩn quốc tế. “Đáng chú ý nhiều bạn trẻ đã có được các công bố ISI nội lực, hay hợp tác quốc tế có kết quả, và ngay cả một số giáo sư lớn tuổi cũng đã phấn đấu để có được các công bố ISI đều hơn so với trước”.
Một thành công khác của Nafosted, theo ý kiến của ông Đỗ Tiến Dũng, là quy định trả công cho người lao động trong đề tài phù hợp hơn so với trước đây, đem lại nguồn thu nhập đáng kể hơn so với thu nhập thông thường từ lương, và phù hợp hơn so với thực tế nghiên cứu do gắn với khối lượng công việc.
Thu hút các nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo từ nước ngoài
Nguồn thu nhập từ kinh phí đề tài Nafosted chưa hẳn đã là nhiều nhưng cũng đã đủ cao để thu hút sự quan tâm tham gia của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ. TS. Phạm Đức Chính cho biết hiện nay “lực lượng trẻ, nhất là các tiến sỹ mới trở về từ nước ngoài, đăng ký đề tài đang tăng ổn định từng năm, và chiếm phần lớn số chủ trì đề tài ngành Cơ học.
Triển vọng tích cực trên cũng đang diễn ra ở các ngành khác. Trong ngành khoa học sự sống, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Châu, Ủy viên Hội đồng ngành Khoa học Sự sống (2009 – 2011) cho biết trong ngành của ông, “hầu hết chủ nhiệm đề tài Nafosted là nhà nghiên cứu trẻ, trong đó nhiều người mới tốt nghiệp nghiên cứu sinh ở nước ngoài về có trình độ tốt và cập nhật về chuyên môn”. “Qua 3 đợt xét duyệt đề tài, tỷ lệ các chủ nhiệm đề tài trẻ hoặc lần đầu đăng ký không ngừng tăng lên: năm 2009 là 20/60, năm 2010 là 45/50, và năm 2011 là 37/40”.
Đây là một sự biến chuyển tích cực khi lâu nay, nguồn kinh phí eo hẹp dành cho nghiên cứu khoa học bị phân tán đáng kể vào một số “cây đa, cây đề”, thay vì tạo nhiều cơ hội cho những nhà khoa học trẻ có năng lực và nhiệt huyết đam mê làm khoa học. Sau hai năm đi vào hoạt động của Quỹ, “đã có những nghiên cứu sinh và kỹ sư trẻ, thay vì đi theo lối mòn cũ là báo vào các chức sắc và cây đa cây đề, nay đã bắt đầu tìm đến các chủ trì giỏi (tuy có thể còn trẻ) để được học hỏi nghiêm túc, đồng thời có thêm thu nhập từ đề tài”, TS. Phạm Đức Chính nhận định.
Nguồn kinh phí và khung thời gian hạn chế dẫn đến hậu quả là không khuyến khích được những đề tài lớn, đủ tầm đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu. PGS.TS. Phùng Hồ Hải cho rằng cơ chế hiện nay của Nafosted khiến các nhà nghiên cứu dễ có xu hướng chia nhỏ các đề tài để sao cho vừa vặn với khung kinh phí eo hẹp, đồng thời dễ đạt tiến độ với quỹ. Tuy nhiên, những đề tài nhỏ như vậy sẽ chỉ đăng được ở những tạp chí khoa học quốc tế ở tầm dưới. |
Chia sẻ với nhận định này, PGS.TS. Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến KH&CN – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết rằng trong 3 năm vừa qua, viện của anh có gần 30 tiến sỹ trẻ nước ngoài về, trong đó có những người khi xin về đặt điều kiện là sau 1 năm làm việc thì cho đi làm postdoc. Tuy nhiên, với sự đi vào hoạt động của Nafosted, nhiều nhà nghiên cứu trẻ của viện đã phát huy được khả năng. Họ trở thành chủ nhiệm đề tài của quỹ, hăng hái làm việc, và không còn ai nói đến việc đi làm postdoc ở nơi khác.
Những khe hở
Việc đặt ra yêu cầu công bố quốc tế được coi là một biện pháp hữu hiệu giúp tăng chất lượng chuyên môn của các đề tài nghiên cứu, nhưng trong thực tế không phải tạp chí quốc tế nào cũng đảm bảo chất lượng nghiên cứu ở mức cao. Nhiều đề tài được nghiệm thu chỉ mới đăng được trên các tạp chí thuộc danh sách SCI-E chứ chưa đăng được trên các tạp chí trong danh sách SCI . PGS.TS. Nguyễn Ngọc Châu phản ánh rằng tới 81% các công bố quốc tế của các đề tài khoa học sự sống được nghiệm thu bởi hội đồng của Nafosted là trên các tạp chí SCIE.
Trên bình diện chung về nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, việc được công bố trên các tạp chí SCIE đã là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, như PGS.TS Phùng Hồ Hải của Viện Toán học – Viện KH&CN Việt Nam cho biết, một số tạp chí SCIE đăng bài trên cơ sở thu phí của người gửi đăng. Có những tạp chí SCIE tuy thu tiền nhưng vẫn thẩm định bài một cách khắt khe, nhưng cũng có những tạp chí SCI hoàn toàn đăng bài theo nhu cầu người gửi đăng, nghĩa là “bài kiểu gì cũng được đăng trong vòng một tuần, sau khi người gửi bài đóng một khoản phí khoảng 600 đến 1200 USD”.
Tuy hội đồng ngành toán đã loại bỏ không chấp nhận những bài công bố trên các tạp chí SCIE dạng đóng tiền để đăng theo nhu cầu như trên, theo lời PGS.TS. Phùng Hồ Hải, nhưng đây vẫn là một sự cảnh báo cần thiết cho các hội đồng chuyên ngành khác của Nafosted, cho thấy có những chủ nhiệm đề tài sẵn sàng dùng tiền để đạt được mục tiêu công bố quốc tế, dù những công bố này có thể kém về chất lượng, và so sánh thì thấy số tiền mà Nafosted cấp cho đề tài là thừa cho họ làm được việc này.
Một cách dùng tiền để đạt mục tiêu công bố quốc tế khác, theo lời PGS.TS. Phạm Hữu Lý từ Viện Hóa học – Viện KH&CN Việt Nam, có thể có trường hợp chủ nhiệm đề tài thuê một chuyên gia bên ngoài viết hộ phần lớn nội dung của đề tài. Như vậy, người đăng ký đề tài thuần túy chỉ đứng tên để hưởng tiền chênh lệch, còn nội dung đề tài hoàn toàn là của người khác. TS. Trần Quang Bình của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương cho biết trong thực tế nghiên cứu ở Việt Nam, có hiện tượng nhóm nghiên cứu trong nước đơn thuần chỉ làm công việc đơn giản là thu thập các mẫu để gửi cho một nhóm nghiên cứu nước ngoài làm phân tích, để rồi sau này nhóm nghiên cứu trong nước vẫn được đứng ké tên trong công bố quốc tế. Nếu điều này xảy ra với Nafosted thì Nhà nước và quỹ bị mất tiền, trong khi hoạt động nghiên cứu trong nước hầu như không đáng kể, chủ yếu là kết quả của nước ngoài. Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Ngọc Châu cũng bày tỏ lo ngại khi trong số 15 chủ nhiệm đề tài của ngành khoa học sự sống có đề tài được nghiệm thu, chỉ có 7 chủ nhiệm có bài báo do mình đứng tên đầu.
Cơ chế tài chính vẫn hạn chế và rườm rà
Đa số các ý kiến tại tọa đàm cho rằng kinh phí từ Nafosted đem lại một nguồn thu nhập tăng đáng kể so với trước đây cho các nhà nghiên cứu đăng ký với quỹ. Tuy nhiên, so với chi phí trung bình cho một công bố quốc tế thì mức kinh phí này chưa phải là nhiều. Đặc biệt là với những ngành khoa học thực nghiệm, đòi hỏi nhà nghiên cứu phải mua các nguyên vật liệu đắt tiền từ nước ngoài, hoặc phải tiến hành xét nghiệm trên số lượng mẫu lớn.
TS. Trần Quang Bình của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương đề xuất chia ra ba hạng đề tài Nafosted. Hạng thứ nhất có thời gian thực hiện tối đa là 2 năm, mục tiêu là một nghiên cứu công bố quốc tế, với chủ nhiệm không nhất thiết là tiến sĩ nhưng đã từng có công bố quốc tế. Hạng thứ hai tương đương với các tiêu chí đề tài hiện hành của Nafosted. Hạng thứ ba là những đề tài cho phép thời gian thực hiện dài hơi hơn, tác giả là nhóm nghiên cứu mạnh, với mục tiêu nghiên cứu là công bố quốc tế ở tạp chí tầm cao. |
Cơ chế cấp kinh phí như hiện nay cũng chưa cho phép nhà nghiên cứu dự trù cho các rủi ro, vốn xảy ra thường xuyên trong hoạt động nghiên cứu. Ví dụ như rủi ro do lạm phát khiến giá nguyên vật liệu làm thí nghiệm cao hơn dự kiến, hay rủi ro do phải mở rộng số lượng mẫu xét nghiệm, hoặc mẫu xét nghiệm bị hủy hoại do nguyên nhân khách quan.
Đa số các nhà khoa học cho rằng thủ tục tài chính của Nafosted vẫn còn rườm rà, chặt chẽ hơn mức cần thiết. TS. Nguyễn Ngọc Châu cũng chia sẻ: “bản thân tôi đã từng phải sao chụp hồ sơ thanh toán đề tài trong 2 năm (khoảng 3-4 kg) mang ra Quỹ để kiểm tra”. Ông cho rằng đa số các khoản chi vẫn nặng nề thủ tục thanh quyết toán. Chi cho lao động theo cơ chế mới đã có sự tiến bộ, nhưng “thủ tục thanh toán công lao động dưới dạng hợp đồng thuê khoán cũng cần nên cải tiến bớt các thủ tục”.
Thời gian thực hiện đề tài quá gấp
Các nhà khoa học từ nhiều ngành khác nhau đều thống nhất cho rằng thời gian thực hiện 2 năm cho một đề tài được công bố quốc tế là tương đối gấp gáp, gây rủi ro cho nhà nghiên cứu. Với một số ngành khoa học, thời gian chờ thẩm định và hiệu chỉnh trước khi được đăng trên tạp chí là từ 6 tháng tới một năm. Do đó thời gian nghiên cứu thực sự chỉ tầm hơn một năm. Như vậy là tương đối gấp, đặc biệt là với những ngành khoa học thực nghiệm thường đòi hỏi nhiều thời gian cho việc thí nghiệm và khảo sát.
Một số ngành khoa học xã hội cũng đòi hỏi thời gian thực hiện đề tài dài hơn. TS. Lã Minh Hằng của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết các đề tài của ngành Hán Nôm, đặc biệt là chuyên ngành từ điển thường đòi hỏi nhiều thời gian cho việc dịch và xử lý tư liệu. Kết quả các nghiên cứu thường phải gắn với xuất bản sách nên càng cần nhiều thời gian, chưa kể riêng thời gian chờ từ thời điểm nộp bài tới lúc đăng bài có khi kéo dài tới 8 tháng.
Nguồn kinh phí và khung thời gian hạn chế dẫn đến hậu quả là không khuyến khích được những đề tài lớn, đủ tầm đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu. TS. Phùng Hồ Hải cho rằng cơ chế hiện nay của Nafosted khiến các nhà nghiên cứu dễ có xu hướng chia nhỏ các đề tài để sao cho vừa vặn với khung kinh phí eo hẹp, đồng thời dễ đạt tiến độ với quỹ. Tuy nhiên, những đề tài nhỏ như vậy sẽ chỉ đăng được ở những tạp chí khoa học quốc tế ở tầm dưới.
Một số đề xuất cải cách Nafosted
Các nhà khoa học tham gia trong tọa đàm đưa ra nhiều ý kiến phong phú cho việc cải cách Nafosted, nhưng đa số đều chung quan điểm là thủ tục tài chính của quỹ cần được điều chỉnh để tiếp tục đơn giản hóa, đồng thời phù hợp hơn với đặc thù hoạt động nghiên cứu, ví dụ có dự trù đến những rủi ro, thiệt hại thường xảy ra trong nghiên cứu khoa học.
Các chủ nhiệm đề tài cần được tăng vai trò chủ động thật sự thông qua tăng cường cơ chế khoán sản phẩm, đặc biệt là chủ động trong việc tổ chức quản lý nhân sự. Ngoại trừ vị trí chủ nhiệm đề tài, thủ tục nhân sự không nên quá cứng nhắc. Chủ nhiệm đề tài nên được tăng quyền chọn người, chọn nghiên cứu sinh, quyền thay đổi nhân sự để tăng tính cạnh tranh trong nội bộ nhóm nghiên cứu. Theo GS.TS. Hoàng Ngọc Long của Viện Vật lý và điện tử, số lượng thành viên thực hiện đề tài nên được phép tăng thêm, nhằm tăng số lượng nghiên cứu sinh có cơ hội được tham gia thực tập trong hoạt động nghiên cứu.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Châu cho rằng nên có quy chế thưởng tiền cho những bài công bố nằm ngoài số lượng đã đăng ký, và thưởng thật đặc biệt cho những bài công bố ở các tạp chí hàng đầu như Nature hay Science. Các mức thưởng là tùy theo vai trò của tác giả trong bài, và yếu tố này cần được đánh giá một cách cụ thể, rõ ràng, qua thang điểm định lượng. Thang điểm này cũng là cơ sở để các hội đồng tiến hành công tác nghiệm thu đề tài. Ngoài ý kiến của TS. Châu, có ý kiến cho rằng nên quy định bắt buộc chủ nhiệm đề tài phải là tác giả đầu, hoặc tác giả corresponding của nghiên cứu.
Các ý kiến cho rằng nên kéo dài thời gian thực hiện đề tài cho một số ngành, đặc biệt đối với khối ngành nghiên cứu thực nghiệm nên được tăng lên thành 3-4 năm, nhằm tăng tính khả thi cho các công bố, hạn chế tình trạng đề tài bị chia nhỏ.
Vấn đề của hội đồng ngành khoa học xã hội và nhân văn
Hội đồng các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Nafosted hiện nay quá nhiều người, chẳng khác gì hội đồng giáo sư. Hội đồng có tới mười mấy thành viên, trong đó có những người từ mười mấy năm nay không có sản phẩm nghiên cứu gì đáng kể. Trong hội đồng, đáng lẽ tên tuổi thành viên phản biện phải được bảo mật, nhưng trong thực tế nguyên tắc này không phải khi nào cũng được tuân thủ. Có đề tài mà trước đây tôi nhận phản biện, khi đề tài vừa đến tay thì đã nhận được điện thoại từ tác giả đề nghị xin gặp trao đổi. Cách thức tổ chức và hoạt động hội đồng kém hiệu quả như vậy nên chất lượng các đề tài không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Khi nhìn vào danh sách các đề tài được đăng ký với quỹ, chúng ta thấy rất nhiều đề tài quá hạn, hoặc là những đề tài không thể nghiệm thu trong hệ thống các đề tài đăng kí thường niên, hoặc những đề tài không đạt yêu cầu của các nơi khác vì những lý do khác nhau. Để giải quyết tình trạng bất cập này, nhất thiết phải cải cách các hội đồng. Tổng số thành viên hội đồng chỉ nên tối đa từ năm tới bảy người. Trong đó ba thành viên chủ chốt không nhất thiết phải là giáo sư hay phó giáo sư, chỉ cần là tiến sĩ, nhưng nhất thiết phải là người đang làm việc. Những người trong vòng 3-5 năm gần đây không có bài công bố nghiêm túc, không có sách công bố có uy tín, thì không được phép mời vào hội đồng, không được đăng ký chủ trì, cũng không được phản biện. Khi phán quyết đồng ý với đề tài, các thành viên hội đồng cần phải ký tên mình vào phiếu đồng ý, kèm theo lý do đồng ý. Sau này nếu có vướng mắc, kiện cáo thì thành viên hội đồng phải đứng ra chịu trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh đó, trong quá trình đề tài đang được thực hiện và thẩm định, tên tuổi thành viên phản biện phải được bảo mật đến cùng, chỉ khi nào đề tài nghiệm thu xong mới công bố công khai. Ngoài ra, để tránh tình trạng một đề tài làm đi làm lại, các bản khai đề tài cần có phần khai các đề tài đã thực hiện trong 5 năm gần đây, kèm theo các công bố. Những đề tài khai man sau này bị lộ ra thì phải phạt tội người đăng ký khai man, phạt cả người thẩm định không biết là người ta khai man. PGS.TS. Trần Ngọc Vương |