Nafosted sẽ mở rộng tiêu chí công bố quốc tế các ngành KHXH&NV
Việc Quỹ Nafosted (Quỹ) yêu cầu đề tài các ngành KHXH&NV bắt buộc phải công bố quốc tế từ năm 2015 đã được đa số các nhà khoa học ủng hộ. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học vẫn thảo luận và kiến nghị Quỹ sửa đổi, bổ sung danh mục xuất bản quốc tế trong suốt thời gian qua. Mới đây, Quỹ cho biết sẽ điều chỉnh, mở rộng tiêu chí công bố quốc tế để phù hợp hơn với đặc điểm của các ngành KHXH&NV.
Cuốn sách “Connected and Disconnected in Vietnam: Remaking Relations in a Post-socialist Nation”, có sự tham gia của một số nhà KHXH&NV trẻ ở Việt Nam, do nhà xuất bản Đại học Quốc gia úc ấn hành năm 2016.
Trong “Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài Nghiên cứu cơ bản trong KHXH&NV tài trợ đợt I năm 2018” vào ngày 18/10/2017, ông Đỗ Tiến Dũng, giám đốc quỹ Nafosted cho biết: “Sau khi thảo luận với các nhà khoa học, các hội đồng ngành, liên ngành KHXH&NV, chúng tôi đã soạn thảo và chuẩn bị ban hành một danh mục công bố quốc tế mới phù hợp hơn với từng ngành, liên ngành. Danh mục này sẽ được áp dụng cho các đợt nộp hồ sơ của năm 2018”.
Như vậy, số lượng xuất bản quốc tế được Quỹ Nafosted chấp nhận sẽ nhiều hơn so với hiện nay và tạo điều kiện hơn cho các nhóm ngành có số lượng hồ sơ nộp vào Quỹ ít. Cụ thể, danh mục công bố quốc tế được Quỹ chấp nhận sẽ có thêm các xuất bản gồm tạp chí, sách, chương sách ở các nhà xuất bản có uy tín, các trường đại học được xếp hạng, theo ông Đỗ Tiến Dũng. Điều chỉnh này chủ yếu “nhắm” vào các ngành, nhóm ngành có ít hồ sơ được Quỹ tài trợ, ngược lại nhóm ngành có nhiều hồ sơ nộp vào Quỹ như ngành kinh tế, sẽ không có điều chỉnh danh mục công bố quốc tế nữa.
Đây là lần thông báo đầu tiên của Quỹ về việc chính thức sửa đổi bổ sung danh mục xuất bản quốc tế được Quỹ chấp nhận nhưng trong thực tế, chủ đề này đã được thảo luận xuyên suốt trong nhiều phiên họp tại Quỹ và một số hội thảo, toạ đàm của các ngành KHXH&NV trong khoảng hai năm qua. Trong phiên họp ra mắt các hội đồng khoa học ngành và liên ngành KHXH&NV Quỹ Nafosted nhiệm kỳ 2016-2018 hồi tháng 7/2016 và phiên họp triển khai đánh giá xét chọn các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV năm 2017, đợt 1 của Quỹ Nafosted tháng 4/2017, nhiều nhà khoa học kiến nghị Quỹ cần bổ sung danh mục tạp chí, sách, chương sách, chuyên khảo tại các nhà xuất bản uy tín, các trường đại học được xếp hạng cao trên thế giới. Thậm chí, với đặc thù các ngành KHXH&NV, nhiều chuyên khảo, sách, chương sách có chất lượng được xuất bản ở các nhà xuất bản uy tín còn có tác động lớn hơn các bài tạp chí rất nhiều, theo ý kiến của đa số các nhà khoa học tại Hội thảo “Công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV: Những giải pháp tổng thể” do ĐH KHXH&NV phối hợp với Quỹ tổ chức vào tháng 9/2016.
Đồng tình với xu hướng phải tăng số lượng công bố quốc tế trong các ngành KHXH&NV nhưng một số nhà khoa học đã đề ra mục tiêu phải hướng tới những công bố quốc tế thực sự có chất lượng, gây được tiếng vang trong giới nghiên cứu quốc tế về Việt Nam thay vì chỉ tích cực “đếm đầu” các công bố “làng nhàng”. “Tôi chưa nhìn thấy công trình nào đạt tới tầm như vậy. Nhiều đề tài vẫn mang tính tổng kết, mô tả bước đầu, mà chưa có nghiên cứu nào thực sự gây ra tác động mới, thảo luận những vấn đề có tính lý luận trong khoa học. Nhìn chung các đề tài của chúng ta có tính ‘an toàn’ hơn, không đi tới việc tranh luận lý thuyết”, GS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV Hà Nội nói. Đơn cử, trong 10 năm qua, trong số các công trình nghiên cứu KHXH về Việt Nam được trao giải ở nước ngoài không có người Việt Nam nào được giải. “Có thể vì các nhà nghiên cứu KHXH của chúng ta chưa đi tới trình độ khái quát lý thuyết, chưa thể thảo luận được về lý thuyết, hoặc có thể vì chúng ta cần tính ‘an toàn’ đủ để có công bố quốc tế là được”, GS.TS Phạm Quang Minh phân tích nguyên nhân.
Muốn vượt qua được thách thức đó, không chỉ các nhà khoa học mà chính Quỹ cũng cần bước ra khỏi “vùng an toàn”, có định hướng dài hơi nhằm khuyến khích các nhóm nghiên cứu mạnh có công bố xuất sắc, thu hút các nhà khoa học nước ngoài có uy tín nộp hồ sơ vào Quỹ. Ngoài ra, Quỹ nên tăng cường hợp tác quốc tế với các Quỹ tài trợ khoa học uy tín của các nước phát triển, GS.TS Phạm Quang Minh khuyến nghị.