NAFOSTED và việc góp phần gây dựng lại Đạo đức khoa học
Sau hơn 4 năm hoạt động, với những kết quả đạt được, NAFOSTED - nhà tài trợ cho khoa học Việt nam, dù lúc này chủ yếu chỉ mới cho nghiên cứu cơ bản trong Khoa học Tự nhiên và khoa học Xã hội và nhân văn1, đã góp một phần đáng kể để gây dựng lại Đạo đức Khoa học cho cộng đồng khoa học Việt nam. Muốn thế, NAFOSTED sắp tới sẽ không nên biến mình thành một cơ quan hành chính quan liêu, với rất nhiều thủ tục hành chính rắc rối, buộc các nhà khoa học khi chấp hành phải mặc nhiên trở thành không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn tối thượng của đạo đức khoa học.
Mặc dù Chính phủ đã có quyết định thành lập quỹ NAFOSTED từ năm 2003, nhưng mãi đến năm 2008, dưới rất nhiều áp lực của giới chuyên môn, cùng với sự vào cuộc của cơ quan truyền thông có uy tín như TIA SÁNG, cộng với sự dũng cảm của những người quản lý có tâm huyết, quỹ mới thực sự bắt đầu vận hành phần nào theo chuẩn mực quốc tế. Đó thực sự đánh dấu một bước tiến lớn trong quản lý hoạt động khoa học ở nước ta.
Lần đầu tiên, áp dụng nghiêm túc việc đánh giá nghiên cứu khoa học ở số lượng và chất lượng các công bố khoa học. Cũng là lần đầu tiên, các ứng viên phải chứng tỏ mình bằng các công trình khoa học đã công bố để được nhận tài trợ. Và một kết quả hiển nhiên của các chuẩn mực tiến bộ đó là số lượng các nhà khoa học trẻ được tài trợ tăng lên rõ rệt, và vắng bóng dần những “cây đa, cây đề” dựa vào tên tuổi (hão?) của phong tặng để chiếm phần lớn các đề tài như trước đây. Thật là vui mừng khi nghe đại diện một nhóm các nhà khoa học trẻ phát biểu một cách bột phát: “Nhận được tài trợ, chúng tôi hai năm qua thực sự ăn cũng đề tài, ngủ cũng đề tài, chỉ lo sao cho có kết quả có chất lượng khoa học…” [2]. Còn gì vui hơn khi các nhà khoa học trẻ đam mê và có trách nhiệm như vậy! Đâu đó cũng xuất hiện những “mánh khỏe” như chia nhỏ công bố để tăng số lượng, mượn công trình công bố chung với nước ngoài, xào nấu các công trình cũ (làm ở nước ngoài) để báo cáo… Âu cũng là một lẽ thường tình trong tình trạng xã hội xuống cấp như hiện nay. Đóng vai trò như là bà đỡ cho khoa học, nhất là khoa học cơ bản như mới bắt đầu hai năm nay, quỹ NAFOSTED chắc cũng hiểu rõ rằng phải có thời gian ươm mầm, cho cây đâm chồi nảy lộc đã. Trong hai, ba trăm hạt giống đã gieo (nghĩa là 2-300 đề tài được tài trợ), thì mong sao vài chục cây mọc tốt là đã may mắn lắm rồi. Mặt khác, lúc này chính là lúc thuận lợi để NAFOSTED với chức năng tài trợ của mình, đưa dần chuẩn mực khoa học trở thành thường quy trong hoạt động khoa học ở nước ta, một tiêu chuẩn tối thiểu của nghề nghiệp đã bị sao nhãng quá lâu cùng với sự xuống cấp đạo đức xã hội nói chung..
Đạo đức (Ethics) là một tập hợp các nghĩa vụ tinh thần để xác định đúng và sai trong thực tiễn và trong mọi quyết định của chúng ta. Nhiều ngành nghề có một hệ thống chính thức của đạo đức hành nghề, giúp dẫn lối cho các nhà chuyên môn trong lĩnh vực nghề nghiệp. Ví dụ, các bác sĩ thường tuân theo lời thề Hippocrat (Hippocratic Oath), một trong những lời thề đó chẳng hạn nói rằng các bác sĩ không “làm hại” cho các bệnh nhân của họ. Kỹ sư thì tuân theo một hướng dẫn đạo đức , nói rằng họ là người “nắm giữ tối thượng về an toàn, sức khỏe và phúc lợi của công chúng”. Trong các ngành nghề, cũng như trong khoa học, các nguyên tắc gần như là máu thịt đến mức những người hành nghề hiếm khi phải suy nghĩ rằng đó chính là tuân thủ đạo đức – đơn giản họ cho rằng đó là bổn phận tất nhiên của việc họ hành nghề. Và một khi đạo đức nghề nghiệp bị vi phạm thì điều đó luôn được coi là rất nghiêm trọng, phải bị trừng phạt, ít nhất là trong lĩnh vực nghề nghiệp (bằng cách tẩy chay hoặc thu hồi giấy phép hành nghề, chẳng hạn) và đôi khi bởi pháp luật.
NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC [3]:
Dù không có một tổ chức hoặc một công ước nào xác định những nguyên tắc cốt lõi của đạo đức khoa học, nhưng giới khoa học luôn luôn ngầm định với nhau những nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu khoa học:
1. Trung thực khoa học (Scientific Honesty): không được gian lận khoa học, tức là không ngụy tạo, nhào nặn, cắt dán, xào nấu, phá hủy, hoặc xuyên tạc dữ liệu.
2. Cẩn trọng (Carefulness): Phấn đấu để tránh các lỗi bất cẩn hoặc qua loa đại khái trong mọi công đoạn nghiên cứu khoa học
3. Tự do trí tuệ (Intellectual Freedom): Các nhà khoa học có quyền theo đuổi những ý tưởng mới và phê phán những cái cũ. Họ cần được tự do tiến hành những nghiên cứu mà họ thấy thú vị.
4. Cởi mở (Openness): tức là chia sẻ dữ liệu, phương pháp, lý thuyết, thiết bị và công bố kết quả v.v.. Cho phép mọi người được xem xét công việc của nhà khoa học , và mở rộng cửa tiếp nhận mọi phê phán.
5. Nguyên tắc thừa hưởng (The principle of credit): không ăn cắp công trình của các nhà khoa học khác, cần ghi nhận rõ ràng (trích dẫn) nguồn gốc những nội dung và hình thức đã được sử dụng
6. Nguyên tắc trách nhiệm trước công chúng (The principle of public responsibility): Thông tin cho các phương tiện truyền thông đại chúng về các nghiên cứu nếu a) nghiên cứu đó quan trọng và trực tiếp động chạm đến cuộc sống hạnh phúc của con người và b) nghiên cứu đã được xác nhận đầy đủ bởi các đồng nghiệp khoa học trong ngành.
Với những nguyên tắc cơ bản đó, các tổ chức và quỹ khoa học cần phải tạo ra những hướng dẫn cho thành viên hoặc người nhận tài trợ về việc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức khoa học (Scientific Ethics Standards)[4].
NHỮNG KẺ LỪA ĐẢO KHOA HỌC ĐIỂN HÌNH
Lịch sử khoa học ghi nhận nhiều kẻ lừa đảo khoa học, điển hình như:
1. Charles Dawson, một nhà khảo cổ học lừng danh nước Anh, người mà năm 1912 đã trưng bày cho công chúng một phát hiện nổi tiếng về xương sọ và hàm răng của người tiền sử, lấp đầy mắt xích tiến hóa giữa người và khỉ, lúc đó còn đang bị đứt đoạn. Nhiều nhà khoa học đã từng nghi ngờ về việc này. Ông ta chết năm 1915 thế nhưng khá lâu sau vào năm 1953 chàng sinh viên đại học Oxford, Joseph Weiner cùng nhiều nhà khoa học khác đã phát hiện ra rằng hộp sọ của người tiền sử đó thực ra chỉ là của người Trung cổ kết hợp với xương hàm của hắc tinh tinh (orangutan ) và răng hóa thạch của đười ươi (fossilized chimpanzee). Sau đó người ta còn phát hiện thêm 38 hiện vật khảo cổ khác của Dowson cũng là giả mạo nốt!
2. Tuy nhiên việc phân biệt giữa hành vi lừa đảo với việc nhầm lẫn, sai lầm trong khoa học không phải dễ dàng. Hai nhà khoa học Stanley Pons và Martin Fleischmann ở Đại học Utah chế ra một thiết bị sử dụng điện cực Paladium và nước nặng để nghiên cứu phản ứng dự đoán là tổng hợp hạt nhân lạnh (cold fusion). Mặc dù không phải tất cả dữ liệu thu được là đủ thuyết phục, nhưng họ vẫn cứ giả thiết rằng phản ứng đã xảy ra. Và thế là họ với sự giúp sức của Đại học Utah đã mở một cuôc họp công bố ra công chúng vào ngày 23/3/1989. Công bố này đã tạo nên một làn sóng cuồng nhiệt về một thành tựu có thể cứu nguy cho nhân loại khỏi thảm họa thiếu năng lượng. Nhưng nhiều nhà khoa học đã trách cứ các tác giả sao lại tuyên cáo ra công chúng trước khi đăng tải trên các tập san chuyên môn có bình duyệt đồng ngành (peer review) để người khác có thể kiểm tra lại độ chính xác. Năm tuần sau đó, các nhà khoa học ở Caltech lặp lại thí nghiệm của Fleischman và phát hiện một loạt sai lầm trong các kết luận khoa học và không thể tìm thấy có Neutron phát ra trong quá trình phản ứng, một chỉ dấu bắt buộc nếu tổng hợp hạt nhân lạnh (cold fusion) xảy ra. Mặc dù sự kiện này đã làm mất mặt giới khoa học, nhưng họ không cáo buộc Fleischman và cộng sự là lừa đảo, vì các tác giả đã không làm giả số liệu; các tác giả đã hấp tấp công bố ra công chúng trước khi thực hiện các quy tắc khoa học về công bố công trình. Nhưng hậu quả thì thật nặng nề. Các tác giả đã buộc phải rời khỏi Đại học Utah, còn cộng đồng khoa học chân chính cũng như nhà tài trợ là Bộ Năng lượng Mỹ thì không dám nói đến cũng như tài trợ cho lĩnh vực nghiên cứu “tổng hợp hạt nhân lạnh” nữa. Phải mất 15 năm, sau khi đổi tên gọi thành ra “phản ứng hạt nhân nhiệt độ thấp” (low energy nuclear reactions) thì Bộ Năng lượng Mỹ mới dám xem xét lại việc tài trợ cho lĩnh vực cực kỳ quan trọng này [5].
Hai nhà khoa học Stanley Pons và Martin Fleischmann |
3. Một sự kiện khoa học dậy sóng xã hội vừa mới xảy ra khoảng vài tháng trước, vào ngày 14/1/2012 một mẫu thử nghiệm máy “xúc tác năng lượng” (Enerrgy Catalyser ) do A. Rossi sáng chế đã được trình diễn tại Đại học Bolognia, Italia [6]. Nhiệt được tạo ra khi cho khí hydro chạy qua một loại bột niken pha trộn với một chất xúc tác. Chỉ cần dùng nhỏ hơn 1g Hydro và chưa đến 1000W điện, thiết bị đã đun 292g/min nước từ 20oC lên thành hơi 101oC, tính ra là đã sản sinh tương đương 12000W năng lượng, gấp hơn 10 lần năng lượng đầu vào. Đặc biệt, không sản sinh ra bức xạ hạt nhân nào và thiết bị rất khả thi về mặt kinh tế. Về buổi trình diễn này, nhà Vật lý hạt nhân L. Kowalski kể lại: “Nhà phát minh, Andrea Rossi, đã không trả lời các câu hỏi về bản chất của chất xúc tác. Một đồng nghiệp của tôi đã có mặt tại cuộc trình diễn, đứng ngay bên cạnh thiết bị. Anh ta có mang đến một máy đo cầm tay có khả năng phân tích bức xạ hạt nhân thoát khỏi thiết bị. Tuy nhiên, những người trình diễn không cho phép anh ta bật máy đo lên. Việc làm này làm cho tôi không còn nghĩ rằng Rossi là một nhà khoa học. Lý lẽ nào biện minh cho ông ta về việc che giấu đó? Ông ta có lẽ sẽ nói rằng cần chống sự cạnh tranh không lành mạnh, và có thể nói đến những khó khăn để đăng ký phát minh trong tương lai. Điều này là dễ hiểu. Bí mật là OK, nhưng chỉ là ở giai đoạn mà sáng chế chưa được trình diễn trước công chúng. Một nhà khoa học chân chính sẽ không ngăn chặn đồng nghiệp của tôi bật máy đo lên.Một nhà khoa học đúng nghĩa sẽ cung cấp thông tin ít nhiều về thành phần hóa học của bột. Rossi thừa biết một nhà khoa học phải có những phẩm chất gì. Nhưng ông ta cũng cần tiền từ các nhà đầu tư tiềm năng. Bản trình diễn tại trường đại học có lẽ đã được thiết kế để gây ấn tượng với những nhà kinh doanh đó mà thôi. Tiêu chuẩn Đạo đức trong kinh doanh không giống như trong khoa học”.[7] Liệu kết luận như vậy có thái quá chăng?
|
HÀNH VI ĐẠO ĐỨC KHOA HỌC
Hành vi Đạo đức khoa học bao gồm: a) Các quy chuẩn của phương pháp và quá trình dùng cho thiết kế, thủ pháp của nghiên cứu, phân tích, lý giải, và báo cáo các dữ liệu của nghiên cứu; và b) các tiêu chuẩn của các chủ đề và phát kiến có sử dụng con người và động vật làm đối tượng nghiên cứu.
Với việc tuân thủ hành vi đạo đức trong khoa học, độ tin cậy của kết quả nghiên cứu sẽ được đảm bảo hơn và sự an toàn của các đối tượng nghiên cứu cũng được tôn trọng.
Để giúp giảm thiểu sự vi phạm đạo đức, và nhận diện ra một khi có vi phạm đạo đức xảy ra, cộng đồng khoa học và các tổ chức quản lý có nhiều phương tiện để sử dụng. Có thể kể ra những phương tiện hữu hiệu hay được sử dụng nhất là Phục chứng nghiên cứu (replication), hợp tác nghiên cứu (collaboration), và bình duyệt đồng ngành (peer review) .
Muốn thế, NAFOSTED sắp tới sẽ không nên biến mình thành một cơ quan hành chính quan liêu, với rất nhiều thủ tục hành chính rắc rối, buộc các nhà khoa học khi chấp hành phải mặc nhiên trở thành không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn tối thượng của đạo đức khoa học. Cộng đồng khoa học mong đợi NAFOSTED, một tổ chức được thành lập và hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, sẽ có những cách làm mới hợp với chuẩn mực quốc tế. Đơn cử như hãy sử dụng công cụ bình duyệt đồng ngành (peer review) làm công cụ chính để tuyển chọn và đánh giá các đề tài, thay cho việc lập ra các Hội đồng này nọ, như cách làm của các cơ quan quản lý hiện nay. Các hội đồng như hiện nay đang bị lạm dụng, thực ra đã trở thành nơi che chắn cho trách nhiệm và công tâm của nhà quản lý. Hội đồng (chuột?) là nơi để cho việc móc ngoặc, gắp bỏ cho nhau… được hợp pháp hóa, bất kể hậu quả thế nào cho xã hội, cho khoa học. Và hậu quả nhãn tiền, là nơi mà nhiều “cây đa cây đề” chỉ vì nể nang, ngại va chạm… đã vô tình vi phạm đạo đức khoa học, làm hại xã hội, đánh mất sự nghiệp, danh tiếng khoa học của mình trước cộng đồng khoa học. Một điều nguy hiểm hơn nữa, là những người không đáng được coi là nhà khoa học nữa thường lại được ưu tiên giữ chỗ trong các Hội đồng. Việc phá bỏ nhiều tiền lệ kiểu “Hội đồng”… như hiện nay cần một sự dũng cảm nhiều hơn của các nhà quản lý NAFOSTED. Và đó cũng là làm gương về tuân thủ chuẩn mực khoa học cho cộng đồng khoa học noi theo.
—————-
Tài liệu tham khảo
[1] http://www.nafosted.gov.vn/index.php? lang=vi&mid=98
[2] “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp cải cách Nafosted” Tọa đàm do TIA SÁNG tổ chức ,Hà nội ,7/3/2012
[3] David Resnik, Department of Philosophy, University of Wyoming, http://people.emich.edu/jthomsen/Ethics/proceedings/Resnik1.pdf
[4] National Academy of Sciences. (1995). On Being a Scientist: Responsible Conduct in Research: National Academy Press.
[5] DOE SC (2004). Report of the Review of Low Energy Nuclear Reactions. U.S. Department of Energy, Office of Science, retrieved April 29, 2008 from http://www.science.doe.gov/ Sub/Newsroom/News_Releases/DOE-SC/2004/low_energy/CF_Final_120104.pdf.
[6] http://pesn.com/2011/01/19/9501747_cold-fusion-journals_warming_to_Rossi_breakthrough/
[7 ]http://forums.philosophyforums.com/threads/ethical-standards-science-versus-business-46245.htm