Năm 2020 đào tạo 40 chuyên gia xuất sắc về R&D (Kỳ cuối)
TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, cần có chính sách  mạnh mẽ hơn để thu hút được cán bộ giỏi đến với chương trình đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân và yên tâm theo nghề.
Đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật và R&D trong chương trình điện hạt nhân của Việt Nam có vai trò quan trọng như thế nào?
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang hướng tới việc đào tạo được đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật và R&D có khả năng nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ và phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ liên quan đến nhà máy điện hạt nhân; Thực hiện vai trò của cơ quan hỗ trợ kỹ thuật quốc gia độc lập về kiểm tra đánh giá và bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân và bảo vệ môi trường, phục vụ cho chương trình phát triển điện hạt nhân.
Về cụ thể, các thành viên trong lực lượng hỗ trợ kỹ thuật chuyên thực hiện những công việc đặc biệt, cung cấp các dịch vụ quan trọng cho cơ quan pháp quy trong việc thẩm định đánh giá an toàn khi tiến hành cấp phép. Khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động, cần thiết phải có bộ phận hỗ trợ kỹ thuật để cung cấp các dịch vụ, nhất là trong thời gian dừng hoạt động theo kế hoạch để thay đảo nhiên liệu cho nhà máy điện hay thực hiện các dự án nâng cấp, trang bị mới thiết bị cho nhà máy. Các cán bộ của tổ chức hỗ trợ kỹ thuật thường thực hiện công việc của những thành viên trong đội giải quyết các vấn đề phát sinh.
Như vậy cán bộ của tổ chức hỗ trợ kỹ thuật không chỉ thỏa mãn yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật mà còn phải có các kỹ năng mềm giúp giải quyết các mối quan hệ con người trong công tác quản lý. Những thách thức này phải được đáp ứng bằng việc lập kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ một cách hệ thống dựa trên những nhu cầu phát triển các dịch vụ mở rộng. Điều này đòi hỏi phải định rõ các kỹ năng, số lượng và vị trí nhân viên cần thiết để thực hiện các dịch vụ trên. Những vấn đề yêu cầu cụ thể về nhân lực đối với tổ chức hỗ trợ kỹ thuật chủ yếu được xác định dựa trên loại và thiết kế của nhà máy điện hạt nhân.
Còn mảng R&D phục vụ chương trình điện hạt nhân bao gồm các hoạt động nhằm cải thiện công nghệ nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy nó đòi hỏi nguồn nhân lực phục vụ công tác R&D ở trình độ rất cao. Những người hoạt động trong lĩnh vực này phải hiểu biết rất sâu sắc về những yêu cầu thiết kế và các quy chuẩn công nghiệp được thiết lập và hiểu rõ các cơ sở thiết kế. Điều này đặc biệt quan trọng khi những giải pháp kỹ thuật mới, những sáng chế hay thiết kế mới được đề xuất. R&D phục vụ chương trình điện hạt nhân cũng đòi hỏi phải có các hoạt động nghiên cứu nhằm đảm bảo an toàn lâu dài đối với nhiên liệu đã cháy và các chất thải phóng xạ sinh ra từ các nhà máy điện hạt nhân.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp với Viện Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức khóa học Xây dựng và thực hiện chính sách và chiến lược quốc gia về quản lý chất thải phóng xạ theo tiêu chuẩn IAEA.
Bên cạnh những nghiên cứu mang tính chất tiếp thu làm chủ công nghệ như trên, một trong những yêu cầu khác đối với lực lượng R&D là phải có nhiều nghiên cứu khoa học phát triển những kiến thức mới trong lĩnh vực điện hạt nhân. Phạm vi của những kiến thức mới này thường ở mức rộng hơn và cao hơn so với nhu cầu ứng dụng của điện hạt nhân Việt Nam hiện tại. Việc đầu tư để thực hiện các nghiên cứu này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn với những trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Để giải quyết vấn đề này, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang áp dụng một cách làm khá hiệu quả là mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế, kết nối chặt chẽ với những trung tâm, viện nghiên cứu lớn và có uy tín của thế giới, qua đó cử cán bộ tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế để cùng với chuyên gia nước ngoài giải quyết những vấn đề mới của điện hạt nhân. Thông qua những dự án như thế, chúng ta sẽ có được những cán bộ nghiên cứu đủ kiến thức và năng lực, đủ sức thực hiện các vấn đế nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế. Mục tiêu mà Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đặt ra là đến năm 2020 có được 40 chuyên gia như vậy.
Giải pháp tối ưu nào để Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam đạt được những mục tiêu này về lực lượng hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu triển khai?
Bên cạnh những nỗ lực mà Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam vẫn áp dụng trong thời gian qua, theo tôi cần có sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước. Chúng ta cần có chính sách mạnh mẽ hơn để thu hút được cán bộ giỏi đến với chương trình đào tạo và yên tâm theo nghề. Vừa qua, Nhà nước cũng đã ban hành một số chính sách ưu đãi về chế độ đãi ngộ đối với người tham gia lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Thu nhập của các cán bộ trẻ đã được tăng lên và bước đầu giúp họ giải quyết được phần nào những khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên theo tôi những nỗ lực đó vẫn chưa đủ để giữ chân các cán bộ trẻ theo nghề. Để giải quyết tốt vấn đề, chúng ta cần tham khảo chính sách phát triển nguồn nhân lực của các quốc gia tiên tiến về điện hạt nhân trên thế giới: muốn thu hút được nhân tài, họ đã thực thi những chính sách hết sức đặc biệt, trong đó vấn đề đầu tư kinh phí đào tạo, đãi ngộ được đặt lên hàng đầu.
Ngân sách dành cho nghiên cứu cũng cần phải được đầu tư hơn và giao quyền tự chủ hơn cho cơ quan nghiên cứu. Ông Yamashita, một chuyên gia trong lĩnh vực điện hạt nhân của Nhật Bản, đã từng chia sẻ, năm 1954, Nhật Bản bắt đầu chương trình nghiên cứu công nghệ hạt nhân. Mặc dù khi đó, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng Nhật Bản đã dành 235 triệu JPY cho hoạt động nghiên cứu. Các hoạt động nghiên cứu của họ dựa trên ba nguyên tắc: phương pháp dân chủ, quản lý độc lập và minh bạch.
Nếu Việt Nam chọn lọc và áp dụng được tốt những biện pháp từng đem lại cho các quốc gia tiên tiến về điện hạt nhân nguồn nhân lực chất lượng cao thì theo tôi các vấn đề sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa.
Hảo Linh thực hiện