Năm đề xuất tăng cường an toàn hạt nhân

Hội nghị cấp Bộ trưởng về An toàn Hạt nhân (20 – 24/06/2011) là cuộc họp quốc tế cấp cao đầu tiên sau tai nạn hạt nhân Fukushima Daiichi, với mục tiêu là rút ra các bài học giúp tăng cường an toàn hạt nhân trên toàn Thế giới. Dưới đây là năm đề xuất trong bài phát biểu của ông Yukima Amano, Tổng Giám đốc IAEA.

Tăng cường các Tiêu chuẩn An toàn IAEA (IAEA Safety Standards)

Các Tiêu chuẩn An toàn IAEA là căn cứ được quốc tế công nhận để xác định mức an toàn cao giúp bảo vệ người dân và môi trường khỏi những tác động có hại của phóng xạ. Từ sự kiện Fukushima Daiichi, chúng ta thấy rằng các tiêu chuẩn an toàn liên quan tới vụ tai nạn, cụ thể là những tiêu chuẩn có liên quan tới rủi ro các thiên tai nối tiếp nhau, ví dụ như động đất và sóng thần, cần phải được kiểm tra lại. Những vấn đề khác cần được xem xét bao gồm sự chuẩn bị có hiệu quả đối phó với tình trạng mất điện kéo dài, đảm bảo nguồn nước làm mát, sự bảo vệ đặc biệt cho những nhà máy có nhiều lò phản ứng, và việc làm mát nhiên liệu đã qua sử dụng trong điều kiện nhà máy bị sự cố.

Vì vậy, tôi yêu cầu Ủy ban Các Tiêu chuẩn An toàn của IAEA kiểm tra lại các tiêu chuẩn liên quan và làm báo cáo trong vòng 12 tháng, trong đó đưa ra các đề xuất củng cố và tăng cường những tiêu chuẩn này.

Mấu chốt là việc thực hiện. Kể cả những tiêu chuẩn tốt nhất cũng trở nên vô dụng nếu như chúng không được thực hiện trong thực tế. Tôi đề nghị tất cả mọi Quốc gia Thành viên cam kết một cách chắc chắn rằng sẽ áp dụng các Tiêu chuẩn An toàn IAEA trong thực tế.

Tăng cường công tác đánh giá an toàn

Chúng ta cần đánh giá một cách có hệ thống và thường xuyên tính an toàn của tất cả các nhà máy hạt nhân. Việc đánh giá này cần mang quy mô quốc gia ở mọi Quốc gia Thành viên, tuy nhiên, đánh giá bổ sung của IAEA là rất cần thiết để tăng độ tin cậy và minh bạch, và giúp tăng tính hiệu quả của quy trình này.

Qua tai nạn Fukushima Daiichi, mọi nhà máy điện hạt nhân trên Thế giới đều cần được đánh giá ở cấp quốc gia một cách toàn diện và minh bạch về các nguy cơ rủi ro. Trọng tâm là kiểm tra xem liệu chúng có chống chịu được những thiên tai lớn, như động đất, sóng thần, và bão lụt. Việc đánh giá này phải hoàn thành trong vòng 12 tới 18 tháng. Nếu phát hiện ra vấn đề thì cần tiến hành ngay các biện pháp cần thiết. Sau các cuộc họp với các Quốc gia Thành viên, IAEA đã bắt đầu xây dựng phương pháp đánh giá các rủi ro chung cho mọi quốc gia có thể sử dụng. Các đánh giá mang tính quốc gia là điểm khởi đầu, sau đó chúng cần được theo dõi, kiểm chứng bởi ý kiến độc lập từ các chuyên gia IAEA. Chúng tôi sẽ cung cấp kiểm chứng trên ba lĩnh vực cơ bản, bao gồm: an toàn trong hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, sự chuẩn bị đối phó với các tình huống khẩn cấp, và tính hiệu quả của hệ thống điều hành. Tôi đề nghị mọi quốc gia có nhà máy điện hạt nhân nhất trí cho IAEA được vào kiểm tra mang tính định kỳ và một cách có hệ thống.
Sẽ không thực tế nếu chúng ta yêu cầu IAEA phải kiểm tra tất cả 440 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên Thế giới trong vòng ít năm. Vì vậy, tôi đề xuất một hệ thống kiểm tra ngẫu nhiên. Ví dụ, sau khi củng cố một số chức năng hiện có, IAEA có thể tiến hành kiểm tra tính an toàn của một trong mọi mười nhà máy điện hạt nhân trên khắp Thế giới, trong vòng có thể là 3 năm. Với nhận thức rằng bất kỳ nhà máy nào cũng có thể bị kiểm tra, những người điều hành sẽ có thêm động cơ để thực thi theo những tiêu chuẩn an toàn nhất. Hệ thống này có thể được thực thi mà không cần thay đổi các quy định pháp lý hiện hành, chỉ đơn giản là các Quốc gia Thành viên cho phép vào kiểm tra tất cả mọi nhà máy điện hạt nhân. IAEA có thể hướng tới thu xếp bắt đầu các cuộc kiểm tra này trong vòng từ 12 tới 18 tháng.

Kết quả báo cáo và các đề xuất từ chuyên gia đánh giá của IAEA cần được công khai tới mọi Quốc gia Thành viên, và cần phải có những nhiệm vụ kế tiếp nhằm đảm bảo rằng những đề xuất này được thực hiện.
 
Củng cố các cơ quan quản lý của quốc gia


Các cơ quan quản lý của quốc gia đóng vai trò trọng yếu trong đảm bảo an toàn hạt nhân.
Tất cả mọi quốc gia cần đảm bảo rằng các cơ quan này hoạt động hiệu quả tối đa. Các cơ quan quản lý này phải thực sự hoạt động độc lập, được cấp kinh phí đầy đủ, và có đội ngũ cán bộ được đào tạo kỹ lưỡng.

IAEA cung cấp các chương trình Dịch vụ Kiểm tra Hệ thống Quản lý (Integrated Regulatory Review Service) để giúp các Quốc gia Thành viên đánh giá và tăng tính hiệu quả cho cơ sở quản lý của họ. Tôi khuyến khích các Quốc gia Thành viên tận dụng tối đa những chương trình như vậy. Đối với Nhật Bản, tôi muốn có ngay một chương trình kiểm tra trong năm 2012 để cập nhật tiếp sau chương trình năm 2007.

Tăng cường sự chuẩn bị và các hệ thống phản ứng toàn cầu

Các cơ chế phản ứng và quản lý sự cố hạt nhân cần được cải thiện, từ quy mô quốc gia, khu vực, tới toàn cầu. Các biện pháp thực tiễn có thể bao gồm tập trung sẵn sàng các thiết bị cứu trợ khẩn cấp, như máy phát điện chạy diesel, để nhanh chóng cung cấp cho các nhà máy bị mất điện. Về phần mình, IAEA sẽ chuẩn bị để là địa chỉ quốc tế cung cấp chuyên gia kỹ thuật đặc biệt – ví dụ như về robot, cứu hỏa – giúp các quốc gia bị nạn.
Các đội chuyên gia xử lý tai nạn, vốn đã hiện có ở một số quốc gia, cần được thành lập ở mọi quốc gia có chương trình hạt nhân. Những hoạt động tổ chức mang tính khu vực cũng rất cần thiết. Tôi sẽ đề nghị Mạng lưới Phản ứng và Hỗ trợ (RANET) của IAEA tiến hành kiểm tra, xây dựng các quy chế xác lập hoạt động tổ chức cứu trợ khẩn cấp tầm khu vực.

Chúng ta sẽ gặt hái nhiều lợi ích nếu thực hiện có hiệu quả các công ước quốc tế, như Hiệp định Cảnh báo sớm tai nạn hạt nhân và Hiệp định về Hỗ trợ khi có tai nạn hạt nhân hoặc sự cố phóng xạ khẩn cấp. Vai trò điều phối của IAEA đối với Kế hoạch Các tổ chức quốc tế phối hợp điều hành sự cố phóng xạ khẩn cấp có thể được tăng cường. Tôi tin rằng mọi tổ chức liên quan nên tài trợ cho kế hoạch phối hợp này.

Thu thập và phổ biến thông tin

Các thông tin được IAEA cung cấp cho các Quốc gia Thành viên sau tai nạn Fukushima Daiichi là cơ sở dẫn chiếu hữu ích. Tuy nhiên, hiện nay, vai trò của chúng tôi trong mỗi vụ tai nạn phần lớn mới chỉ là cung cấp các thông tin được xác nhận bởi quốc gia có tai nạn, tới các Quốc gia Thành viên khác. Tôi đề nghị chức năng chia sẻ thông tin nên được mở rộng để bao gồm việc cung cấp cả các phân tích và dự đoán kịch bản diễn biến của tai nạn và ảnh hưởng phóng xạ. Chúng tôi có thể tự phát triển khả năng của mình, hoặc hợp tác với các viện khoa học.

Thang đánh giá Sự cố Hạt nhân và Phóng xạ Quốc tế (INES), với mục đích đánh giá các sự cố trên thang 7 điểm, có ý nghĩa thông tin và truyền thông quan trọng, được hợp tác xây dựng bởi IAEA và Cơ quan Năng lượng Hạt nhân của OECD. Không may là thang điểm này không phát huy được chức năng của nó trong trường hợp tai nạn Fukushima Daiichi. Tôi đề nghị Ủy ban Tư vấn INES cân nhắc cải thiện thang điểm này.

TS lược dịch

(Toàn văn bài phát biểu có thể đọc tại: http://www.iaea.org/newscenter/statements/2011/amsp2011n013.html)

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)