Năng lực nghiên cứu là yếu tố quan trọng

Việc tiếp cận các quỹ tài trợ quốc tế để tìm kinh phí thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học là một trong những vấn đề hết sức quan trọng đối với các nhóm nghiên cứu. Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với GS. TS Phạm Hùng Việt (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này.

– Thưa GS Phạm Hùng Việt, được biết nhóm nghiên cứu do ông phụ trách tại Trung tâm nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững (ĐH Khoa học tự nhiên) rất thành công trong việc tiếp cận các quỹ tài trợ quốc tế để thực hiện được nhiều đề tài, dự án nghiên cứu có giá trị như Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và xây dựng bản đồ ô nhiễm asen tại các bãi giếng khoan và nguồn cấp nước tại nội thành Hà Nội (Quỹ SDC của Thụy Sỹ), Tìm hiểu cơ chế giải phóng asen vào các tầng nước ngầm (Quỹ DANIDA của Đan Mạch)… Vậy ông có bí quyết gì thuyết phục được các quỹ quốc tế đồng ý đầu tư cho những dự án nghiên cứu tại Việt Nam?

– Theo tôi được biết, thông thường, khi tìm nguồn tài trợ cho các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều nhóm nghiên cứu Việt Nam vẫn áp dụng cách làm hết sức phổ biến như cách đi xin học bổng quốc tế là lên mạng internet tìm hiểu chính sách đầu tư, phát triển của các quỹ tài trợ nước ngoài, lấy những thông tin khai thác được này làm cơ sở để viết thư giới thiệu về nhóm, đề tài nghiên cứu của nhóm, qua đó đề nghị quỹ tài trợ kinh phí. Đây cũng là một trong những cách tiếp cận quỹ quốc tế dễ thực hiện nhất nhưng hiệu quả không cao do số lượng hồ sơ đăng ký gửi tới các quỹ rất lớn, mức độ cạnh tranh cao… Với các nhóm nghiên cứu trẻ chưa có nhiều công bố quốc tế, chưa xác định được vị thế của mình trong lĩnh vực nghiên cứu thì càng ít có cơ hội thuyết phục được Hội đồng khoa học các quỹ quốc tế phê duyệt đề xuất.

Trong nhiều năm qua, nhóm nghiên cứu do tôi phụ trách đã thực hiện một biện pháp mà theo chúng tôi là khá hiệu quả, đó là việc tiếp cận các quỹ tài trợ quốc tế thông qua các mối quan hệ liên kết, hợp tác với những tổ chức, viện nghiên cứu, nhóm nghiên cứu quốc tế. Thông qua những đối tác nghiên cứu có uy tín, chúng tôi đã nhanh chóng tiếp cận được với các quỹ tài trợ nước ngoài, đặc biệt là quỹ thuộc các quốc gia sở tại của các đối tác đó. Nhờ vậy, chúng tôi có được những nguồn kinh phí lớn, có khả năng đảm bảo việc thực hiện các dự án nghiên cứu mang tính chất thực nghiệm dài hơi về lĩnh vực địa hóa môi trường, nghiên cứu các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong môi trường, vốn đòi hỏi khá nhiều năm thực địa mới có thể kiểm chứng được những giả thuyết thông qua việc phân tích, kiểm chứng các mẫu đất, nước và cả các mẫu sinh học được lấy từ hiện trường… Ví dụ dự án hợp tác về tìm hiểu cơ chế giải phóng asen từ trầm tích vào các tầng nước ngầm thực hiện từ năm 2005 đến 2012 là kết quả hợp tác với Viện Khảo sát địa chất Đan Mạch & Greeland (GEUS), kinh phí hai triệu USD thực hiện dự án từ Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA), hay dự án hợp tác về Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và xây dựng bản đồ ô nhiễm asen tại các bãi giếng khoan và nguồn cấp nước tại nội thành Hà Nội, được hỗ trợ ban đầu bởi của tổ chức UNICEF, chúng tôi tiếp tục phát triển dự án lớn hơn với Viện KH&CN Nước của Thụy Sỹ (EAWAG) từ năm 1993 đến 2008, kinh phí hơn 8 triệu USD từ Quỹ hợp tác phát triển Thụy Sỹ (SDC) [mà nhóm của chúng tôi là đơn vị thụ hưởng cùng với Trung tâm CEETIA, đại học Xây dựng Hà Nội]…

 

Để duy trì được mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác quốc tế cũng như các Quỹ tài trợ quốc tế, các nhóm nghiên cứu cần chứng tỏ được năng lực nghiên cứu của mình cũng như minh bạch hóa quá trình sử dụng kinh phí đầu tư cho dự án.

Để duy trì được mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác quốc tế cũng như các quỹ tài trợ quốc tế, chúng tôi không có bí quyết gì đặc biệt ngoài việc chứng tỏ được năng lực nghiên cứu của mình cũng như minh bạch hóa quá trình sử dụng kinh phí đầu tư cho dự án. Từ các dự án hợp tác, chúng tôi đều chứng minh được năng lực qua các sản phẩm nghiên cứu cụ thể, như trường hợp hợp tác với GEUS, chúng tôi đã có hơn 20 công bố ISI, trong đó tiêu biểu nhất là “Sự tích tụ asen trong nước ngầm ở Việt Nam được quy định bằng tuổi trầm tích” (Groundwater arsenic concentrations in Vietnam controlled by sediment age) trên Nature Geoscience, 2012. Về việc minh bạch quá trình sử dụng kinh phí, chúng tôi đều có những ghi chép, chứng từ rõ ràng. Mỗi năm, ban điều hành dự án gồm các thành viên Việt Nam và nước ngoài đều tiến hành họp bàn, phê duyệt những đề xuất của nhóm nghiên cứu, thông qua báo cáo hoạt động của năm trước… Khi kết thúc dự án, ban điều hành mời một đơn vị kiểm toán độc lập (ví dụ như Price  Water Cooper House) vào kiểm tra hoạt động tài chính, đồng thời mời cả chuyên gia độc lập đánh giá ngoài để định lượng kết quả nghiên cứu về chuyên môn (thường là một nhóm chuyên gia có uy tín khoa học cao của một quốc gia khác).   

– Với một nhóm nghiên cứu trẻ mới được thành lập, năng lực nghiên cứu mới ở dạng tiềm năng và chưa có nhiều công bố quốc tế có tầm ảnh hưởng cao như các nhóm nghiên cứu mạnh, theo ông, họ cần phải làm gì để mời được các tổ chức, viện nghiên cứu quốc tế hợp tác?

– Theo tôi, ở thời điểm ban đầu gây dựng cơ nghiệp này, vai trò đứng mũi chịu sào của người trưởng nhóm rất quan trọng. Anh ta phải chứng minh được năng lực nghiên cứu của chính mình thông qua các công bố đã thực hiện trong quá trình học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Từ những nhận định về xu hướng phát triển của lĩnh vực nghiên cứu và tình hình thực tiễn của đất nước, trưởng nhóm nghiên cứu cần xác định được định hướng nghiên cứu phù hợp với khả năng nhóm nghiên cứu của mình, bước đầu chọn ra những vấn đề mang tính khả thi và vừa tầm. Khi nhóm nghiên cứu mới ở giai đoạn bắt đầu xây dựng thì chưa nên thực hiện ngay những vấn đề quá lớn đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và nguồn kinh phí đầu tư lớn.

Qua việc cập nhật các thông tin khoa học, các công bố quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, tham gia trao đổi học thuật, viết dự án chung, các nhóm nghiên cứu trẻ có thể tìm được các đối tác quốc tế có sự tương đồng trong các hướng nghiên cứu mà mình quan tâm. Bản thân các tổ chức, viện nghiên cứu nước ngoài cũng cần có đối tác nghiên cứu để triển khai những vấn đề học thuật mang tính quốc tế để mở rộng tầm ảnh hưởng trong nghiên cứu cũng như kiểm chứng những giả thuyết họ đặt ra trên quy mô rộng lớn hơn… Vấn đề quan trọng là các nhóm nghiên cứu cần thuyết phục họ tin vào năng lực nghiên cứu của mình và triển vọng phát triển mối quan hệ hợp tác này trong tương lai thông qua các dự án khoa học.

– Còn với các nguồn tài trợ trong nước?

Trường hợp này thì có phần dễ thực hiện hơn. Các nhóm nghiên cứu cần chủ động cập nhật các thông tư, quyết định, chủ trương của các Bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực mình nghiên cứu. Với nhóm nghiên cứu của chúng tôi, ngoài việc duy trì mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, chúng tôi còn chú ý đến thông tin từ các Bộ KH&CN, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường… nhằm kịp thời xác định những đề tài nghiên cứu phù hợp với khả năng của nhóm. Ví dụ trong thời gian gần đây, chúng tôi cũng được giao chủ trì hai đề tài được Quỹ Nafosted (Bộ KH&CN) cấp kinh phí thực hiện các nghiên cứu cơ bản liên quan đến việc chế tạo và phát triển các hệ thiết bị điện di mao quản phân tích khả năng ô nhiễm nguồn nước tại các trạm quan trắc cố định và xách tay.

Quỹ Nafosted cần có một quy chế thưởng phạt cụ thể dựa trên cơ sở đánh giá các sản phẩm khoa học, ví dụ đối với những nhóm thực hiện đề tài có công bố trên những tạp chí có hệ số ảnh hưởng IF cao nên được tính thưởng bên cạnh việc đề xuất xét thưởng như Giải thưởng Tạ Quang Bửu hàng năm; ngoài ra, nên ưu tiên cho họ nhận những đề tài tiếp theo có kinh phí cao hơn để khuyến khích họ có thêm những kết quả nghiên cứu giá trị. Ngược lại, với những nhóm nghiên cứu từng thực hiện những đề tài có công bố trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng quá thấp thì Quỹ nên xem xét tạm dừng cấp kinh phí ở những đề tài kế tiếp trong một thời gian thích hợp cho đến khi họ chứng minh được năng lực mới cấp kinh phí trở lại.

Để thuyết phục các nhà tài trợ trong nước, theo tôi, điều quan trọng là “án tại hồ sơ”, các nhóm nghiên cứu cần chứng tỏ được khả năng thực hiện đề tài của mình trong hồ sơ đề nghị. Sự khác biệt trong quá trình nghiệm thu đề tài giữa nhà trợ trong nước so với quốc tế là chỉ yêu cầu sản phẩm thực tế mà ít quan tâm đến công bố quốc tế (ngoại trừ Quỹ Nafosted) nhưng lại đòi hỏi nhóm nghiên cứu viết chuyên đề tổng quan vài chục trang, bổ sung số liệu thực nghiệm…

– Vậy theo ông, các nhà tài trợ trong nước, đặc biệt là Quỹ Nafosted, cần có chính sách nào để khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ có thể tiếp cận được kinh phí tài trợ?

Trong thời gian gần đây, Quỹ Nafosted đã có nhiều đổi mới, đem lại những cơ hội lớn hơn trong việc tiếp cận tài trợ để giúp các nhà nghiên cứu có thể thực hiện những dự án trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Tuy nhiên để tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các nhóm nghiên cứu trẻ thì Quỹ Nafosted cần có một quy chế thưởng phạt cụ thể dựa trên cơ sở đánh giá các sản phẩm khoa học của họ. Ví dụ đối với những nhóm thực hiện đề tài có công bố trên những tạp chí có hệ số ảnh hưởng IF cao nên được tính thưởng bên cạnh việc đề xuất xét thưởng như Giải thưởng Tạ Quang Bửu hàng năm; ngoài ra nên ưu tiên cho họ nhận những đề tài tiếp theo có kinh phí cao hơn để khuyến khích họ có thêm những kết quả nghiên cứu giá trị. Ngược lại, với những nhóm nghiên cứu từng thực hiện những đề tài có công bố trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng quá thấp thì Quỹ nên xem xét tạm dừng cấp kinh phí ở những đề tài kế tiếp trong một thời gian thích hợp cho đến khi họ chứng minh được năng lực mới cấp kinh phí trở lại.

– Cám ơn ông.

Thanh Nhàn thực hiện

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)