Năng lượng hạt nhân với truyền thông
Công tác truyền thông cần làm cho người dân phải hiểu được tầm quan trọng của nhu cầu năng lượng ngày càng tăng lên của đất nước, sự nguy hiểm nếu phải phụ thuộc vào nước khác, cùng những vấn đề kinh tế và địa chính trị trọng yếu liên quan.
Gần đây, sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, trong công chúng xuất hiện nhiều ý kiến bàn về cơ hội để Việt Nam sản xuất điện hạt nhân. Đồng thời, Chính phủ ngày càng nhận thức rõ ràng hơn đối với sự cần thiết của việc làm sao để truyền thông cho công chúng về những vấn đề này một cách khách quan và hiệu quả. Đây cũng là một bước tiến rất tích cực bởi những ảnh hưởng từ việc áp dụng năng lượng hạt nhân cần phải được người dân am hiểu và đồng thuận của người dân, qua đó việc triển khai sử dụng dạng năng lượng này có thể được tiến hành một cách ôn hòa và suôn sẻ. Tại nhiều nước, sự chia rẽ giữa những người theo xu hướng ủng hộ và những người chống đối việc sử dụng năng lượng hạt nhân là nguyên nhân dẫn đến những cuộc xung đột phi lí và vô ích. Sự xung đột này ngày càng gay gắt gây nhiều bất lợi ngăn cản việc khai thác năng lượng hạt nhân một cách hiệu quả.
Điều may mắn là ở Việt Nam, vẫn còn thời gian để ngăn sự xung đột này xảy ra bằng cách thiết lập sớm nhất một hệ thống truyền thông hiệu quả về điện hạt nhân. Để truyền thông [cho điện hạt nhân] có ích cho tất cả mọi người thì công tác này phải được thực hiện trên tinh thần các bên tôn trọng lẫn nhau, và phải khách quan: không thể làm sai lệch hay che giấu thông tin, bởi với xu hướng toàn cầu hoá thông tin nhờ internet, sớm hay muộn mọi sự thật đều được phơi bày. Chính phủ cần phải tìm hiểu điều gì khiến người dân quan tâm, lo lắng và từ đó có thể cung cấp thông tin giúp họ xoá tan những mối lo nếu như chúng là vô căn cứ. Và nếu có những lo ngại xác đáng thì cần xem xét lại lộ trình triển khai điện hạt nhân để tiến hành những bước giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo rằng những mối lo ngại đó được giải quyết triệt để.
Công tác truyền thông cần làm cho người dân phải hiểu được tầm quan trọng của nhu cầu năng lượng ngày càng tăng lên của đất nước, sự nguy hiểm nếu phải phụ thuộc vào nước khác, cùng những vấn đề kinh tế và địa chính trị trọng yếu liên quan. Do vậy việc tham gia vào Câu lạc bộ năng lượng hạt nhân sẽ là một lựa chọn tốt cho Việt Nam; đồng thời, người dân cần được cảm thấy thuyết phục rằng quốc gia đã có những chuẩn bị đầy đủ trước các tình huống để đảm bảo các điều kiện an toàn cần thiết cho sự hoạt động của loại công nghệ cao nhưng cũng tiềm tàng nguy hiểm này. Cụ thể hơn, người dân cần được cảm thấy thuyết phục rằng đã có những nguồn nhân lực được đào tạo một cách thích hợp và chuyên sâu cần thiết cho thành công [trong việc triển khai điện hạt nhân ở Việt Nam]. Chúng ta không nên đánh giá quá thấp những mối đe dọa về sự cố hạt nhân, nhưng cũng nên nhận thấy rằng điện hạt nhân cùng với thuỷ điện, cho đến nay là nguồn năng lượng gây thiệt hại về người thấp nhất cho mỗi GW năm. Trước khi xây dựng nhà máy, người ta cần làm rõ rằng những tác động của thảm hoạ tự nhiên như sóng thần, động đất hay lũ lụt đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đã có những giải pháp đối phó dự phòng phù hợp. Cũng không nên quên rằng dù là ở vùng đất xảy ra động đất và sóng thần làm cướp đi 25000 sinh mạng thì số người tử vong trực tiếp vì nhà máy điện hạt nhân Fukushima là rất ít.
Tất nhiên, trong công tác truyền thông thì chất lượng nội dung quan trọng hơn cách thức tiến hành. Nhưng cách thức tiến hành cũng có tầm quan trọng của nó. Truyền thông không thể là tuyên truyền một chiều, và điều quan trọng là không để các kênh truyền thông như báo chí và truyền hình bị biến thành công cụ phục vụ cho quyền lợi một nhóm lợi ích nào đó. Cần đảm bảo rằng ý kiến từ những người có quan điểm riêng dù khác với quan điểm của số đông thì vẫn được chia sẻ lắng nghe. Truyền thông phải được dùng để giáo dục và xóa tan những hiểu lầm, thay vì áp đặt những quan điểm một chiều. Nếu chúng ta không làm được như vậy thì sẽ gây ra những xung đột làm thiệt hại cho sự phát triển của điện hạt nhân.
Đó là tất cả những điều đơn giản thông thường và tôi tin rằng bất kỳ người quan sát khách quan nào cũng thấy như vậy. Điều quan trọng là chúng ta cần phải xây dựng công tác truyền thông sớm nhất có thể trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau giữa các bên liên quan (nhà cầm quyền, nhà khoa học và công chúng), khách quan, và công bằng.