Nanocovax: Cơ hội bị bỏ lỡ?

Nanocovax đáng lẽ có thể được cấp phép sớm hơn.

Tháng Tám và Tháng Chín vừa qua, Việt Nam vẫn đang vật lộn với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư. Có những tuần có gần 100 nghìn ca nhiễm và hơn 2000 ca tử vong, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Đó cũng là thời điểm Việt Nam cảm thấy “khát” vaccine nhất. Cả nước chỉ có chưa đầy 30 triệu liều vaccine, bao gồm cả những liều đã tiêm trước đó.

Ảnh: baochinhphu.vn

Khi ấy, vaccine trong nước đem lại một niềm hi vọng. Trong hai tháng, không dưới ba lần Thủ tướng họp với các đơn vị liên quan đến nghiên cứu và cấp phép vaccine trong nước để thúc đẩy vaccine nội sớm ra thị trường. Trong cuộc họp nào ông cũng yêu cầu cần tháo gỡ khó khăn trong việc sản xuất vaccine. Ông còn tỏ ra rất “quyết liệt” trong cuộc họp vào giữa tháng tám rằng: “sẵn sàng làm ngày đêm để có vaccine sản xuất trong nước” và đặt mục tiêu có vaccine trong tháng chín. Mà không chỉ Thủ tướng mong đợi, có ít nhất năm địa phương vào thời điểm đó đã ngỏ ý muốn “đặt trước”, “dùng thử” vaccine Nanocovax.

Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như vậy. Vào cuối tháng tám, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kì pha 3b (trên 12 nghìn người) của Nanocovax. Tuy nhiên, hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc lại không thông qua. Đến giữa tháng chín, sau khi nhà nghiên cứu và sản xuất Nanocovax bổ sung dữ liệu, Hội đồng Đạo đức vẫn thông qua nhưng Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng kí lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc thì tới giờ vẫn…im lặng.

Nỗi băn khoăn lớn của hội đồng (và có lẽ của đa số công chúng) đó là: Chưa thể tính được hiệu lực của Nanocovax và vaccine này chưa có đủ dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vaccine trên các chủng mới.

Thử nghiệm lâm sàng thay thế?

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi của chúng tôi với TS. Nguyễn Hữu Huân, người có gần 30 năm nghiên cứu và thiết kế vaccine cúm, hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Arizona và Giám đốc nghiên cứu tại công ty sản xuất thuốc điều trị dựa trên kháng thể – IGY LifeSciences, Canada, những băn khoăn đó là quá mức cần thiết. Và rằng, Việt Nam đáng lẽ có thể có vaccine nội sớm hơn, giảm tử vong và giảm thiệt hại kinh tế nhiều hơn.

Theo đề cương, để có thể tính được hiệu lực vaccine, hội đồng kỳ vọng có thể “bắt” được 25 ca bệnh trên 12 nghìn tình nguyện viên. Tuy nhiên, theo TS. Huân, để làm được như vậy, cần phải mất ít nhất 7-8 tháng với tình hình dịch bệnh của Việt Nam. Và kể cả nhóm nghiên cứu có chuyển địa điểm thử nghiệm tới thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm đau thương nhất đi chăng nữa – dù đây chỉ là giả thiết, bởi không thì phải mất hàng tháng trời để Bộ Y tế duyệt đề cương mới – thì cũng không thể nhanh hơn.

Trường hợp của Mỹ với vaccine Pfizer-BioNTech từ khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba đến lúc được phê duyệt trong thời gian kỉ lục hai tháng là do số ca nhiễm quá lớn: tỉ lệ người nhiễm trên một triệu dân trong thời gian này gấp đôi con số đó ở Việt Nam trong thời điểm nóng bỏng nhất của đợt dịch vừa qua.

Nếu suy nghĩ một cách thực tế, người ta sẽ mạnh dạn sử dụng phương pháp thay thế để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine. TS. Huân nhấn mạnh, kháng thể trung hòa, chứ không phải miễn dịch tế bào mới là yếu tố quyết định để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine. Thực tế cho thấy, truyền huyết tương (chỉ có kháng thể mà không có tế bào miễn dịch) của người đã bị nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh cho các bệnh nhân COVID-19 thì thấy lượng virus giảm và họ hồi phục rất nhanh.

Vì vậy, chỉ số được quan tâm nhất của vaccine COVID-19 là hiệu giá kháng thể trung hòa – mức độ pha loãng máu nhưng vẫn trung hòa, bất hoạt được ít nhất 50% lượng virus. Khi đề xuất cấp phép khẩn cấp cho Nanocovax, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng chỉ số này có liên quan chặt chẽ và có thể dùng để ước tính hiệu quả bảo vệ của vaccine COVID-19. Ví dụ, nghiên cứu của David Khoury (Đại học New South Wales, Úc) đăng trên Nature Medicine vào tháng 5/2021 chỉ ra rằng, hiệu giá kháng thể của vaccine COVID-19, đo ở thời điểm hai tuần sau tiêm mũi hai, bằng 20% so với con số này trung bình trên người khỏi bệnh, thì hiệu lực của vaccine đối với chủng Vũ Hán là 50% – tiêu chuẩn tối thiểu của WHO. Với vaccine Astrazeneca, hiệu giá kháng thể của người tiêm bằng khoảng 50-60% với kháng thể của người đã hồi phục, tương ứng với hiệu lực là khoảng 70%, con số này ở vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna là hơn 200%, tương ứng với hiệu lực vaccine là 94-95%.

Đơn vị nghiên cứu Nanocovax cũng thực hiện tính toán tương tự trên 86 người tiêm vaccine Nanocovax và 16 người nhiễm COVID-19 (không có trường hợp phải hồi sức cấp cứu) đã hồi phục ở Việt Nam, thì thấy hiệu giá kháng thể của người tiêm vaccine hơn 200% so với người bị nhiễm và khỏi bệnh.

So sánh với hiệu giá kháng thể của người bị nhiễm COVID-19 đã khỏi – mà TS. Huân cho rằng đây là “tiêu chuẩn”, là “vàng mười” – là đã đủ để đánh giá. Một số nơi khác đã dùng biện pháp tương tự, nhưng họ so với một vaccine khác đã được cấp phép. Phương pháp thử nghiệm lâm sàng thay thế này đã được nhiều nước như Đài Loan (Medigen), Cuba (Abdala, Soberana 1), Iran (COVIran Barekat) áp dụng để phê duyệt vaccine khẩn cấp.

Gần đây, vaccine COVID-19 dựa trên công nghệ cổ điển là vaccine bất hoạt, do công ty Valneva của Pháp nghiên cứu và sản xuất và tuyên bố rằng “không thua kém gì” vaccine Oxford/AstraZeneca. Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, các nhà nghiên cứu tiêm ngẫu nhiên cho hơn 4000 tình nguyện viên hoặc vaccine Valneva, hoặc vaccine AstraZeneca. Cứ khoảng hai người tiêm vaccine Valneva thì có một người được tiêm AstraZeneca. Sau khi phân tích hiệu giá kháng thể trung hòa của cả hai nhóm thì thấy, hiệu giá kháng thể của người được tiêm Valneva cao gấp rưỡi AstraZeneca. Ủy ban châu Âu EC đã đặt trước 60 triệu liều vaccine này.

Cũng cần nói thêm rằng, vaccine COVID-19 từ trước đến nay đều thiết kế để chống chủng Vũ Hán, kể cả vaccine Valneva nói trên, dù thử nghiệm lâm sàng cách đây không lâu. TS. Huân cho rằng nếu chờ kết quả đáp ứng miễn dịch đối với các chủng khác thì có phần “nực cười” bởi vì “sau Delta là chủng gì? Bây giờ chờ sau Delta là cái gì nữa, mình phải thử nốt thì mới được dùng hay sao?” – TS. Huân nói. Các nghiên cứu thực địa ở nhiều nước đã cho thấy vaccine bảo vệ được người tiêm khỏi chủng Vũ Hán thì cũng có khả năng bảo vệ họ khỏi các chủng mới như Delta, Alpha, Gamma.

Hơn nữa, không chỉ giới khoa học mà đa số người dân ở Việt Nam đều hiểu rằng, tiêm vaccine không phải là để không bị nhiễm COVID-19, mà để giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong, không làm hệ thống y tế – đến giờ vẫn chạy đuổi theo dịch – bị sụp đổ mà vẫn có thể hoạt động kinh tế và giao lưu thương mại. “Chỉ cần đánh giá kháng thể trung hòa thôi, là có thể dùng được vaccine rồi. Đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp như thế này, thiệt hại kinh tế lớn như thế này, ảnh hưởng đến đời sống của người dân như thế này, mình có một vaccine đã được đánh giá tốt mà không dùng thì lãng phí vô cùng.” – TS. Huân cho biết.

An toàn không phải là vấn đề

Thậm chí, vaccine Nanocovax còn đỡ gánh nặng âu lo về mặt an toàn cho cơ quan xét duyệt. Kết quả thử nghiệm hơn 14 nghìn người cho thấy rằng, không có bất kì một trường hợp nào bị sốc phản vệ. Trong dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II đã được nhóm nghiên cứu Nanocovax công khai, trên 700 người tiêm, chỉ có duy nhất một trường hợp bị sốt cao.

Công nghệ vaccine protein tái tổ hợp đã có thâm niên áp dụng hàng chục năm nay trên các vaccine phổ biến như vaccine viêm gan B và vaccine phòng virus HPV gây ung thư tử cung. Theo một bài báo trên tạp chí Nature, trong 50 vaccine COVID-19 theo công nghệ này trên thế giới, các kết quả thử nghiệm lâm sàng đã được công bố đều không cho thấy tác dụng phụ nào đáng lo ngại. Thậm chí những phản ứng thường gặp ở các vaccine mRNA hay vector virus như đau đầu, sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn, cũng ít gặp hơn hẳn ở vaccine protein tái tổ hợp. Ví dụ như vaccine Medigen của Đài Loan nói trên, chỉ có 1% người tham gia thử nghiệm lâm sàng bị sốt khi tiêm.

Việt Nam hiện đã có trong tay 130 triệu liều vaccine nhập ngoại, tự tin có thể tiêm đầy đủ cho khoảng hơn 60% dân số. Có lẽ không mấy ai nghĩ đến việc Nanocovax đang bị tuột khỏi tay quá nhiều cơ hội. Nhưng câu chuyện của Nanocovax ở trên còn là vấn đề của vaccine Việt Nam khác, vẫn còn chưa bước sang hoặc đang tiêm thử nghiệm giai đoạn ba. Khi độ phủ của vaccine càng cao thì việc bắt được ca bệnh để tính hiệu lực vaccine càng trở nên bất khả thi. Nếu không có cách đánh giá thay thế thì các vaccine Việt sẽ không được cấp phép, họ sẽ không có cơ hội đặt điều kiện để thử nghiệm trộn với vaccine khác thành mũi thứ ba và cũng không có động lực để thử nghiệm trên trẻ em.

Nước ta đã trải qua làn sóng dịch lần thứ tư một cách đầy khó khăn và tương lai vẫn còn nhiều bất định ở phía trước. Trong một cuộc hội thảo về an ninh vaccine cho Đông Nam Á được tổ chức vào 3/11 vừa qua, các chuyên gia cho rằng việc thiếu vaccine sẽ vẫn là vấn đề trong năm 2022. Đó còn chưa kể giá vaccine sẽ tiếp tục tăng. Các nước giàu có vẫn tiếp tục tích trữ vaccine, bỏ ra giá tiền cao gấp 3-4 lần các nước nghèo và được ưu tiên giao sớm. Thực tế, chi phí mua vaccine tiêm miễn phí cho người dân chỉ làm tăng chưa đến 1% tổng đầu tư cho y tế ở các nước phát triển, nhưng đội chi phí đầu tư lên tới gần 50% ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, giá thành vaccine nội rẻ hơn rất nhiều so với vaccine ngoại. Nanocovax tuyên bố giá bán là 120 nghìn/liều và COVIVAC – vaccine của Viện Vaccine và Sinh phẩm Nha Trang IVAC chia sẻ giá bán chỉ 60 nghìn/liều.

Sẽ là điều đáng tiếc nếu Việt Nam không đủ năng lực và bản lĩnh để đánh giá vaccine trong nước. Bởi không phải chỉ dịch COVID-19 mà còn cần chuẩn bị cho những đại dịch mới nổi khác trong tương lai không xa.

Nguồn: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/nanocovax-co-hoi-bi-bo-lo/20211118095437524p1c785.htm

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)