Nature: Tính phí 9.500 euro một bài báo truy cập mở
Mới đây, nhóm các tạp chí thuộc Nature – bao gồm cả ấn phẩm tạp chí khoa học Nature, đã thông báo rằng họ đã quyết định trở thành tạp chí truy cập mở (OA). Qua đó, các tạp chí này sẽ trở thành một trong những ấn phẩm có tiêu chuẩn chọn lọc cao đầu tiên cho phép các tác giả trả phí để người đọc có thể truy cập tự do vào các bài báo được xuất bản của họ.
Phí tác giả của Nature là 9500 euro – cao hơn hẳn so với các tạp chí khác. Nhưng Nature Research – một bộ phận của công ty xuất bản khoa học quốc tế Springer Nature, nói rằng khoản tiền này dùng để trang trải chi phí cho các biên tập viên toàn thời gian và các nhân viên làm việc cho Nature, cũng như trong 32 tạp chí nghiên cứu chính khác trong Nature Research.
Nature cũng đã công bố thử nghiệm một lựa chọn truy cập mở với chi phí thấp hơn: khi các tác giả gửi bản thảo cho một trong ba tạp chí – Nature Genetics, Nature Methods, và Nature Physics – họ sẽ phải trả tối đa 4.790 euro cho mỗi bài báo truy cập mở, nếu họ đồng ý tham gia vào một quá trình “bình duyệt có hướng dẫn” (guided review). Cụ thể, nếu các biên tập viên và cộng sự của ba tạp chí này quyết định bản thảo đủ chất lượng để gửi đi bình duyệt, họ sẽ yêu cầu các tác giả trả một khoản phí ban đầu là 2.190 euro để trang trải chi phí đánh giá, và sau đó trả thêm khoản phí bổ sung nếu bài báo đó được chấp nhận.
Các tạp chí thuộc Nature sẽ chuyển sang mô hình truy cập mở vào tháng 1/2021, cùng lúc với thời điểm triển khai Kế hoạch S – kế hoạch này cấm các nhà khoa học xuất bản bài báo từ những đề tài được tài trợ trên những tạp chí phải trả phí để đọc. Nguyên nhân là “chúng tôi nhận thấy đó là mô hình tất yếu trong tương lai, là con đường mà các tổ chức khoa học sẽ phải đi”, James Butcher, phó chủ tịch của Nature Research, cho biết. Ông nói thêm, Springer Nature xuất bản 600 tạp chí theo mô hình truy cập mở và 2200 tạp chí khác vừa tính phí đăng ký vừa cung cấp mô hình truy cập mở có thu phí tác giả.
Một số nhà quan sát lo ngại, phí xuất bản trị giá 9500 euro của Nature sẽ là đường biên phân chia các tác giả thành hai nửa – những tác giả thuộc các tổ chức giàu có hoặc có khả năng xin nguồn tài trợ từ quỹ, và phần còn lại. “Các nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp thường sẽ không có đủ khả năng chi trả, vì vậy Nature sẽ chỉ có toàn bài báo của các giáo sư đã thành danh – còn ai hưởng lợi nhờ điều này ngoài Springer Nature?” – Michael Marks, nhà khoa học chuyên nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Dịch tễ London, cho biết.
“Đối với tôi, mức phí này cao đến khó tin”, ông nói thêm. Ngay cả Lancet – có chỉ số IF cao hơn Nature – cũng chỉ tính phí xuất bản truy cập mở 5000 USD. “Thôi thì tôi cũng cố gắng tin là… các chính sách biên tập hoặc chất lượng xuất bản của Nature tốt hơn”.
Cẩn trọng hơn khi gửi bản thảo
Những nhà bình luận trong ngành xuất bản đã kêu gọi các tạp chí đi theo phương pháp tiếp cận như Nature để giảm sự trùng lặp công việc cho người đánh giá và tạp chí. Thông thường, các tác giả sẽ gửi bản thảo cho tạp chí tốt nhất mà họ cho là sẽ chấp nhận nó. Nếu tạp chí đó từ chối bài báo, họ lặp lại quy trình với lựa chọn thứ hai. Điều đó dẫn đến nhiều vòng bình duyệt trên cùng một bài báo, tạo gánh nặng cho các chuyên gia bên ngoài tình nguyện phản biện mà không nhận lương và các biên tập viên phụ trách sắp xếp các bài đánh giá.
Một số nhà phân tích cho rằng việc tính phí các tác giả gửi bản thảo – có thể xem là “phí nộp hồ sơ” – sẽ giảm bớt gánh nặng này bằng cách buộc các tác giả phải cẩn trọng và thực tế hơn.
Butcher cho biết một lý do mà các nhà khoa học nên sẵn sàng trả phí bình duyệt, đó là họ sẽ nhận được những bản đánh giá chất lượng – cung cấp các nhận xét hữu ích và sâu sắc hơn so với những nhận xét trong các báo cáo bình duyệt thông thường. □
Anh Thư lược dịch
Nguồn: https://www.sciencemag.org/news/2020/11/9500-nature-journals-will-now-make-your-paper-free-read