Nền tảng trực tuyến ở châu Âu phải chịu trách nhiệm cao hơn về nội dung

Đã qua rồi cái thời các nền tảng trực tuyến có thể nói rằng họ chỉ phân phối nội dung và không phải chịu trách nhiệm về những gì người dùng đăng trên nền tảng của họ.

Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (Digital Services Act – DSA) của Liên minh châu Âu EU chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8 vừa qua cho thấy nỗ lực của châu Âu nhằm xây dựng không gian trực tuyến an toàn, lành mạnh hơn cho người dùng.

DSA được đánh giá là một trong những bộ luật tham vọng nhất của EU về kiểm soát nội dung trực tuyến, được kỳ vọng sẽ làm cho môi trường trực tuyến trở nên trong lành hơn.

Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, các quy định của DSA sẽ yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ số – bao gồm các cổng thông tin lớn, nền tảng truyền thông xã hội, công cụ tìm kiếm và trang thương mại điện tử hoạt động tại EU phải tăng cường xem xét nội dung bất hợp pháp và bảo vệ dữ liệu người dùng, đồng thời xóa các nội dung trực tuyến bất hợp pháp và có hại, như ngôn từ thù hận, thông tin sai lệch hoặc thông tin giao dịch hàng giả…

Những hành vi lừa người dùng cung cấp dữ liệu cá nhân trực tuyến cho các công ty sẽ bị cấm. Các trang thương mại điện tử phải ngăn chặn việc bán hàng hóa bất hợp pháp theo quy định mới.

Hơn thế, DSA còn buộc các công ty công nghệ cung cấp các nền tảng này phải ngừng sử dụng dữ liệu nhạy cảm của người dùng, như thông tin sức khỏe, xu hướng tình dục, chủng tộc, quan điểm chính trị v.v, để hiển thị cho họ quảng cáo được cá nhân hóa. Các công ty cũng bị cấm các hoạt động quảng cáo có chủ đích nhằm vào các nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em.

Với đạo luật này, EU đặt ra yêu cầu cao hơn về tính minh bạch của thuật toán phía sau các nền tảng, chẳng hạn như các công ty phải tiết lộ cho các nhà quản lý cách thuật toán của họ hoạt động.

Tháng Tư vừa qua, EU đã công bố danh sách 19 nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm lớn, có hơn 45 triệu người dùng ở châu Âu và phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt, gồm: Alibaba AliExpress; Amazon Store; Apple AppStore; Booking.com; Bing; Facebook; Google Play; Google Maps; Google Search; Google Shopping; Instagram; LinkedIn; Pinterest; Snapchat; TikTok; Twitter (mới đổi tên thành X); Wikipedia; YouTube và Zalando.

Hiện tại, các quy tắc chỉ áp dụng cho 19 nền tảng này. Tuy nhiên, sau 6 tháng nữa, chúng sẽ áp dụng cho tất cả nền tảng trực tuyến lớn nhỏ khác nhau đang đặt tại EU hoặc phục vụ khách hàng ở EU.

Các nền tảng có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu không tuân thủ luật, thậm chí bị cấm hoàn toàn ở thị trường EU nếu vi phạm nhiều lần. Đối với một công ty như Meta (công ty mẹ của Facebook), điều đó có thể có nghĩa là một hình phạt cao tới 7 tỷ USD dựa trên số liệu bán hàng năm 2021.

Những thay đổi ban đầu

Các công ty công nghệ lớn đang gấp rút thực hiện một loạt thay đổi để tuân thủ những quy định chặt chẽ hơn của EU.

Meta thông báo, những người dùng Facebook và Instagram tại châu Âu sẽ có thêm quyền kiểm soát, chẳng hạn, có thể lựa chọn xem các nội dung trên Story chỉ từ những người mà họ theo dõi.

TikTok cho biết người dùng của họ có thể chọn được hiển thị video dựa trên vị trí của họ hoặc dựa trên mức độ phổ biến trên toàn thế giới, thay vì dựa trên thuật toán riêng của công ty.

Các công ty khác như Snapchat đã khiến các nhà quảng cáo không thể sử dụng dữ liệu của thanh thiếu niên để hiển thị quảng cáo được cá nhân hóa.

Google đưa ra cam kết mới về cải thiện độ minh bạch trong khâu kiểm duyệt nội dung của mọi dịch vụ, nền tảng mà công ty công nghệ này cung cấp. Cụ thể, Google sẽ mở rộng hoạt động của trung tâm dữ liệu “Ads Transparency Center”, chuyên cung cấp thông tin cho người dùng về hoạt động quảng cáo có chủ đích, đồng thời trao quyền truy cập đặc biệt cho các nhà nghiên cứu để giúp họ hiểu hơn về hoạt động thực tế của công ty này.

Ủy viên Thierry Breton, người giám sát các chính sách kỹ thuật số của châu Âu, cho biết “DSA sẽ được thực thi triệt để và các quyền hạn mới được áp dụng đầy đủ để điều tra và xử phạt các nền tảng khi có lệnh”.

Nhưng chúng ta đừng mong đợi các hình phạt sẽ đến ngay lập tức đối với các vi phạm riêng lẻ, chẳng hạn như không gỡ bỏ một video cụ thể quảng bá ngôn từ kích động thù địch.

Thay vào đó, DSA tập trung nhiều hơn vào việc xem xét liệu các công ty công nghệ có các quy trình phù hợp để giảm tác hại mà những hệ thống đề xuất dựa trên thuật toán của họ có thể gây ra cho người dùng hay không.

Về cơ bản, đến cuối tháng Tám, các công ty đã phải tự xác định và đánh giá các rủi ro hệ thống tiềm ẩn của mình. Sau đó, những đánh giá này sẽ được kiểm toán độc lập và cơ quan chức năng của EU dựa vào kết quả kiểm toán đó để xác minh sự tuân thủ của công ty đối với luật DSA.

Tờ Time nhận xét rằng, mặc dù nhiều điều khoản của DSA chỉ áp dụng cho các nền tảng đang phục vụ EU, nhưng tác động lan tỏa của đạo luật có thể vượt ra ngoài châu Âu, thúc đẩy sự ra đời của những bộ luật tương tự trên toàn cầu, nâng cao trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến.

Quốc Hưng

Tác giả

(Visited 34 times, 1 visits today)