Nga: Nghiên cứu khoa học phải qua cơ quan an ninh phê duyệt
Một viện nghiên cứu sinh học tại trường đại học lớn và uy tín nhất của Nga vừa ra chỉ thị cho các nhà khoa học phải đưa bản thảo nghiên cứu của họ cho cơ quan an ninh phê duyệt trước khi công bố tại các hội thảo hay tạp chí.
Chỉ thị này xuất hiện trong biên bản một cuộc họp vào ngày 5/10 tại Viện Sinh học Lý
– Hóa A.N. Belozersky tại ĐH Lomonosov Moscow (MSU), hưởng ứng một luật lệ mới được sửa đổi về bí mật nhà nước.
Chính phủ Nga nói rằng sửa đổi này không nhằm hạn chế công bố các nghiên cứu cơ bản, phi quân sự. Nhưng các nhà khoa học cho biết, họ tin rằng, các viện nghiên cứu trên khắp đất nước đang đưa ra những chỉ thị tương tự. Mikhail Gelfand – một nhà sinh tin học tại MSU – cho rằng đây là sự quay lại thời kỳ Xô-viết, khi mà để gửi một bài báo cho một tạp chí quốc tế, họ phải có giấy xác nhận rằng kết quả nghiên cứu đó là không mới và không quan trọng và do đó có thể công bố ở nước ngoài.
Năm 1993, Chính phủ đã thông qua một luật lệ bắt buộc các nhà khoa học ở Nga phải xin phép Cơ quan An ninh Liên bang trước khi công bố các kết quả có thể có ý nghĩa quân sự hay công nghiệp. Luật lệ này chủ yếu nhằm vào các nghiên cứu liên quan tới chế tạo vũ khí, bao gồm các vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học.
Tuy vậy, vào tháng Năm vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã dùng một nghị định để mở rộng luật lệ này, áp dụng cho bất cứ ngành khoa học nào có thể sử dụng để phát triển “các sản phẩm mới” được định nghĩa một cách mơ hồ. Sửa đổi này chỉ là một phần trong động thái trấn áp rộng hơn, bao gồm việc tuyên bố rằng thương vong của các binh sĩ trong thời bình sẽ được giữ bí mật, xuất phát từ những cáo buộc rằng binh sĩ Nga đang tham gia vào các cuộc xung đột ở Ukraine.
Kể từ đó, bắt đầu có tin đồn rằng các đại học và viện nghiên cứu của Nga đang yêu cầu các bản thảo phải được phê duyệt trước khi gửi đi các tạp chí để tuân thủ theo sửa đổi mới. Biên bản cuộc họp tại Viện Belozersky đã khẳng định tin đồn đó: “Cần được nhắc nhở rằng pháp luật hiện hành bắt buộc các nhà khoa học phải xin phê duyệt trước khi công bố bất cứ một bài báo, thuyết trình hay áp-phích hội thảo nào.” Họ cũng lưu ý rằng luật lệ này áp dụng cho bất cứ xuất bản hay hội thảo trong hoặc ngoài nước và đối với tất cả cán bộ viện mà không có ngoại lệ. Vladimir Skulachev, Giám đốc Viện Belozersky, đã không trả lời câu hỏi của tạp chí Nature về việc áp dụng sửa đổi này sẽ ảnh hưởng ra sao đến nghiên cứu trong Viện.
Nhà địa lý Viacheslav Shuper thuộc Học viện Khoa học Nga và MSU cho biết, các nhà khoa học sẽ phải xin phê duyệt từ Phòng Nhất (First Department – một nhánh của Cơ quan An ninh Liên bang tại tất cả các trường và viện nghiện cứu của Nga) của trường mình. Ông cho biết, các nhà địa lý ở MSU đã nhận được chỉ thị tương tự.
Shuper và các học giả khác nói rằng các nhà nghiên cứu khắp nước Nga đang than phiền về việc luật mới, bắt đầu được áp dụng tại các viện nghiên cứu của họ. Nhiều nhà khoa học Nga không dám lên tiếng công khai nhưng bên trong rất không hài lòng về sự đi xuống của nền tự do học thuật. Shuper cho rằng để các công chức quyết định xem một nghiên cứu khoa học có phải là bí mật quốc gia không sẽ không chỉ gây căng thẳng mà còn rất phiền toái. Ví dụ, tại một số viện, các nhà khoa học viết bài báo bằng tiếng Anh cho các tạp chí nước ngoài sẽ bị yêu cầu phải dịch toàn bộ sang tiếng Nga để trình cơ quan an ninh.
Nhà sinh học người Nga Fyodor Kondrashov đang làm việc tại Trung tâm Điều hòa Gene tại Barcelona cũng cho rằng sửa đổi mới ảnh hưởng tiêu cực tới khoa học. Luật lệ này khiến mọi kết quả nghiên cứu khoa học có vẻ như đều có thể phân loại được, bởi vậy sẽ tạo ra một môi trường nghiên cứu không lành mạnh khi một số nhà khoa học không muốn chia sẻ thông tin nghiên cứu của mình nữa, ví dụ không muốn thuyết trình tại các hội thảo ở nước ngoài. Kondrashov còn lo ngại rằng chính quyền sẽ áp dụng luật này một cách có chọn lọc nhằm vào những người hay chỉ trích họ.
Trong khi đó, Sergey Salikhov, Giám đốc Ban KH&CN của Bộ Khoa học Nga, trả lời tờ Nature rằng, Chính phủ không có ý định dùng sửa đổi này để hạn chế công bố nghiên cứu cơ bản. Chính phủ không bắt buộc các trường đại học hay các cơ quan an ninh phải chủ động thực thi quy định mới đối với các nghiên cứu dân sự.
Nhưng luật sửa đổi này lại được giải thích bởi các cơ quan an ninh và các nhà quản lý khoa học, những người có xu hướng quá sốt sắng, nhà tin sinh học Gelfand nói. Về cơ bản, bất cứ kết quả nghiên cứu nào mới và có khả năng ứng dụng đều có nguy cơ bị liệt vào bí mật quốc gia, theo nhà sinh học phân tử Konstantin Severinov ở Viện nghiên cứu KH&CN Skolkovo.
Gelfand cho biết ông sẽ không tuân thủ quy định mới và hy vọng nhiều đồng nghiệp cũng làm như vậy.
Các nhà khoa học cũng cho rằng quy định mới đang đi ngược lại những nỗ lực của chính phủ nhằm đẩy mạnh quốc tế hóa nền khoa học Nga. Chính phủ đang hướng tới mục tiêu đưa năm trường đại học của mình vào top 100 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2020 và thu hút các nhà khoa học nước ngoài hàng đầu về Nga.
Khánh Minh dịch
Nguồn:
http://www.nature.com/news/russian-secret-service-to-vet-research-papers-1.18602?WT.mc_id=FBK_NatureNews