Ngành Cơ học với Nafosted

So với các lĩnh vực Toán hay Lý, thì NCCB ngành Cơ học có lẽ khác nhiều hơn ở sự thay đổi bước ngoặt kể từ khi có chính sách mới của Nafosted.

Từ ngay đợt đầu, 80% số đề tài NCCB cũ bị loại, trong khi 50% số đề tài mới là của các TS trẻ lần đầu tiên được chủ trì đề tài nhờ quy định công bố quốc tế của Quỹ. Các TS trẻ, chủ yếu từ nước ngoài về, đang đóng vai trò trọng yếu trong NCCB và hình thành nền Cơ học mới hướng tới hội nhập.  

Năm đầu tiên ngành Cơ có hơn hai chục đề tài đăng ký, hai năm sau mỗi năm có 12-15 đề tài đăng ký, và năm 2012 con số đề tài đăng ký đã tăng vọt lên con số 36. Tôi chưa được  xem xét cụ thể số đề tài đăng ký mới này cũng như các cá nhân cụ thể, nhưng đây rõ ràng là tín hiệu đáng mừng cho con đường Quỹ đã chọn và cho ngành Cơ học. Đầu tiên các đề tài chủ yếu tập chung ở Viện Cơ học. 

Ngành Cơ học – một trong 7 lĩnh vực NCCB ở VN – nghiên cứu các tương tác và chuyển động (khả năng chịu lực, vận hành) của các kết cấu rắn, môi trường lỏng và khí, và nó  bao quát khá rộng các lĩnh vực kỹ thuật, chứ không tách riêng biệt như Toán hay Vật lý. Vì vậy để phù hợp hơn với các cách diễn đạt quốc tế, và có sức thu hút hơn đối với các đồng nghiệp rộng rãi trong nước trong lĩnh vực liên quan đến cơ học, chúng ta nên xem xét đổi tên “Cơ học” thành “Cơ học Kỹ thuật” (“Engineering Mechanics”) hay rộng hơn nữa là “Cơ học và Kỹ thuật” (“Engineering and Mechanics”), tức là Kỹ thuật liên quan chủ yếu tới Cơ học (như Mechanical Engineering, Civil Engineering,…).

Khác với các ngành Toán hay Vật lý, nơi trọng tâm NCCB vẫn tập trung ở các Viện Toán và Vật lý, là những nơi có truyền thống về NCCB, thì ở ngành Cơ học trọng tâm NCCB đã chuyển từ Viện Cơ (trước đây chiếm tới 50%, nay chỉ còn 1/3-1/4) sang các Đại học ĐHBK HN và ĐHBK TP.HCM, rồi đang lan tới các cơ sở khác ĐHXD, ĐHKHTN TP.HCM, ĐHGT, ĐHCN TP.HCM, ĐHKT HN, ĐHNL TP.HCM, HVKTQS, … với ưu thế từ lực lượng TS trẻ từ nước ngoài trở về. Điều đó cũng phản ánh thực tế đa dạng của ngành Cơ học.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các đề tài ngành Cơ học vẫn là cơ học vật thể và kết cấu rắn (các kết cấu chịu lực như nhà, máy móc, cầu cống, đường xá, xe cộ, hầm mỏ, vật liệu tổ hợp,… đều là vật thể rắn). Quốc tế cũng là như vậy, tuy nhiên hướng cơ học chất lỏng ở ta lại yếu bất thường, dù nó liên quan tới nhiều lĩnh vực quan trọng như thủy lợi, khí tượng thủy văn, vận hành máy, đóng tàu, hàng không…. Tuy vậy về lĩnh vực liên quan là cơ học tính toán thì đang hình thành một nhóm trẻ mạnh ở TP. HCM. Điều đáng mừng là tính đa dạng trong ngành cơ học đang được mở rộng, với những đề tài mới gần với ứng dụng, kỹ thuật cơ khí, thực nghiệm từ các TS trẻ được đào tạo ở nước ngoài.

Số công bố quốc tế ngành Engineering của VN theo thống kê ISI không ít hơn nhiều so với ngành  Toán, nhưng số đề tài hiện ít hơn hẳn – điều đó thể hiện số công bố của ngành Cơ chủ yến nằm trong số TS, NCS trẻ đang ở nước ngoài, và một số mới trở về các cơ sở trong nước nhưng chưa quan tâm hay thậm chí chưa biết tới Nafosted. Một phần là ở nhiều ĐH, Viện, trung tâm nghiên cứu ứng dụng người ta có các đề tài và nguồn kinh phí còn hấp dẫn hơn và ở đó cũng không có truyền thống làm NCCB. Trong các đề tài ngành cơ học tuyệt nhiên không có đề tài nào từ các viện kỹ thuật chuyên ngành thuộc các Bộ như Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, Viện KTGT VT, Viện KTXD, Viện Thủy lợi, … dù ở đó họ cũng có những TS trẻ được đào tạo ở nước ngoài trở về.

Ngành Cơ học VN trước đây công bố ít nhưng chủ yếu là bài SCI, nhưng nay đang tăng mạnh tỷ lệ bài SCI E, chưa kể bài ISI hội nghị – thể hiện xu hướng tìm mọi cách đạt các tiêu chuẩn hình thức của Quỹ. Rõ ràng chất lượng các tạp chí khác nhau nhiều, mà trước tiên là giữa các tạp chí SCI và SCI E. Thêm nữa còn có những bài ISI hội nghị và các bài nộp tiền để đăng mà trong nhiều trường hợp có chất lượng rất thấp. Vai trò tác giả chính cũng rất khác vai trò tác giả phụ trong nhiều bài báo. Cũng còn có xu hướng lợi dụng, mua để có tên trong bài người khác, giống như  mua bài và luận án TS, TSKH ở Liên Xô thời lộn xộn những năm 90. Quỹ cần có những chính sách thích hợp để khuyến khích chất lượng và làm thực, tránh bị lừa bởi hình thức số lượng và tác giả ma, điều quan trọng ở đây phải có được các Hội đồng ngành có năng lực và công tâm để giúp cho Quỹ trong công tác đánh giá đó. Quỹ và các Hội đồng ngành cần khuyến khích các cá nhân cung cấp được thông tin cụ thể để giúp đánh giá và xử lý các gian lận khoa học một cách công bằng.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)