Ngành đo lường cần được đầu tư đi trước một bước

Năm trong số 11 lĩnh vực chuẩn đo lường của Việt Nam được công nhận trên toàn cầu là một thành công đáng khích lệ, nhưng Viện Đo lường không thể dừng lại mà cần tiếp tục nâng cao năng lực đo lường nhằm đáp ứng những đòi hỏi từ thực tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự công nhận toàn cầu đối với năm chuẩn được đề cập trên đây, bao gồm độ dài, khối lượng, thời gian – tần số, áp suất, và dung tích lưu lượng, có nghĩa là một đơn vị của mỗi chuẩn này tại Viện Đo lường có giá trị bằng một đơn vị của chuẩn tương đương tại những viện đo lường hàng đầu trên thế giới. Để đạt được kết quả này là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, trong đó đáng kể nhất là chuẩn dung tích lưu lượng, một chuẩn khó mà ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ có 4 quốc gia đạt được là Nhật, Úc, Hàn Quốc, và Việt Nam, theo lời TS. Vũ Khánh Xuân, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam. Đây là một thành tích ấn tượng của Viện Đo lường Việt Nam – cơ quan có nhiệm vụ thiết lập, duy trì, bảo quản, và dẫn xuất toàn bộ hệ thống chuẩn quốc gia – trong điều kiện cơ sở vật chất và mức đầu tư của Nhà nước dành cho viện còn rất khiêm tốn so với quốc tế.

Vai trò của hạ tầng kỹ thuật đo lường

Tất cả 11 lĩnh vực chuẩn đo lường của Việt Nam hiện đều đang đặt tại Viện Đo lường Việt Nam và được dẫn xuất tới các chi Cục Đo lường tại các địa phương cùng hệ thống các phòng thí nghiệm đo lường trên khắp cả nước. Những doanh nghiệp muốn chứng minh năng lực đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm của mình đều phải thể hiện khả năng đo lường đối chiếu với các quy chuẩn này. Năng lực đó chỉ có thể được chứng nhận bởi các cơ quan chức năng về đo lường, và Viện Đo lường Việt Nam là cơ quan có tiếng nói tối hậu, có khả năng chứng thực về năng lực đo lường cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng về đo lường khác.

Nhà nước cần có một tầm nhìn mang tính chiến lược toàn diện về vai trò của ngành đo lường, nhằm tìm hiểu giá trị và sự cần thiết của chuẩn đo lường đối với từng giai đoạn phát triển của các ngành nghề cụ thể, gắn với đặc thù phát triển của Việt Nam, từ đó xác định ra những lĩnh vực và những sản phẩm đòi hỏi phát triển chuẩn đo lường một cách cấp bách nhất, từ đó chỉ ra những nhiệm vụ thật cụ thể cho ngành đo lường. 

Đây chính là hạ tầng kỹ thuật đo lường của Việt Nam, có vai trò như một hệ quy chiếu giúp hiệu chuẩn cho toàn bộ các phương tiện đo lường, là cơ sở để đảm bảo tính chính xác cho các thiết bị, máy móc tại tất cả các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ và các cơ sở sản xuất. Nếu thiếu đi hạ tầng kỹ thuật này, mọi sản phẩm hàng hóa sẽ không có cơ sở để đảm bảo chất lượng, tính an toàn, và độ chính xác của các thông số kỹ thuật; các nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ không có căn cứ để đảm bảo tính xác thực của dữ liệu cũng như kết quả tính toán. Như vậy, các ngành kinh tế và nền khoa học công nghệ của đất nước sẽ không thể phát triển, nhiều sản phẩm sẽ không vượt qua được rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, hoặc sẽ phải nhờ tới dịch vụ đo lường nước ngoài với chi phí tốn kém mà kết quả dù đúng hay sai thì chúng ta vẫn phải chấp nhận.

Ví dụ như trong ngành điện, trước đây khi Việt Nam từng phải nhập điện từ Trung Quốc, do chúng ta thiếu chuẩn để đo lường nên hoàn toàn không nắm được mình đã nhập khẩu bao nhiêu mà phải hoàn toàn phó thác vào con số cung cấp từ phía Trung Quốc. Tương tự như vậy, trong ngành dầu khí, trước đây chúng ta không thể đo được dung tích hầm chứa các con tàu chở dầu, thường phải nhờ tới dịch vụ đo lường của Úc với chi phí đắt đỏ. May mắn là trong cả hai trường hợp này, Viện Đo lường cuối cùng đều đưa ra được phép đo thành công mà nước ngoài phải thừa nhận, nhờ đó giúp tiết kiệm hao phí, bảo vệ được lợi ích của quốc gia. 

Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng trong nước, hạ tầng kỹ thuật đo lường của quốc gia còn giúp giảm chi phí hiệu chuẩn cho các cơ sở sản xuất nước ngoài hoạt động trên thị trường nội địa, và là yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. “Các nhà đầu tư nước ngoài trước khi đầu tư vào Việt Nam đều đến tiếp xúc làm việc với Viện Đo lường Việt Nam”, TS. Vũ Khánh Xuân cho biết. Điều họ muốn kiểm tra là năng lực và các phòng thí nghiệm của Viện, và tìm hiểu liệu Viện có thể hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn đo cho họ hay không. Nếu Viện không đáp ứng được thì các máy móc, thiết bị của những cơ sở sản xuất này sẽ phải được đưa ra nước ngoài hiệu chuẩn, và chi phí chắc chắn sẽ không nhỏ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cần một nhận thức đầy đtầm nhìn chiến lược

Lâu nay, chúng ta chưa có một nghiên cứu nào thống kê và đánh giá một cách tương đối những tiết kiệm về chi phí và lợi ích mà chuẩn đo lường đem lại cho các ngành công nghiệp, và có thể coi đây là một thiếu sót. Lẽ ra Nhà nước cần có một tầm nhìn mang tính chiến lược toàn diện về vai trò của ngành đo lường, nhằm tìm hiểu giá trị và sự cần thiết của chuẩn đo lường đối với từng giai đoạn phát triển của các ngành nghề cụ thể, gắn với đặc thù phát triển của Việt Nam, từ đó xác định ra những lĩnh vực và những sản phẩm đòi hỏi phát triển chuẩn đo lường một cách cấp bách nhất, từ đó chỉ ra những nhiệm cụ thể cho ngành đo lường.

Khi một chuẩn đo lường nào đó của Viện Đo lường vẫn chưa được quốc tế công nhận thì mọi chuẩn đo lường của các cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp, có nguồn gốc dẫn xuất từ chuẩn nguồn đó cũng sẽ không được công nhận.

Về vấn đề này, hiện nay Viện đã và đang chủ động xây dựng Quy hoạch Hệ thống Chuẩn Quốc gia đến năm 2020, đồng thời vẫn đang tiếp tục nỗ lực tự phát triển và hoàn thiện năng lực, thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, ví dụ như hợp tác với các viện đo lường của Hàn Quốc và Thái Lan. Mong muốn của Viện là tiếp tục nghiên cứu và phát triển mở rộng danh sách các chuẩn đo lường quốc gia được thế giới công nhận. Đây có thể coi là mục tiêu mang tầm ý nghĩa chiến lược cho quốc gia, vì khi một chuẩn đo lường quốc gia vẫn chưa được quốc tế công nhận thì mọi chuẩn đo lường của các cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp, có nguồn gốc dẫn xuất từ chuẩn nguồn đó cũng sẽ không được công nhận.

Để Viện có thể cải thiện năng lực đo lường theo kịp nhu cầu phát triển của đất nước, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu của người dân về các quy chuẩn chất lượng sản phẩm ngày càng cao, điển hình là những sản phẩm liên quan tới sự an toàn và sức khỏe con người như các mặt hàng xăng dầu hay các sản phầm và thiết bị y tế. “Một vài năm trước dư luận xã hội từng lo ngại về tình trạng loạn chuẩn kính mắt, khi mà mỗi chiếc kính lại theo một chuẩn đo lường riêng của nhà sản xuất, trong khi trong nước vẫn chưa có các thiết bị hiệu chuẩn quang học đáng tin cậy”, mà nguyên nhân chính là sự thiếu đầu tư của Nhà nước. Phải đến khi Viện được sự đầu tư của Nhà nước để mua những trang thiết bị cần thiết trong lĩnh vực đo lường quang học sau một thời gian vận động và thuyết phục kiên trì, thì vấn đề này mới được giải quyết, TS. Vũ Khánh Xuân chia sẻ.

Nhìn chung, trên thị trường hiện nay vẫn còn rất nhiều những thiết bị, sản phẩm khác mà chất lượng chưa đảm bảo, hoặc không được thẩm định rõ ràng, có nguy cơ gây thiệt hại quyền lợi hoặc mất an toàn cho người dân. “Đơn cử như những chiếc máy đo huyết áp mà trên thị trường vẫn bày bán rất nhiều, người tiêu dùng vẫn thường xuyên mua về và sử dụng nhằm theo dõi sức khỏe của bản thân, thế nhưng không ai dám chắc về độ chuẩn xác của những thiết bị này”.      

Một vài năm trước dư luận xã hội từng lo ngại về tình trạng loạn chuẩn kính mắt, khi mà mỗi chiếc kính lại theo một chuẩn đo lường riêng của nhà sản xuất, trong khi trong nước vẫn chưa có các thiết bị hiệu chuẩn quang học đáng tin cậy.

Để giải quyết thực trạng trên đây, yếu tố quan trọng nhất theo TS. Vũ Khánh Xuân chính là nhận thức đầy đủ và đúng đắn của các nhà quản lý về tầm quan trọng của hệ thống chuẩn đo lường, thấy rằng việc xây dựng và triển khai ứng dụng các chuẩn đo lường chính là nền tảng để bảo vệ lợi ích chính đáng của mọi người dân, và luôn cần “đi trước một bước nhằm đáp ứng sự phát triển của các ngành kinh tế – xã hội”. Ngoài ra, ông cho rằng các nhà quản lý cũng cần xây dựng những chế tài đủ sức răn đe – ví dụ như chế tài đối với các cá nhân, tổ chức gian dối trong kinh doanh và sản xuất thực phẩm, gây tổn hại tới sự an toàn và sức khỏe của người dân – vì có như vậy thì các đối tượng liên quan thực hiện đúng theo những quy chuẩn chất lượng đã được quy định, và nhờ đó các chuẩn đo lường mới phát huy được đầy dủ hiệu quả của chúng trong thực tiễn đời sống.  

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)