Nghị định 115: Thiếu nhất quán giữa mục đích và phương tiện

Nghị định 115 là một câu chuyện dài về triết lý tổ chức và quản lý khoa học, mà ngay trong cộng đồng nghiên cứu của chúng ta vẫn chưa làm rõ được.

Từ khi ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 115) đến nay sắp được 10 năm. Song việc đi vào cuộc sống của Nghị định còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Như thế có thể xem là chậm.

Vấn đề là do đâu mà Nghị định 115 chậm đi vào cuộc sống, mặc dầu những ý tưởng về tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) là một ý tưởng hoàn toàn tốt đẹp.

Viện Chính sách và Quản lý thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đang được Bộ KH&CN giao nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá việc thực hiện Nghị định 115 và đề xuất biện pháp để Nghị định 115 đi vào cuộc sống. Công việc nghiên cứu mới chỉ bắt đầu, và vì vậy, trong bài viết này tôi chỉ xin nêu một vài nhận định sơ bộ.

Vấn đề đặt trước Nghị định 115

Theo chúng tôi suy nghĩ, xu thế cải cách quản lý hiện nay có một đặc trưng cơ bản, là nhà nước muốn rút chân ra khỏi quyền độc tôn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng tương tự như vậy đối với hàng loạt hoạt động khác, trong đó có hoạt động KH&CN.

Với nghị quyết Đại hội VI (1986), các thành phần tư nhân đã tái xuất hiện trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và giáo dục. Nhà nước không còn chiếm giữ vai trò độc tôn, nhưng vẫn nắm giữ vai trò “chủ đạo”. Cái lúng túng hiện nay là, thế nào là chủ đạo, chủ đạo đến đâu, … cả trong kinh tế và KH&CN. Người quan sát có thể thấy rất rõ, là nhà nước rất sợ “tuột tay”.

Với Nghị định 115, qua giải thích của những người có trách nhiệm, và trong chừng mực nhất định theo lời văn của Nghị định, chúng ta hiểu Nhà nước đang muốn các viện và các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Nhưng thế nào là tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cách hiểu giữa các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu, cũng như giữa các nhà nghiên cứu với nhau, vẫn đang còn những khoảng cách xa nhau nhiều lắm.

Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ?

Cứ theo như cách giải thích trên các phương tiện truyền thông, thì việc đưa ra chính sách về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động KH&CN trên thực chất là đi vào quỹ đạo của một hệ thống KH&CN tự trị. Trong một số bài viết trên công luận, tôi đã mạnh dạn sử dụng khái niệm tự trị. Tôi muốn gọi sự vật bằng cái tên thật của nó: Tự trị là thuộc tính bản chất của khoa học (và cả giáo dục nữa).

Có nhiều nội dung phong phú về quyền tự trị, trong đó có những nội dung nghe tưởng rất quen tai, nhưng thật ra rất dị biệt với các thiết chế hiện hành. Tôi chỉ xin nêu hai điểm:

Đơn vị nghiên cứu và đào tạo tự vạch chương trình nghiên cứu và đào tạo cho mình và tự đi tìm kiếm các nguồn tài trợ, trong đó có nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước.

Đơn vị nghiên cứu và đào tạo ký các hợp đồng với các đối tác khác nhau, trong đó, có một đối tác là nhà nước. Đơn vị được tự quyền quyết định việc sử dụng nguồn thu theo hợp đồng.

Hai nội dung trên đây tưởng đơn giản, nhưng nếu làm được, thì đó là cuộc đổi đời vĩ đại cho nền khoa học nước ta.

Một tiểu phẫu thuật với Nghị định 115

Đúng ra phải làm một đại phẫu thuật. Nhưng điều đó không thể thực hiện trong khuôn khổ của một bài viết. Do vậy trong số 19 điều của Nghị định 115, tôi chỉ xin thử làm một phẫu thuật nhỏ xung quanh hai trong ba khoản của Điều 7. Hai khoản đó như sau:

Khoản 1a. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước do các cơ quan nhà nước giao, đặt hàng trực tiếp hoặc thông qua tuyển chọn, đấu thầu và được cấp theo phương thức khoán trên cơ sở hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa cơ quan nhà nước và tổ chức khoa học và công nghệ.

Khoản 1a chứng tỏ, hệ thống KH&CN Việt Nam vẫn là mô hình của một nhà nước độc tôn LÀM khoa học, còn cộng đồng khoa học vẫn đóng vai trò của kẻ làm thuê cho nhà nước. Khoản này tự nó đã chỉ rõ: Các đơn vị nghiên cứu không có quyền tự chủ.
————————–
Những người ít am hiểu nhất về quản lý khoa học, cũng thừa biết, khi nước ta chưa thực sự có kinh tế thị trường, các doanh nghiệp nhà nước vẫn được bà nhũ mẫu nhà nước “chăm bẵm”, thì nó cần gì bươn chải để tìm đến những hợp đồng đổi mới công nghệ. Như vậy Khoản 2 cũng là bất khả thi trên thực tế.

Khoản 2. Nguồn thu từ các hoạt động sự nghiệp, bao gồm: thu từ phí và lệ phí theo quy định; thu từ hoạt động cung ứng dịch vụ; thu từ hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hợp đồng chuyển giao công nghệ; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu từ sự nghiệp khác (nếu có).

Giải phẫu Khoản 1a: Các tổ chức KH&CN chỉ là những kẻ làm thuê theo những nhiệm vụ nhà nước giao, nhà nước đặt hàng, nhà nước cho đấu thầu. Nhìn đề tài của các viện hiện nay, chúng ta chỉ thấy những đề tài, nhiệm vụ, chương trình nhận theo hợp đồng với nhà nước các cấp: đề tài nhà nước cấp cơ sở; đề tài nhà nước cấp Bộ và đề tài nhà nước cấp cao nhất. Tất tật là đề tài của nhà nước các cấp. Khoản 1a chứng tỏ, hệ thống KH&CN Việt Nam vẫn là mô hình của một nhà nước độc tôn LÀM khoa học, còn cộng đồng khoa học vẫn đóng vai trò của kẻ làm thuê cho nhà nước. Điều thú vị là, dù ý tưởng nghiên cứu là do cá nhân hoặc tập thể nghiên cứu đề xuất, nhưng cuối cùng, khi đã được duyệt thì đều trở thành đề tài của nhà nước các cấp, vẫn nhà nước nghiệm thu, không có đề tài nào chính thực là đề tài “cấp cá nhân” được nhà nước tài trợ. Khoản này tự nó đã chỉ rõ: Các đơn vị nghiên cứu không có quyền tự chủ.

Giải phẫu Khoản 2: Các tổ chức KH&CN được “thoải mái” tự chủ ký các hợp đồng với các doanh nghiệp ngoài thị trường. Nhưng trên thực tế, lấy đâu ra hợp đồng mà ký? Cả nước đã mở ra bao nhiêu “Chợ công nghệ”, nhưng thử hỏi đã có bao nhiêu hợp đồng thực sự là hợp đồng chuyển giao công nghệ? Từ đây, những người ít am hiểu nhất về quản lý khoa học, cũng thừa biết, khi nước ta chưa thực sự có kinh tế thị trường, các doanh nghiệp nhà nước vẫn được bà nhũ mẫu nhà nước “chăm bẵm”, thì nó cần gì bươn chải để tìm đến những hợp đồng đổi mới công nghệ. Như vậy Khoản 2 cũng là bất khả thi trên thực tế.

Chẳng thế mà, trong cộng đồng khoa học đã có câu chuyện tiếu lâm: Qua một đêm, Thủ tướng tỉnh dậy giật mình thấy nước ta bỗng trở nên một cường quốc về nghiên cứu cơ bản. Cường quốc kiểu gì vậy? Thì ra một lô một lốc viện, có viện tới hàng ngàn con người, đã ra sức thuyết minh để mình thành “viện nghiên cứu cơ bản” để khỏi phải … tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115.

Vậy cần làm gì để Nghị định 115 đi vào cuộc sống?

Đây là câu chuyện dài về triết lý tổ chức và quản lý khoa học, mà ngay trong cộng đồng nghiên cứu của chúng ta vẫn chưa làm rõ được, là bản thân mình, cộng đồng nghiên cứu, cần có những QUYỀN gì, mà vẫn cứ loay hoay đòi nhà nước quan tâm, đòi nhà nước trọng dụng, đòi nhà nước đãi ngộ… trong khuôn khổ các… đề tài “cấp” nhà nước, thậm chí tôi còn nhiều lần được nghe một giáo sư, viện trưởng, đích thực là người đang làm chức phận quản lý khoa học, lại đòi xóa bỏ quản lý khoa học. Vị giáo sư viện trưởng của chúng ta đã nhầm: chính thực là ông ta muốn đòi quyền tự trị, với sự hỗ trợ của các thiết chế quản lý vĩ mô.

Hàng loạt thiết chế vĩ mô đang cản trở thực hiện quyền tự trị của tổ chức khhoa học. Tôi xin đơn cử một ví dụ rất rất nhỏ: Điều 13 của Luật KH&CN quy định các tổ chức KH&CN phải đăng ký các lĩnh vực hoạt động và chịu trách nhiệm về những hoạt động đã đăng ký đó. Như thế là đã ngăn chặn việc “tự chủ” đề xuất những tư tưởng mới của khoa học ngay từ trong trứng nước. Chẳng hạn, nhà sinh học Ludwig von Bertalanffy phải đăng ký các hoạt động trong lĩnh vực sinh học thuộc tổ chức nghiên cứu sinh học của ông, nhưng … đùng một cái, ông nghĩ ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, là Lý thuyết hệ thống, chẳng liên quan gì với những hướng nghiên cứu sinh học đã đăng ký. Vậy là ông bị xử lý theo pháp luật. Hết tự chủ, và miễn phải tự chịu trách nhiệm.

***

Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức KH&CN là câu chuyện rất dài, chưa được bàn từ cái gốc. Đó là, mục đích tự chủ (Điều 2) phải được đi kèm với sự tự chủ về các phương tiện để tự chủ, trong đó có một phương tiện rất quan trọng, là tự chủ về công việc và tự chủ về tài chính (Điều 7).

Vì vậy, tôi rất hoan nghênh vừa qua tạp chí Tia Sáng đã tổ chức cuộc hội thảo về vấn đề này và hi vọng diễn đàn sẽ tiếp tục được mở rộng, giúp làm rõ thêm nội dung của việc xác lập quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN nước ta.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)