Nghiên cứu Biển Đông: Đóng góp tài chính từ cộng đồng

“Để vừa bảo vệ được chủ quyền, vừa giữ được hòa bình trên Biển Đông, thì việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học cũng quan trọng không kém gì đầu tư mua sắm vũ khí. Chỉ cần mỗi người Việt Nam đóng góp vài ngàn đồng, chúng ta sẽ có một nguồn lực tài chính dồi dào để mua sắm những “vũ khí pháp lý”, “vũ khí khoa học” cho mình” – một nhà nghiên cứu về Biển Đông trao đổi với Tia Sáng.

Trông người…

Giữa tháng 2.2012, Trung Quốc loan tin sẽ tiến hành thử nghiệm tàu lặn Jiaolong ở độ sâu 3000m và sau đó đạt đến độ sâu 7000m dưới mực nước biển ở khu vực Biển Đông trong năm 2012. Đây là kết quả của một dự án trị giá 1,5 tỉ NDT (tương đương khoảng 238 triệu USD) được Trung Quốc khẳng định nhằm mục đích nghiên cứu khoa học tại Biển Đông. Nhiệm vụ chính của tàu lặn Jiaolong là nghiên cứu vật lý, hóa học, sinh học, thám hiểm đại dương và cứu hộ dưới đáy biển sâu. Với dự án này, Trung Quốc trở thành nước thứ 5 trên thế giới chế tạo được tàu lặn có khả năng lặn sâu hơn 3,5 km và hỗ trợ đắc lực cho công tác nghiên cứu Biển Đông của nước này.

Tàu lặn Jiaolong được dự kiến tham gia một dự án nghiên cứu Biển Đông có tên gọi “South China sea deep”. Đây là dự án được khởi động từ tháng 1.2011 và kéo dài 8 năm được Quỹ quốc gia về khoa học tự nhiên của Trung Quốc tài trợ tới 22 triệu USD (tương đương 440 tỷ đồng) với mục đích nghiên cứu các điều kiện tự nhiên của một khu vực có diện tích 3,5 triệu km2 và đạt tới độ sâu 5,5 km ở Biển Đông mà Trung Quốc xem như thuộc chủ quyền của họ.

Không chỉ có thế, một trung tâm công nghệ biển sâu cũng đang được nước này lên kế hoạch với dự toán lên tới 50,6 triệu USD và một khoản tiền gấp 4 lần con số trên sẽ được rót cho một mạng lưới các đài quan sát đáy đại dương, với tham vọng ngang tầm với các hệ thống tương tự của Canada hay Mỹ.

Lợi ích mà Trung Quốc thu được từ các dự án nghiên cứu trên không chỉ giới hạn ở những tri thức khoa học. Ông Trương Công Thành, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc đã từng phát biểu rằng: “Trữ lượng khí tự nhiên tại Biển Đông ước tính lên tới 200.000 tỷ m3. Nghiên cứu thuần túy là rất tốt, xong sẽ không phương hại gì nếu cùng một lúc để ý tới một số vấn đề khác”.

Có thể thấy rằng, những khoản tài trợ hào phóng mà Chính phủ Trung Quốc dành cho giới nghiên cứu Biển Đông của nước này, đã, đang và sẽ giúp họ giành được lợi thế to lớn xét về cả khía cạnh học thuật lẫn chiến lược tìm kiếm lợi ích ở Biển Đông.

Ngẫm ta…

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt được biết đến trong giới nghiên cứu Biển Đông ở Việt Nam như một người có nhiều bài viết và tham luận được công bố cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cũng như phần lớn các nhà nghiên cứu Biển Đông ở Việt Nam, ông sống bằng một nghề khác. Vị giảng viên của ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh này cho biết: “Nhìn chung giới nghiên cứu trong lĩnh vực Biển Đông thuần túy làm việc vì nhiệt huyết. Họ không có nguồn tài trợ nào và tự trang trải cho các chi phí, đôi khi rất đắt đỏ, trong quá trình nghiên cứu”.

Để có cơ sở vững chắc và chuyên sâu cho một nghiên cứu, đôi khi họ phải đặt mua tài liệu từ nước ngoài. Tổng chi phí từ giá mua sách cho đến chi phí vận chuyển đến tay người nhận có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Để có được những tài liệu như vậy, họ phải huy động sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp mà không thể trông cậy vào một nguồn tài trợ nào khác.

Năm 2004, công chúng Việt Nam lần đầu tiên được biết đến những tấm bản đồ cổ của nước ngoài khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là bản đồ (nguyên bản của công ty Đông Ấn – Hà Lan) với dòng đánh dấu vùng quần đảo giữa Biển Đông ghi rõ “Baixos de Chapar” (tức là “Bãi cát của Champa”) và tấm bản đồ đánh dấu vùng bờ biển tương đương với khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi là “Costa de Paracel” (có nghĩa là “bờ biển Paracel”, tức bờ biển Hoàng Sa). Mặc dù chứa đựng những căn cứ quan trọng đối với chủ quyền quốc gia như vậy, ít ai biết rằng, để có được chúng, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) – đã phải tự bỏ ra hàng nghìn USD để được phép khai thác chúng từ thư viện của các trường đại học Hà Lan, Úc.

Một nhà nghiên cứu (giấu tên) chia sẻ với Tia Sáng rằng, ông và 3 đồng nghiệp khác vừa hoàn thành một công trình nghiên cứu về Biển Đông với tổng kinh phí được tài trợ là 80 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, riêng chi phí mua và dịch những tài liệu được đánh giá là “cực kì khó” cho đề tài này đã ngốn mất ¾ khoản tài trợ. Vì vậy nhóm thực hiện đề tài phải tự trang trải các chi phí còn lại. Với tình trạng thiếu hụt kinh phí cho nghiên cứu trầm trọng như vậy, ông cũng cho rằng, khó có thể kỳ vọng nhiều vào chất lượng các công trình được công bố.

Ở Việt Nam hiện nay, công tác nghiên cứu biển và hải đảo nằm rải rác dưới sự quản lý của 15 Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,… Hiện Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) đang là cơ quan chủ lực thực hiện “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (thường được gọi là Đề án 47), vốn được triển khai từ năm 2006. Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Biển và Hải đảo, công tác nghiên cứu đang gặp khó khăn rất lớn về nhân lực và phương tiện nghiên cứu. Nếu như tàu lặn Jiaolong của Trung Quốc được đầu tư tới 238 triệu USD thì Tổng cục Biển và Hải đảo chỉ có một con tàu nghiên cứu biển đã xuống cấp vốn được đóng từ năm 1995, với những trang thiết bị nghiên cứu, khảo sát đã lạc hậu. Theo số liệu được dẫn bởi Thông tấn xã Việt Nam, tổng kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2006 – 2010 của Tổng cục chỉ là… 7,6 tỷ đồng. Việc thiếu thốn kinh phí khiến cho công tác nghiên cứu chỉ được tiến hành trên những diện tích rất nhỏ hẹp và số liệu thu được là rất hạn chế. 

Vụ Khoa học xã hội và Tự nhiên (Bộ KH&CN) cũng là một cơ quan quản lý công tác nghiên cứu, trong đó có Chương trình “Khoa học công nghệ biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội” (KC.09/06-10) – một trong những Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước. Theo số liệu do Vụ cung cấp, từ năm 2006 đến 2010, Chương trình này đã cấp kinh phí cho 28 đề tài với mức tài trợ từ 4 – 6 tỷ đồng/đề tài. Dự kiến trong giai đoạn 2011 – 2015, mức tài trợ cho một đề tài nghiên cứu có thể lên đến mức 5 – 7 tỷ đồng. Hầu hết các đề tài được phê duyệt có đối tượng nghiên cứu là các điều kiện tự nhiên như đánh giá nguồn lợi hải sản, điều kiện kiến tạo địa chất Biển Đông, nghiên cứu ứng dụng phương án xây dựng công trình trên các đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa…, và không có nhiều công trình nghiên cứu về pháp lý, chủ quyền. Kết quả Chương trình thu được trong giai đoạn 2006 – 2010 cũng tương đối hạn chế, với 201 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí trong nước và 32 bài báo ở tạp chí quốc tế. Tính trung bình mỗi năm, thế giới sẽ biết đến 6 bài báo khoa học về biển mà Việt Nam có được từ Chương trình trọng điểm quốc gia này. 

Nỗ lực khiêm tốn nhưng cần thiết

Ngày 9.3.2012, Học viện Ngoại giao phát đi một tin vui với chương trình học bổng hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông. Các sinh viên đại học và cao học trong cả nước sẽ có cơ hội nhận được 10 triệu đồng từ chương trình này cho mỗi chuyên đề nghiên cứu về Biển Đông và 20 suất học bổng như thế này sẽ được cấp trong năm 2012. Theo tuyên bố của Học viện Ngoại giao, chương trình này được thiết kế nhằm mục đích “thúc đẩy việc nghiên cứu về Biển Đông trong toàn quốc, đồng thời phát hiện các tài năng trẻ, đam mê nghiên cứu về Biển Đông để tiếp tục đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và phát triển ở Biển Đông”.

Trong một nỗ lực tương tự, Quỹ nghiên cứu Biển Đông cũng vừa công bố chương trình tài trợ cho mỗi bài viết hay về Biển Đông, với mức tài trợ từ 20 – 150 USD. Đây là chương trình đã được Quỹ nghiên cứu này thực hiện dưới nhiều hình thức từ khi thành lập (2007) đến nay. UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) cũng đã tiếp nhận sự ủng hộ của một “mạnh thường quân” là Công ty CP Truyền hình cáp Sông Thu, với mức tài trợ tối thiểu là 1.000 USD cho mỗi đề tài. Công ty này đồng thời cam kết đài thọ cho các chuyến khảo sát, thực địa của các cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu về biển đảo.

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu Biển Đông nói riêng còn nhiều hạn chế, việc xã hội tham gia tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu này lại trở nên đặc biệt quan trọng. Cho đến nay, tuy chưa có nhiều cá nhân, tổ chức tham gia tài trợ, nhưng nỗ lực của Quỹ nghiên cứu Biển Đông hay Công ty Sông Thu đã bước đầu tạo nền tảng cho việc cấp thiết hình thành một tổ chức vận động toàn xã hội tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)