Nghiên cứu khoa học: Công và Tư
Trước thực trạng ngành khoa học của chúng ta: trùng lặp và chồng chéo nhiệm vụ, hoạt động rời rạc, thiếu hiệu quả, đội ngũ cán bộ chưa được đánh giá và quản lý đúng mực, trình độ khoa học và công nghệ còn hạn chế so với khu vực và quốc tế, liệu các viện nghiên cứu tư nhân có thể vượt qua những trở ngại trên đây và làm tốt hơn các tổ chức khoa học công lập hiện nay? Nếu câu trả lời là có thì câu hỏi tiếp theo sẽ là tại sao, và như thế nào?
Hai nhà khoa học Arno Penzias và Robert Wilson của Phòng thí nghiệm Bell đã giành giải Nobel vật lý năm 1978.
Bài học từ phòng thí nghiệm Bell
Năm 1964, Arno Penzias và Robert Wilson thử nghiệm một bộ thu nhận tín hiệu radio mới, hoạt động tại nhiệt độ heli lỏng, trên ăng ten còi lớn. Mục đích nhằm thí nghiệm khả năng truyền thông giữa các vùng ở xa nhau trên thế giới bằng cách phát hiện những sóng radio phản xạ từ một vệ tinh khí cầu. Họ gặp một trở ngại bất ngờ: một một tín hiệu nhiễu nền đẳng hướng, có độ lớn tầm 2 bậc, lớn gấp hàng trăm lần so với dự kiến ban đầu. Cả hai nhà nghiên cứu đều là những người làm vật lý, tốt nghiệp tiến sỹ từ Columbia và Caltech, những đại học danh tiếng hàng đầu nước Mỹ. Không chịu bỏ cuộc, họ quyết tâm và tìm ra thủ phạm: tàn dư của khoảnh khắc lóe sáng cuối cùng của Vũ trụ trước khi các electron và proton hòa vào nhau thành các nguyên tử hydro tối, xảy ra 400 nghìn năm sau Big Bang. Khám phá của họ được gọi là Màn vi ba vũ trụ (Cosmic Microwave Background), mang lại giải Nobel Vật lý năm 1978.
Cả Penzias và Wilson đều làm việc ở phòng thí nghiệm Bell. Từ Davisson năm 1937 tới Betzig năm 2014, đã có tám giải Nobel được trao cho những công trình thực hiện tại các phòng thí nghiệm Bell: một minh chứng điển hình cho năng lực của khu vực tư nhân tham gia vào các nghiên cứu khoa học ở đẳng cấp cao nhất. Nó đòi hỏi tinh thần học thuật nghiêm ngặt và sự tôn trọng vô điều kiện cho sự tự do của nhà khoa học trong lựa chọn con đường nghiên cứu; nói cách khác, nó cho thấy sự trung thành với những nguyên tắc căn bản trong đạo đức, hoạt động, và phương pháp khoa học. Trong nhiều thập kỷ, những giám đốc của các phòng thí nghiệm Bell đều là các nhà khoa học danh tiếng: việc định hướng nghiên cứu khoa học thành công phải do những con người như vậy, không thể đặt trong tay những người mà chúng ta thường gọi là các nhà quản lý khoa học hay các nhà kinh doanh.
Trong một bài báo gần đây, tôi có khuyến nghị về Quyết định số 171 (27/1/2016) của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Quyết định này cho thấy thực trạng ngành khoa học của chúng ta: trùng lặp và chồng chéo nhiệm vụ, hoạt động rời rạc, thiếu hiệu quả, đội ngũ nhân sự không được đánh giá và quản lý đúng mực, trình độ khoa học và công nghệ thấp so với khu vực và quốc tế. Giải pháp mà Quyết định này đưa ra là tái cơ cấu và tổ chức lại một cách quyết liệt, khuyến khích các viện nghiên cứu công lập tự chủ hơn về tài chính, với phong cách quản lý gần hơn với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi đã bày tỏ lo ngại về xu hướng này, bởi nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang dựa nhiều vào lao động giá rẻ và vẫn còn một chặng đường dài trước khi chúng ta có thể chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Trong bối cảnh đó khoa học và công nghệ cần sự ủng hộ đầy đủ, thiết thực, và mạnh mẽ từ Chính phủ, thay vì bị đẩy vào thế tự xoay xở tìm cách sinh tồn.
Thật đáng buồn nếu các nhà quản lý giáo dục đại học và khoa học ở Việt Nam, đứng trước những thách thức khó khăn của đất nước, lại từ bỏ chức năng và trách nhiệm của mình và đẩy chúng sang khu vực tư nhân, dù đó là các đại học tư hay viện nghiên cứu tư nhân. Nguyên nhân của thực trạng hiện nay có gốc rễ từ rất sâu, đó là sự không tuân thủ những nguyên tắc căn bản về đạo đức khoa học mà tôi nêu ra trên đây. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải thay đổi phong cách, áp dụng những chuẩn mực học thuật và đạo đức nghiêm ngặt, coi trọng tri thức hơn tiền bạc, khuyến khích sự chuyên nghiệp và chuyên cần.
Ngược lại, sẽ là đáng biểu dương nếu các nhà quản lý giáo dục đại học và khoa học ở Việt Nam, giữa những khó khăn trước mắt, biết phát huy tối ưu các nguồn lực để giúp quá trình chuyển đổi [đất nước sang nền kinh tế tri thức] thành công. Một trong những nguồn lực quan trọng đó chính là thế hệ trẻ, những người cần được khuyến khích tham gia tiếng nói, với nhận thức sâu sắc rằng vận mệnh tương lai đất nước nằm trong tay bản thân họ – điều mà tôi đã khuyến nghị về điều này nhiều lần trong các bài báo. Sau đây, tôi xin dành đôi lời để nói về một nguồn lực quan trọng khác, đó là sự tham gia của khu vực tư nhân trong nghiên cứu khoa học.
Viện nghiên cứu tư nhân: Những trở ngại phải vượt qua
Ở đây, chúng ta cần làm rõ những ranh giới và tránh sử dụng sai ngôn từ. Chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư các nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực của họ. Chính phủ có thể hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp về tài chính, như miễn giảm thuế cho doanh nghiệp công nghệ cao, hay tài trợ cho các doanh nghiệp làm nghiên cứu có hồ sơ đăng lý thuyết phục.
Tuy nhiên, có nên khuyến khích hay không việc hình thành các viện nghiên cứu tư nhân một cách trực tiếp, hay gián tiếp bằng cách đặt trong các đại học tư nhân, lại là một vấn đề có bản chất hoàn toàn khác. Vai trò và ảnh hưởng của khu vực tư nhân trong nghiên cứu khoa học là một chủ đề rộng, thu hút nhiều sự quan tâm, có thể là đề tài cho nhiều bài báo của Tia Sáng, và đến nay đã được bàn luận khá nhiều. Nhưng ở đây chúng ta chỉ tập trung vào một câu hỏi đơn giản: khu vực tư nhân ở Việt Nam liệu có khả năng hình thành các viện nghiên cứu hoạt động thành công? Nếu câu trả lời là có thì câu hỏi tiếp theo sẽ là tại sao, và như thế nào?
Đại học Duy Tân là một trong những trường đại học tư của Việt Nam có đào tạo các môn khoa học cơ bản. nguồn: ĐH Duy Tân
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn lại những trở ngại cho sự phát triển nền khoa học của đất nước; chúng khá quen thuộc và vẫn thường được giới khoa học đề cập đến. Tôi xin điểm sơ qua những vấn đề nghiêm trọng nhất.
Tri thức và năng lực chuyên môn bị coi nhẹ so với tiền bạc. Hậu quả của điều này là những người làm quản lý được trả lương và dành sự tôn trọng cao hơn so với các nhà khoa học; Tầm nhìn trong quy hoạch và xây dựng các chính sách khoa học còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ của đất nước và chưa bám sát tình hình xu hướng phát triển các lĩnh vực khoa học hiện đại trên thế giới. Một trong những hậu quả là nền giáo dục đại học kém chất lượng, quá nhiều sinh viên chạy theo các ngành quản trị, kinh doanh, truyền thông… và quá ít người được đào tạo trong các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu. Một hậu quả khác là sự chênh lệch giữa chương trình giảng dạy của các đại học so với yêu cầu trong thực tiễn phát triển đất nước. Đơn cử như các giáo trình giảng dạy ngành vật lý hạt nhân của Việt Nam hiện nay vẫn chỉ tương đương với những gì tôi từng được học từ sáu mươi năm trước – thực tế cho thấy Việt Nam không thể đào tạo được đội ngũ kỹ sư và nhà khoa học cần thiết để có thể hiện thực hóa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây. Các ngành vật lý thiên văn và những lĩnh vực được quan tâm nhất của vật lý hiện đại không hề được đào tạo ở cấp tiến sỹ, trong khi những nỗ lực gần đây nhằm xây dựng một chương trình đào tạo tiến sỹ vật lý thiên văn đã bị cản trở bởi những người làm công tác quản lý trong hệ thống hiện tại.
Văn hóa khoa học căn bản vẫn còn là điều xa lạ, nhiều người có thái độ coi trọng lý luận hơn việc thực hành, đo lường, kiểm chứng; thiếu hiểu biết về trách nhiệm dành ngân sách cho vận hành và bảo trì khi sở hữu các thiết bị khoa học; không hiểu rằng việc mua sắm các thiết bị khoa học phải là kết quả từ một đề xuất chính đáng và được giải trình cặn kẽ từ cộng đồng những người sẽ sử dụng chúng, thay vì chỉ thuần túy là những quyết định từ trên xuống của những người lãnh đạo thiếu năng lực: chúng ta không thể mua sắm thiết bị về rồi mới tìm đối tượng sử dụng.Thiếu tuân thủ những nguyên tắc đạo đức nghiêm ngặt vốn là một phần tất yếu trong khoa học: gần đây chúng ta được biết về tai tiếng gian lận trong kỳ thi đại học; nạn đạo văn vẫn chưa được khắc phục đáng kể; việc bổ nhiệm và tuyển dụng được thực hiện một cách thiếu trung lập và khách quan. Nạn tham nhũng và thói gia đình trị là những điều không được cho phép tồn tại ở môi trường đại học và các viện nghiên cứu.
Thiếu sự tham gia đúng mức của các nhà khoa học, đặc biệt là những người làm post-doc trẻ tuổi trong quá trình xây dựng các chính sách định hình nên diện mạo nền nghiên cứu khoa học của đất nước; thiếu các ủy ban tư vấn khoa học với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế giàu uy tín, những người có đạo đức học thuật và tinh thần khách quan khoa học không thể nghi ngờ để có thể đưa ra các khuyến nghị thẳng thắn cần thiết. Khi những hội đồng như vậy được thành lập, thường là do các sáng kiến từ quốc tế, thì những khuyến nghị giàu chất lượng của họ thường không được lắng nghe và tiếp thu đúng mức.
Chưa khuyến khích sự tiến bộ và những nỗ lực chống lại thói quan liêu và bảo thủ trì trệ trong các quy trình thủ tục hành chính; tôi đã đề cập một số lần, như một ví dụ minh họa về sự cứng nhắc đáng hổ thẹn trong quá trình chúng ta hợp tác đồng đào tạo tiến sỹ với các đại học quốc tế giàu uy tín.
Trong bối cảnh như vậy, chúng ta lại đặt câu hỏi: liệu các viện nghiên cứu tư nhân có thể vượt qua những trở ngại trên đây và làm tốt hơn các tổ chức khoa học công lập hiện nay?
Một điều cần khẳng định rõ: để thành công, một tổ chức nghiên cứu tư nhân chắc chắn cần sự hỗ trợ từ một tổ chức đủ mạnh. Chúng ta không thể nghĩ rằng một đại học nhỏ tự gắn vào mình các mỹ từ “đại học nghiên cứu” để mau chóng cải thiện hình ảnh sẽ có thể thực sự thành công.
Cần một tổ chức rất mạnh để có thể triển khai những đổi mới cần thiết về đạo đức, văn hóa khoa học, và cách thức đưa ra các quyết định. Bên cạnh đó phải đảm bảo thu nhập và những điều kiện làm việc đủ để thu hút các nhà khoa học tài năng.
Tuy nhiên, những bình luận trên không nên được coi như sự không ủng hộ khu vực tư nhân tham gia đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Trái lại, chỉ cần các tổ chức đó đặt ra những mục tiêu khả thi và phù hợp với môi trường khoa học, kinh tế và chính trị, xã hội hiện nay, thì mọi nỗ lực hướng tới phụng sự lợi ích của khoa học và đất nước phải được khuyến khích và ủng hộ.
Một trong những sáng kiến cụ thể như vậy mà gần đây tôi được biết, đó là kỳ vọng của GS. Trần Thanh Vân hình thành tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICSE) mà ông thành lập ở Quy Nhơn, một nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu vật lý lượng tử. Họ làm cả về lý thuyết, với nghiên cứu về vật lý xa hơn Mô hình Chuẩn trong Vật lý lượng tử, cụ thể là về Siêu đối xứng, và thực hành, với sự hợp tác từ các nhà vật lý của Viện KEK (Nhật Bản) trong nghiên cứu về các chùm neutrino đường truyền dài, một lĩnh vực vật lý lượng tử tiên tiến nhất hiện nay. Trong hơn hai thập kỷ, chúng ta đã không thể xây dựng một nhóm nghiên cứu vật lý lượng tử thực nghiệm mà cơ bản là do thiếu động lực để hỗ trợ đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần cho một nhóm nghiên cứu như vậy. Nhiều sinh viên trẻ được gửi đi du học trong ngành vật lý lượng tử thực nghiệm ở những phòng thí nghiệm quốc tế danh tiếng, nhưng những tài năng như vậy khi về nước lại không được phát huy gây lãng phí chất xám và tiền bạc cho quốc gia. Vì vậy tôi hi vọng rằng ICISE, không bị trói buộc bởi những rào cản quá khứ, sẽ có thể gặt hái thành công mà những tổ chức khoa học công lập đã chưa thể làm được.
Tôi tin rằng nhiều sáng kiến tương tự khác đang và sẽ được triển khai trên nhiều ngành nghiên cứu khác nhau, từ nông nghiệp tới y tế. Họ cần có sự ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ từ chúng ta.
Thanh Xuân lược dịch